thuyet-minh-the-tho-that-ngon-bat-cu-duong-luat

Thuyết minh thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

Thuyết minh thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật

1. Nguồn gốc thể thơ

Thơ thất ngôn bát cú thật ra là loại cổ thi xuất hiện rất sớm bên Trung Quốc, đến đời Đường mới được các nhà thơ đặt lại các quy tắc cho cụ thể, rõ ràng và từ đó phát triển mạnh mẽ. Đây là loại thơ mà mỗi bài thơ thường có tám câu, mỗi câu 7 chữ, tuân theo các quy tắc hết sức chặt chẽ:

2. Các quy tắc và luật thơ

a. Bố cục: Thông thường chia làm 4 phần: đề, thực, luận, kết

  1. Đề (câu 1 – 2): Câu thứ nhất là câu phá đề (mở ý cho đầu bài). Câu thứ hai là câu thừa đề (tiếp ý của phá đề để chuyển vào thân bài);
  2. Thực (câu 3 – 4): Còn gọi là cặp trạng, nhiệm vụ giải thích rõ ý chính của đầu bài;
  3. Luận (câu 5 – 6): Phát triển rộng ý đề bài; biểu lộ suy tư, tư tưởng, tình cảm của tác giả;
  4. Kết (Câu 7 – 8): Kết thúc ý toàn bài;

b. Vần: Thường được gieo ở cuối câu 1, 2, 4, 6, 8.

c. Ngắt nhịp: thường ngắt nhịp 2/2/3; 4/3.

d. Đối: Có 2 cặp đối: Câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6, đối ở 3 mặt: đối thanh, đối từ loại và đối nghĩa. Nghĩa có thể đối một trong hai ý: đối tương hỗ hay đối tương phản.

e. Niêm: Câu 1 niêm với câu 8; câu 2 niêm với câu 3; câu 4 niêm với câu 5; câu  6 niêm với câu 7, tạo âm điệu và sự gắn kết giữa các câu thơ với nhau.

h. Luật bằng trắc: thường căn cứ vào tiếng thứ hai trong câu một. Nếu tiếng thứ hai là thanh bằng ta nói bài thơ ấy viết theo luật bằng; nếu tiếng thứ hai là thanh trắc ta nói bài thơ viết theo luật trắc. Luật bằng trắc trong từng câu quy định: Nhất, tam, ngũ bất luận. Nhị, tứ, lục phân minh

Bài văn tham khảo:

Thuyết minh thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

  • Mở bài:

Từ lâu, Đường Thi (thơ ca đời Đường, thơ Đường) vẫn được coi là thành tựu tiêu biểu của thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ảnh hưởng của thơ Đường rộng khắp các nền văn hóa Đông Á, trong đó có Việt Nam. Một trong những thể thơ Đường luật có sức ảnh hưởng sâu sắc trong nền văn học Việt Nam đó là thơ Thất ngôn bát cú.

  • Thân bài:

1. Nguồn gốc thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

Thể thơ thất ngôn bát cú là cổ thi, xuất hiện sớm ở Trung Quốc. Đến đời nhà Đường mới được các nhà thơ đặt quy định cụ thể, rõ ràng, có ảnh hưởng kéo dài trong chế độ phong kiến. Bởi thế thường gọi là thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

Thể thơ này đã được các đời vua Trung Quốc và Việt Nam dùng cho việc thi cử tuyển chọn nhân tài, rất phổ biến ở Việt Nam vào thời Bắc thuộc, chủ yếu được những cây bút quý tộc sử dụng.

2. Đặc điểm thể thơ Thất ngôn bát cú Đường luật.

Thể thơ có luật rất chặt chẽ. Tuy nhiên, trong quá trình sáng tác nhất là vào phong trào thơ mới tại Việt Nam từ năm 1925, bằng sự sáng tạo của mình, các tác giả đã làm giảm bớt tính gò bó, nghiêm ngặt của luật bằng – trắc để tâm hồn lãng mạn có thể bay bổng trong từng câu thơ.

* Về luật thơ:

Thông thường, thơ thất ngôn bát cú có thể làm theo 2 cách thông dụng:

+ Thất ngôn bát cú theo Đường luật: Có quy luật nghiêm khắc về luật, niêm, vần (độc vận), đối; thường có bố cục rất rõ ràng.

+ Thất ngôn bát cú theo Cổ phong: Không theo quy luật rõ ràng, có thể dùng một vần (độc vận) hay nhiều vần (liên vận) nhưng vần vẫn phải thích ứng với quy luật âm thanh, có nhịp bằng trắc xen nhau cho dễ đọc.

+ Còn một cách khác là theo Hán luật. Những bài thơ thất ngôn bát cú chữ Nôm thường được gọi là thơ Hán luật.

* Về bố cục bài thơ:

– Với những bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật có cấu trúc rất chặt chẽ, và có những nét riêng. Nếu tìm hiểu thao chiều dọc thì có bố cục, niêm, đối, vần. Nếu tìm hiểu theo chiều ngang thì có luật (bằng, trắc).

– Bố cục của bài thơ Thất ngôn bát cú có bốn phần: đề, thực, luận, kết. (mỗi phần có hai câu)

+ Phần đề (2 câu đầu): Giới thiệu về đối tượng, vấn đề cần nói đến. Phải làm cho người đọc thấy được “cái thần” của bài thơ và từ trong đề đã hàm ý các phần tiếp sau.

Ví dụ: Phần đề trong bài “Qua đèo ngang” đã giới thiệu phần nào khung cảnh đèo Ngang buổi xế tà (để chuẩn bị cho toàn bài)

+ Phần thực (gồm câu 3, 4): Triển khai ý tứ từ 2 câu thơ đề. Câu 3 và 4 đối nhau có nhiệm vụ triển khai ý tứ của đề như tả cảnh, tả việc hoặc cách nghĩa sự việc cho phần tiếp theo.

“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”

(Hai câu tả cảnh đã ngầm ý luận)

+ Phần luận (câu 5, 6): Thực hiện bình luận, mở rộng ý tứ của câu. Câu 5 và 6 cũng đối nhau có nhiệm vụ bình luận, nhận định. Thông thường triển khai tứ, ý ở hai câu thực và có khi lộn với hai câu luận, nếu hai câu thực đã ngầm ý luận.

“Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái da da”

+ Ở đây tác giả vẫn tiếp tục tả cảnh nhưng ngụ tình theo nghệ thuật thừa ý, chuyển ý.

– Phần kết (câu 7, 8) tổng kết, khép lại vấn đề. Phần kết với chức năng khép bài nhưng thường không khép kín mà gợi ý có khi gợi ra một ý mới.

“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”

+ Qua các phần đề, thực, luận kết cấu tứ của bài thơ ngày càng rõ dần theo một trình tự liên kết nhất đinhj, cảm xúc của tác giả cũng dần được bộc lộ qua kết cấu.

– Giữa thực và luận nhiều khi ranh giới cũng không rõ ràng tách bạch. Bởi thế khi phân tích cũng không tách ra một cách máy móc. Còn giữa đề và kết lại có quan hệ mật thiết từ hình thức đến nội dung: Về hình thức thì hai câu đề và câu kết cũng có hệ thống thanh bằng, thanh trắc trùng nhau.

“Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng chợ thời xa.
………………………..
Đầu trò tiếp khách trầu không có
Bác đến chơi đây ta với ta”

(Bạn đến chơi nhà – Nguyễn Khuyến)

Về nội dung thì câu đề giới thiệu ý của bài, câu kết vừa khái quát được ý vừa gây được âm vang và liên tưởng cho người đọc. Câu kết thường bộc lộ chủ đề của bài.

“Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”

Tóm lại kết cấu bài thơ Đường rất chặt chẽ từ đề, thực, luận, kết… đều nằm trong hệ thống chặt chẽ khi phân tích thơ Đường cho nên khi khai thác, phân tích văn bản tôi thường cắt ngang phân tích từng phần rồi cuối cùng tổng hợp lại.

Ví dụ: Khi dạy bài thơ “Qua đèo Ngang’’ của Bà Huyện Thanh Quan tôi phân tích theo kết cấu đề, thực luận kết rồi sau đó tổng hợp chốt lại kiến thức cơ bản vì trong suốt bài thơ tình lồng trong cảnh, cảnh biểu hiện tình ‘‘tả cảnh ngụ tình’’ để khi phân tích học sinh không bị trùng lặp kiến thức.

c. Về luật bằng trắc (đối thanh, đối ý):

Cấu trúc bài thơ thất ngôn bát cú gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ. Nếu tiếng thứ hai của câu 1vần bằng thì gọi là thể bằng (luật bằng), là vần trắc thì gọi là thể trắc (luật trắc).

Thể thơ quy định rất nghiêm ngặt về luật bằng-trắc. Luật bằng-trắc này đã tạo nên một nhịp điệu âm thanh tinh xảo, uyển chuyển cân đối làm lời thơ cứ du dương như một bản tình ca.

Người ta đã có những câu nói vấn đề về luật lệ của bằng trắc trong từng tiếng ở mỗi câu thơ: các tiếng nhất (1) – tam (3) – ngũ (5) bất luận còn các tiếng: nhị (2) – tứ (4) – lục 6) phân minh. Nếu một câu thơ Đường luật mà không theo quy định này thì được gọi “thất luật”.

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!
(……..B………….T…………B……….)
Trần thế em nay chán nửa rồi.
(……..T.……….B…………..T……….)

(Muốn làm thằng cuội – Tản Đà)

– Các chữ không dấu và chỉ có dấu huyền: thuộc thanh bằng.

– Các chữ có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã: thuộc thanh trắc.

– Các chữ thứ một, ba, năm là bằng hay trắc đều được, nhưng các chữ thứ hai, tư, sáu phải theo đúng luật bằng trắc.

– Trong các câu thơ các chữ thứ 2,4, 6 phải đối thanh.

Nếu chữ thứ 2 là bằng thì chữ thứ thứ 4 là trắc ® chữ thứ 6 là bằng. Nếu chữ thứ 2 là trắc ® chữ thứ 4 là bằng chữ thứ 6 là trắc.

– Nói cách khác trong mỗi câu thơ chữ thứ hai và chữ thứ 6 phải đồng thanh, chữ thứ 4 phải đối thanh với chữ thứ 2 và chữ thứ 6.

Ví dụ bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
(T       T   B        B       T     T  B)
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
(T   B      B    T  T    B      B)

– Nguyên tắc cố định của một bài thơ Đường luật là ý nghĩa của hai câu 3 và 4 phải “đối” nhau và hai câu 5, 6 cũng “đối” nhau. Đối thường được hiểu là sự tương phản (về nghĩa kể cả từ đơn, từ ghép, từ láy) bao gồm cả sự tương đương trong cách dùng các từ ngữ.

+ Đối chữ: danh từ đối danh từ, động từ đối động từ. Đối cảnh: trên đối dưới, cảnh động đối cảnh tĩnh… Nếu một bài thơ Đường luật mà các câu 3, 4 không đối nhau, các câu 5, 6 không đối nhau thì bị gọi “thất đối”.

Ví dụ: hai câu 3, 4 trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà”

“Lom khom” đối với “lác đác” (hình thể và số lượng – thực ra hai câu này chưa phải đối hoàn chỉnh), “dưới núi” đối với “bên sông” (vị trí địa hình), song nếu nối hình ảnh hai câu trên “lom khom dưới núi” và “lác đác bên sông” thì vì một câu diễn tả về cảnh động, còn một câu diễn tả về cảnh tĩnh, nên sự đối lập có thể chấp nhận được. Một điểm nên chú ý là cách dùng từ láy âm “lom khom” chỉ dáng người của câu trên, và “lác đác” chỉ số lượng của câu dưới. Hai vế tiếp: “tiều vài chú” đối với “rợ mấy nhà” (đối lập về số lượng và tĩnh/động). Sự đối lập của hai vế cuối có thể coi là hoàn chỉnh. Xin xem thêm về thơ đối hoặc Câu đối Việt Nam để hiểu thêm về luật đối trong thơ.

e. Niêm.

Các câu trong một bài thơ Đường luật giống nhau về luật thì được gọi là “những câu niêm với nhau” (niêm = giữ cứng, ở đây được hiểu là giữ giống nhau về luật). Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì trong cả hai câu cùng theo một luật, hoặc cùng là bằng, hoặc cùng là trắc, thành ra bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Ở những câu theo nguyên tắc là cần phải niêm, nếu tác giả sơ suất mà làm thành không niêm thì bài đó bị gọi là “thất niêm”.

Nguyên tắc niêm trong một bài thơ Đường luật chuẩn (thất ngôn bát cú) như sau:

Câu 1 niêm với câu 8.
Câu 2 niêm với câu 3.
Câu 4 niêm với câu 5.
Câu 6 niêm với câu 7.

g. Vần.

Vần là những chữ có cách phát âm giống nhau, hoặc gần giống nhau, được dùng để tạo âm điệu trong thơ. Trong một bài thơ Đường luật chuẩn, vần được dùng tại cuối các câu 1, 2, 4, 6 và 8. Những câu này được gọi là “vần với nhau“. Nếu một bài thơ Đường luật mà chữ cuối của một trong các câu này không giống nhau về vần thì được gọi “thất vần”.

Những chữ có vần giống nhau hoàn toàn gọi là “vần chính“, những chữ có vần gần giống nhau gọi là “vần thông”. Hầu hết thơ Đường luật dùng vần thanh bằng, nhưng cũng có các ngoại lệ.

Ví dụ: hai câu 1, 2 trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới đèo Ngang, bóng xế
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Hai chữ “tà”“hoa” được xem là vần với nhau, nhưng ở đây là “vần thông” vì chỉ phát âm gần giống nhau.

g. Ngôn ngữ trong thơ Đường luật.

Một trong những đặc điểm của thơ Đường luật là tính hàm súc (ý tại ngôn ngoại). Đây chính là đặc điểm của một bài thơ có giá trị. Với 56 tiếng của của bài Thất ngôn bát cú và 28 câu của bài tứ tuyệt, bài thơ phải diễn đạt được tối đa ý đồ thầm kín của tác giả.

Ngoài ra một yếu tố nữa trong ngôn ngữ được những nhà thơ xưa coi trọng, đó là yếu tố hoạ, nhạc “Thi trung hữu hoạ” hoặc “Thi trung hữu nhạc”. Để làm nổi bật được “bức tranh” trong bài thơ người ta sử dụng lối văn hình ảnh, dùng từ ngữ gợi tả hình tượng màu sắc, đường nét cho nổi hình trước mắt người xem.

Trong thơ Đường, đặc biệt là thơ Đường luật thường không có hư từ mà chỉ có những thực từ gắn kết với nhau theo cấu trúc nội tại vì thế khi phân tích tôi coi trọng việc khai thác từng tiếng, từng từ, từng hình ảnh kết hợp việc phân tích, giảng thuật và  kênh hình để từ đó học sinh cảm nhận được những  tấc lòng của thi nhân, những nỗi niềm tâm sự thầm kín.

Đây là một trong những đặc sắc của thơ Đường luật. Đó chính là sự cô đúc, súc tích được sản sinh từ một kiểu tư duy nghệ thuật, một thi pháp độc đáo của các nhà thơ xưa.

3. Một bài thơ Thất ngôn bát cú Đường luật tiêu biểu.

“Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan.

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Trong đó:

+ Hai câu đầu tiên (1 và 2) là hai câu Đề dùng để: Mở Đề và Vào Đề (mở bài, giới thiệu…)

+ Hai câu tiếp theo (3 và 4) là hai câu Thực dùng để:(miêu tả), yêu cầu của 2 câu này là đối nhau cả về thanh (bằng đối trắc hoặc ngược lại) và về nghĩa (Lom khom – Lác Đác, Dưới núi – Bên sông, Tiều vài chú – rợ mấy nhà)
Hai câu 5 và 6 là hai câu Luận (suy luận), yêu cầu cũng đối nhau cả về thanh và nghĩa, tương tự như hai câu Thực ở trên

+ Hai câu cuối cùng (7 và 8) là hai câu Kết (kết luận), không yêu cầu đối nhau.

+ Cách ngắt nhịp: 2/2/3 hoặc 4/3, 3/4.

+ Cách gieo vần: Các tiếng cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8 hiệp vần bằng với nhau.

4. Đánh giá về thể thơ.

+ Thể thơ Thất ngôn bát cú đường luật ngắn gọn, hàm súc, giàu nhạc điệu.

+ Thi pháp chặt chẽ, số câu chữ bắt buộc phải tuân thủ, không được thêm bớt nên không dễ làm.

+ Có sự kết hợp hài hoà cân đối cổ điển nhạc điệu trầm bổng đăng đối nhịp nhàng. Có nội dung rất đa dạng và phong phú.

+ Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt có thi pháp chặt chẽ, nghiêm cách, vô cùng đa dạng nhưng không hề đơn giản, số câu số chữ bắt buộc không được thêm bớt.

  • Kết bài:

Tuy thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật phải tuân thủ theo những nguyên tắc chặt chẽ khó có thể làm được những bài thơ hay. Tuy nhiên, nhiều nhà thơ Việt Nam như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… đã mạnh dạn “phá luật” để lại nhiều bài thơ có giá trị và trong quá trình sử dụng đã dân tộc hoá thể thơ này về nhiều phương diện.

Thuyết minh thể thơ Đường luật

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang