Văn học dân gian là gì?

van-hoc-dan-gian-la-gi

Văn học dân gian.

1. Văn học dân gian là gì ?

Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp dân chúng, phát sinh từ thời công xã nguyên thủy, phát triển qua các thời kỳ lịch sử cho tới ngày nay.

Ở Việt Nam, 3 thuật ngữ sau đây được xem là tương đương: Văn học dân gian, sáng tác nghệ thuật truyền miệng của nhân dân, folklore ngôn từ (folkore văn học ). Một số khái niệm xuất hiện trước những năm năm mươi như văn học (văn chương) bình dân, văn học (văn chương) truyền khẩu (truyền miệng),văn học (văn chương) đại chúng. Những khái niệm nầy nay không dùng nữa.

Về khái niệm folklore: Thuật ngữ folklore do nhà nhân chủng học người Anh, ông William Thoms dùng trong bài báo đăng trên tờ Athenaeum, ngày 22/8/1846, với ý nghĩa là những di tích của nền văn hóa vật chất và chủ yếu là di tích của nền văn hoá tinh thần như phong tục, đạo đức, tín ngưỡng, những bài dân ca, những câu chuyện kể của cộng đồng. Sau khi xuất hiện, thuật ngữ nầy được hiểu với nhiều nghĩa rộng hẹp khác nhau, liên quan tới đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.

Ở Việt Nam, thuật ngữ này được dịch là văn hóa dân gian với những ý nghĩa sau :

a. Nghĩa rộng: bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do dân chúng sáng tạo (folk culture). Theo cách hiểu nầy, văn hoá dân gian là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đồng thời nó cũng là đối tượng nghiên cứu của văn hoá học

b. Nghĩa hẹp: Những sáng tạo của dân chúng mang tính nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, văn hóa dân gian gồm ba thành tố: Nghệ thuật ngữ văn dân gian (tức văn học dân gian), nghệ thuật tạo hình dân gian , nghệ thuật diễn xướng dân gian. Đó là tất cả các hình thức và thể loại sáng tác dân gian có thành phần nghệ thuật ngôn từ kết hợp với các thành phần nghệ thuật khác (như nhạc, vũ,..) thường được gọi chung là nghệ thuật biểu diễn dân gian mang tính chất tổng hợp (ví dụ : tục ngữ , ca dao, dân ca, thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ngụ ngôn, chèo ). Với nghĩa này, thuật ngữ văn học dân gian không bao hàm các loại nghệ thuật tạo hình (như hội họa, điêu khắc, chạm trổ, nặn tượng,…) và các hình thức nghệ thuật biểu diễn không có yếu tố ngôn từ (như kịch câm, các loại vũ kịch không lời,…).

c. Nghĩa chuyên biệt: folklore là văn học dân gian, theo đó tác phẩm folklore là hình thức ngôn từ gắn với nhạc, vũ, kịch … do tập thể dân chúng sáng tác. Cũng có thể dùng thuật ngữ folklore văn học để chỉ văn học dân gian đồng thời phân biệt nó với các đối tượng khác cũng thuộc phạm trù folklore – văn hoá văn dân gian. Với nghĩa này thì thuật ngữ văn học dân gian đồng nghĩa với thuật ngữ phônclo ngôn từ.

Mỗi cách hiểu văn học dân gian đều gắn với một hệ thống quan niệm và phương pháp nghiên cứu, nhìn nhận sáng tác dân gian nhất định, trong đó cách hiểu thứ hai và thứ ba là những quan niệm phổ biến hiện hành, còn cách hiểu thứ nhất (mở rộng đến độ cực đại) và thứ tư (thu hẹp đến độ cực tiểu) đều không được dùng phổ biến.

II. Đặc trưng cơ bản của tác phẩm văn học dân gian.

1. Tính nguyên hợp.

Tính nguyên hợp của văn học dân gian biểu hiện ở sự hòa lẫn những hình thức khác nhau của ý thức xã hội trong các thể loại của nó. Có thể nói rằng, văn học dân gian là bộ bách khoa toàn thư của nhân dân. Tính nguyên hợp về nôi dung của văn học dân gian phản ánh tình trạng nguyên hợp về ý thức xã hôi thời nguyên thuỷ, khi mà các lĩnh vực sản xuất tinh thần chưa được chuyên môn hoá. Trong các xã hội thời kỳ sau, mặc dù các lãnh vực sản xuất tinh thần đã có sự chuyên môn hoá nhưng văn học dân gian vẫn còn mang tính nguyên hợp về nội dung . Bởi vì đại bộ phận nhân dân , tác giả văn học dân gian , không có điều kiện tham gia vào các lãnh vực sản xuất tinh thần khác nên họ thể hiện những kinh nghiệm , tri thức , tư tưởng tình cảm của mình trong văn học dân gian , một loại nghệ thuật không chuyên.

Về loại hình nghệ thuật: Tính nguyên hợp của văn học dân gian biểu hiện ở chỗ : Văn học dân gian không chỉ là nghệ thuật ngôn từ thuần túy mà là sự kết hợp của nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau. Sự kết hợp này là tự nhiên, vốn có ngay từ khi tác phẩm mới hình thành. Một bài dân ca trong đời sống thực của nó , không chỉ có lời mà còn có nhạc, điệu bộ, lề lối hát…

– Biểu hiện cụ thể của tính nguyên hợp là tính biểu diễn. Văn học dân gian có ba dạng tồn taị: tồn tại ẩn (tồn tại trong trí nhớ của tác giả dân gian) , tồn taị cố định ( tồn taị bằng văn tự ), tồn taị hiện ( tồn taị thông qua diễn xướng). Tồn taị bằng diễn xướng là dạng tồn taị đích thực của văn học dân gian . Tuy nhiên ,không thể phủ nhận hai dạng tồn tại kia; bởi vì như vậy sẽ dẫn tới phủ nhận khoa học về văn học dân gian và công việc giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường. Trở lại vấn đề,chính trong biểu diễn , các phương tiện nghệ thuật của tác phẩm văn học dân gian mới có điều kiện kết hợp với nhau tạo nên hiệu quả thẩm mỹ tổng hợp. Sự kết hợp nầy một mặt là biểu hiện của tính nguyên hợp, một mặt là lẽ tồn taị của tính nguyên hợp.

2. Tính tập thể.

Văn học dân gian là sáng tác của nhân dân, nhưng không phải tất cả nhân dân đều là tác giả của văn học dân gian. Cần chú ý vai trò của cá nhân và quan hệ giữa cá nhân với tập thể trong quá trình sáng tác, biểu diễn, thưởng thức tác phẩm văn học dân gian.

Tính tập thể thể hiện chủ yếu trong quá trình sử dụng tác phẩm. Vấn đề quan trọng ở chỗ nó được mọi người biểu diễn, thưởng thức hay không, nó đã đạt mức thành tựu hay không. Trong quá trình đó, tập thể nhân dân tham gia vào công việc đồng sáng tạo tác phẩm

Quan hệ giữa truyền thống và ứng tác là hệ quả của mối quan hệ giữa các nhân và tập thể. Truyền thống văn học dân gian một mặt là cái vốn giúp nghệ nhân dân gian ứng tác( sáng tác một cách chớp nhoáng mà không có sự chuẩn bị trước) dễ dàng, một mặt qui định khuôn khổ cho việc sáng tác. Ứng tác đến lượt nó sẽ cung cấp những đơn vị làm giàu cho truyền thống

– Hai đặc trưng cơ bản vừa nêu trên có liên quan chặt chẽ với các đặc trưng khác của văn học dân gian như : tính khả biến ( gắn với việc tồn tại các dị bản của tác phẩm ) , tính truyền miệng , tính vô danh .

3. Văn học dân gian – một loại nghệ thuật gắn liền với sinh hoạt của nhân dân.

Văn học dân gian nảy sinh và tồn tại như một bộ phận hợp thành của sinh hoạt nhân dân. Sinh hoạt nhân dân là môi trường sống của tác phẩm văn học dân gian. Tác phẩm văn học dân gian có tính ích dụng. Bài hát ru gắn với việc ru con ngủ – một hình thức sinh hoạt gia đình. Ngược lại, việc đưa con ngủ thường không thể thiếu lời ru. Tương tự, những bài dân ca nghi lễ, các truyền thuyết gắn với tín ngưỡng, lễ hội… Từ đặc trưng này mà văn học dân gian có tính đa chức năng, trong đó, đặc biệt là chức năng thực hành sinh hoạt.

* Đặc trưng của sử thi:

– Tác phẩm tự sự có vần, nhịp.

– Kể lại những sự kiện lớn liên quan đến cộng đồng người.

* Đặc trưng của truyền thuyết:

– Đề tài: lấy từ lịch sử, thường là những vấn đề có tính chất trọng đại

– Sử dụng nhiêu yếu tố tưởng tượng, hư cấu

– Nhân vật được xây dựng đơn giản

– Cốt truyện đơn giản, ít tình tiết.

* Đặc trưng của cổ tích:

– Có sự tham gia của các yếu tố thần kì vào tiến trình phát triển của câu chuyện.

– Thể hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng.

* Đặc trưng truyện cười:

– Khai thác những sự việc, hành vi, thói xấu của một bộ phận đối tượng trong dân gian.

– Chứa đựng những mâu thuẫn trái quy luật tự nhiên và tiềm ẩn những yếu tố gây cười.

– Dung lượng ngắn, kết thúc bằng những sự việc bất ngờ.

– Mang ý nghĩa giáo dục và giải trí.

* Đặc trưng ca dao:

– Thể thơ : chủ yếu là thể lục bát.

– Ngôn ngữ : giản dị, gần gũi với lời nói hàng ngày. Có lối diễn đạt mang tính môtip.

– Các biện pháp tu từ : so sánh, ẩn dụ, nhân hóa…

III. Chức năng của tác phẩm văn học dân gian.

1. Về chức năng nhận thức.

Văn học dân gian được xem như “bộ bách khoa toàn thư về kiến thức, tôn giáo, triết học” của nhân dân. Văn học dân gian gìn giữ và lưu truyền hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội, tâm linh, kinh nghiệm sống, ứng xử… Văn học dân gian là người thầy lớn đem lại cho nhân loại những bài học sinh động, gần gũi và sâu sắc về mọi phương diện của đời sống.

2. Về chức năng giáo dục.

Văn học dân gian có khả năng định hướng đạo đức, luân lí cho con người trong đời sống xã hội. Chức năng này gần gũi và có sự giao thoa với phương diện xã hội của chức năng nhận thức. Tuy nhiên, nếu chức năng nhận thức là sự phản ánh các hiện tượng xã hội một cách khách quan thì chức năng giáo dục lại là sự tác động, ảnh hưởng, chi phối cả trực tiếp lẫn gián tiếp đến cộng đồng. Có những tác phẩm, nhiều nhất thuộc thể loại hát nói, mang ý nghĩa giáo dục trực tiếp, tức ý nghĩa giáo dục được thể hiện một cách tường minh. Song, phần lớn các sáng tác dân gian chứa đựng ý nghĩa giáo dục hàm ẩn, tức ý nghĩa giáo dục gián tiếp.

3. Về chức năng thẩm mĩ.

Văn học dân gian là nghệ thuật, là quan niệm thẩm mĩ của cộng đồng, nó mang vẻ đẹp hồn hậu, giản mộc của nhân dân. Mang bản chất nguyên hợp, văn học dân gian chỉ thực sự phô diễn vẻ đẹp của mình khi sống trong môi trường nảy sinh và tồn tại, tức thành phần nghệ thuật ngôn từ phải được kết nối với thành phần nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo trong môi trường diễn xướng.

4. Về chức năng sinh hoạt.

 Khác với văn học viết, văn học dân gian ra đời và trở thành một bộ phận hữu cơ trong môi trường sinh hoạt và lao động của nhân dân. Văn học dân gian gắn bó mật thiết với cuộc đời mỗi người xuyên suốt “từ chiếc nôi ra tới nấm mồ”. Môi trường và thói quen sinh hoạt của nhân dân là điều kiện quan trọng cho văn học dân gian hình thành và phát triển.

IV. Phân loại.

1. Phân loại cấp độ văn học dân gian.

– Khung phân loại văn học dân gian gồm 3 cấp cơ bản : Loại, thể loại, biến thể của thể loại. Ngoài ra, giữa loại và thể loại còn có cấp trung gian là nhóm thể loại.

1. Loại tự sự.

– Văn xuôi tự sự: Thần thọai, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười và truyện ngụ ngôn.

– Thơ ca tự sự: Sử thi, các loại vè, truyện thơ.

– Câu nói vần vè: Tục ngữ, câu đố, câu phù chú.

2. Loại trữ tình :

– Thơ ca trữ tình nghi lễ:

+ Bài ca nghi lễ lao động.

+ Bài ca nghi lễ sinh hoạt.

+ Bài ca nghi lễ tế thần.

– Thơ ca trữ tình phi nghi lễ:

+ Bài ca lao động.

+ Bài ca ù sinh hoạt.

+ Bài ca ù giao duyên.

3. Loại kịch:

Bao gồm ca kịch và trò diễn dân gian: chèo sân đình , tuồng đồ, những trò diễn có tích truyện.

2. Hệ thống thể loại.

Hệ thống thể loại văn học dân gian là một chỉnh thể. Ðây là một hệ thống chịu sự chi phối của mỹ học dân gian để cho các tác phẩm thuộc mọi thể loại của nó đều mang “tính dân gian”. Mặt khác , giữa các thể loại của hệ thống lại có quan hệ với nhau .

Việc áp dụng phương pháp phân loại, phân vùng và phân kì văn học dân gian đã và đang đem lại cho khoa học nghiên cứu văn học dân gian ở các nước nhiều kết quả và những thuật ngữ cần thiết, có lợi cho việc tìm hiểu, nhận thức lĩnh vực này. Cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết vấn đề phân loại văn học dân gian một cách triệt để và sâu sắc, nhưng dựa vào những tiêu chí cơ bản (về phương thức biểu diễn, phương thức phản ánh, chức năng chủ yếu, đề tài, thể văn,…) có thể phân văn học dân gian thành các loại hình (hay chủng loại) chính sau đây:

– Loại hình nói (luận lí): tục ngữ, câu đố.

– Loại hình kể (tự sự): các loại truyện kể dân gian.

– Loại hình hát (trữ tình): các loại ca dao, dân ca,…

– Loại hình diễn (kịch): chèo, tuồng đồ,…

Khái niệm “vùng văn học dân gian” được hình thành và phát triển trên cơ sở vận dụng tính địa phương và tính truyền thống của văn học dân gian vào hoạt động điều tra, nghiên cứu văn học dân gian của mỗi dân tộc.

Văn học dân gian nói riêng cũng như sáng tác dân gian nói chung của mỗi dân tộc đều không đứng yên mà luôn luôn vận động. Sự vận động đó vừa diễn ra trong thời gian, vừa diễn ra trong không gian gắn với địa bàn làm ăn, sinh sống của nhân dân. Muốn nghiên cứu chiều vận động trong không gian thì phải phân vùng, muốn tìm hiểu chiều vận động trong thời gian thì phải phân kì văn học dân gian. Sự hình thành các thời kì trong lịch sử sáng tác của nhân dân thường gắn với sự hình thành và phát triển của các thể loại và các vùng, miền văn học dân gian truyền thống. Vì thế việc đặt các tác phẩm văn học dân gian vào các thể loại, vùng, miền và thời kì lịch sử gốc của chúng là hết sức cần thiết.

Đến nay, khoa nghiên cứu văn học dân gian đã tìm thấy ở văn học dân gian có nhiều đặc điểm và thuộc tính quan trọng đáng chú ý như tính truyền miệng, tính nguyên hợp, tính tập thể, tính vô danh, tính dị bản, tính truyền thống, tính địa phương, tính quốc tế,… trong đó tính truyền miệng được nhiều người coi là thuộc tính quan trọng nhất, có quan hệ nhiều nhất với các thuộc tính và đặc điểm khác của văn học dân gian.

V. Từ văn học dân gian đến văn học thành văn.

1. Văn học dân gian và văn học thành văn (văn học viết).

– Văn học dân gian và văn học viết cùng là loại hình nghệ thuật ngôn từ. Từ điểm chung nầy mà khoa học về văn học dân gian có thể sử dụng những nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu văn học để nghiên cứu văn học dân gian ở một mức độ nào đó. Chẳng hạn, có thể miêu tả các thành phần của tác phẩm như cốt truyện, nhân vật, cấu trúc…

– Những đặc trưng loại biệt của văn học dân gian so với văn học viết:

+ Văn học dân gian là sáng tác tập thể (văn học viết là sáng tác của cá nhân)

+ Văn học dân gian chỉ tồn tại thực tế khi diễn xướng nên có khả năng biến đổi, do vậy, nó có các dị bản (văn học viết cố định trong văn bản và chỉ có một bản duy nhất)

+ Văn học dân gian là thành phần hữu cơ của các hình thức sinh hoạt của nhân dân.

2. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết.

Văn học dân gian là nền tảng của văn học viết, là chặng đầu của nền văn học dân tộc.Khi chưa có chữ viết, nền văn học dân tộc chỉ có văn học dân gian; khi có chữ viết nền văn học nầy bao gồm hai bộ phận: văn học dân gian và văn học viết

Văn học viết chịu ảnh hưởng văn học dân gian về nhiều phương diện, từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật.Ví dụ: Truyền thuyết Thánh Gióng đã mở đầu cho dòng văn học yêu nước, chống xâm lược trong nền văn học dân tộc. Thể thơ lục bát, thể thơ được thi hào Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, bắt nguồn từ bộ phận văn vần dân gian…

Văn học viết cũng có ảnh hưởng trở lại đối với văn học dân gian trên một số phương diện . Chẳng hạn , tác giả dân gian đã đưa những chất liệu văn học viết vào ca dao ( những nhân vật trong Truyện Kiều , Lục Vân Tiên …)

Mối quan hệ giữa văn học dân gian với văn học cũng như vai trò, ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học thể hiện trọn vẹn hơn cả ở lĩnh vực sáng tác và ở bộ phận thơ văn quốc âm. Có thể nói , mảng truyện thơ Nôm khuyết danh là sự gặp gỡ của hai bộ phận văn học dân tộc.

VI. Văn học dân gian và dân tộc học.

1. Khoa học về văn học dân gian.

Khoa học về văn học dân gian nghiên cứu tác phẩm văn học dân gian, sinh hoạt văn học dân gian, tác giả và công chúng văn học dân gian. Trong đó, tác phẩm văn học dân gian là đối tượng chính. Tác phẩm văn học dân gian ở đây là một chỉnh thể gồm lời, nhạc, điệu bộ…Khoa nghiên cứu văn học dân gianï gồm các phân môn sau: Lý luận văn học dân gian, Lịch sử văn học dân gian, Phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian.Và bộ phận đặc thù là công tác sưu tầm văn học dân gian.

2. Khoa học về văn học dân gian và dân tộc học.

Văn học dân gian, một thành tố của văn hóa dân gian là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học. Nhiều thể loại văn học dân gian phát sinh từ xã hội công xã nguyên thủy và ngay cả văn học dân gian ở các giai đoạn phát triển sau này luôn bị quy định bởi các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian. Do vậy cần dựa vào dân tộc học để nghiên cứu. Chẳng hạn truyện Sao Hôm, sao Mai, Sự tích trầu cau là tiếng vọng xa xôi của chế độ quần hôn trong xã hội công xã thị tộc đồng thời chúng cũng cho thấy chế độ phụ quyền với vị trí của người con trưởng được khẳng định

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.