Khái niệm thơ là gì ?

chung-minh-lao-dong-la-nguon-goc-cua-van-nghe

Khái niệm thơ là gì?

I. Thơ là gì ?

1. Ở Trung Quốc thời trung đại.

– Thơ là một hình thức sáng tác văn học đầu tiên của loài người. Thơ có lịch sử lâu đời như thế nhưng để tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng bản chất của nó cho việc nghiên cứu thơ ngày nay thì thật không dễ.

– Trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa, khái niệm “thơ là gì?” đã được đề cập đến từ rất sớm. Cách đây khoảng 1500 năm, trong cuốn Văn tâm điêu long, Lưu Hiệp đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ là tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn).

– Kế thừa quan niệm của Lưu Hiệp, đến đời Đường, Bạch Cư Dị đã nêu lên các yếu tố then chốt tạo thành điều kiện tồn tại của thơ: “Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa”. Quan niệm này không chỉ dừng lại ở việc nêu lên các yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn chỉ ra mối quan hệ gắn bó giữa chúng, giống như gốc rễ, mầm lá, hoa, quả gắn liền với nhau trong một thể thống nhất hoàn chỉnh và sống động. Đây có thể coi là quan niệm về thơ toàn diện và sâu sắc nhất trong nền lý luận văn học cổ điển Trung Hoa.

2. Ở Việt Nam thời hiện đại.

Khái niệm “thơ là gì?” cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến với nhiều quan niệm, nhiều khuynh hướng khác nhau.

– Trước hết, cần khẳng định thơ là hình thức sáng tác văn học phản ảnh đời sống, là thể loại văn học ra đời đầu tiên, có phạm vi phổ biến rộng và sâu.

– Về hình thức nghệ thuật: Nhìn từ bên ngoài, thơ là hình thức cấu tạo ngôn từ đặc biệt. Việc sắp xếp các câu (dòng) thơ như những đơn vị nhịp điệu làm nên một hình thức có tính tạo hình, thành một cấu trúc đặc biệt. Mỗi câu thơ đều là một cách sắp xếp có dụng ý qua cách dùng từ, hình ảnh, số chữ, nhịp điệu, hiệp vần, phối thanh, các biện pháp tu từ…

– Về nội dung, ý nghĩa: Về bản chất bên trong của thơ thì thơ là một thể loại trữ tình, là tiếng nói tâm hồn của con người. Thơ là tiếng nói của cảm xúc, là người thư kí trung thành của trái tim, là tiếng nói thầm của nội tâm sâu kín “Thơ là tiếng nói đầu tiên, là tiếng nói thứ nhất của tâm hồn con người khi đụng chạm với cuộc sống” (Nguyễn Đình Thi).

– Về giá trị, chức năng, tư tưởng:

+ Thơ ca bao giờ cũng là tấm gương phản ánh cuộc sống và đặc biệt thể hiện đời sống tâm hồn con người.

+ Thơ là trạng thái tình cảm, cảm xúc cao độ, tràn đầy đòi hỏi phải được thể hiện qua hình thức nghệ thuật. Con đường để thơ đến với người đọc là “từ trái tim đến trái tim”. Người nghệ sĩ từ chỗ rung động trước cái đẹp sẽ lan truyền những rung động đó tới người đọc.

+ Cảm xúc mạnh mẽ của nhà thơ có thể tạo nên những câu thơ có tầm tư tưởng tác động đến nhận thức của người đọc nên “Thơ không chỉ đưa ru mà còn thức tỉnh”. Ở phương diện này, các thi sĩ huy động các thao tác của tư duy như phân tích, khái quát, tưởng tượng… để sáng tạo nghệ thuật tạo nên những câu thơ lấp lánh chất trí tuệ, triết lí.

Hiện nay, cách định nghĩa về thơ của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học có thể xem là chung nhất: “Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”. Định nghĩa này đã nêu rõ nội dung của thơ là phản ánh đời sống, thể hiện tâm trạng, cảm xúc mạnh mẽ và hình thức nghệ thuật là ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu. Đặc biệt, đã nêu rõ được sự khác biệt của ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ trong những thể loại văn học khác.

Và bao quát quá trình sáng tạo và ý nghĩa nội dung, tư tưởng của thơ, Xuân Diệu khẳng định “Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đã đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ ấy phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay, thơ là tiếng gọi đàn, là sự đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu của những con người.”

II. Đặc điểm ngôn ngữ thơ.

1. Đặc điểm ngôn ngữ thơ là gì?

a. Ngôn ngữ thơ trước hết cũng mang đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật nói chung.

Ngôn ngữ chính là chất liệu và công cụ của nhà văn, nhà thơ. Ngôn ngữ trong văn học vốn dựa vào ngôn ngữ đời sống nhưng không phải là ngôn ngữ của đời sống hàng ngày mà là ngôn ngữ được nghệ thuật hóa, cách điệu hóa. Nhà văn, nhà thơ sử dụng ngôn ngữ một cách trau chuốt, sang tạo để thành một thớ ngôn ngữ giàu có, sang trọng và đẹp đẽ.

Ngôn ngữ văn học phải có các đặc trưng như: tính hệ thống, tính chính xác, tính truyền cảm, tính hình tượng, tính hàm súc, đa nghĩa, tính cá thể hóa…

– Ngoài ra, ngôn ngữ văn học cần phải trong sáng, phù hợp chuẩn mực để người tiếp nhận có thể hiểu và chấp nhận sự mới lạ.

b. Ngôn ngữ thơ chủ yếu là ngôn ngữ của nhân vật trữ tình.

– Ý nghĩa của văn bản thơ muốn biểu đạt thường không được thể hiện trực tiếp, đầy đủ qua lời thơ mà qua lời thơ, tứ thơ, giọng điệu, hình ảnh, biểu tượng thơ gợi nên. Ngôn ngữ thơ thiên về khơi gợi, giữa các câu thơ có nhiều khoảng trống đòi hỏi người đọc phải chủ động liên tưởng, tưởng tượng, thể nghiệm thì mới hiểu hết sự phong phú của ý thơ bên trong.

c. Ngôn ngữ thơ mang bản chất của đời sống.

– Ngôn ngữ thơ trước hết là ngôn ngữ đời sống, và nhiều khi không khác biệt với ngôn ngữ đời sống. Tuy nhiên, ngôn ngữ thơ không hẳn là thứ ngôn ngữ nguyên sinh của đời sống mà là ngôn ngữ của sự sáng tạo, không ngừng biến sinh và có ma lực riêng nhiều khi thoát khỏi ý thức của người cầm bút trở thành một ám ảnh vô thức. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ được chưng cất công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ, tinh tế của ngôn ngữ” hoặc “thơ là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ”. Bởi vậy ngôn ngữ thơ góp phần tích cực tạo nên giá trị thẩm mĩ, làm phong phú thêm ngôn ngữ đời sống.

d. Ngôn ngữ thơ có tính tư tưởng.

– Thơ phải giúp nhà thơ bộc lộ tư tưởng, tình cảm nên tư tưởng trong ngôn ngữ thơ như chiếc dây diều đưa thơ cất cánh bay cao, bay xa trong bầu trời của thực và mộng vừa neo thơ lại bầu khí quyển của đời sống.

Nhìn chung, ngôn ngữ thơ có vai trò, sức mạnh vô song mà ngôn ngữ các thể loại khác khó có thể có được. Ngôn ngữ thơ có thể tác động mạnh đến người đọc và nâng cao nhà thơ lên một tầm mới, làm nên tên tuổi nhà thơ.

2. Đặc trưng của ngôn ngữ thơ.

So với ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ trữ tình có những điểm khác biệt như giạy tính nhạc, họa, hàm súc và truyền cảm:

a. Ngôn ngữ thơ giàu chất nhạc và chất họa.

Thơ – nhạc – hoạ đều là các loại hình nghệ thuật, song có sự khác biệt, đặc biệt là về chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật để phản ánh cuộc sống. Nếu hoạ dùng đường nét, màu sắc, nhạc dùng giai điệu, âm thanh thì thơ cũng như các tác phẩm văn chương lại sử dụng ngôn từ làm chất liệu. Ngôn từ có đặc điểm riêng: đó là chất liệu phi vật thể, vì vậy, tác động nhận thức không trực tiếp bằng các loại hình nghệ thuật khác song sức gợi mở của nó lại hết sức dồi dào, mạnh mẽ. Nó tác động vào liên tưởng của con người và khơi dậy những cảm nhận cụ thể về màu sắc, đường nét, hình khối, âm thanh, giai điệu. Cho nên, người xưa đã nói nhiều đến: Thi trung hữu họa, thi trung hữu nhạc.

Nhạc tính.

Thơ trữ tình phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ ấy. Nếu như trong văn xuôi, các đặc tính thanh học của ngôn ngữ (như cao độ, cường độ, trường độ…) không được tổ chức thì trong thơ, trái lại, những đặc tính ấy lại được tổ chức một cách chặt chẽ, có dụng ý, nhằm tăng hàm nghĩa cho từ ngữ, gợi ra những điều mà từ ngữ không nói hết. Bởi thế, đặc trưng tính nhạc được coi là đặc trưng chủ yếu mang tính loại biệt rõ nét của ngôn ngữ thơ ca.

Âm thanh: Tính nhạc trong thơ trước hết được gợi lên từ âm thanh trầm bổng của tự nhiên, đời sống được đưa vào trong thơ:

Vd:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cẩm ve lầu tịch dương

(Cảnh ngày hè – Nguyễn Trãi)

Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Tính nhạc ở nghệ thuật biểu hiện: Theo các nhà nghiên cứu, nhạc tính trong thơ được thể hiện ra ở ba mặt cơ bản. Đó là: sự cân đối, sự trầm bổng và sự trùng điệp:

– Sự cân đối là sự tương xứng hài hoà giữa các dòng thơ. Sự hài hoà đó có thể là hình ảnh, là âm thanh, chẳng hạn:

“Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi”

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Cũng có thể là cách sắp xếp tổ chức mà chúng ta dễ dàng nhận thấy ở cặp câu thực, câu luận trong bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Đối với thơ hiện đại, yêu cầu này không khắt khe. Tuy vậy, nhà thơ vẫn hết sức chú ý đến hiệu quả nghệ thuật của phép đối xứng trong thơ của mình.

– Sự trầm bổng của ngôn ngữ thơ thể hiện ở cách hoà âm, ở sự thay đổi độ cao giữa hai nhóm thanh điệu. Xuân Diệu với hai dòng thơ toàn vận dụng vần bằng đã biểu hiện được cảm xúc lâng lâng, bay bổng theo tiếng đàn du dương, nhẹ êm:

“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”.

Chính Tố Hữu đã có lần nói đến giá trị ngữ âm của từ “xôn xao” trong câu thơ “Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa” (Mẹ Tơm). Đó đâu chỉ là âm vang của tự nhiên mà là âm vang của tâm hồn. Cái làm nên âm vang đó chính là âm thanh, âm thanh của từ “xôn xao” đã cùng với nghĩa của nó làm nên điều kỳ diệu ấy. Sự trầm bổng của ngôn ngữ còn thể hiện ở nhịp điệu:

“Sen tàn/ cúc lại nở hoa
Sầu dài/ ngày ngắn/ đông đà sang xuân”.

Dòng thơ cắt theo nhịp 2/4 và 2/2/4 đều đặn như nhịp chuyển vần đều đặn của tháng năm bốn mùa… Nhịp thơ ở đây là nhịp của cảm xúc, cảm nhận. Như vậy, âm thanh, nhịp điệu trong thơ không đơn thuần là hình thức mà là những yếu tố góp phần biểu hiện những khía cạnh tinh vi của đời sống tình cảm con người.

– Sự trùng điệp của ngôn ngữ thơ thể hiện ở sự dùng vần, điệp từ, ngữ và điệp cú. Chúng có tác dụng như một phương tiện kết dính các dòng thơ lại với nhau thành một đơn vị thống nhất, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho trí nhớ vừa tạo nên vẻ đẹp trùng điệp cho ngôn ngữ thơ:

“Lầu mưa xuống, thềm lan mưa xuống
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan
Mưa rơi ngoài nẻo dặm ngàn
Nước non rả rích giọt đàn mưa xuân”.

(Tiếng đàn mưa, Bích Khê).

Lối điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc ở đây vừa diễn tả được hình ảnh cơn mưa của đất trời vừa tạo nên một ấn tượng vương vấn không dứt trong lòng người.

Như vậy, nhạc điệu trong thơ là một đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ thơ. Ngày nay, nhu cầu của thơ có phần đổi khác. một số người có xu hướng bỏ vần để tạo cho câu thơ sự tự do hoá triệt để. Nhưng nếu không có một nhạc điệu nội tại nào đó như sự đối xứng giữa các dòng, các đoạn thơ, tiết tấu, nhịp điệu của câu thơ thì không còn là ngôn ngữ thơ nữa.

Chất họa.

Chất liệu của hội họa là hình ảnh, đường nét, màu sắc, … Chất họa trong thơ nghĩa là nhà thơ dùng hình ảnh, màu sắc, đường nét làm phương tiện diễn đạt tình cảm của mình.

– Hình ảnh: Thơ ca phản ánh cuộc sống qua hệ thống ngôn từ giàu hình ảnh. Không ở thể loại văn học nào ta bắt gặp nhiều hình ảnh, biểu tượng (hình ảnh có ngụ ý), hình tượng (hình ảnh có ngụ ý xuyên suốt tác phẩm) nổi bật như thơ ca.

+ Hình ảnh trong thơ trước hết mang vẻ đẹp trực quan, sinh động, có thể là một giọt nắng, một chiếc lá, một nàng thiếu nữ, một dáng liễu, một nhành hoa, một ngọn núi, dòng sông, con thuyền, cánh buồm…

+ Có những hình ảnh đẹp đẽ, hài hòa,thơ mộng,mềm mại, nhưng cũng có những hình ảnh khắc khổ, gớm ghiếc…, mỗi một hình ảnh đều nhằm tái tạo lại thị giác, cảm quan của thi nhân. Ngôn ngữ mang tính hình tượng phải hợp lí, tránh khiên cưỡng, gò ép, áp đặt. Nó là kết quả của khả năng quan sát tinh tế, nhạy bén, vốn sống phong phú và trình độ sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của người nghệ sĩ.

+ Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa. Không những quan sát và diễn tả, nhà thơ phải nâng sự quan sát của họ lên đến một mức độ nhạy bén, hoa mĩ- đây chính là sự khác biệt giữa ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ truyện cũng như ngôn ngữ các loại hình nghệ thuật khác. Bằng chất liệu ngôn từ, nhà văn không những tái tạo được những cái hữu hình mà còn tái hiện sinh động và gợi lên một cách trực quan những cái vô hình, những cái mỏng manh mơ hồ nhất mà các loại hình nghệ thuật khác không làm được. Hình ảnh trong thơ trở nên nổi bật vì nó mang màu sắc của cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã từng tái hiện sinh động màu sắc và hương vị của thời gian qua tâm trạng hoài niệm:

“Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngắt
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh”

(Màu thời gian)

– Màu sắc: Trong thơ cũng có những câu gợi nhiều màu sắc: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam / Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng

(Tố Hữu)

Chỉ có hai câu thơ thôi mà đã điểm tên đến năm màu sắc: Thanh (xanh), hồng, lam, trắng, vàng, nhưng có gợi cho ta một cảm quan hội họa không?

Nguyễn Du trong truyện Kiều đã có câu tả mùa xuân thật trong trẻo với lối tả từ xa đến gần, điểm nhấn ở hai màu xanh, trắng:

“Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng, điểm một vài bông hoa…”

Màu xanh ngút tầm mắt được điểm xuyết màu trắng của một vài bông hoa trên cành tạo một gam màu xanh – trắng nhẹ nhàng, mát dịu, lành lạnh, tạo nên cảm giác xa và rộng.

Trong hội họa, màu xanh lục có khả năng tạo chiều sâu và chiều xa rất lớn. Để tạo nên cái thăm thẳm của đất trời, các họa gia Trung Quốc khi vẽ tranh thủy mặc chỉ dùng một chút màu lục pha với mực nho… thế là tạo nên một hiệu quả khôn lường về không gian. Cảnh mở ra tầng tầng lớp lớp trước sau từ tỏ cho đến mờ và chìm vào cái mênh mông của khoảng không xa ngút.

Một câu thơ khác của Nguyễn Du đã tả về mùa hè:

Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

Ông đã tả từ gần đến xa, trong cái màu đen của màn đêm làm nền thì màu đỏ là rất nổi vì đó là cặp màu tương phản. Nó đúng với tính chất rực rỡ gay gắt của mùa hè

Màu sắc trong sự cảm nhận xa gần của mắt nhìn có hiệu quả về không gian trên mặt phẳng đó là màu sắc.

Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

(Nguyễn Du – truyện Kiều)

Một không gian mùa thu rất thanh nhẹ: màu lục của nước quyện với màu lam của nền trời đưa lại cảm quan mơ màng. Bức tranh thực thực, hư hư mờ ảo: thành như xây bằng khói biếc, núi in hình trên nền trời chiều…Tất cả như soi bóng trên mặt nước long lanh, bóng vàng của trời chiều trong gam màu ấy là nóng hơn, tĩnh hơn và nặng hơn. Đây là sự hài hòa của nhiều cặp tương quan. Tuy nhiên, cảm giác nặng nhẹ của màu sắc còn phụ thuộc vào yếu tố đậm nhạt. Màu đậm gây cảm giác nặng nề; còn màu nhạt tạo cảm giác thanh nhẹ. Trong trường hợp nếu ta đặt màu đậm ở dưới, màu nhạt ở trên sẽ được một cảm giác ổn định, chắc chắn và nâng đỡ. Nếu đặt màu đậm ở trên, màu nhạt ở dưới sẽ cho ta một cảm giác đè nén chông chênh…

– Đường nét, hình khối: Cùng với tương quan về màu sắc, đường nét cũng là một tổ hợp ngôn ngữ trong hội họa. Do các chiều hướng của đường nét khác nhau, thanh đậm khác nhau mà biến hóa để tạo nên hiệu quả sáng – tối; lồi – lõm; xa – gần; ẩn – hiện; thực – hư. Trong đó, nét “Thực” là cái rõ ràng, là sáng, lồi, gần, hiện và tĩnh, nét “Hư” là cái mờ nhạt, là tối, lõm, ẩn và động.

Vd:

“Êm đềm sóng lụa nhô trên lúa”

(Trưa hè – Bàng Bá Lân)

Dốc lên thăm thẳm dốc khúc khuỷu
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông, mưa xa khơi.

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Trong 4 câu thơ của Quang Dũng thì nếu như ba câu đầu trong khổ thơ trên là những nét vẽ gân guốc, sắc nhọn thì ở câu thứ 4 là một nét vẽ nhòe tạo một không gian xa thẳm. Để tả cái hùng vĩ của thiên nhiên, tác giả không đi sâu vào chi tiết vụn vặt mà bắt đầu tữ những phác họa những nét khái quát. Trong hội họa, thuật ngữ này được gọi là “bắt dáng” đối tượng.

– Biểu hiện không gian: Hội họa Trung Hoa có thủ pháp biểu hiện không gian theo ba cách nhìn, gọi là “tam viễn”.

+ Nhìn lên gọi là “ngưỡng quan” hoặc “cao viễn”.

+ Nhìn xuống gọi là “phú thị” hay “thâm viễn”.

+ Nhìn ngang gọi là “bình thị” hay “bình viễn”.

Thơ và Họa không phải lúc nào cũng gặp nhau. Thơ vẫn là thơ – Họa vẫn là họa. Chỉ khi nào những vần thơ bộc lộ rõ cảm quan về hội họa, tạo được sự hài hòa của các yếu tố tạo hình và cộng hưởng được với nhau thì ta mới gặp Hội họa trong Thơ mà thôi.

b. Ngôn ngữ thơ có tính hàm súc.

Đây là đặc điểm chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, nhưng do đặc trưng của thể loại mà nó biểu hiện một cách tập trung với yêu cầu cao nhất trong ngôn ngữ thơ. Nếu ngôn ngữ văn xuôi tự sự là ngôn ngữ của cuộc sống đời thường, nó chấp nhận mọi lớp từ, mọi biến thái, mọi chiều kích, thậm chí cả sự xô bồ, phồn tạp đến cực độ để tái hiện bộ mặt cuộc sống, tâm lý con người trong sự sâu rộng, đa chiều vốn có của nó thì ngôn ngữ thơ lại mang nặng tính “đặc tuyển”. Là thể loại có một dung lượng ngôn ngữ hạn chế nhất trong các loại tác phẩm văn học, nhưng thơ lại có tham vọng chiếm lĩnh thế giới. Nói như Ôgiêrốp: “Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn ngữ nhỏ nhất”. Chính sự hạn định số tiếng trong câu thơ, bài thơ buộc người nghệ sỹ phải “thôi xao”, nghĩa là phải phát huy sự tư duy ngôn ngữ để lựa chọn từ ngữ cho tác phẩm. Bởi thế, Maiacôpxki gọi lao động nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ là “trả chữ với với giá cắt cổ”:

“Nhà thơ trả chữ với giá cắt cổ
Như khai thác chất hiếm radium
Lấy một gam phải mất hàng bao công lực
Lấy một chữ phải mất hàng tấn quặng ngôn từ.”

Như vậy, tính hàm súc được hiểu là khả năng của ngôn ngữ có thể miêu tả mọi hiện tượng của cuộc sống một cách cô đọng, ít lời mà nói được nhiều ý, ý tại ngôn ngoại. Đây chính là cách dùng từ sao cho đắt nhất, có giá trị biểu hiện cao nhất kiểu như Nguyễn Du đã “giết chết” các nhân vật Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến, mỗi tên chỉ bằng một từ: cái vô học của Mã Giám Sinh: Ghế trên ngồi tót sỗ sàng; cái gian manh của Sở Khanh: Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào; cái tầm thường ti tiện của Hồ Tôn Hiến: Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình.

Do quy mô của tác phẩm, thơ ca thường sử dụng từ ngữ rất “tiết kiệm”. Tính hàm súc của ngôn ngữ thơ, vì vậy, chứa đựng các thuộc tính khác. Hàm súc cũng có nghĩa là phải chính xác, giàu hình tượng, có tính truyền cảm và thể hiện cá tính của người nghệ sỹ. Chẳng hạn, từ “khô” trong câu thơ của Tản Đà: “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày” là một từ có tính hàm súc cao mà những yếu tố tương đương với nó (như “tuôn”) không thể thay thế. Nó không chỉ diễn tả được chiều sâu của tình cảm mà còn gợi lên cả chiều dài của những tháng năm chờ đợi. Nó vừa đảm bảo được tính chính xác, tính hình tượng, vừa có tính truyền cảm.

Để đạt được tính hàm súc cao nhất, có thể biểu hiện được cái vô hạn của cuộc sống trong những cái hữu hạn của các đơn vị ngôn ngữ, thơ ca phải tính đến những kiểu tổ chức đặc biệt mà nhà nghiên cứu Phan Ngọc gọi là “quái đản”. Dưới áp lực của cấu trúc ngôn ngữ khác thường này, ngữ nghĩa của từ trong thơ không dừng lại ở nghĩa gốc, nghĩa đen, nghĩa trong từ điển mà phong phú, sâu sắc, tinh tế hơn. Đó là thứ nghĩa được tạo sinh nhờ quan hệ và trong quan hệ.

Ví dụ: Khi Hồng Nguyên viết: “Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau” thì chính trong quan hệ với những yếu tố trước và sau nó mà từ “đột kích” được cấp cho một nghĩa mới, gợi lên những rung động thẩm mỹ. Hay trong câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ: “Em đã lấy tình yêu của mình thắp lên ngọn lửa” thì sự kết hợp bất thường về nghĩa đã mở ra những liên tưởng hết sức thú vị. Trong đời thường, khi nói đến việc “thắp lửa”, người ta một là nghĩ đến phương tiện như: cái bật lửa, que diêm … hai là nguyên liệu như: dầu hoả, dầu dừa … Ở đây, nhà thơ lại thay nó bằng một “chất liệu” rất trừu tượng thuộc lĩnh vực tinh thần. Và trong quan hệ với cái chất liệu trừu tượng đó, nghĩa bề mặt của “ngọn lửa” bị mờ đi, mở ra những nghĩa mới. Đó là: chân lý, niềm tin, lý tưởng cuộc đời…

Định lượng số tiếng trong thơ cũng là tiền đề tạo ra sự xuất hiện với một mật độ dày đặc các phương tiện nghệ thuật trong thơ so với văn xuôi. Nhiều lúc, trong một bài thơ, có thể thấy xuất hiện cùng một lúc các phương tiện tu từ khác nhau, như ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, tượng trưng, điệp từ, điệp ngữ. Bài ca dao trữ tình sau đây là một ví dụ:

“Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Đèn thương nhơ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề.”

Bài ca dao có số lượng từ không nhiều nhưng bằng các biện pháp tu từ đã thể hiện được tâm trạng khắc khoải nhớ mong của người con gái dường như còn vang mãi, dư âm đến tận bây giờ và cả mai sau, không chỉ của một người mà của nhiều người.

c. Ngôn ngữ thơ có tính truyền cảm.

Tính truyền cảm cũng là đặc trưng chung của ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương, bởi tác phẩm văn học là sản phẩm của cảm xúc của người nghệ sĩ trước cảnh đời, cảnh người, trước thiên nhiên. Cho nên, ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương phải biểu hiện được cảm xúc của tác giả và phải truyền được cảm xúc của tác giả đến người đọc, khơi dậy trong lòng người đọc những cảm xúc thẩm mĩ. Tuy nhiên, do đặc trưng của thơ là tiếng nói trực tiếp của tình cảm, trái tim nên ngôn ngữ thơ ca có tác dụng gợi cảm đặc biệt.

Ngôn ngữ thơ không bao giờ là ngôn ngữ chú trọng miêu tả cái khách quan như ngôn ngữ trong tác phẩm tự sự. Nếu nhà văn dùng ngôn ngữ để thuyết minh, miêu tả, nhắn nhủ, giải thích… thì nhà thơ dùng ngôn ngữ để truyền cảm. Khi Quang Dũng viết:

“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”

Quang Dũng không có ý hỏi ai lên Châu Mộc trong buổi chiều sương nào đó có nhìn thấy phong cảnh hữu tình không mà tác giả khơi trong ta nỗi nhớ thương mất mát, nuối tiếc ngậm ngùi, những ngày tháng, những kỷ niệm, những ảo ảnh đã tan biến trong đời… Quang Dũng gợi trong ta một trạng thái bằng cách hồi sinh những gì đã mất, đồng thời phản ánh tâm trạng của chính mình.

Lời thơ thường là lời đánh giá trực tiếp thể hiện quan hệ của chủ thể với cuộc đời. Là lời đánh giá trực tiếp, thể hiện tâm trạng cho nên sự lựa chọn từ ngữ, phương thức tu từ trong thơ bao giờ cũng nhằm làm cho nội dung cảm xúc, thái độ đánh giá, sự đồng cảm hoặc phê phán, ca ngợi trở nên nổi bật:

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều”

(Nguyễn Đình Thi).

Ở đây, mỗi câu thơ đều mang một từ tập trung tất cả sức nặng của tình cảm. Những từ đó như là những tiêu điểm để ta nhìn thấu vào tâm hồn tác giả. Tính truyền cảm của ngôn ngữ thơ không chỉ biểu hiện qua cách lựa chọn từ ngữ, các phương thức tu từ mà còn biểu hiện qua nhạc điệu thơ. Chẳng hạn:

“Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn”

(Tố Hữu).

III. Phương thức biểu hiện của thơ.

Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú; thơ được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau, nhưng dù thuộc loại hình nào thì yếu tố trữ tình vẫn giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình (cũng gọi là chủ thể trữ tình, cái tôi trữ tình) là người trực tiếp cảm nhận và bày tỏ niềm rung động trong thơ trước sự kiện. Nhân vật trữ tình là cái tôi thứ hai của nhà thơ, gắn bó máu thịt với tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Tuy vậy, không thể đồng nhất nhân vật trữ tình với tác giả.

Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này.

Thơ thường không trực tiếp kể về sự kiện, nhưng bao giờ cũng có ít nhất một sự kiện làm nảy sinh rung động thẩm mĩ mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ mà văn bản thơ là sự thể hiện của niềm rung động ấy. Một miếng trầu đem mời, một cái bánh trôi nước, một tiếng gà gáy canh khuya có thể là những sự kiện gây cảm xúc cho Hồ Xuân Hương; sự kiện Dương Khuê qua đời trong “Khóc Dương Khuê” (Nguyễn Khuyến); cuộc đời tài hoa mệnh bạc của nàng Tiểu Thanh trong “Độc Tiểu Thanh kí” (Nguyễn Du),…

Thơ thường có dung lượng câu chữ ngắn hơn các thể loại khác (tự sự, kịch). Hệ quả là nhà thơ biểu hiện cảm xúc của mình một cách tập trung hơn thông qua hình tượng thơ, đặc biệt thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua dòng thơ, qua vần điệu, tiết tấu… Nhiều khi, cảm xúc vượt ra ngoài cái vỏ chật hẹp của ngôn từ, cho nên mới có chuyện “ý tại ngôn ngoại”. Do đó, thơ có thể tạo điều kiện cho người đọc thực hiện vai trò “đồng sáng tạo” để phát hiện đời sống, khiến người đọc phải suy nghĩ, trăn trở để tìm kiếm ý đồ nghệ thuật của tác giả cũng như những điểm đặc sắc trong tư duy nghệ thuật của mỗi nhà thơ.

Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Sự phân dòng, và hiệp vần của lời thơ, cách ngắt nhịp, sử dụng thanh điệu… làm tăng sức âm vang và lan tỏa, thấm sâu của ý thơ. Bàn về đặc điểm này, nhà thơ Sóng Hồng viết: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là có tình cảm, lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường”.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.