Nội dung:
Nhịp điệu trong thơ
Trong nhạc phẩm Tình khúc buồn, Trịnh Công Sơn đã viết:
“Tôi đi bằng nhịp điệu một, hai, ba, bốn, năm…
Em đi bằng nhịp điệu sáu, bảy, tám, chín, mười…
Ta đi bằng nhịp điệu, nhịp điệu không giống nhau
Ta đi bằng nhịp điệu nhịp điệu sao khác màu …”
Đó là sự khác nhau trong nhịp điệu, trong sắc màu cuộc sống. Bước chân của tôi, của em, của ta làm sao để có thể hòa nhịp giữa cõi vô thường … Những ca từ của Trịnh Công Sơn thật dung dị mà minh triết. Cũng như nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu thế giới thơ ca vô cùng phong phú. Nhận diện nhịp điệu trong thơ trữ tình còn là những trăn trở của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học.
1. Nhịp điệu thơ là gì?
Cho đến nay câu hỏi nhịp điệu trong thơ là gì thường còn mang tính chất cảm nhận của cá nhân. Theo Tự điển tiếng Việt của nhóm tác giả Minh Tân – Thanh Nghi – Xuân Lãm do nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998) thì nhịp điệu là sự lặp lại một cách tuần hoàn các âm mạnh và nhẹ sắp xếp theo những hình thức nhất định.
Theo GS.TS Mã Giang Lân trong Nhịp điệu thơ hôm nay đăng trên Văn học nghệ thuật Đà Nẵng (nguồn google.com): “Theo nghĩa rộng nhất, nhịp điệu là hình thức phân bố trong thời gian những chuyển động nào đó, như vậy có thể nói về nhịp điệu của bất kỳ sự chuyển động, trong đó có âm thanh của bất kỳ thứ ngôn ngữ nào chúng ta nghe được mà không cần hiểu nghĩa. Nhịp điệu thể hiện tính chất đều đặn của chuyển động, sự cân đối của những độ dài về thời gian hay sự luân phiên dưới dạng chuyển động âm thanh (Ở đây không tính đến khái niệm nhịp điệu thường được áp dụng vào các quá trình sinh lý như thở, mạch đập của tim và những chuyển động như đi bộ…)”.
Trong bài Mấy ý nghĩ về thơ (1949), Nguyễn Đình Thi quan niệm: “Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm của tiếng đàn bên tai (…). Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý, nói chung là của tâm hồn (…). Đó là nhịp điệu thành hình của những cảm xúc, hình ảnh liên tiếp hòa hợp mà những tiếng và chữ gợi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động”.
Maiacốpxki cho rằng: “Nhịp điệu là sức mạnh chủ yếu, là năng lượng của câu thơ”…
Vậy thì có thể hiểu một cách đơn giản nhịp điệu như là sự rung động tâm hồn, là mạch cảm xúc được thể hiện ngoài lớp vỏ ngôn từ, tạo tác động, ấn tượng lên tâm thức người tiếp cận tác phẩm để thực hiện chức năng thông tin thẩm mỹ. Nói nhịp điệu trong thơ là sự chia cắt dòng âm thanh, sự phân đoạn câu thơ, dòng thơ giúp người đọc cảm thụ một cách trực tiếp. Mở rộng ra thì nhịp điệu trong thơ là một khái niệm chỉ một đơn vị ngôn ngữ nằm bên trong bản thân kiến trúc ngôn từ và qui định kiểu kiến trúc ấy, được khu biệt về quy tắc tổ chức âm thanh, là nhân tố vận động cả ở phương diện ngữ nghĩa và âm thanh. Nhịp điệu thay đổi tạo nên cảm giác lời thơ vận động nghệ thuật theo quy luật chủ quan của chủ thể sáng tác đồng thời tác động đến tâm lý tình cảm của chủ thể tiếp cận theo chức năng thông tin thẩm mỹ.
2. Vai trò và chức năng của nhịp điệu trong thơ.
– Người ta không thể đọc bài thơ liên tục từ những từ ngữ đầu tiên đến kết thúc mà không ngừng nghỉ. Nhịp điệu gắn liền với chỗ ngừng, chỗ ngắt được phân bố hợp lý theo mạch cảm xúc để diễn đạt nội dung thẩm mỹ.
– Cảm nhận được nhịp điệu của thơ sẽ tạo nên sự khám phá mới, thú vị. Theo Trần Thiện Khanh trong Nguyên lý cấu trúc của thơ (nguồn google.com) cho rằng: “Nhịp điệu trở thành ngôn ngữ đặc biệt của thơ, nó biểu hiện được bao ý tình mà từ ngữ không thể nói hết được. Nhịp điệu – một khi được cảm xúc hoá, cá tính hoá sẽ mài sắc cảm nhận, cảm giác của người đọc. Đọc bài thơ giàu tính nhạc, người đọc như được sống trong cảm giác mới mà trước đó chưa từng biết”.
– Nhịp điệu trong thơ được quy định qui ước chung của thể loại, song mặt khác lại tự vận động theo mạch cảm xúc riêng tạo nét chấm phá trong ý thơ. Ví dụ thơ thất ngôn bát cú thường là 4/3.
– Hình thái nhịp điệu hiện thực hoá cấu trúc ý thơ, tứ thơ, tạo nên nhạc điệu. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bài thơ trong âm hưởng tự nhiên của nó đã tạo nên nhạc điệu.
– Nhịp điệu trong thơ làm tăng thông tin thẩm mỹ của bài thơ. Nhịp điệu của thơ bao hàm các yếu tố giai điệu (trầm – bổng), tiết tấu (mau – thưa), nhạc điệu (tính nhạc của thơ), ngắt trong câu, dấu câu, ngừng hết câu, dòng thơ, nhấn (từ láy, vần, từ Hán -Việt, điệp từ, từ địa phương …) Nhịp điệu trong câu thơ là khoảng lặng không lời mà lại diễn đạt nhiều cảm xúc. Nhịp điệu không chỉ tách ý tách nghĩa mà còn thể hiện thế giới nội tâm của nhà thơ, thể hiện những cảm xúc được dấu kín, dè nén, mà không thể tìm thấy trong ngôn từ, trong âm thanh.
3. Tín hiệu nhận diện nhịp điệu trong thơ.
Nhìn trên tổng thể có thể chia nhịp điệu thành 3 loại sau:
– Nhịp điệu được thực hiện qua các dấu câu, dòng thơ, câu thơ.
– Nhịp điệu thực hiện không thông qua dấu câu (nhịp thơ, vần, từ láy, từ Hán – Việt…).
– Các biện pháp tu từ nghệ thuật cũng góp phần tạo nên nhịp điệu trong thơ, nhất là phép tu từ điệp ngữ. Chính điệp ngữ tạo nên tính hùng biện cho văn và nhạc điệu cho thơ. Ngoài ra còn nhiều phép tu từ khác như so sánh, điển cố, ẩn dụ, hoán dụ, đảo ngữ… góp phần tạo nên nhịp điệu cho thơ.
4. Nhịp trong các thể thơ.
– Thơ lục bát:
Nhịp chẵn (nhịp 2/2/2, 4/4) ở lục bát tạo ra giọng mềm mại, tha thiết như lời ru êm ái. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để tạo nét nhấn, một số tác giả có cách ngắt nhịp theo dụng ý riêng nhằm tạo ấn tượng.
– Thơ Đường luật:
Nhịp thơ thất ngôn bát cú với lối ngắt nhịp 2/2/3 hoặc 4/3 (gọi chung là nhịp lẻ) tạo ra giọng điệu hào sảng, trang trọng. Tuy nhiên ở một số trường hợp, sự thay đổi nhịp điệu tạo nên ý hàm súc.
– Thơ song thất lục bát:
Trong thơ song thất lục bát, hai câu thất tạo âm hưởng mạnh mẽ dứt khoát qua nhịp 3/4 được kết hợp hài hòa với nhịp chẵn của lục bát tạo nhịp điệu uyển chuyển.
– Thơ tự do:
Nhịp thơ chỉ tác động vào tình cảm người tiếp cận để hóa thành giai điệu biểu đạt tình ý. Có lúc nhịp thơ góp phần vào bố cục câu thơ, dòng thơ, khổ thơ làm tăng khả năng diễn đạt tứ thơ. Đối với thơ tự do, nhịp thơ dàn trải theo cảm xúc của chủ thể sáng tạo nên rất đa dạng.