»» Nội dung bài viết:
Cảm nhận của anh/chị về tiếng cười trào phúng của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)
- Mở bài:
Số đỏ là kiệt tác văn học của Vũ Trọng Phụng. Toàn bộ tác phẩm là một chuỗi cười châm biếm giòn giã, sảng khoái, nhưng cay độc, ném thẳng vào bộ mặt xã hội thượng lưu, trưởng giả thành thị chạy theo “mốt”, “văn minh”, “Âu hóa”, “Cải cách xã hội” hết sức nhố nhăng, đồi bại và bịp bợm đương thời. Tiếng cười trào phúng đặc sắc và đầy tài năng ấy của Vũ Trọng Phụng dường như được kết tinh ở “Hạnh phúc của một tang gia”, một chương sách có giá trị hiện thực vừa rộng lớn, vừa sâu sắc.
- Thân bài:
1. Giải thích:
– Trào phúng có nghĩa là dùng lời lẽ khôi hài để mỉa mai, cười nhạo kẻ khác. Tiếng cười thường được tạo ra khi người ta phát hiện ra mâu thuẫn trào phúng, đó chính là sự mâu thuẫn hay không tương xứng giữa bản chất và biểu hiện, giữa mục đích và phương tiện, đặc biệt là giữa nội dung (xấu xa) và hình thức (đẹp đẽ). Muốn tiếng cười xuất hiện, đối tượng phải mang tính hài, đối tượng được miêu tả bằng bút pháp phóng đại, biếm hoạ, giọng văn giễu nhại.
– Văn học của tiếng cười là một khái niệm chỉ tất cả các thể loại, các tác phẩm văn học mang cảm hứng trào phúng, sử dụng bút pháp trào phúng, lấy tiếng cười làm mục đích hài hước, phương tiện bộc lộ thái độ chế giễu, mỉa mai, phê phán cái xấu, cái đáng cười. Đó là ca dao hài hước, trào phúng, truyện cười dân gian, thơ trào phúng (của Nguyễn Khuyến, Tú Xương…), truyện trào phúng (của Nguyễn Công Hoan…)
2. Tiếng cười của Vũ Trọng Phụng trong đoạn trích:
* Đối tượng của tiếng cười:
– Cười xã hội thượng lưu thành thị đương thời. Xã hội thu nhỏ trong đoạn trích gồm đám động những nhân vật có tên và không tên: Nhân vật có tên: các thành viên trong gia đình cụ cố Hồng (Văn Minh, Cụ cố Hồng, Tuyết, Tú Tân..) các thành viên khác (Typn, cảnh sát…). Nhân vật không tên: những người đưa đám.
⇒ Tất cả đều chứa đựng sự mâu thuẫn giữa vẻ bề ngoài buồn rầu, đau khổ, văn minh, chí hiếu và bản chất bên trong vui vẻ, sung sướng, bất hiếu, vô văn hoá…
* Mục đích tiếng cười:
– Tác giả phê phán mãnh liệt bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu thành thị, muốn tống tiễn nó vào cõi chết
* Nghệ thuật tạo tiếng cười:
– Nhan đề chứa đựng mâu thuẫn gây cười. Mâu thuẫn trào phúng trước hết được thể hiện ngay ở nhan đề giật gân, đầy tính chất mỉa mai, châm biếm: “Hạnh phúc của một tang gia”. “Tang gia”: nhà có đám, đáng ra với hoàn cảnh đó, không khí phải tràn ngập nhiều buồn tiếc. “Hạnh phúc”: Cảm xúc khi gặp chuyện nhiều niềm vui, đây là cảm xúc đối lập hẳn với hoàn cảnh “tang gia”
– Nhan đề chứa đựng mâu thuẫn trào phúng hàm chứa tiếng cười chua chát, kích thích trí tò mò của người đọc:
+ Thể hiện trong niềm vui của những người trong gia đình và ngoài gia đình: Nhà chuyện buồn nhưng mỗi nhân vật trong gia đình đều không giấu nổi niềm vui bởi mình sẽ đạt được mục đích khác nhau. Những người ngoài gia đình: Mừng vui vì được khoe mẽ, chim chuột, được xem đám ma to…
+ Mâu thuẫn trào phúng xuyên suốt cảnh đám ma: một đám ma rất to, rất đông, được tiến hành rất trọng thể, đúng là một đám ma gương mẫu. Nhưng kỳ thực lại giống một đám hội, đám rước.
⇒ Ban đầu là niềm hạnh phúc của các thành viên trong gia đình, sau đó là hạnh phúc được tràn ra cả ngoài xã hội. Cái chết cụ cố Tổ ban phát niềm hạnh phúc cho tất cả các thành viên trong và ngoài gia đình.
– Xây dựng tình huống trào phúng cơ bản: hạnh phúc của gia đình có tang:
+ Tình huống trào phúng được lựa chọn là một tình huống đạo đức: tác giả dùng cái chết của người thân làm phép thử độ sáng của đạo hiếu trong gia đình, dùng cái chết đồng loại làm phép thử độ sáng của tình người và tính người. Để triển khai tình huống, Vũ Trọng Phụng đã tập hợp và miêu tả những tâm trạng, hành vi, cách ứng xử, thái độ hoàn toàn trái với chuẩn mực đạo đức thông thường.
+ Đó là tang gia song không ai nghĩ đến người chết và việc báo hiếu. Mỗi người đều có mối quan tâm riêng nhưng đều hướng đến hai chữ danh lợi thu được từ cái chết ấy. Đó là tang gia song không ai đau buồn, thương tiếc. Nếu có đau buồn, thương tiếc cũng chỉ là cái mặt nạ, là màn kịch được dựng lên để che đậy những nhu cầu, mưu đồ, toan tính.
+ Ẩn sau lớp mặt nạ là niềm vui thực sự của cả người thân trong gia đình và những người ngoài gia đình. Niềm vui ấy khiến đám tang có xu hướng trở thành đám hội tưng bừng, náo nhiệt.
– Xây dựng nhân vật trào phúng:
Trong nghệ thuật biếm họa, chỉ với đôi ba nét, người họa sĩ tóm được thần thái của đối tượng trào phúng, lột tả được mâu thuẫn, phơi bày được bản chất của con người xấu xa để tạo tiếng cười đầy chất trí tuệ, có sức công phá lớn. Lần lượt các chân dung biếm họa hiện lên dưới ngòi bút như có thần của Vũ Trọng Phụng.
+ Cố Hồng: vui vì được diễn trò già yếu trước mọi người, mơ màng nghĩ mình được mặc áo xô gai, lụ khụ ho khạc mếu máo. Cái danh mà ông mơ ước và tô vẽ là gia thế của một gia đình nề nếp, gia phong, danh gia vọng tộc. Con người háo danh bề ngoài, không hề tiếc thương gì trước cái chết của chính người sinh ra mình.
+ Ông Văn Minh: thích thú vì cái chúc thư kia đã đi vào thời kì thực hành chứ không còn trên lý thuyết viễn vông nữa. Mọi hành động của ông đều đối lập với trách nhiệm và tình cảm của một người cháu. Để trả cái ơn to lớn của Xuân Tóc Đỏ, ông đã dùng hạnh phúc trăm năm của cô em gái lá ngọc cành vàng để trả ơn cho một kẻ vô học. Ở ông tồn tại sự mâu thuẫn giữa cái bên ngoài là vẻ mặt “đăm đăm chiêu chiêu” của cái bối rối lo lắng rất hợp thời trang nhà có tang với cái bên trong là việc nghĩ cách đối xử với người đã mang đến cái “ơn to” cho gia đình. Bà Văn Minh trong dịp ấy cũng mừng rỡ vì được lăng xê những mốt y phục táo tạo nhất.
+ Cô Tuyết: cô cháu gái giữ gìn nửa chữ trinh, mới chỉ hư hỏng được một nửa. Mặt cô phảng phất vẻ buồn lãng mạn vì nhớ nhung nhân tình chứ không phải xót thương ông nội. Đám tang của cụ tổ là dịp để cô mặc y phục “ngây thơ” để chứng tỏ mình hãy còn trinh tiết, cô cũng buồn nhưng là “buồn lãng mạn” vì không thấy người tình của mình.
+ Cậu Tú Tân: sướng điên người lên vì ông nội chết là dịp để cậu trổ tài đạo diễn, chụp ảnh trong dịp đám tang. Cậu tỏ ra là một tài tử chụp ảnh, những chiếc máy ảnh được chuẩn bị từ lâu nay sẽ có dịp dùng đến. Cậu Tú Tân còn nhiệt tình chỉnh từng tư thế khóc lóc của người đưa đám để có những góc chụp cảm động nhất.
+ Ông Phán: Sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu mình lại có giá trị. Tưởng rằng ông khóc đến lả oặt người đi nên Xuân Tóc Đỏ đã đưa tay ra đỡ, nhưng đến khi ông Phán dúi vào tay tờ 5 đồng gấp tư hắn mới hiểu ra bộ mặt thật tham lam đến mức tình người khô héo, trái tim vô cảm và thậm chí là việc bán rẻ cả danh dự bản thân. Ngay trước mặt cha vợ, trước linh hồn ông vợ, ông ta vẫn thản nhiên hoàn thành công việc thanh toán tiền để chuẩn bị chuyển nốt sang công việc toan tính khác.
+ Xuân tóc đỏ: Hạnh phúc đặc biệt vì nhờ hắn mà cụ Tổ chết, danh giá uy tín lại càng to hơn. Hắn tận hưởng niềm vui thầm kín hơn hẳn các nhân vật khác. Hắn cũng không cần diễn trò làm gì vì thực sự, vẻ mặt trầm tư vì trong đầu đang có nhiều suy nghĩ của hắn cũng đã đúng mốt rồi.
+ Cảnh sát Min Đơ và Min Toa:“giữa lúc không có ai đáng bị phạt…đương buồn rầu…thì sung sướng cực điểm”.
+ Bạn bè cụ cố Hồng: những kẻ vừa háo danh, vừa háo sắc, họ chia buồn để khoe khoang các loại râu ria cùng những huân huy chương
+ Hàng phố: đám ma đi đến đâu huyên náo đến đấy, cả phố nhốn nháo khoe đám ma to, thiên hạ chỉ chu ý vào những kiểu quần áo tang…
⇒ Bức tranh trào phúng chân thực mang đậm tính hài hước, nhân vật trào phúng thể hiện rõ nét, ai cũng tìm thấy niềm vui trong đám tang đáng lẽ ra nên buồn thương.
– Cảnh tượng trào phúng:
+ Cảnh đưa đám: Chậm chạp và nhốn nháo. Các loại kèn ta, Tây , Tàu lố lăng. Người đi đám nói chuyện bàn tán. Điệp khúc “Đám cứ đi”
– Cảnh hạ huyệt: Cậu Tú bắt mọi người tạo dáng chụp ảnh. Cụ cố Hồng: tỏ ra chí hiếu nhưng lại lộ sự giả dối. Phán mọc sừng khóc oặt người đi nhưng lại giúi vào tay Xuân tờ 5 đồng rồi lại khóc oặt người đi
⇒ Càng thể hiện rõ sự “trào phúng” của đoạn trích. Xây dựng hình tượng đám đông bằng nghệ thuật biếm hoạ: cường điệu, nói ngược, tạo chi tiết nghệ thuật đặc sắc
– Sử dụng lời văn: Đặt câu chứa đựng mâu thuẫn, nghịch lí (giữa hai vế trong một câu, giữa hai câu gần nhau). Tạo giọng văn hài hước.
3. Đánh giá:
– Hạnh phúc của một tang gia là chương truyện đặc sắc của tiểu thuyết: chương truyện đã hội đủ các nhân vật của toàn tiểu thuyết và đã thu nhỏ bộ mặt xã hội tư sản thành thị với tất cả bản chất xấu xa của nó: háo danh, hám lợi, giả tạo, rởm đời, vô văn hoá và bao trùm là thói đạo đức giả. Chương truyện cũng tiêu biểu cho bút pháp trào phúng của Vũ Trọng Phụng nói riêng, của văn học trào phúng nói chung.
– Giọng điệu mỉa mai, chua chát là giọng điệu bao trùm chương truyện. Có những câu văn tưởng như là giọng trần thuật khách quan bình thản “Đám cứ đi” nhưng khi nhắc đến hai lần nó đã mang ý nghĩa mỉa mai châm biếm đám ma thật to, thiên hạ tha hồ ngắm thật kĩ cái giả dối, vô nhân đạo của đám người ấy. “Đám cứ đi” nghĩa là sự vô liêm sỉ không khép lại mà kéo dài tưởng như vô tận, nó kéo theo cái xác chết đến tận huyệt miệng. Về ngôn từ, tác giả đã sử dụng những kết hợp từ độc đáo trong các câu văn để tạo nên tiếng cười hài hước như “vẻ buồn lãng mạn đúng mốt”, “chưa đánh mất cả chữ trinh”; những so sánh gây cười như “Tuyết như bị kim châm vào lòng vì không thấy bạn giai đâu cả”.
– Tất cả những đặc điểm trên đã góp phần làm nên giá trị của nghệ thuật trào phúng Vũ Trọng Phụng. Bằng tiếng cười mang ý nghĩa đả kích phê phán, nhà văn đã vạch trần bản chất xấu xa của xã hội thượng lưu tư sản thành thị đương thời. Đó là một xã hội băng hoại đạo đức, khô héo tình người, chạy theo lối sống văn minh rởm, vô cùng đồi bại, lố lăng. Đằng sau tiếng cười không phải niềm vui mà là nỗi đau đời, là khao khát đổi thay, muốn chôn vùi xã hội ấy. Qua đó thể hiện tấm lòng tốt đẹp, mong muốn con người tránh được sự suy đồi về đạo đức do xã hội bất lương tác động. Quan trọng hơn cả, nghệ thuật tào phúng đã thể hiện tài năng, phong cách riêng của Vũ Trọng Phụng.
- Kết bài:
Ngòi bút trào phúng của Vũ Trọng Phụng sắc bén đến lạnh lùng. Đằng sau những lời nói như đùa, sự thật của xã hội thượng lưu thành thị buổi Âu hóa dưới chế độ thực dân nửa phong kiến cứ hiện lên rõ mồn một, trên đó nổi lên hai sự thực khắc nghiệt: sự tàn nhẫn, vô nhân đạo và sự giả dối, bịp bợm. Vũ Trọng Phụng đã đứng về phía nhân dân mà phê phán mạnh mẽ bản chất giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu ở thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.
- Phân tích ý nghĩa đoan trích Hạnh phúc một tang gia (trích Số đỏ của Vũ trọng Phụng)
- Phân tích nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng thể hiện qua chương truyện Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ)