ngu-van-7-tap-1-canh-dieu

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

1. Định hướng.

a) Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống là nêu lên những suy nghĩ của người nói trước một vấn đề trong đời sống, đưa ra được lí lẽ và bằng chứng để làm sáng tỏ ý kiến của mình, nhằm thuyết phục người nghe.

– Vấn đề nêu lên để trao đổi có thể lấy từ cuộc sống hằng ngày như:

+ Thế nào là lòng nhân hậu, vị tha?

+ Thế nào là lòng dũng cảm?

+ Tình cảm và giáo dục trong gia đình có vai trò quan trọng như thế nào?

– Nhưng vấn đề cũng có thể đặt ra từ tác phẩm văn học. Ví dụ:

+ Suy nghĩ về lòng yêu nước sau khi đọc một tác phẩm, như Người đàn ông cô độc giữa rừng (Đoàn Giỏi), Dọc đường xứ Nghệ (Sơn Tùng) và Buổi học cuối cùng (Đô-đê), …

+ Cảm nhận của em về hình ảnh con người Nam Bộ sau khi đọc xong văn bản “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi).

b) Để trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống, các em chú ý:

– Xác định được vấn đề cần có ý kiến.

– Tìm ý và lập dàn ý cho bài nói của mình.

– Trình bày ý kiến theo dàn ý đã lập; chú ý điệu bộ, cử chỉ.

2. Thực hành

Bài tập (trang 34 sgk Ngữ văn lớp 7 Tập 1): Các văn bản đã học: “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi), “Dọc đường xứ Nghệ” (Sơn Tùng) và “Buổi học cuối cùng” (Đô-đê) đều có những nội dung thể hiện lòng yêu nước. Ý kiến của em như thế nào?

a) Chuẩn bị:

– Xem lại nội dung của ba văn bản đã học.

– Xác định các nội dung thể hiện lòng yêu nước có trong ba văn bản.

– Chuẩn bị các thiết bị như tranh, ảnh, video, … và phương tiện trình bày (nếu có).

b) Tìm ý và lập dàn ý

– Tìm ý cho bài nói bằng cách đặt và trả lời các câu hỏi sau:

+ Nội dung nào của các văn bản nêu trong bài tập liên quan đến lòng yêu nước?

→ Nội dung của các văn bản nêu trong bài tập liên quan đến lòng yêu nước là: tình cảm trân trọng, yêu mến tiếng mẹ đẻ; làm vũ khí đánh giặc bảo vệ Tổ Quốc; am hiểu về các nhân vật, sự kiện và các di tích lịch sử.

+ Lòng yêu nước được biểu hiện cụ thể trong mỗi văn bản ấy như thế nào?

Lòng yêu nước được biểu hiện cụ thể trong mỗi văn bản là:

→ Người đàn ông cô độc giữa rừng: đó là hành động làm những múi tên tẩm độc để giết giặc của Võ Tòng; hành động giết tên địa chủ tham lam độc ác.

→ Dọc đường xứ Nghệ: là câu chuyện về nhân vật lịch sử như Lý Nhật Quang, vua Thục Phán, thi hào Nguyễn Du của cụ Phó bảng và các con; về các địa danh như hòn Hai Vai, núi Trống Thủng, núi Cờ Rách….

→ Buổi học cuối cùng: là tình yêu tiếng Pháp, yêu tiếng mẹ đẻ của thầy Ha- men, Phrăng và dân làng.

+ Tại sao đó lại là những biểu hiện của lòng yêu nước?

→ Những biểu hiện trên được coi là biểu hiện của lòng yêu nước bởi vì xuất phát từ tấm lòng của con người, từ ý thức của mỗi người không phải bắt buộc hay gượng ép: yêu nước không chỉ là làm mũi tên giết giặc mà còn là yêu tiếng mẹ đẻ, muốn giữ gìn và phát triển đến những giây phút cuối cùng thứ ngôn ngữ dân tộc; còn là kính trọng, biết ơn những người đã có công lao với nhân dân…

– Lập dàn ý cho bài nói bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

  • Mở đầu:

– Nêu vấn đề cần trình bày. Ví dụ: Cả ba văn bản đều có nội dung liên quan đến tinh thần yêu nước nhưng mỗi văn bản có cách thể hiện rất khác nhau.

  • Nội dung chính:

– Dựa vào các ý đã tìm được, trình bày ý kiến của mình theo một trình tự nhất định.

Ví dụ:

+ Nêu cách hiểu về lòng yêu nước thể hiện cụ thể ở mỗi văn bản; ví dụ: Lòng yêu nước thể hiện ở văn bản Buổi học cuối cùng là tình cảm trân trọng và yêu quý tiếng Pháp của thầy Ha-men, của dân làng và cậu bé Phrăng,… Ở văn bản Dọc đường xử Nghệ là… Ở văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng là…

+ Nêu lí lẽ vì sao những biểu hiện đó được coi là lòng yêu nước. Ví dụ:

• Hành động chế vũ khí (tên, nỏ) bắn giặc Pháp xâm lược là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước ở chú Võ Tòng.

• Giải thích vì sao những cảnh vật dọc đường với những thắc mắc của bé Côn hay câu trả lời của cụ Phó bảng, tuy chỉ là những suy nghĩ, cảm xúc, không phải là hành động cụ thể nhưng vẫn là biểu hiện của lòng yêu nước.

• Lí giải vì sao yêu tiếng mẹ đẻ được coi là biểu hiện của lòng yêu nước ,…

  • Kết thúc

– Tóm tắt, khẳng định lại ý kiến đã nêu của mình và liên hệ với cuộc sống hiện nay. Ví dụ: Không nên hiểu lòng yêu nước một cách hạn hẹp, chẳng hạn quan niệm: chỉ ra trận đánh giặc mới là yêu nước. Yêu nước còn được thể hiện bằng nhiều cách thức, nhiều hành động, … khác nhau.

c) Nói và nghe.

Người nói:

– Nêu lên ý kiến của mình trước nhóm hoặc lớp…

– Trình bày bằng lời, tránh viết thành văn để đọc; sử dụng điệu bộ, cử chỉ và các phương tiện hỗ trợ phù hợp: thực hiện đúng thời gian dự kiến.

– Chú ý điều chỉnh giọng điệu, cách trình bày, quan sát thái độ, lắng nghe ý kiến phản hồi của người nghe.

– Có thể trả lời câu hỏi của người nghe sau khi trình bày xong hoặc kết hợp trả lời từng phần trong khi trình bày.

Người nghe:

– Tập trung theo dõi và nắm được thông tin từ người nói; ghi chép các ý chính và các điểm chưa rõ cần hỏi lại.

– Sử dụng cử chỉ, nét mặt, ánh mất để khích lệ người nói.

– Nêu câu hỏi về những vấn đề chưa rõ hoặc muốn mở rộng hiểu biết, trao đổi lại về các chi tiết, nội dung chưa thuyết phục.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa.

* Bài nói mẫu tham khảo:

Kính thưa thầy/ cô giáo và các bạn! Trong những tiết học trước chúng ta đã được tìm hiểu các văn bản: “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi), “Dọc đường xứ Nghệ” (Sơn Tùng) và “Buổi học cuối cùng” (Đô-đê), các văn bản đó đều có những nội dung thể hiện lòng yêu nước. Vậy lòng yêu nước là gì và được biểu hiện cụ thể như nào chắc hẳn trong mỗi bạn ngồi đây đều có câu trả lời riêng của mình. Bản thân tôi nhận thấy cả ba văn bản đều có nội dung liên quan đến tinh thần yêu nước nhưng mỗi văn bản có cách thể hiện rất khác nhau.

Trước hết chúng ta cần hiểu yêu nước là yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, yêu tiếng nói, yêu con người; là hành động sẵn sàng đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc mỗi lúc nguy nan. Vì thế mà biểu hiện của lòng yêu nước cũng khác nhau ở mỗi thời, mỗi hoàn cảnh.

Trong thời chiến tranh loạn lạc, tình yêu nước được biểu hiện là đấu tranh chống giặc ngoại xâm, như nhân vật Võ Tòng trong “Người đàn ông cô độc giữa rừng” (Đoàn Giỏi). Võ Tòng yêu nước được thể hiện ở việc giết tên địa chủ tham lam độc ác, ở việc làm những mũi tên tẩm độc để bắn giặc Pháp. Hành động làm vũ khí thầm lặng nhưng lại thể hiện được tấm lòng lớn lao, chính vì thế mà ông Hai đã trịnh trọng cảm ơn người anh em của mình “xin đa tạ chú! Đa tạ chú!”. Lời cảm ơn không chỉ của ông Hai mà còn của nhân dân, đất nước.

Tình yêu nước còn được thể hiện ở việc yêu tiếng mẹ đẻ, trân trọng, giữ gìn tiếng mẹ đẻ. Nhân vật thầy Ha-men trong “Buổi học cuối cùng” (Đô-đê) là gương mặt tiêu biểu cho tấm lòng yêu nước tha thiết ấy. Được tin buổi học cuối cùng, thầy đã ăn vận trang trọng khác mọi ngày với chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục diềm lá sen…mũ lụa đen thêu, thái độ dịu dàng ân cần với học trò. Bài giảng cuối cùng của thầy say sưa dịu dàng về thứ tiếng mà thầy cho là hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất và thầy nhấn mạnh phải giữ lấy nó trong chúng ta và đừng bao giờ quên lãng nó. Tình cảm của thầy H-men còn được thể hiện trong những dòng chữ cuối cùng, cầm một hòn phấn dằn mạnh hết sức và thầy viết thật to “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM”.

Đó là tình yêu nước trong thời chiến tranh, lọa lạc, còn ở thời bình tình yêu nước lại được biểu hiện ở tình yêu gia đình, tình yêu giữa con người với von người, ở việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Trong văn bản “Dọc đường xứ Nghệ” (Sơn Tùng) tình yêu nước là câu chuyện về nhân vật lịch sử như Lý Nhật Quang chăm lo cho đời sống nhân dân, là phê phán vua Thục Phán chủ quan khinh địch để mất nước của cụ Phó bảng và các con. Yêu nước còn là việc am hiểu, giải thích cặn kẽ về các địa danh như hòn Hai Vai, núi Trống Thủng, núi Cờ Rách… là nhớ ơn đại thi hào Nguyễn Du…

Như vậy chúng ta không nên hiểu lòng yêu nước một cách hạn hẹp, chẳng hạn quan niệm: chỉ ra trận đánh giặc mới là yêu nước. Yêu nước còn được thể hiện bằng nhiều cách thức, nhiều hành động … khác nhau. Bản thân tôi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng thể hiện lòng yêu nước của mình bằng việc học hành thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ và thầy cô, hòa thuận với an hem, bạn bè.

Trên đây là bài nói của tôi về lòng yêu nước qua các văn bản đã học, cảm ơn thầy/cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được sự góp ý từ phía thầy/cô và các bạn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang