Tứ cá nguyệt liễu (Bốn tháng rồi) – Nhật kí trong tù – HỒ CHÍ MINH
Phiên âm:
“Nhất nhật tù, thiên thu tại ngoại”,
Cổ nhân chi thoại bất sai ngoa!
Tứ nguyệt phi nhân loại sinh hoạt,
Sử dư tiều tuỵ thập niên đa.
Nhân vị:
Tứ nguyệt ngật bất bão,
Tứ nguyệt thuỵ bất hảo,
Tứ nguyệt bất hoán y,
Tứ nguyệt bất tẩy tảo.
Sở dĩ:
Lạc liễu nhất chích nha,
Phát bạch liễu hứa đa,
Hắc sấu tượng ngã quỷ,
Toàn thân thị lại sa.
Hạnh nhi:
Trì cửu hoà nhẫn nại,
Bất khẳng thoái nhất phân,
Vật chất tuy thống khổ,
Bất động dao tinh thần.
Dịch nghĩa:
“Một ngày tù nghìn thu ở ngoài”,
Lời nói người xưa thực không sai;
Sống chẳng ra người vừa bốn tháng,
Khiến mình tiều tuỵ còn hơn mười năm.
Bởi vì:
Bốn tháng ăn không no,
Bốn tháng ngủ không yên,
Bốn tháng không thay áo,
Bốn tháng không tắm rửa.
Cho nên:
Rụng mất một chiếc răng,
Tóc bạc đi nhiều,
Gầy đen như quỷ đói,
Ghẻ lở khắp thân mình,
May sao:
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần.
Nguồn: Hồ Chí Minh toàn tập (tập 3), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000
Dịch thơ:
“Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài”,
Lời nói người xưa đâu có sai;
Sống khác loài người vừa bốn tháng,
Tiều tuỵ còn hơn mười năm trời.
Bởi vì:
Bốn tháng cơm không no,
Bốn tháng đêm thiếu ngủ,
Bốn tháng áo không thay,
Bốn tháng không giặt giũ.
Cho nên:
Răng rụng mất một chiếc,
Tóc bạc thêm mấy phần,
Gầy đen như quỷ đói,
Ghẻ lở mọc đầy thân.
May mà:
Kiên trì và nhẫn nại,
Không chịu lùi một phân,
Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần.
(Nam Trân)