TỪ ĐỒNG NGHĨA
I. BÀI HỌC:
1. Thế nào là từ đồng nghĩa?
Đọc bản dịch thơ “Xa ngắm thác núi Lư”.
Dựa vào kiến thức đã học ở bậc Tiểu học, hãy tìm từ đồng nghĩa với từ “rọi, trông”?
– “Rọi” = Chiếu, soi, toả, …
– “Trông” = Nhìn, ngó, nhòm, liếc, ngắm, …
Từ “Trông” ngoài nghĩa là “nhìn để nhận biết” còn có nghĩa nào khác?
– Coi sóc, giữ gìn cho yên ổn.
– Mong mỏi.
Tìm các từ đồng nghĩa với mỗi nghĩa trên của từ “Trông”?
– Trông coi, chăm sóc, coi sóc, chăm nom, …
– Hi vọng, trông mong, trông ngóng, mong đợi, …
Thế nào là từ đồng nghĩa?
* Ghi nhớ: – Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Một từ nhiều nghĩa có thể thuộc vào nhiều nhóm từ đồng nghĩa khác nhau. |
2. Các loại từ đồng nghĩa:
Đồng nghĩa hoàn toàn:
Đọc các ví dụ Sgk/114.
So sánh nghĩa của từ “quả” và “trái” trong 2 ví dụ (1,2)?
– Có thể thay thế cho nhau, sắc thái ý nghĩa như nhau (hoàn toàn).
Nghĩa của từ “bỏ mạng” và “hy sinh” trong ví dụ 3,4 có chỗ nào giống, chỗ nào khác? (ENB).
– Giống: Đều nói về cái chết.
– Khác: “Bỏ mạng” là chết vô ích (Sắc thái khinh bỉ).
– “Hy sinh” là chết vì lí tưởng. (Sắc thái kính trọng).
Có mấy loại từ đồng nghĩa? Thế nào là từ đồng nghĩa hoàn toàn và đồng nghĩa không hoàn toàn?
* Ghi nhớ: – Từ đồng nghĩa có hai loại: những từ đồng nghĩa hoàn toàn (không phân biệt nhau về sắc thái nghĩa) và những từ đồng nghĩa không hoàn toàn (có sắc thái nghĩa khác nhau). |
3. Sử dụng từ đồng nghĩa:
Thử thay các từ đồng nghia “quả” và “trái”, “bỏ mạng” và “hi sinh” trong các ví dụ 3,4 và rút ra nhận xét?
– Thay từ “quả” và “trái” ý nghĩa câu không thay đổi.
– Thay từ “bỏ mạng” và “hi sinh” ý nghĩa câu không thay đổi.
Ở bài 7, tại sao đoạn trích “Chinh phụ ngâm khúc” lấy tiêu đề “Sau phút chia li” mà không phải là “Sau phát chia tay”?
– Vì: – Chia li: chia tay lâu dài, thậm chí vĩnh biệt vì người đi là người ra trận.
– Chia tay: chỉ có tính chất tạm thời, thường sẽ gặp lại trong tương lai gần.
Từ phân tích trên, có thể rút ra nhận xét gì khi sử dụng từ đồng nghĩa?
* Ghi nhớ: – Không phải bao giờ các từ đồng nghĩa cũng có thể thay thế cho nhau. Khi nói cũng như khi viết, cần cân nhắc để chọn trong số các từ đồng nghĩa những từ thể hiện đúng thực tế khách quan và sắc thái biểu cảm. |
II. LUYỆN TẬP
* Bài tập 1/107: Tìm từ Hán – Việt đồng nghĩa các từ (bảng phụ)
– gan dạ – dũng cảm
– nhà thơ – thi sĩ
– chó biển – hải cẩu
– đòi hỏi – yêu cầu
– mổ xẻ – phẩu thuật
– của cải – tài sản
– nước ngoài – ngoại quốc
– năm học – niên khoá.
* Hs: Đọc yêu cầu, trình bày, nhận xét, …
* Bài tập 2/115: Tìm từ có gốc Ấn – Âu đồng nghĩa với các từ:
– Máy thu thanh – radio; – Xe hơi – ô tô
– Sinh tố – vitamin; – Dương cầm – pi-a-no.
* Bài tập 3/115: Tìm từ địa phương đồng nghĩa hoàn toàn với từ toàn dân (phổ thông)?
-Bắp – ngô, dĩa – đĩa, …
* Bài tập 4/115: Tìm từ đồng nghĩa thay thế từ in đậm:
– Đưa – trao; – Nói – trách
– Đưa – tiễn; – Đi – mất.
– Kêu – than thở;
* Bài tập 5/116: Phân biệt nghĩa của các từ đồng nghĩa trong nhóm: “ăn, xơi, chén”.
– Nghĩa chung: Cho thức ăn vào miệng để nuôi sống cơ thể.
– Nghĩa riêng: Ăn, xơi, chén (biểu thị sắc thái bình thường, lịch sự, gần gũi).
* Bài tập 8/117: Đặt câu với các từ: “bình thường, … hậu quả”.
– Sức khỏe Minh vẫn bình thường.
– Thấy bạn bè giỏi hơn mình mà ganh ghét là thái độ tầm thường
– Cố gắng học tập, ta sẽ đạt kết quả tốt.
– Cây ngã là hậu quả của trận bão vừa qua.
Đề bài: viết đoạn văn có sử dụng từ đồng nghĩa.
Mùa xuân, cây cối xanh tươi như muốn bung trào sức sống. Cơn mưa đem qua như rửa sạch lớp bụi bẩn bám đầy. Khắp mặt đất, phủ đầy một màu xanh mơn mởn. Những mầm lá mới nhú mạnh trên cành sau một mùa khô hạn nằm im lặng. Từng lớp vỏ cây căng phồng chuẩn bị thay áo mới. Chim chóc cũng bắt đầu hát ca. Rộn ràng nhất là anh sơn ca. Với tiếng hót lảnh lót, vang xa, chim sơn ca như chiếm lĩnh cả bầu trời buổi sớm mai. Rồi đến cô chìa vôi nữa. Cô cũng cố muốn tranh vào bản nhạc trời mà anh sơn ca đang diễn sướng.