»» Nội dung bài viết:
Từ ghép
I – CÁC LOẠI TỪ GHÉP
1. Trong các từ ghép bà ngoại, thơm phức ở những ví dụ sau, tiếng nào là tiếng chính, tiếng nào là tiếng phụ bổ sung ý nghĩa cho tiếng chính? Em có nhận xét gì về trật tự của các tiếng trong những từ ấy?
– Mẹ còn nhớ sự nôn nao, hồi hộp khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường và nỗi chơi vơi hốt hoảng khi cổng trường đóng lại […]
(Lí Lan)
– Cốm không phải thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ […]
(Thạch Lam)
2. Các tiếng trong hai từ ghép quần áo, trầm bổng ở những ví dụ sau (trích từ văn bản Cổng trường mở ra) có phân ra tiếng chính, tiếng phụ không?
– Việc chuẩn bị quần áo mới, giày nón mới, cặp sách mới, tập vở mới, mọi thứ đâu đó sẵn sàng, khiến con cảm nhận được sự quan trọng của ngày khai trường.
– Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng […]
* Ghi nhớ: – Từ ghép có hai loại: từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập. |
II – NGHĨA CỦA TỪ GHÉP
1. So sánh nghĩa của từ bà ngoại với nghĩa của bà, nghĩa của từ thơm phức với nghĩa của thơm, em thấy có gì khác nhau?
2. So sánh nghĩa của từ quần áo với nghĩa của mỗi tiếng quần, áo; nghĩa của từ trầm bổng với nghĩa của mỗi tiếng trầm, bổng, em thấy có gì khác nhau?
* Ghi nhớ: – Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa.Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn nghĩa của tiếng chính. |
III – LUYỆN TẬP
1. Xếp các từ ghép suy nghĩ, lâu đời, xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn*, chài lưới, cây cỏ, ẩm ướt, đầu đuôi, cười nụ theo bảng phân loại sau đây:
– Từ ghép chính phụ
– Từ ghép đẳng lập
2. Điền thêm tiếng vào sau các tiếng dưới đây để tạo từ ghép chính phụ:
bút…
thước…
mưa…
làm…
ăn…
trắng…
vui…
nhát…
3. Điền thêm tiếng vào sau các tiếng dưới đây để tạo từ ghép đẳng lập:
núi…
ham…
xinh…
mặt…
học…
tươi…
4. Tại sao có thể nói một cuốn sách, một cuốn vở mà không thể nói một cuốn sách vở?
5.
a) Có phải mọi thứ hoa có màu hồng đều gọi là hoa hồng không?
b) Em Nam nói: “Cái áo dài của chị em ngắn quá!”. Nói như thế có đúng không? Tại sao?
c) Có phải mọi loại cà chua đều chua không? Nói: “Quả cà chua này ngọt quá!” có được không? Tại sao?
d) Có phải mọi loại cá màu vàng đều là cá vàng không? Cá vàng là loại cá như thế nào?
6. So sánh nghĩa của các từ ghép mát tay, nóng lòng, gang thép(Anh ấy là một chiến sĩ gang thép), tay chân (một tay chân thân tín) với nghĩa của những tiếng tạo nên chúng.
7.* Thử phân tích cấu tạo của những từ ghép có ba tiếng máy hơi nước, than tổ ong, bánh đa nem theo mẫu sau: cá đuôi cờ
ĐỌC THÊM.
Có những tiếng trong từ ghép ngày nay không còn rõ nghĩa nhưng có thể tìm thấy nghĩa của chúng trong tiếng địa phương, trong một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong các văn bản cổ.
Trong tiếng địa phương: rú trong rừng rú (trong tiếng Nghệ – Tĩnh, rú là “một loại rừng già”); qué trong gà qué (trong tiếng Thanh Hoá, qué có nghĩa là “gà”); cộ trong xe cộ (trong tiếng địa phương Nam Bộ, cộ chỉ “loại xe trượt không có bánh dùng để kéo gỗ ở rừng hoặc kéo lúa trên ruộng”).
Trong một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam (có thể có sự khác biệt chút ít về mặt ngữ âm):
– Nang trong cau nang (trong tiếng Mường, nang nghĩa là “cau”);
– Ỏi trong ít ỏi (trong tiếng Mường, ỏi nghĩa là “ít”);
– Phai trong mương phai (trong tiếng Tày Nùng, phai là “con đập chắn ngang dòng suối”).
Trong các văn bản cổ:
– Lệ trong e lệ có nghĩa là “e”, “sợ”.
Lệ khi hoa chẳng chiều ong.
(Phan Trần)
– Chác trong bán chác, đổi chác có nghĩa là “mua”, “đổi”.
Túi đã không tiền khôn chác rượu.
(Nguyễn Trãi, Quốc âm thi tập)
* Soạn bài:
Từ ghép
I. Các loại từ ghép
Câu 1:
+ Các tiếng chính: bà, thơm.
+ Các tiếng phụ: ngoại, phức.
+ Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau; tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính.
Câu 2: Các tiếng trong hai từ ghép quần áo, trầm bổng ở đây không phân ra thành tiếng chính, tiếng phụ. Các tiếng trong hai từ này không chia ra được thành tiếng chính tiếng phụ. Hai tiếng bình đẳng với nhau, ghép lại tạo thành từ.
II. Nghĩa của từ ghép
Ví dụ:
– Áo quần:
+ Do hai tiếng tạo thành
+ Tiếng áo và tiếng quần đều có nghĩa.
+ Cả hai tiếng đều dùng để chỉ vật dụng trang phục của con người.
→ Từ áo và từ quần nghĩa hẹp hơn so với từ áo quần.
– Trầm bổng:
+ Cả hai tiếng đều ngang hàng nhau.
+ Không có tiếng nào phụ.
+ Là âm thanh khi cao khi thấp rất êm tai.
– Xét riêng từng tiếng:
+ Trầm: âm thanh ở âm vực thấp
+ Bổng: âm thanh ở âm vực cao
→ Nghĩa hẹp hơn so với từ trầm bổng.
III. Luyện tập
Câu 1: Xếp các từ ghép suy nghĩ, lâu đời, xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn, chài lưới, cây cỏ, ẩm ướt, đầu đuôi, cười nụ theo bảng phân loại sau:
Từ ghép chính phụ Từ ghép đẳng lập
Lâu đời, xanh ngắt, nhà máy, nhà ăn, cười nụ Suy nghĩ, ẩm ướt, đầu đuôi, chài lưới, cây cỏ
Câu 2: Điền thêm tiếng vào sau các tiếng dưới đây để tạo thành từ ghép chính phụ:
bút chì ăn trưa thước kẻ trắng xoá mưa bụi vui mắt làm việc nhát chết
Câu 3: Điền thêm tiếng vào sau các tiếng dưới đây để tạo thành các từ ghép đẳng lập:
núi sông mặt mũi
rừng mày
ham chơi học hỏi
muốn hành
xinh đẹp tươi trẻ
tươi cười
Câu 4:
+ Các cụm sai: một cuốn sách vở, một quyển sách vở.
+ Sai vì: sách vở là từ ghép đẳng lập có ý nghĩa khái quát nên không dùng với nghĩa tính đếm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, từ ghép đẳng lập kết hợp một cách hợp lý với những danh từ chỉ đơn vị đứng trước (bộ, chuyến,…) thì vẫn được dùng với nghĩa tính đếm như: một bộ quần áo, một chuyến đi lại, v.v…
Câu 5:
a.
+ Không phải mọi thứ hoa có màu hồng đều gọi là hoa hồng.
+ Hoa hồng ở đây dùng để gọi tên một loài hoa, như: hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, hoa đào…
+ Hoa hồng có rất nhiều loại: hoa hồng bạch, hoa hồng vàng, hoa hồng đỏ.
b.
+ Em Nam nói “Cái áo dài của chị em ngắn quá!” là hoàn toàn đúng.
+ Bởi lẽ áo dài ở đây là một từ ghép phân loại chỉ một loại áo có tà rất dài tới quá đầu gối, khác với tà áo sơ mi thường ngắn ngang mông.
c. Cà chua là một danh từ chỉ một loại quả giống quả: cà pháp, cà bát, cà tím, chứ không phải là quả cà có vị chua.
+ Nói: “Quả cà chua này ngọt quá!” hoàn toàn được.
d.
+ Không phải mọi loại cá có màu vàng đều gọi là cá vàng.
+ Cá vàng là một loại cá cảnh thường được nuôi trong chậu, hoặc bể. Chúng có mắt lồi, thân tròn, ngắn, đuôi rất to đẹp và dài và có nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, đen, bạc nhưng phổ biến là màu vàng.
Câu 6:
– Hai từ mát tay và nóng lòng ghép từ hai tính từ chỉ cảm giác (mát, nóng) với hai danh từ (tay, lòng). Khi ghép lại, các từ này có nghĩa khác hẳn với nghĩa của các từ tạo nên chúng.
+ Mát tay: chỉ những người dễ đạt được kết quả tốt, dễ thành công trong công việc (như chữa bệnh, chăn nuôi,…).
+ Nóng lòng: chỉ trạng thái (tâm trạng của người) rất mong muốn được biết hay được làm việc gì đó.
– Các từ gang và thép vốn là những danh từ chỉ vật. Nhưng khi ghép lại, chúng trở thành từ mang nghĩa chỉ phẩm chất (của con người.)
– Các từ tay và chân cũng vậy. Chúng vốn là những danh từ nhưng khi ghép lại, nó trở thành từ mang nghĩa chỉ một loại đối tượng (người).
Câu 7: Xác định tiếng chính trong các từ, tiếp tục xác định tiếng chính và phụ với các tiếng còn lại. Mũi tên trong mô hình là chỉ sự bổ sung nghĩa của tiếng phụ cho tiếng chính. Theo mô hình bổ sung nghĩa này, ta có:
+ Máy hơi nước: máy là tiếng chính; hơi nước là phụ, trong đó nước phụ cho hơi.
+ Than tổ ong: than là tiếng chính; tổ ong là phụ, trong đó ong phụ cho tổ.
+ Bánh đa nem: bánh đa là chính, nem là phụ; trong bánh đa, bánh là chính, đa là phụ.