Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi qua đoạn trích “Nước Đại Việt ta”
- Mở bài:
Nhân nghĩa vốn là một truyền thống quý báu của nền văn hóa dân tộc. Qua mỗi thời đại, tư tưởng ấy không ngừng được nâng cao thể hiện sức mạnh và lòng vị tha của nhân dân ta. Qua đoạn trích “Nước Đại Việt ta” (trích “Bình Ngô đại cáo”) một lần nữa, Nguyền Trãi đã trình bày thấu suốt đạo lí ấy.
- Thân bài:
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Trãi giương cao đạo nghĩa dân tộc:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn trãi là lấy dân làm gốc rễ. Muốn dân được ấm no và hạnh phúc, xã hội thái bình, thịnh vượng trước hết, phải làm cho cuộc sống nhân dân yên ổn, vì dân mà đánh kẻ hung tàn.
Khẳng định điều ấy, Nguyễn Trãi chỉ ra rất rõ: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Như vậy, “yên dân” chính là giá trị cốt lõi, giá trị quan trọng nhất của nhân nghĩa. Tất cả các việc điều trị, chính sách của triều đình phải hướng đến mục đích yên dân.
Ông cũng chỉ ra hành động thứ hai cũng hết sức quan trọng: “Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Mỗi quốc gia đều có một lực lượng quân đội. Nhiệm vụ của lực lượng ấy là giữ yên đất nước, chống giặc cứu nước (trừ bạo) chứ không nên dùng để xâm chiếm bờ cõi nước khác, làm tổn hao xương máu dân tộc. Ai cũng cầu muốn một cuộc sống yên ổn, ấm no, hạnh phúc. Đất nước đã trải qua biết bao khổ nạn mới được yên bình. Bậc minh quân nên lấy thái bình của xã tắc làm trọng, chớ động lòng tham mà hành động sai lầm, phạm vào tội ác. Quả thực, tấm lòng của Nguyễn Trãi rộng lớn vô cùng.
Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi thật sự rất tiến bộ lúc bấy giờ. Nó đi ngược lại với những suy nghĩ của những vị vua, vị tướng trước đây chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, tham danh vọng, thích quyền uy mà bất chấp nhân tâm. Họ chỉ ham mê xây cung cất điện để phụ vụ cho nhu cầu hưởng thụ vô ích của chính họ. Từ đó gây nổi loạn, cuộc sống nhân dân bết bát qua từng ngày đói no trong khi bộ máy nhà nước suy sụp, vua chúa bị gian thần nịnh bợ và đi vào thời kỳ sa đọa.
Việc dân, việc nước là những việc làm cơ bản của một vị vua, vị tướng tài, khi nhân dân có cuộc sống bình yên thì việc thứ hai cần phải làm là xây dựng quân đội để bảo vệ đất nước và chủ quyền độc lập. Đó là thời kỳ thịnh trị của một nhà nước hung mạnh, Nguyễn Trải đã làm một điều đáng để trân trọng mà trước đây ít ai nghĩ được như thế, đó là một lý luận, một định nghĩa đơn giản được áp dụng mà tưởng như không thể nào đơn giản hơn.
Triết lí và tầm nhìn tiến bộ, rộng sâu giúp Nguyễn Trãi có những kế sách đúng đắn giúp vua định yên xã hội rất nhanh chống. Một khi cuộc sống yên bình, muôn dân ấm no thì nước non tất thịnh cường, sức mạnh quốc gia sẽ được củng cố. Được sống hạnh phúc, con người sẽ yêu nước. Khi có ngoại biến thì sức mạnh chiến đấu và căm thù giặc phụ thuộc rất nhiều vào tình yêu nước của nhân dân, có thể vì nước mà đứng lên kháng chiến và hi sinh vì độc lập chủ quyền của dân tộc. Dưỡng nuôi tình yêu nước của nhân dân, một phần để phòng bị khi có giặc ngoại xâm, phần lớn là để gắn kết con người, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng đến cuộc sống thái bình.
Tinh thần nhân nghĩa cũng đã từng được khẳng định mãnh mẽ trong Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo). Lòng yêu nước là một lí tưởng lớn chưa bao giờ ngừng chảy trong lòng dân tộc ta. Trải qua lịch sử đấu tranh dụng nước và giữ nước, dân tộc ta lúc nào cũng nêu cao nhân nghĩa. Nó chính là ngọn đuốc sáng dẫn đường dân tộc ta bước qua những tháng năm đen tối, tìm đến ánh sáng của niềm tin và chiến thắng.
Đây là một tư tưởng sáng suốt, khôn ngoan của một nhà chính trị nói cách khác là một bậc quân tử, nhân nghĩa vì dân vì nước, thể hiện tinh thần yêu nước mảnh liệt, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc và có thể nói rằng: Tư tưởng của Nguyễn Trải thể hiện trong bài Nước Đại Việt là một bản tuyên ngôn độc lập khẳng định nền dân chủ của nước Đại Việt ta. Nguyễn Trãi được xem là một bậc kỳ tài nằm trong các vị tướng xuất sắc và ông là một tấm gương của một người nhân nghĩa mà chúng ta cần biết và đáng để hậu thế noi theo.
- Kết bài:
Đoạn trích “Nước Đại Việt ta” đúc kết truyền thống mấy trăm năm vẻ vang của dân tộc, nêu cao đạo nghĩa và chân lí vĩnh tồn, khẳng định lập trường chính nghĩa và sức mạnh chiến thắng của dân tộc, đồng thời cũng là lời nhắc nhở nghiêm khắc kẻ thù hung bạo. Nguyễn Trãi là lấy nhâm tâm mà khuất phục lòng người. Đó cũng là một nghệ thuật tâm công, lấy đạo nghĩa để cảm hóa kẻ thù của bậc thánh nhân vậy.