tu-tuong-nhan-nghia-trong-tho-luc-van-tien-cua-nguyen-dinh-chieu

Tư tưởng nhân nghĩa trong thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

Tư tưởng “nhân nghĩa” trong thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

  • Mở bài:

Nguyễn Đình Chiểu là tác giả văn học lớn nhất của nền văn học Việt nam thế kỉ XIX. Truyện thơ nôm Lục Vân Tiên là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Qua hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu thể hiện đạo lí của dân tộc ta. Đó là lối sống coi trọng tình nghĩa giữa con người với con người, đề cao lòng tốt, sự tương trợ. Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy. Đồng thời, qua đó thể hiện khát vọng của nhân dân về một người anh hùng cứu nhân độ thế, bảo vệ lẽ phải, sự công bình. Tác phẩm cũng khẳng định sự chiến thắng của cái thiện đối với cái ác. Qua hình tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu còn bày tỏ quan niệm về nhân nghĩa ở đời.

  • Thân bài:

Khái niệm “nhân nghĩa” của Nguyễn Ðình Chiểu bắt nguồn từ tư tưởng nhân nghĩa của nho giáo và trong thâm tâm, ông từng khẳng định và ca ngợi đạo nho Theo đường nhân nghĩa chi bằng đạo nho. Viết tác phẩm Lục Vân Tiên, tác giả có nêu lên những tấm gương về luân lý, đạo đức kiểu Nhị thập tứ hiếu nhằm mục đích giáo huấn, cải tạo xã hội:

“Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.

Những câu thơ mở đầu truyện Lục Vân Tiên như là sợi chỉ đỏ về nội dung tư tưởng xuyên suốt tác phẩm mà Nguyễn Đình Chiểu muốn gửi tới người đọc:

“Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”.

Nguyễn Đình Chiểu là nhà nho mang nặng tư tưởng Nho giáo mà gốc là tư tưởng của Khổng tử, Mạng tử, Trang tử… Đồng thời, ông còn là người con của quê hương Nam Bộ, giàu tình yêu thương, sống gắn bó với người lao động. Việc học hành thi cử không thành, ông quay về bốc thuốc chữa bệnh, cứu người, dạy học để truyền tri thức và đạo lý cho con cháu. Chính vì thế mà nội dung tư tưởng “trung – hiếu – tiết – nghĩa” theo tư tưởng của Nho giáo lại rất gần với đạo lý “nhân – nghĩa” ở đời của dân tộc ta. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác Lục Vân Tiên trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta nhằm tuyên truyền cho đạo lý tốt đẹp ấy.

Nhân nghĩa là đạo đức của nhân dân, là gốc rễ để trau dồi rèn giũa con người. Tư tưởng cao đẹo ấy được Nguyễn Đình Chiểu chuyển tải vào trong truyện thơ rất gần gũi với nhân dân nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng. Vẻ đẹp của tư tưởng ấy được toát lên, tỏa sáng qua những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Lục Vân Tiên.

Lục Vân Tiên là con nhà thường dân, học giỏi, mong muốn thi cử đỗ đạt để được làm quan giúp vua, giúp nước. Giữa đường đi thi gặp cướp đang quấy nhiễu cuộc sống bình yên của nhân dân, chàng dã lên tiếng: Tôi xin ra sức anh hào/ Cứu người cho khỏi lao đao buổi này. Và chàng đã bẻ cây làm gậy, dũng cảm tả xung hữu đột, đánh tan tác giặc Phong Lai. Hành động đánh cướp của Vân Tiên oai hùng dũng mãnh giống Triệu Tử Long chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ ấu chúa cho ngôi vua nhà Hán:

“Vân Tiên tả đột hữu xung
Khác nào Triệu Tử mở dòng Đương Dương”.

Với Triệu Tử Long đó là đạo trung với vua với nước. Với Vân Tiên, người đọc yêu quý hơn, sâu xa Nguyễn Đình Chiểu muốn đề cao là Vân Tiên đánh cướp vì người dân gặp nạn, nhằm cứu dân, diệt trừ cái ác. Đánh cướp cứu dân, giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga – con gái quan tri phủ, con đường công danh của Vân Tiên sẽ rất rộng mở nếu chàng nhận lời mời của nàng đến thăm nhà để được tạ ơn. Nhưng Vân Tiên đã khẳng khái chối từ: Làm ơn há dễ trông người trả ơn. Ơn nghĩa là chuyện ở đời. Nhưng làm ơn không nghĩ đến trả ơn là lối hành xử của người có học, của người quân tử và cũng là đạo lý của nhân dân:

“Nhớ câu kiến ngãi bất vi
“Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Kẻ nào đi ngược lại với truyền thống đạo lý của dân tộc chỉ là kẻ tiểu nhân, tầm thường. Vì vậy bên cạnh ngợi ca Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu còn đề cao nghĩa khí của Hớn Minh, Tử Trực, ông Quán.

Về chữ Hiếu trong Lục Vân Tiên đã thực sự làm người đọc xúc động bởi nó vừa cao đẹp vừa gần gũi trong cuộc sống thường nhật của người lao động. Truyện kể về Vân Tiên đang trên đường đi thi, nghe tin mẹ mất, quá thương xót mẹ, chàng khóc lóc thảm thiết. Chàng đã bỏ thi –  bỏ dở cả con đường công danh sự nghiệp xán lạn đang ở phía trước, quay về quê để chịu tang mẹ. Trên đường về khóc thương mẹ đến thành bệnh mà mù mắt. Mắt đã mù nhưng nỗi sầu vẫn chưa nguôi ngoai:

“Ôi thôi! Con mắt đã mang lấy sầu
Mịt mù nào thấy gì đâu”.

Truyện Lục Vân Tiên còn đề cao chữ tiết hạnh. Tuy nhiên, Kiều Nguyệt Nga thủy chung son sắt với Lục Vân Tiên theo quan niệm tình yêu lấy chữ nghĩa làm gốc chứ không phải là tình. Nguyệt Nga là tiểu thư con tri phủ, nàng được giáo dục chu đáo nhất là chữ tiết. Vậy mà sau khi được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp, nàng đã nói những lời đẹp nhất để bày tỏ sự cảm kích và ân tình của mình với Vân Tiên:

“Lâm nguy chẳng gặp giải nguy
Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”.

Sau này gặp nạn nàng vẫn thủy chung với Vân Tiên, xem Vân Tiên như là chồng của mình. Hay tin Vân Tiên mất nàng vẽ ra bức tượng để thờ. Khi bị đưa đi cống phiên cho giặc Ô Qua, Nguyệt Nga đã ôm bức tượng Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn. Được cứu thoát, nàng sống với bà lão trong rừng và một mực thờ bức tượng Vân Tiên.

Song song với tư tưởng nhân nghĩa, đề cao đạo lý của dân tộc, truyện còn thể hiện tư tưởng nhân- quả. Đó là trừng trị kẻ bất nhân phi nghĩa, người tốt được hưởng hạnh phúc. Luật Nhân quả mang tư tưởng Phật giáo. Nhưng nhân quả trong Lục Vân Tiên rất gần với cuộc sống và ước mơ của nhân dân. Tư tưởng Phật giáo là khổ kiếp này, kiếp sau được hưởng hạnh phúc, còn với Lục Vân Tiên kẻ ác bị trừng trị đích đáng và một kết thúc có hậu ngay sau những gian truân khổ cực cho những người hiền lành. Đó cũng là đạo lý sống ở đời của dân tộc ta.

Truyện là bản án kết tội những kẻ bất nhân, lòng lang dạ sói như: Gia đình Võ công lật lọng với chàng rể tương lai họ Lục đang lúc gặp họa; Trịnh Hâm đố kị, phản trắc phạm tội giết người; Bùi Kiệm thiếu tình, thiếu nghĩa tình cách tranh vợ sắp cưới của bạn… Những kẻ như thế không chỉ bị phỉ nhổ mà còn bị trừng trị: Võ Thể Loan bị cọp bắt bỏ vào hang đến chết; Trịnh Hâm bị sóng thần nhấn chìm thuyền và bị cá nuốt sống…

Những người được người đời yêu quý bởi những phẩm chất tốt đẹp trải qua bao sóng gió, bất hạnh, chia lìa cuối cùng họ được sum họp, hưởng hạnh phúc trong cuộc đời thực:

“Từ đây toại chí muôn phần.
Hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.

Tư tưởng ác giả ác báo, gieo gió gặp bão, ở hiền gặp lành đã có từ trong dân gian, trong truyền thống cổ truyền của dân tộc nhưng được Nguyễn Đình Chiểu đưa vào tác phẩm bằng cả trái tim nhiệt huyết, bằng cả tài năng nghệ thuật. Vì vậy nó có một sức sống mãnh liệt trong lòng nhân dân.

Đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” thể hiện khát vọng hành đạo giúp đời của Nguyễn Đình Chiểu và khắc họa những phẩm chất đẹp đẽ của hai nhân vật: Lục Vân Tiên tài ba, dũng cảm, trọng nghĩa khinh tài; Kiều Nguyệt Nga hiền hậu, nết na, ân tình. Đoạn Lục Vân Tiên gặp nạn nói lên sự đối lập giữa thiện và ác, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn; đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động. Đây cũng là đoạn trích giàu cảm xúc, khoáng đạt, ngôn ngữ bình dị, dân dã. Tất cả khẳng định sâu sắc tấm lòng yêu thương con người, tư tưởng nhân nghĩa của cụ Đồ Chiểu, một con người trọn đời tận trung với nhân dân, đất nước.

  • Kết bài:

Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu đã mượn tư tưởng đạo nho, lá cờ nho giáo nhưng thực ra là để bảo vệ tình cha con, đạo vợ chồng, tình bạn bè, tinh thần cứu nạn phò nguy, tinh thần trọng nghĩa khinh tài. Đó là những đạo lý thông thường mà cao quý trong đời sống của nhân dân, trong truyền thống thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc ta.

Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu)

Qua đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga, hãy chứng minh: Hình tượng nhân vật Lục Vân Tiên mang cái đẹp của đạo lý nhân dân.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang