»» Nội dung bài viết:
Vai trò và ý nghĩa của việc nghiên cứu thi pháp học trong hoạt động giảng dạy văn học.
1. Nghiên cứu thi pháp học giúp hiểu đúng đặc điểm tư tưởng thẩm mỹ của hình tượng nghệ thuật.
Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống bằng hình tượng, thông qua hình tượng. Nghiên cứu thi pháp của tác phẩm văn học là cách thức để hiểu đúng giá trị khách quan của tác phẩm; đúng đặc trưng, bản chất tư tưởng thẩm mỹ của hình tượng, tránh được cách hiểu xã hội học thuần túy, tránh được áp đặt chủ quan, tư biện.
Tính đặc thù trong sự phản ánh của văn học không phải chỉ giản đơn là phản ánh đúng, chính xác mà còn ở chiều sâu, ở tính sáng tạo, ở tính thẩm mỹ của nó. Những vấn đề đó chỉ được hiểu đúng khi nghiên cứu thi pháp, tức là nghiên cứu hình thức mang tính nội dung.
2. Nghiên cứu thi pháp học giúp thấy được sự vận động và phát triển của tư duy nghệ thuật.
Tư duy nghệ thuật của nhà văn không phải nhất thành bất biến mà luôn vận động, biến đổi, phát triển trong lịch sử văn học. Tính khác nhau của các giai đoạn văn học, thể loại văn học trong lịch trình phát triển văn học chịu sự chi phối, tác động của nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn đến sự khác nhau ở tư duy nghệ thuật của nhà văn thể hiện trong tác phẩm. Do đó, nghiên cứu văn học từ góc độ thi pháp – thi pháp lịch sử – thì sẽ thấy được quá trình vận động và phát triển đó, thấy được vị thế và đóng góp riêng của từng nhà văn, những đặc trưng của tư duy nghệ thuật ở từng thời kỳ, giai đoạn văn học trong tổng thể cả nền văn học nhìn từ lịch sử phát triển văn học.
Ví dụ: So sánh hình tượng con người trong truyện cổ tích với truyện ngắn hiện đại, so sánh thơ Đường luật với thơ Mới, tiểu thuyết chương hồi với tiểu thuyết hiện đại, văn xuôi Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với thời hậu chiến…, ta sẽ thấy rõ sự phát triển của tư duy nghệ thuật. Trong truyện cổ tích, tư duy nghệ thuật của tác giả về con người là con người thuần toàn, nhất khối, biểu trưng cho một phẩm chất đạo đức nào đó; con người được chú tâm vào hành vi, tính cách; còn truyện ngắn hiện đại thể hiện tư duy nghệ thuật về tâm lý con người, đời sống nội tâm với những đấu tranh, giằng xé giữa những quan niệm, triết lý sống trong từng cảnh ngộ sống. Tiểu thuyết chương hồi chú trọng mô hình kiểu con người tính cách thể hiện trong hành vi và đạo đức trên nền tảng lịch sử; tiểu thuyết hiện đại chú trọng tâm lý, nội tâm; tiểu thuyết hậu hiện đại tập trung xây dựng kiểu nhân vật dòng ý thức. Văn xuôi Việt Nam thời chống Mỹ thể hiện con người cộng đồng, con người sử thi qua những cá nhân tiêu biểu; văn xuôi hậu chiến đi vào đời tư cá nhân với những xung lực trong mỗi con người trước các vấn đề nhân sinh.
3. Nghiên cứu thi pháp học giúp nắm bắt được tính xác định của nội dung.
Tính xác định của nội dung nằm trong hệ thống hình thức nghệ thuật. Do đó, nghiên cứu tác phẩm văn học từ góc độ thi pháp giúp nắm bắt được tính xác định, khách quan của nội dung tác phẩm. Đồng thời, hạn chế tính chủ quan và những suy diễn có tính chất võ đoán tùy tiện, nâng cao tính khoa học trong việc nghiên cứu và lĩnh hội các giá trị của tác phẩm văn học.
Chẳng hạn, với bài ca dao Xin áo, việc xin áo chỉ là cái cớ để người con trai tỏ tình, tỏ tấm lòng muốn kết hôn với cô gái mà anh yêu. Do vậy, mới Để quên chiếc áo trên cành hoa sen. Nghiên cứu bài ca dao từ thi pháp thì sẽ thấy chi tiết đó là hợp lý, nhưng nếu nghiên cứu nó từ cái nhìn xã hội học thì sẽ thấy phi lý, vì áo không thể để lên cành hoa sen được, do hoa sen mảnh mai không thể chịu nổi sức nặng của chiếc áo, nên trong thực tế không ai để áo trên cành hoa sen cả, nhất là thời bấy giờ, khi cuộc sống vật chất còn khó khăn, người lao động hầu như đều phải mặc áo bằng vải sợi bông, nhuộm bùn (“Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn” – Nguyễn Đình Thi), thậm chí còn phải vá nhiều mảnh, thì càng không thể để áo trên cành hoa sen được.
Hoặc như, ở bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa, trong tính qui chiếu của hệ thống thì câu thơ đúng phải là Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, diễn tả việc em đã có chồng quá chóng vánh, quá bất ngờ và đường đột, trái với suy nghĩ của người con trai (nhân vật anh) như hoa tầm xuân vốn có màu hồng nhạt trong thực tế mà nay lại xanh biếc. Thế nhưng, có người do không tìm hiểu tác phẩm từ thi pháp nên đã chủ quan và tư biện đổi từ xanh biếc thành cánh biếc (để tránh từ xanh cho hợp với hiện thực cuộc sống).
4. Nghiên cứu thi pháp học giúp phát hiện được những đóng góp nghệ thuật của nhà văn.
Nghiên cứu sáng tác của nhà văn từ góc độ thi pháp học là con đường đúng đắn và hữu hiệu nhất để phát hiện ra những sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa như là những đóng góp riêng của nhà văn cho nền văn học của dân tộc và nhân loại. Với phương pháp thi pháp học, người nghiên cứu nhận chân ra được những sáng tạo nghệ thuật đích thực trong tính khu biệt với những tác giả cùng thời và khác thời qua cái nhìn, quan niệm nghệ thuật và tính tư tưởng, thẩm mỹ trong kết cấu tác phẩm cũng như tính hình tượng của không gian, thời gian nghệ thuật; tính sáng tạo trong ngôn từ, lời văn và giọng điệu.
Chẳng hạn, với biển, Xuân Diệu nhìn thấy sự tương đồng của biển và bờ với anh và em trong tình cảm yêu đương với những khát khao bỏng cháy và tận hiến qua giọng điệu sôi nổi, mạnh mẽ, thiết tha; Xuân Quỳnh lại nhìn thấy đằng sau sự gắn kết giữa biển và thuyền, anh và em là cả những khoảng trống mênh mông dự cảm chia ly, thảng thốt âu lo vì tính hữu hạn đời người cũng như tính mong manh của tình yêu qua giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, lắng sâu và trăn trở.
Cũng viết về Đất Nước, nhưng Nguyễn Đình Thi nhìn theo chặng phát triển gắn với lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm nhìn từ sự phối kết các giá trị hữu hình và vô hình của nhân dân bao đời làm nên Đất Nước. Cũng viết về người dân nghèo, Lỗ Tấn chủ yếu thể hiện cái nhìn bên ngoài, chú ý nhiều đến hành vi, miêu tả sự tha hóa của họ do tăm tối, u mê; Nam Cao lại kết hợp cả cái nhìn bên ngoài và bên trong, mà chủ yếu là bên trong để mổ xẻ và diễn trình tâm lý, chú ý nhiều đến những xung lực tâm trạng của hai con người trong một con người một khi muốn khẳng định, vượt thoát trong bế tắc, cùng quẫn.
5. Nghiên cứu thi pháp học giúp nâng cao năng lực tư duy, cảm thụ và rèn luyện kỹ năng cho người đọc.
Nghiên cứu, phân tích tác phẩm từ góc độ thi pháp nâng cao kỹ năng tiếp cận và cách đọc tác phẩm, cách giải mã tác phẩm bằng việc mổ xẻ, phân tích và tổng hợp đúng đặc thù nghệ thuật để cảm thụ, tiếp nhận tác phẩm. Qua đó, nâng cao năng lực tư duy cho người đọc. Cảm thụ đúng có giá trị và ý nghĩa trong việc dẫn dắt người học phát triển kỹ năng, tư duy, bản lĩnh và nhân cách. Tuy vậy, dù người dạy văn phải có bản lĩnh nhưng không được tùy tiện, tư biện; cần phát huy tính năng động và chủ kiến nhưng không được chủ quan, võ đoán.
Chính việc nghiên cứu thi pháp của tác phẩm giúp cho chúng ta khẳng định và phát huy bản lĩnh, đồng thời loại trừ được tính chủ quan tùy tiện trong nghiên cứu và giảng dạy văn học. Ví dụ: cách đọc truyện cổ tích Tấm Cám theo thi pháp học sẽ thấy được tính khoa học của sự phát triển hình tượng trong lôgic của xung đột, mâu thuẫn dẫn tới việc Tấm trả thù mẹ con Cám như vậy là tất yếu. Điều đó sẽ giúp giáo viên khẳng định được bản lĩnh, và cũng giúp người soạn sách giáo khoa tránh được việc cắt bỏ phần cuối truyện, tránh được cách cảm thụ xã hội học về hành vi trả thù của Tấm, cho rằng hành vi đó là dã man, ác độc; nhất là tránh được cách qui kết bản chất con người Việt Nam từ cách hiểu sai về hành vi trả thù của Tấm đối với mẹ con Cám.