»» Nội dung bài viết:
Sống chết mặc bay
Văn bản:
Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà[1] lên to quá; khúc đê làng X.(a) thuộc phủ X.(b) xem chừng núng thế[2] lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu[3] rồi, không khéo thì vỡ mất.
Dân phu[4] kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ[5], bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật là thảm.
Tuy trống đánh liên thanh[6], ốc thổi vô hồi[7], tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ[8], nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.
Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối với sức mưa to nước lớn, để bảo thủ[9] lấy tính mạng gia tài, thế thời nào quan cha mẹ[10] ở đâu?
Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.
Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ[11] lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập[12], mới kê ở gian giữa, có một người quan phụ mẫu[13], uy nghi chễm chện ngồi. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ[14] đứng bên, cầm cái quạt lông, chốc chốc sẽ phẩy. Tên nữa đứng khoanh tay, chực chầu điếu đóm. Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến[15] hấp đường phèn, để trong khay khảm[16], khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi[17] chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng[18], cau đậu[19], rễ tía[20], hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông[21] trông mà thích mắt. Chung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan[22] thì có thầy đề[23], rồi lần lượt đến thầy đội nhất[24], thầy thông nhì[25], sau hết giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng[26] sở tại[27] cùng ngồi hầu bài.
Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch[28] nghiêm trang lắm: trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cái cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ[29], nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới, người nhà, lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm[30], như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: “Điếu, mày[31]”; tiếng tên lính thưa: “Dạ”; tiếng thầy đề hỏi: “Bẩm, bốc[32]”; tiếng quan lớn truyền: “Ừ”. Kẻ này: “Bát sách[33]! Ăn”. Người kia: “Thất văn[34]… Phỗng”, lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười, khi nói vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh[35].
Ấy đó, quan phụ mẫu cùng với nha lại[36] đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình ấy. Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa hết hội thì dầu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thây kệ.
Ôi! Trăm hai mươi lá bài đen đỏ, có cái ma lực[37] gì mà run rủi cho quan mê được như thế?… Này, này đê vỡ mặc đê, nước sông dù nguy, không bằng nước bài[38] cao thấp. Đứng trên đê mà đốc kẻ cắm cừ, người đổ đất, lắm nỗi lầm than, sao bằng ngồi trong đình, đã sẵn kẻ bốc nọc[39] người chia bài, nhiều đường thú vị.
Than ôi! Cứ như cái cách quan ngồi ung dung như vậy, mà hai bên tả hữu, nha lại nghiêm trang, lính hầu rầm rập, thì đố ai dám bảo rằng: gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến, mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch[40]!…
Mặc! Dân, chẳng dân thời chớ! Con bài ngon há nỡ bỏ hoài ru! Quan lớn ngài ăn, ngài đánh; người hầu kẻ hạ, kẻ vâng. Sướng bao nhiêu, thích bao nhiêu! Lúc quan hạ, bài ù, ai ai là người chẳng ngợi khen tấm tắc! Một nước bài cao, bằng mấy mươi đê lở, ruộng ngập! Vậy mà không hiểu thời thật là phàm[41]!
Quan lớn ù thông[42]. Người đầu cánh kẻ cuối tay, tranh nhau phô bài[43] để quan lớn rõ, rằng: “Mình vào được nhưng không dám cố ăn kìm!” Rằng: “Mình có đôi, mà không dám phỗng qua mặt!”. Hèn chi mà quan chẳng ù luôn! Quan ù, ấy là hạnh phúc!…
Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.
Có người khẽ nói:
– Bẩm, dễ có khi đê vỡ!
Ngài cau mặt, gắt rằng:
– Mặc kệ!
Rồi ngài xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình bảo thầy đề lại:
– Có ăn không thì bốc chứ!
Thầy đề vội vàng:
– Dạ, bẩm, bốc.
Vừa lúc đó thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.
Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên[44] một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời:
– Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi!
Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:
– Đê vỡ rồi!… Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?… Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
– Dạ, bẩm…
– Đuổi cổ nó ra!
Ngài quay mặt vào, lại hỏi thầy đề:
– Thầy bốc quân gì thế?
– Dạ, bẩm, con chưa bốc.
– Thì bốc đi chứ!
Thầy đề tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút ra một con bài, lật ngửa, xướng rằng:
– Chi chi[45]!
Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:
– Đây rồi!… Thế chứ lại!
Rồi ngài vội vàng xoè bài, miệng vừa cười vừa nói:
– Ù! Thông tôm, chi chi nảy[46]!… Điếu, mày!
…
Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!
Chú thích:
[1] Nhị Hà: cũng gọi là Nhĩ Hà, chỉ khúc sông Hồng từ phía dưới Việt Trì trở xuống Thăng Long theo hình uốn cong như vành tai (nhĩ).
[2] Núng thế: ở vào trạng thái không còn vững chắc, dễ đổ, dễ sụt xuống.
[3] Thẩm lậu: (hiện tượng chất lỏng) ngấm qua và rỉ ra chảy đi nơi khác.
[4] Dân phu: người dân bị bắt đi làm các việc công ích trong xã hội cũ.
[5] Cừ: dùng những tấm ván hoặc phên đan và đóng cọc đỡ để ngăn đê vỡ, nước tràn.
[6] Liên thanh: tiếng liền tiếng.
[7] Ốc thổi vô hồi: tiếng tù và lớn thổi liên tiếp, không kể hồi.
[8] Hộ: giúp đỡ, che chở. Ở đây là cùng nhau bảo vệ đê.
[9] Bảo thủ: bảo vệ (bảo) để giữ lấy (thủ). Ở đây, bảo thủ không có nghĩa giữ lấy những điều lạc hậu theo nghĩa thông thường hiện nay.
[10] Quan cha mẹ: cũng gọi là quan phụ mẫu. Thời phong kiến cũng như thời Pháp thuộc có quan niệm coi quan như cha mẹ của dân (dân chi phụ mẫu). Ở đây dùng với ý mỉa mai.
[11] Nha lệ: viên chức và lính hầu ở các cửa quan ngày trước.
[12] Sập: đồ dùng chủ yếu để nằm, được làm bằng gỗ, mặt liền với chân, xung quanh có diềm chạm hoặc khảm để trang trí.
[13] Quan phụ mẫu: xem chú thích trước.
[14] Lính lệ: lính hầu hạ quan lại ở huyện, phủ.
[15] Yến: yến sào, món ăn quý được chế biến từ tổ chim yến (loài chim ở biển, cùng họ với én, làm tổ bằng nước bọt) (yến: én; sào: tổ).
[16] Khay khảm: khay khảm xà cừ hoặc khảm bạc (khay: đồ dùng để bày xếp ấm chén hoặc đựng đồ vật nhỏ).
[17] Tráp đồi mồi: đồ dùng hình hộp chữ nhật nhỏ, làm bằng vỏ con đồi mồi (rùa biển).
[18] Trầu vàng: lá trầu vàng, ăn ngon hơn lá trầu xanh.
[19] Cau đậu: cau khô mà hạt còn dính không rời.
[20] Rễ tía: một thứ rễ cây màu đỏ dùng để ăn trầu (còn gọi là vỏ đỏ).
[21] Tăm bông: tăm xỉa răng đầu có vót xơ cho đẹp (quan lại và lớp người quý phái thường dùng).
[22] Phía hữu quan: chỗ ngồi về phía bên phải của quan.
[23] Đề: viên chức đứng đầu công việc văn phòng ở huyện hoặc phủ thời phong kiến và thời thuộc Pháp.
[24] Đội nhất: chức đội hạng nhất (người chỉ huy một đơn vị lính khoảng 10 người).
[25] Thông phán hạng hai (thông phán là viên chức trung cấp làm việc ở các công sở dưới thời Pháp thuộc).
[26] Chức vụ của người đứng đầu công việc hành chính của một tổng (gồm nhiều xã).
[27] Sở tại: tại chỗ.
[28] Tĩnh mịch: yên tĩnh.
[29] Đường bệ: đường hoàng, bệ vệ.
[30] Nghi vệ tôn nghiêm: nghi thức tôn kính, trang nghiêm.
[31] Cách nói ra lệnh với giọng hách dịch để sai lính hầu lấy điếu hút thuốc.
[32] Trong truyện này có mấy động từ dùng trong khi đánh tài bàn hoặc tổ tôm:
– Bốc: rút quân bài từ đĩa nọc (đĩa đựng phần còn lại của bộ bài đã chia, được đặt ở giữa chiếu bài).
– Ăn: lấy quân bài của người khác đánh hoặc rút ra từ đĩa nọc để hợp vào phu bài của mình.
– Phỗng: bắt được một quân bài do người khác đánh hoặc bốc từ đĩa nọc giống với quân bài mình có sẵn để ghép thành phu.
– Chờ: bài đã đủ điều kiện chỉ chờ bắt trúng một quân nữa là thành phu là ù.
– Hạ: đặt bài xuống chiếu để xướng ù.
– Ù: được thắng bài sau khi đã vào phu hết.
[34] Tên quân bài trong bộ bài tổ tôm.
[33] Tên quân bài trong bộ bài tổ tôm.
[35] Phúc tinh: ngôi sao tốt đưa lại hạnh phúc cho con người – theo quan niệm thiên văn của người xưa (tinh: sao, thiên thể).
[36] Nha lại: từ chỉ chung các công chức làm việc trong cửa quan ngày trước.
[37] Ma lực: sức cám dỗ, lôi cuốn mạnh mẽ, như có gì thần bí khiến người ta khó cưỡng lại.
[38] Nước bài: từ thường dùng trong khi đánh bài cũng như đánh cờ (nước cờ) để chỉ bước đi của quân bài có ảnh hưởng đến thế của ván bài.
[39] Bốc nọc: rút bài từ đĩa nọc.
[40] Huyết mạch: mạch máu (huyết: máu); đồng bào huyết mạch: đồng bào cùng chung một dòng máu.
[41] Phàm: thô tục, không lịch sự, không thanh nhã.
[42] Ù thông: đã ù lại ù tiếp.
[43] Phô bài: bày bài ra cho người khác xem.
[44] Thốt nhiên: thình lình và rất nhanh.
[45] Chi chi: tên một con bài bốc ở đĩa nọc mà với nó, có thể ù ván bài to nhất.
[46] Trong trò chơi tổ tôm có nhiều mức ù. Ù “tôm” cao hơn ù thường. Ù “chi chi nảy” là ù cao nhất. Ù “thông tôm, chi chi nảy”: ù tiếp theo, trong đó vừa có “tôm” vừa có “chi chi nảy” (trường hợp hiếm).
Nguồn: Phạm Duy Tốn, Nam phong, số 18, 1918.
I. Đọc hiểu văn bản:
Câu 1: Sống chết mặc bay có thể chia làm mấy đoạn? Mỗi đoạn nói gì?
Câu 2: Phép tương phản (cũng gọi là đối lập) trong nghệ thuật là việc tạo ra những hành động, những cảnh tượng, những tính cách trái ngược nhau để qua đó làm nổi bật một ý tưởng bộ phận trong tác phẩm hoặc tư tưởng chính của tác phẩm.
Dựa vào định nghĩa trên, em hãy:
a) Chỉ ra hai mặt tương phản cơ bản trong truyện Sống chết mặc bay.
b) Phân tích làm rõ từng mặt trong sự tương phản đó. (Chú ý đến các chi tiết thuộc về cảnh người dân đang hộ đê trong trạng thái nguy kịch và các chi tiết thuộc về cảnh tên quan đang cùng nha lại chơi bài trong đình với không khí tĩnh mịch, trang nghiêm.)
c) Chỉ qua hai mặt tương phản, hình ảnh tên quan phủ đi “hộ đê” được tác giả khắc họa như thế nào. (Chú ý đên các chi tiết thuộc về: chỗ ở, điều kiện sinh hoạt trong khi đi “đốc thúc việc hộ đê”; cách ngồi, tư thế, giọng điệu ngôn ngữ trước bọn nha lại, chánh tổng…, đặc biệt là thái độ, cách nói khi đã có tin đê vỡ.)
d) Nêu lên dụng ý của tác giả trong việc dựng cảnh tương phản này.
Câu 3 Trong nghệ thuật văn chương còn có phép tăng cấp (lần lượt đưa thêm chi tiết và chi tiết sau phải cao hơn chi tiết trước), qua đó làm rõ thêm bản chất một sự việc, một hiện tượng muốn nói. Trong Sống chêt mặc bay, tác giả đã kết hợp khéo léo phép tương phản và phép tăng cấp để bộc lộ rõ nét tính cách của nhân vật.
Em hãy phân tích, chứng minh ý kiến trên bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
a) Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ của trời mưa, của độ nước sông dâng cao, của nguy cơ vỡ đê, của cảnh vỡ đê vất vả, căng thẳng của người dân (trong đó có mức độ của tiếng trống đánh, ốc thổi, tiếng người gọi nhau sang hộ đê) là thế nào?
b) Sự tăng cấp trong việc miêu tả mức độ đam mê bài bạc của tên quan như thế nào?
c*) Hãy nhận xét về tác dụng của sự kết hợp hai nghệ thuật tương phản và tăng cấp trong việc vạch trần bản chất “lòng lang dạ thú” của tên quan phủ trước sinh mạng của người dân.
Câu 4: Hãy phát biểu chung về giá trị hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật (ngôn ngữ và hình tượng nhân vật,…) của truyện Sống chết mặc bay.
II. Luyện tập.
Câu 1: Những hình thức ngôn ngữ đã được vận dụng trong truyện Sống chết mặc bay là gì? Hãy trả lời câu hỏi trên bằng cách đánh dấu theo bảng thống kê sau đây:
Câu 2: Qua ngôn ngữ đối thoại của quan phủ, em thấy tính cách của nhân vật đó như thế nào? Hãy nêu nhận xét về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tính cách nhân vật.
* Soạn bài:
Sống chết mặc bay
I. Tóm tắt.
Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã, nước sông Nhị Hà lên to, khúc đê làng X có nguy cơ sẽ vỡ. Hàng trăm hàng nghìn người dân ra sức chống chọi với sức nước. Thế mà tại ngôi đình trên một khúc đê gần đó, quan phụ mẫu vẫn ung dung cùng các quan đánh bài. Có người báo đê vỡ, ngài vẫn thản nhiên quát mắng. Cuối cùng, khi quan ù ván bài thật to, cũng là lúc “khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn”.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1: Truyện ngắn Sống chết mặc bay có thể chia làm 3 đoạn:
– Đoạn 1 (từ đầu đến “Khúc đê này hỏng mất”): Nguy cơ đê bị vỡ và sự chống đỡ của người dân.
– Đoạn 2 (tiếp theo đến “Điếu, mày!”): Quan phụ mẫu vô trách nhiệm, mải mê bài bạc trong khi đi hộ đê.
– Đoạn 3 (còn lại): Đê bị vỡ, nhân dân lâm vào cảnh thảm sầu.
Câu 2:
a. Hai mặt tương phản cơ bản trong truyện Sống chết mặc bay:
– Một bên là người dân vật lộn, chống chọi với mưa gió hết sức căng thẳng, vất vả.
– Bên kia là viên quan đi hộ đê ngồi trong chỗ an toàn, nhàn nhã, mải mê bài bạc, không cho phép ai quấy rầy ván bài của mình, coi việc đánh bài là trên hết, mặc dân sống chết khi đê vỡ.
b. Phân tích làm rõ từng mặt trong sự tương phản:
– Cảnh dân làng hộ đê thật thảm thương:
– Thời gian gần một giờ đêm.
– Mưa càng lúc càng to, mực nước sông càng dâng cao: mưa tầm tã trút xuống… nước cứ cuồn cuộn bốc lên.
– Cảnh dân làng hộ đê vất vả, mệt nhọc: kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre… lướt thướt như chuột lột. Không khí nhốn nháo, căng thẳng: Trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi…
Cảnh cho thấy sự bất lực của sức người trước sức trời, sự yếu kém của thế đê trước thế nước.
– Một bên là cảnh quan phủ cùng bọn nha lại ung dung bài bạc ngay trong khi bọn chúng đi “hộ đê”.
+ Địa điểm: trong đình cao ráo, an toàn.
+ Không khí, quang cảnh: “tĩnh mịch”, “trang nghiêm”, “nhàn nhã”, “đường bệ”, “nguy nga”, “đèn thắp sáng trưng” (phản ánh uy thế của viên quan phủ với nha lại, tay sai).
+ Đồ dùng sinh hoạt cho tên quan phủ trong khi đi “hộ đê” sang cả, quý phái: bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi,…
c. Viên quan đi hộ đê thì ngồi trong đình ở chỗ cao ráo, an toàn. Người gãi chân, kẻ quạt mát, các tay chân ngồi hầu bài. Khung cảnh nhàn nhã, đường bệ, nguy nga. Quan chỉ mê bài. Đáng lẽ phải tắm mưa, gội gió, đứng trên đê đốc thúc, thì quan lại ngồi chơi nhàn nhã, có kẻ hầu, người hạ. Quan gắt khi có người báo tin đê vỡ. Quan đỏ mặt tía tai đòi cách cổ, bỏ tù người dân báo đê vỡ. Và y tiếp tục vui mừng vì đã ù ván bài, mặc cho dân rơi vào cảnh đê vỡ, “tình cảnh thảm sầu” không sao kể xiết.
Miêu tả hai cảnh tương phản trên, tác giả có dụng ý lên án tên quan lòng lang dạ thú, mắt đui tai điếc trước nỗi thống khổ của đồng bào huyết mạch.
d. Tác giả dựng lên hai cảnh tương phản nhằm mục đích so sánh, làm nổi bật sự đối lập. Người có trách nhiệm thì vô trách nhiệm, chỉ ham mê bài bạc. Những người dân thì phải dầm mưa gội gió, nhọc nhằn, chống chọi với thiên nhiên một cách tuyệt vọng. Cuối cùng, sự vô trách nhiệm của viên quan đã dẫn đến cảnh đê vỡ. Quan thì sung sướng vì nước bài cao, dân thì khổ vì nước lụt.
Câu 3:
a. Phép tăng cấp đã được sử dụng để miêu tả tình cảnh nguy ngập của khúc đê. Mưa mỗi lúc một tầm tã. Nước sông càng dâng cao. Dân chúng thì đuối sức, mệt lử cả rồi.
b. Phép tăng cấp cũng được sử dụng để miêu tả thái độ vô trách nhiệm, lòng lang dạ thú của viên quan. Viên quan hộ đê không cùng dân chống đỡ mà ngồi trong đình vững chãi, an toàn. Bao kẻ phải hầu hạ quan. Không phải là vì công việc mà chỉ vì một thú chơi bài. Quan chơi bài nhàn nhã, ung dung. Quan gắt khi có người quấy rầy. Quan quát mắng, đòi cách cổ, bỏ tù khi có người báo đê vỡ. Quan sung sướng vì ván bài ù. Mức độ vô trách nhiệm và cáu gắt vô lí của quan càng thể hiện rõ nét.
c. Sự kết hợp của nghệ thuật tương phản và tăng cấp đã tố cáo và phê phán hành động ham mê bài bạc và vô trách nhiệm của viên quan. Nếu viên quan chỉ ham đánh bạc thì đó là thói xấu trong sinh hoạt của cá nhân y. Nhưng y đánh bạc khi làm công vụ, cụ thể là khi đi hộ đê, liên quan đến tính mạng và tài sản của dân chúng thì đó là sự vô trách nhiệm. Y thắng ván bài đã chờ thì y sung sướng là lẽ thường tình. Nhưng y thắng bài khi đê vỡ, y sung sướng khi bao người dân khổ sở, cùng cực thì sự vui mừng của y là một hành động phi nhân tính của kẻ lòng lang dạ thú. Chính sự kết hợp này đã làm cho tính chất tố cáo và phê phán thêm sâu sắc.
Câu 4:
a. Giá trị hiện thực: Phản ánh sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống của nhân dân với cuộc sống của bọn quan lại mà kẻ đứng đầu ở đây là tên quan phủ trước sinh mạng của người dân.
b. Giá trị nhân đạo: Thể hiện niềm cảm thương của tác giả trước cuộc sống lầm than cơ cực của người dân do thiên tai và thái độ vô trách nhiệm của bọn cầm quyền đưa đến.
c. Giá trị nghệ thuật: Vận dụng kết hợp hai nghệ thuật tương phản và tăng cấp thành công, miêu tả nhân vật sắc nét, sử dụng ngôn ngữ sinh động. Bằng lời văn, sinh động, bằng sự khéo léo trong việc vận dụng kết hợp hai phép tương phản và tăng cấp trong nghệ thuật. Sống chết mặc bay lên án gay gắt tên quan phủ “lòng lang dạ thú” và bày tỏ niềm cảm thương trước cảnh “nghìn sầu muôn thảm” của nhân dân do thiên tai và cũng do thái độ vô trách nhiệm của kẻ cầm quyền gây nên.
III. Luyện tập
Câu 1: Các hình thức đối thoại được vận dụng trong truyện “SỐng chết mặc bay” là:
– Ngôn ngữ tự sự
– Ngôn ngữ miêu tả
– Ngôn ngữ biểu cảm
– Ngôn ngữ người kể chuyện
– Ngôn ngữ nhân vật
– Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
– Ngôn ngữ đối thoại
Câu 2: Qua ngôn ngữ đối thoại của tên quan phủ, có thể thấy hắn hiện lên với một nhân cách xấu xa, bỉ ổi. Đó là một tên quan vô trách nhiệm, tham lam và tàn bạo. Từ đây cũng cần phải rút ra một nhận định rằng: trong tác phẩm tự sự ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên tính cách của nhân vật.