Luyện thi học sinh giỏi – Kiến thức lí luận văn học.

van-dung-kien-thuc-li-luan-van-hoc-trong-luyen-thi-hoc-sinh-gioi

Kiến thức lí luận văn học trong luyện thi học sinh giỏi.

A. NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG.

I. Lý luận văn học là gì?

Lý luận văn học, hiểu một cách đơn giản là bộ môn nghiên cứu văn học ở bình diện khái quát, nhằm tìm ra những quy luật chung nhất về văn học. Kiến thức lý luận văn học sẽ giúp chúng ta trả lời các câu hỏi khái quát, ví dụ như: Văn học bắt nguồn từ đâu? Một tác phẩm văn học do những yếu tố nào tạo thành? Văn học được sáng tác và được tiếp nhận như thế nào? Văn học sinh ra để làm gì?…

Các nhà lí luận sẽ nghiên cứu trên các hiện tượng văn học để khái quát lên những thuật ngữ, những luận điểm về các quy luật của văn học. Nhờ các thành quả nghiên cứu đó mà những người quan tâm đến văn học có thể lí giải được sâu hơn bản chất của các hiện tượng văn học như: nhà văn, tác phẩm, trào lưu văn học…

Các kiến thức lí luận văn học đang phát triển từng ngày từng giờ với rất nhiều các khuynh hướng, các luồng tư tưởng, các quan niệm khác nhau, có khi thống nhất nhưng cũng có khi phủ nhận lẫn nhau. Những nghiên cứu về lí luận văn học vẫn đang được thực hiện hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta, trao cho ta những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc hơn về văn học.

Có nhiều người cho rằng lí luận văn học rất khó hiểu, thực ra các kiến thức lí luận văn học vô cùng gần gũi với chúng ta. Văn học là gì? Văn học vì ai mà tồn tại? – những câu hỏi ấy nảy ra trong ta ngay từ khi gặp gỡ văn học, và mỗi chúng ta ắt hẳn đều có cho riêng mình những ý niệm để trả lời câu hỏi ấy. Học lí luận văn học là cách để ta có thể trả lời những câu hỏi dạng như vậy một cách có hệ thống và khoa học hơn.

Ở mức độ trường phổ thông, trước nay chúng ta vẫn lĩnh hội tri thức lí luận văn học ở mức độ cơ bản. Những tri thức này sẽ là nền tảng để học sinh tiếp tục nghiên cứu sâu hơn ở các bậc học cao hơn.

II. Tiếp nhận kiến thức lý luận văn học như thế nào?

– Cũng như mọi bộ môn nghiên cứu lý thuyết khác, chúng ta tiếp nhận tri thức lí luận văn học trên nhiều cấp độ. Từ thấp đến cao, các cấp độ đó thể hiện như sau:

+ Biết: Chúng ta biết được các thuật ngữ và các luận điểm lí luận văn học.

+ Hiểu: hiểu và diễn đạt chính xác các thuật ngữ và luận điểm lí luận văn học bằng lời văn của mình.

+ Vận dụng: vận dụng các kiến thức lí luận văn học để lí giải các hiện tượng văn học, các nhận định về lí luận văn học.

+ Phân tích: phân tích các biểu hiện của vấn đề lí luận văn học trong một hiện tượng văn học cụ thể (tác phẩm, phong cách tác giả, trào lưu văn học, thời kì văn học…)

+ Tổng hợp: tìm ra mối liên hệ giữa các vấn đề lí luận văn học khác nhau, huy động kiến thức của nhiều chủ đề khác nhau để giải quyết vấn đề có tính chất tổng hợp.

+ Đánh giá: đánh giá được mức độ chính xác, toàn vẹn của một nhận định lí luận văn học và có thể bổ sung, phản biện một cách hợp lý.

– Ở mức độ một bài thi học sinh giỏi, bài văn nghị luận dạng vận dụng kiến thức lí luận văn học đòi hỏi học sinh phải nắm kiến thức đến mức độ cao nhất trong thang nêu trên, là mức độ đánh giá. Như vậy, việc lĩnh hội tri thức lí luận văn học cũng cần phải được rèn luyện từng bước để đạt được cấp độ cao nhất.

+ Biết: Đọc giáo trình, tài liệu, xác định các đơn vị kiến thức quan trọng (gạch chân, tô sáng các ý). Ghi nhớ những đơn vị kiến thức cơ bản nhất: những thuật ngữ quan trọng, những luận điểm quan trọng. Sử dụng các kĩ thuật ghi nhớ như sơ đồ hóa, khắc sâu từ khóa. Chẳng hạn: phải nắm các khái niệm như nhà văn, tác phẩm văn học, giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mĩ, phong cách văn học, trào lưu văn học, tiếp nhận văn học, thể loại thơ, tự sự, kịch…

+ Hiểu: Tập diễn đạt lại nội dung thuật ngữ, nội dung các luận điểm lí luận văn học bằng lời văn của chính mình.

+ Vân dụng: Tập lí giải một số hiện tượng văn học thường gặp. Tập lí giải một số luận điểm lí luận văn học. Thường xuyên đặt câu hỏi “Vì sao?” và các câu hỏi giả định. Chẳng hạn như các câu hỏi:

  • Vì sao văn học phải phản ánh hiện thực cuộc sống?
  • Vì sao cùng viết về “Tương tư” nhưng Nguyễn Bính trong bài thơ “Tương tư” thì chọ n thể thơ lục bát, còn Xuân Diệu trong “Tương tư chiều” lại chọn thể thơ tự do ?
  • Văn học có thể tồn tại không nếu không viế t về con người?
  • Ở văn học trung đại có hiện tượng văn-sử-triết bất phân, nhưng đến văn học hiện đại thì người ta chia ba lĩnh vực ấy ra. Vì sao có thể tách văn ra khỏ i sử và triết ?
  • Tại sao trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”, Nguyễn Du lại để Kiều nhớ Kim Trọng trước, cha mẹ sau? Quy luật văn học nào dẫn đến điều đó?
  • Tại sao nói truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là bài thơ trữ tình đượm  buồn?

+ Đánh giá: Liên tục đặt các câu hỏi tra vấn, phản biện:

  • Có phải lúc nào cũng như vậy hay không?
  • Nói như vậy đã thực sự chính xác hay chưa?
  • Có ngoại lệ hay không?
  • Vấn đề đã toàn vẹn hay chưa, có bổ sung gì không?

Trong định hướng giải quyết các đề thi, các bước luyện tập như sau: Bốn bước nêu trên sẽ được lặp đi lặp lại và mỗi lần làm lại thì ở mức độ cao hơn. Đó là cách tốt nhất để củng cố và tiếp tục phát triển năng lực cho đến khi thuần thục ở mức cao nhất.

III. Nhận diện kiến thức lý luận văn học trong bài nghị luận văn học.

Có thể tạm chia các đề nghị luận văn học thường gặp hiện nay thành ba cấp độ:

Cấp độ 1: Phân tích các yếu tố cơ bản trong một tác phẩm văn học.

Ví dụ:

+ Phân tích diễn biến tâm trạng của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích (trích “Truyện Kiều” của Nguyễn Du).

+ Cảm nhận tình cảm của người cháu đối với bếp lửa quê hương và người bà hiền hậu trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt.

+ Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.

+ Cảm nhận về nhân vật Người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Cấp độ 2: Phân tích các yếu tố trong tác phẩm văn học để làm rõ một yêu cầu nào đó.

Ví dụ:

+ Phân tích vai trò của các chi tiết kì ảo trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.

+ Phân tích giá trị nhân đạo trong Vợ nhặt” của Kim Lân.

+ Phân tích chất thơ trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.

+ Phân tích tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” để cho thấy những chuyển biến trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Tuân ở giai đoạn sau CMT8 1945.

Cấp độ 3: Giải quyết một nhận định lí luận văn học.

Ví dụ:

+ Bình luận về ý kiến của nhà thơ Tố Hữu: “Thơ chỉ bật ra trong tim ta khi cuộc sống đã tràn đầy ”.

+ Tác phẩm nghệ thuật chân chính là sự tôn vinh con người bằng cách hình thức nghệ thuật độc đáo. Bày tỏ suy nghĩ về ý kiến trên.

Ở cả ba cấp độ đề trên, ta đều có thể vận dụng kiến thức lí luận văn học.

– Ở cấp độ 1, kiến thức lí luận văn học sử dụng chủ yếu ở phần tổng kết để so sánh, đối chiếu, nâng cao vấn đề.

Ví dụ: Khi phân tích nhân vật bà cụ Tứ (trong truyện ngắn Vợ nhặt), ta có thể so sánh đối chiếu với hình tượng nhân vật người nông dân trước CMT8 để thấy sự kế thừa và phát triển của nhà văn Kim Lân trong truyền thống về đề tài người nông dân. Bằng các kiến thức lí luận văn học về trào lưu văn học, về quá trình phản ánh hiện thực và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, ta có thể lí giải phần so sánh, đối chiếu, qua đó làm cho bài viết sâu sắc hơn.

– Ở cấp độ 2, kiến thức lí luận văn học thể hiện ở ngay trong những thuật ngữ đề yêu cầu ta làm rõ. “Giá trị nhân đạo”, “chất thơ”, “phong cách sáng tác” đều là những thuật ngữ lí luận văn học. Để giải quyết được các đề ở trên, ta phải nắm được khái niệm của các thuật ngữ, các biểu hiện của chúng và biết cách phân tích các biểu hiện ấy trong tác phẩm văn học.

– Ở cấp độ 3, kiến thức lí luận văn học sẽ được vận dụng trong toàn bài viết. Đây là dạng đề quen thuộc nhất ở các kì thi học sinh giỏi.

Từ phần này trở về sau, bài viết sẽ chỉ đề cập đến việc vận dụng kiến thức lí luận văn học trong các đề ở cấp độ 3 này. Bởi vì nếu ta thành thục các kĩ năng cần có để giải quyết các dạng đề ở cấp độ này, ta sẽ dễ dàng vận dụng vào hai cấp độ trước.

IV. Dàn ý của dạng bài giải quyết một vấn đề lí luận văn học.

* Dàn ý chung phần thân bài như sau:

1. Giải thích (kỹ năng biết, hiểu): Giải thích các thuật ngữ, các từ ngữ, hình ảnh khó hiểu trong nhận định. Chốt vấn đề nghị luận: Như vậy, vấn đề cần bàn ở đây là gì?

2. Bàn luận (kỹ năng vận dụng): Sử dụng các kiến thức lí luận văn học để lí giải vấn đề nghị luận. Trả lời cho câu hỏi “vì sao?”.

3. Chứng minh (kỹ năng phân tích): Chọn chi tiết trong tác phẩm để làm rõ các biểu hiện của vấn đề nghị luận.

4. Đánh giá (kỹ năng đánh giá): Đánh giá tính đúng đắn của vấn đề nghị luận. Bổ sung, phản biện lại vấn đề (Nếu có)

5. Liên hệ mở rộng (kỹ năng liên hệ thực tế hoặc văn học): Liên hệ đến các tác phẩm khác cùng chủ đề phản ánh hoặc trong đời sống thực tế. Rút ra bài học trong quá trình sáng tác và bạn đọc trong quá trình tiếp nhận.

Khi làm bài, cần vận dụng linh hoạt các bước trên nhưng nhất thiết phải có đầy đủ các thao tác này để bài viết không bị mất điểm.

B. KIẾN THỨC LÍ LUẬN VĂN HỌC.

I. Giá trị văn học và tiếp nhận văn học.

1. Giá trị văn học.

Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc tới con người và cuộc sống.

– Những giá trị cơ bản: Giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị thẩm mĩ.

a. Giá trị nhận thức.

– Tác phẩm văn học là kết quả của quá trình nhà văn khám phá, lí giải hiện thực đời sống rồi chuyển hoá những hiểu biết đó vào nội dung tác phẩm. Bạn đọc đến với tác phẩm sẽ được đáp ứng nhu cầu về nhận thức.

– Mỗi người chỉ sống trong một khoảng thời gian nhất định, ở những không gian nhất định với những mối quan hệ nhất định. Văn học có khả năng phá vỡ giới hạn tồn tại trong thời gian, không gian thực tế của mỗi cá nhân, đem lại khả năng sống cuộc sống của nhiều người, nhiều thời, nhiều nơi.

→ Giá trị nhận thức là khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của con người muốn hiểu biết cuộc sống và chính bản thân, từ đó tác động vào cuộc sống một cách có hiệu quả.

  • Biểu hiện:

– Quá trình nhận thức cuộc sống của văn học: nhận thức nhiều mặt của cuộc sống với những thời gian, không gian khác nhau (Quá khứ, hiện tại, tương lai, các vùng đất, các dân tộc, phong tục, tập quán,…).

– Quá trình tự nhận thức của văn học: người đọc hiểu được bản chất của con người nói chung (mục đích tồn tại, tư tưởng, khát vọng, sức mạnh của con người); từ đó mà hiểu chính bản thân mình.

b. Giá trị giáo dục.

– Con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện, khao khát cuộc sống tốt lành, chan hoà tình yêu thương.

– Nhà văn luôn bộc lộ tư tưởng – tình cảm, nhận xét đánh giá,…của mình trong tác phẩm. Điều đó tác động lớn và có khả năng giáo dục người đọc.

– Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức.

  • Biểu hiện:

– Văn học đem đến cho con người những bài học quý giá về lẽ sống để họ tự rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn.

+ Về tư tưởng: Văn học hình thành trong con người một lí tưởng tiến bộ, giúp học có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống.

+ Về tình cảm: Văn học giúp con người biết yêu ghét đúng đắn, làm cho tâm hồn con người trở nên lành mạnh, trong sáng, cao thượng hơn.

+ Về đạo đức: Văn học nâng đỡ cho nhân cách con người phát triển, giúp cho họ biết phân biệt phải-trái, tốt – xấu, đúng – sai, có quan hệ tốt đẹp và biết gắn bó cuộc sống của cá nhân mình với cuộc sống của mọi người.

– Đặc trưng giáo dục của văn học là từ con đường cảm xúc đến nhận thức, tự giáo dục (khác với pháp luật, đạo đức,…). Văn học cảm hóa con người bằng hình tượng, bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp nên nó giáo dục một cách tự giác, thấm sâu, lâu bền. Văn học không chỉ góp phần hoàn thiện bản thân con người mà còn hướng con người tới những hành động cụ thể, thiết thực, vì một cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn.

c. Giá trị thẩm mĩ.

– Con người luôn có nhu cầu cảm thụ, thưởng thức cái đẹp.

– Thế giới hiện thực đã có sẵn cái đẹp nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết và cảm thụ. Nhà văn, bằng năng lực của mình đã đưa cái đẹp vào tác phẩm một cách nghệ thuật, giúp người đọc vừa cảm nhận được cái đẹp cuộc đời vừa cảm nhận được cái đẹp của chính tác phẩm.

Giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể đem đến cho con người những rung động trước cái đẹp (cái đẹp của cuộc sống và cái đẹp của chính tác phẩm).

  • Biểu hiện:

– Văn học đem đến cho con người những vẻ đẹp muôn hình, muôn vẻ của cuộc đời (thiên nhiên, đất nước, con người, cuộc đời, lịch sử,…).

– Văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp con người (ngoại hình, nội tâm, tư tưởng – tình cảm, những hành động, lời nói,…).

– Văn học có thể phát hiện ra vẻ đẹp của những sự vật rất nhỏ bé, bình thường và cả những vẻ đẹp đồ sộ, kì vĩ.

– Hình thức đẹp của tác phẩm (kết cấu, ngôn ngữ, thủ pháp NT…) cũng chính là một nội dung quan trọng của giá trị thẩm mĩ.

d. Mối quan hệ giữa các giá trị văn học.

– Ba giá trị có mối quan hệ mật thiết, không tách rời, cũng tác động đến người đọc (khái niệm chân – thiện – mĩ của cha ông).

– Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức. Giá trị thẩm mĩ khiến cho giá trị nhận thức và giá trị giáo dục được phát huy. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người vì nhận thức không chỉ để nhận thức mà nhận thức là để hành động.

Tuy nhiên, giá trị nhận thức là giáo trị giáo dục chỉ có thể phát huy một cách tích cực nhất, có hiệu quả cao nhất khi gắn với giá trị thẩm mĩ – giá trị tạo nên đặc trưng của văn học.

2. Tiếp nhận văn học.

a. Tiếp nhận trong đời sống văn học.

+ Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hoà mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn từ, lắng tai nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo. Bằng trí tưởng tượng, kinh nghiệm sống, vốn văn hoá và bằng cả tâm hồn mình, người đọc khám phá ý nghĩa của từng câu chữ, cảm nhận sức sống của từng hình ảnh, hình tượng, nhân vật,…làm cho tác phẩm từ một văn bản khô khan biến thành một thế giới sống động, đầy sức cuốn hút.

Tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm trí người đọc nhằm biến văn bản thành thế giới nghệ thuật trong tâm trí mình.

b. Tính chất tiếp nhận văn học.

+ Tiếp nhận văn học thực chất là một quá trình giao tiếp (tác giả và người tiếp nhận, người nói và người nghe, người bày tỏ và người chia sẻ, cảm thông).

+ Tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận: Các yếu tố thuộc về cá nhân có vai vai trò quan trọng: năng lực, thị hiếu, sở thích, lứa tuổi, trình độ học vấn, kinh nghiệm sống,…Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ làm cho sự tiếp nhận mang đậm nét cá nhân. Chính sự chủ động, tích cực của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống cho tác phẩm.

+ Tính đa dạng, không thống nhất: Cảm thụ, đánh giá của công chúng về một tác phẩm rất khác nhau, thậm chí cùng một người ở nhiều thời điểm có nhiều khác nhau trong cảm thụ đánh giá. Nguyên nhân ở cả tác phẩm (nội dung phong phú, hình tượng phức tạp, ngôn ngữ đa nghĩa,…) và người tiếp nhận (tuổi tác, kinh nghiệm, học vấn, tâm trạng,…).

c. Các cấp độ tiếp nhận văn học.

+Có ba cấp độ tiếp nhận văn học:

  • Cấp độ thứ nhất: cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm, nội dung trực tiếp của tác phẩm. Đây là cách tiếp nhận đơn giản nhưng khá phổ biến.
  • Cấp độ thứ hai: cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy được nội dung tư tưởng của tác phẩm.
  • Cấp độ thứ ba: cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức để thấy được giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

+ Để tiếp nhận văn học có hiệu quả thực sự, người tiếp nhận cần:

  • Nâng cao trình độ.
  • Tích luỹ kinh nghiệm.
  • Trân trọng tác phẩm, tìm cách hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn vẹn.
  • Tiếp nhận một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, hướng tới cái hay, cái đẹp, cái đúng.
  • Không nên suy diễn tuỳ tiện.

II. Nội dung và hình thức trong văn bản văn học.

1. Các khái niệm về nội dung văn bản văn học.

a. Đề tài văn học: là phạm vi cuộc sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản. Việc lựa chọn đề tài bước đầu bộc lộ khuynh hướng và ý đồ sáng tác của tác giả.

b. Chủ đề của tác phẩm văn học: là nội dung cuộc sống được nêu ra trong tác phẩm. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống. Một văn bản có thể có nhiều chủ đề. Tầm quan trọng của chủ đề không phụ thuộc vào khuôn khổ văn bản, cũng như không phụ thuộc vào việc chọn đề tài. Có những văn bản rất ngắn, đề tài lại rất hẹp nhưng chủ đề đặt ra lại hết sức lớn lao (chẳng hạn bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương)

c. Cảm hứng nghệ thuật: là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện đậm đà, nhuần nhuyễn trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc. Qua cảm hứng nghệ thuật, người đọc cảm nhận được tư tưởng, tình cảm của tác giả nêu trong văn bản.

d. Tư tưởng của tác phẩm văn học:  là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc. Tư tưởng là linh hồn của văn bản văn học.

2. Các khái niệm thuộc về hình thức văn bản văn học.

a. Ngôn từ nghệ thuật: là yếu tố đầu tiên, là vật liệu, công cụ, lớp vỏ đầu tiên của tác phẩm văn học. Ngôn từ hiện diện trong từ ngữ, câu đoạn, hình ảnh, giọng điệu của văn bản. Ngôn từ của tác phẩm được nhà văn chọn lọc hàm súc, đa nghĩa… mang dấu ấn của tác giả.

b. Kết cấu nghệ thuật: là sự sắp xếp tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất chặt chẽ, hoàn chỉnh, có ý nghĩa. Có nhiều cách kết cấu: theo thời gian; không gian; đầu, cuối tương ứng; mở theo dòng suy nghĩ; tâm lí; theo sự việc;… hàm chứa dụng ý của tác giả sao cho phù hợp với nội dung văn bản

c. Thể loại của tác phẩm: là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản phù hợp với nội dung văn bản: thơ, tiểu thuyết, kịch… Mỗi thể loại được biến đổi theo thời đại và mang sắc thái cá nhân của tác giả.

* Cần lưu ý: không có hình thức nào là “hình thức thuần tuý” mà hình thức bao giờ cũng “mang tính nội dung”. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu và phân tích tác phẩm, cần chú ý mối quan hệ  hữu cơ, lôgic giữa hai mặt nội dung và hình thức của một tác phẩm một cách thống nhất, toàn vẹn.

III. Văn học là nghệ thuật ngôn từ.

1. Vì sao văn học là nghệ thuật của ngôn từ ?

– Mỗi bộ môn nghệ thuật đều có một chất liệu riêng tạo nên đặc trưng của hình tượng. Nếu âm nhạc dùng âm thanh, hội họa dùng đường nét và màu sắc, điêu khắc dùng mảng khối thì văn học chọn ngôn từ làm chất liệu.

– Ngôn từ văn học vốn không như ngôn từ ta hay dùng trong sinh hoạt hằng ngày. Ngôn ngữ đời sống dùng trong lao động và sinh hoạt hằng ngày là chủ yếu, có tác dụng nhận và phát thông tin nên người ta thường đơn giản ngôn từ đến mức tối đa sao cho người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu là được. Ngôn từ văn học vốn bắt nguồn từ ngôn ngữ của quần chúng lao động nhưng nó lại không dùng một cách đơn giản như lời nói thông thường. Từ lời nói thô mộc thông thường, chỉ có ý nghĩa thông báo nhất thời, nhà văn đã nhào nặn và tái tạo lại nó, khoác cho nó tấm áo mới. Bấy giờ, lời nói bình thường trở thành ngôn ngữ nghệ thuật, có tác dụng thể hiện cái vô cùng, vô tận của cuộc đời tâm hồn con người một cách hình tượng. Nó gợi dậy những cảm xúc nơi độc giả, cho ta cảm giác mới mẻ và trong ngần. Mỗi từ, mỗi câu như khêu gợi một cái gì lớn hơn, tràn ra ngoài nó, tạo dựng ý ngoài lời, hình thành một chỉnh thể hình tượng mới mẻ.

– Mặt khác, sở dĩ nói văn học là nghệ thuật ngôn từ là vì đó là cách sử dụng từ ngữ đầy nghệ thuật của nhà văn. Ngôn từ văn học mang tính tổ chức cao để khi đọc lên, độc giả có thể cảm nhận được cuộc sống và nỗi lòng người viết, từ đó tác phẩm nằm lại ở trong tim độc giả.

2. Đặc điểm của ngôn từ văn học.

a. Tính chính xác và tinh luyện.

+ Trong đời sống cũng như trong văn học, chính xác là yếu tố rất quan trọng trong việc dùng ngôn ngữ. Để diễn tả cho ra được đúng và chính xác cái thần của người và việc thì từng câu từng chữ cũng phải thật chính xác, chi tiết và cụ thể. Qua cách lựa chọn từ ngữ, ta còn thấy được tài năng của nhà văn: gọi đúng tên, đúng bản chất đối tượng. Mỗi từ trong văn học là duy nhất, không có từ nào thay thế. Dù đối tượng anh viết là ai đi nữa thì cũng chỉ có một từ để nói. 

+ Các nhà văn lớn đều là những bậc thầy trong việc dùng từ.

b. Tính hàm súc và đa nghĩa.

+ Điều này làm nên ý tại ngôn ngoại, tạo dư ba cho tác phẩm. Ngôn từ trong văn học phải cô đọng, nén chặt ý tối đa tạo sức nặng, độ thừa và nhiều lượng ngữ nghĩa.

+ Từ ngữ tiếng Việt vốn có khả năng chuyển nghĩa tạo nghĩa mới hay do tu từ nên ngôn từ văn học cũng có tính đa nghĩa. Văn bản văn học, do đó, nó cũng có tính đa nghĩa.

c. Tình hình tượng.

+ Tính hình tượng là quan trọng nhất. Tính hình tượng biểu hiện ở việc làm sống dậy hiện thực trong tâm trí độc giả, tái hiện được trạng thái, truyền được động tác hoặc sự vận động của con người, cảnh vật và toàn bộ thế giới mà tác phẩm nói tới. Ngoài ra, nó còn biểu hiện ở sự nắm bắt những cái mơ hồ, mong manh, vô hình chứ không chỉ dừng lại ở những cái hữu hình.

+ Cơ sở từ trong nội dung của lời nói nghệ thuật nằm ở tính hình tượng. Nhà văn viết ra những câu chữ ấy, không chỉ để giải tỏa tâm sự mà còn thể hiện tư tưởng, tình cảm của giai cấp mình, tầng lớp mình. Lời nói tuy là của chủ thể sáng tạo nhưng lại mang tầm vóc khái quát là ở chỗ đó. Nhà văn đại diện cho giai cấp, thế hệ mình đang sống, thay họ cất tiếng nói.

+ Mặt khác, trong văn học, sức mạnh của lời nói nằm ở tầm khái quát của chủ thể hình tượng, ở khả năng đại diện cho tư tưởng, tình cảm, lương tâm của thời đại chứ không phải phụ thuộc vào địa vị xã hội của nhà văn. Từ phương trời của một người mà thành phương trời của nhiều người, tác phẩm từ đó trường tồn mãi với thời gian.

d. Tính biểu cảm.

+ Nghệ thuật nói bằng thứ tiếng duy nhất: thứ tiếng của cảm xúc. Bản chất người nghệ sĩ là giàu tình cảm và nhạy bén trước cuộc đời. Do đó, ngôn từ văn học mang tính biểu cảm. Nó biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau : gián tiếp hay trực tiếp, có hình ảnh hay chỉ là thuần túy, rõ nhất là khi nhấn mạnh những cảm xúc nội tâm.

+ Hình tượng nghệ thuật là phương thức giao tiếp đặc biệt giữa nhà văn và độc giả. Hình tượng là thế giới sống do nhà văn tạo ra bằng sức gợi ngôn từ. Gọi là hình tượng vì một mặt, nó cũng sống động và hấp dẫn y như thật, nhưng mặc khác nó chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng con người, nó không phải là sự thật trăm phần trăm. Nhưng, thật sai lầm nếu chỉ quan niệm hình tượng nghệ thuật chỉ là phản quang đơn thuần của đời sống. Hình tượng, một mặt nó vừa mang tính khách quan, mặt khác vừa mang tính chủ quan của nghệ sĩ.

e. Tính “phi vật thể” của hình tượng văn học.

– Âm nhạc dùng âm thanh, hội họa dùng đường nét, điêu khắc dùng mảng khối để xây dựng hình tượng. Những chất liệu đó đều mang tính “vật chất”, tức có thể nhìn, nghe, cảm nhận được bằng giác quan, nó khác với ngôn từ của văn học. Ngôn từ tồn tại trong trí óc, không thể sờ, thấy hay cảm nhận bằng những cách thông thường, mà buộc độc giả phải thâm nhập, cảm nhận và tưởng tượng như mình đang sống chung với hình tượng. Độc giả buộc phải nhập cuộc, đau nỗi đau của người trong cuộc thì mới có thể cảm nhận rõ những gì mà nhà văn viết ra.

– Nhờ dùng chất liệu ngôn từ mà bức tranh đời sống không bị hạn chế về không gian, thời gian. Những gì tinh vi, mong manh, mơ hồ, ngay cả tâm trạng sâu thẳm của con người đều có thể mô tả trực quan, sinh động bằng từ ngữ.

IV. Phong cách văn học.

1. Phong cách văn học là gì?

– Phong cách văn học là khái niệm dùng để chỉ tính độc đáo có ý nghĩa thẩm mĩ của một hiện tượng văn học. Cái gọi là hiện tượng văn học này bao gồm phạm vi rất rộng, từ nền văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, một trường phái tới toàn bộ sáng tác của một nhà văn, thậm chí tới những tác phẩm văn học riêng lẻ…

– Trong khái niệm phong cách văn học có bao hàm khái niệm PCNT của nhà văn:

+ Đó là những nét riêng biệt, độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến cho độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo.

+ Phong cách văn học còn mang dấu ấn của dân tộc và thời đại. Cho nên trong phong cách riêng của mỗi tác giả, người ta có thể nhận ra diện mạo tâm hồn, tính cách của một dân tộc và “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời” (Tô Hoài). Chẳng hạn, qua những biểu hiện của phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, có thể thấy nét riêng của tâm hồn Việt Nam và dấu ấn của một thời “dâu bể”.

2. Những biểu hiện cơ bản của phong cách văn học.

a. Cách nhìn, cách cảm thụ có tính chất khám phá, giọng điệu riêng biệt của tác giả.

Ví dụ:

+ Cùng là nhà văn hiện thực nhưng Ngô Tất Tố quan tâm đến số phận người phụ nữ trong xã hội, Nguyễn Công Hoan vạch trần bản chất những trò lố nực cười, còn Nam Cao lại miêu tả tấn bi kịch của người trí thức.

+ Nhắc đến Nam Cao là nhắc đến giọng điệu triết lý, nhắc đến Vũ Trọng Phụng là nhắc đến giọng điệu trào phúng . Giọng điệu trào phúng của Nguyễn Khuyến thì hóm hỉnh, thâm trầm trong khi tiếng cười của Tú Xương lại châm biếm sâu cay, đả kích quyết liệt…

b. Sự sáng tạo các yếu tố thuộc nội dung tác phẩm (lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, thể hiện nhân vật, triển khai cốt truyện, xác lập tứ thơ, hình ảnh thơ,…)

Ví dụ:

+ Nói đến Nam Cao là người ta nghĩ ngay tới một nhà văn của “những kiếp lầm than”, một người cầm bút với tâm hồn rộng mở để đón nhận “những vang động của đời”.

+ Nhắc tới Xuân Diệu là người đọc nhớ về một hồn thơ luôn khát khao giao cảm với đời, luôn nồng nàn, say đắm trong tình yêu…

+ Nhắc đến Tố Hữu là người đọc nhớ đến những vần thơ tranh đấu, một “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”.

c. Hệ thống phương thức biểu hiện và các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm (thể loại, kết cấu, ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu, cách kể chuyện, miêu tả, bộc lộ nội tâm, câu văn, giọng điệu, nhạc điệu,…)

Ví dụ:

+ Tô Hoài nổi tiếng là nhà văn giỏi miêu tả phong tục, giỏi khắc hoạ nét đẹp riêng trong cảnh vật và tính cách con người của một vùng đất.

+ Nguyễn Tuân xứng đáng với danh hiệu bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ với khả năng sáng tạo những từ ngữ, hình ảnh mới lạ, bất ngờ; những câu văn giàu chất nhạc, chất hoạ, linh hoạt như “biết co duỗi nhịp nhàng”.

+ Tố Hữu nổi bậc với chất trữ tình chính trị và tính dân tộc đậm đà, nhân vật trữ tình mang tàm vóc sử thi.

d. Phong cách văn học là cái thống nhất trong sự đa dạng của sáng tác (Cái độc đáo, vẻ riêng phải xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại, có tính chất bền vững, nhất quán.Thống nhất từ cốt lõi, nhưng sự triển khai phải đa dạng, đổi mới):

+ Nguyễn Trãi trong “Đại cáo bình Ngô”, “Quân trung từ mệnh tập” rất hào hùng, đanh thép, sắc bén, nhưng trong Quốc âm thi tập lại u hoài, trầm lắng, suy tư.

+ Hồ Chí Minh trong truyện và kí thì hiện đại nhưng thơ chữ Hán lại mang sắc thái phương Đông cổ kính, thơ tiếng Việt đậm cốt cách dân gian.

e. Phong cách còn phải có phẩm chất thẩm mĩ.

+ Nghĩa là nó phải đem lại cho người đọc một sự hưởng thụ mĩ cảm dồi dào qua những tác phẩm giàu tính nghệ thuật. Chỉ khi đó, vẻ đẹp của phong cách từng tác giả mới được lưu giữ bền vững trong lòng người đọc từ thế hệ này sang thế hệ khác và trường tồn cùng với thời gian và lịch sử.

V. Kiến thức về thể loại văn học: Thơ, truyện, kịch,…

– Tác phẩm văn học gồm ba loại lớn: trữ tình, tự sự, kịch.

  • Loại trữ tình có các thể: thơ ca, khúc ngâm…
  • Loại tự sự có truyện, kí…
  • Loại kịch có chính kịch, bi lịch, hài kịch.
  • Ngoài ra còn có thể loại khác như nghị luận.

1. Thơ.

a. Khái niệm.

– Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, H, 1999).

b. Một số cách phân loại thơ.

– Theo nội dung biểu hiện có:

  • Thơ trữ tình (đi vào tâm tư tình cảm, những chiêm nghiệm của con người về cuộc đời, ví dụ như bài Tự tình của Hồ Xuân Hương).
  • Thơ tự sự (cảm nghĩ vận động theo mạch kể chuyện, ví dụ như bài Hầu Trời của Tản Đà).
  • Thơ trào phúng (phê phán, phủ nhận cái xấu theo lối mỉa mai, đùa cợt, ví dụ như bài Vịnh Khoa thi Hương của Tú Xương).

– Theo cách thức tổ chức bài thơ có:

  • Thơ cách luật (viết theo luật đã định trước, ví dụ các loại thơ Đường, lục bát, song thất lục bát,…).
  • Thơ tự do (không theo niêm luật có sẵn).
  • Thơ văn xuôi (câu thơ giống như câu văn xuôi, nhưng giàu nhịp điệu hơn).

– Ở Việt Nam nói riêng và phương Đông nói chung, một số nhà nghiên cứu còn dựa vào thời gian xuất hiện để chia thơ thành các loại:

+ Thơ trữ tình dân gian: Ca dao – những sáng tác trữ tình dân gian, diễn tả đời sống nội tâm của con người. Ca dao không mang dấu ấn cá nhân tác giả như thơ trữ tình (của văn học viết). Trong ca dao, những tình cảm, tâm trạng của các kiểu nhân vật trữ tình và cách thể hiện thế giới nội tâm của các kiểu nhân vật này đều mang tính chất chung, phù hợp với lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp,… Bất cứ ai, nếu thấy ca dao phù hợp, đều có thể sử dụng, xem đó là tiếng lòng mình. Vì thế, ca dao được coi là” thơ của vạn nhà”, là tấm gương soi của tâm hồn và đời sống dân tộc. Tuy nhiên, trong cái chung đó mỗi bài ca dao lại có nét riêng độc đáo.

+ Thơ trữ tình trung đại: do đặc điểm hệ tư tưởng thời đại mà thơ ở thời đại này thường nặng tính tượng trưng, ước lệ, tính quy phạm và tính phi ngã. Chủ thể trữ tình trong thơ trung đại thường là cái tôi đại chúng, cái tôi “siêu cá thể”. Nội dung thơ trữ tình trung đại thường nặng về tỏ chí và truyền tải đạo lí.

+ Thơ trữ tình hiện đại: thuộc loại hình Thơ mới, xuất hiện từ đầu thế kỷ XX và phát triển cho đến ngày nay. Do nhu cầu đề cao mạnh mẽ của cái tôi của thi sĩ, nên màu sắc cá thể của cảm xúc in đậm trong mọi khía cạnh của ngôn từ như vốn từ, các biện pháp tu từ hay ngữ điệu, giọng điệu. Lời thơ thường linh hoạt, uyển chuyển hơn so với thơ cũ.

Ở nước ta lâu nay vẫn còn tồn tại quan niệm dựa vào nội dung để chia thơ thành các loại: thơ trữ tình, thơ tự sự, thơ trào phúng, thơ cách mạng (có nội dung tuyên truyền chính trị, cổ vũ chiến đấu bảo vệ đất nước).

Nhìn chung, mọi cách phân chia trên đây đều mang tính chất tương đối. Bởi thơ nào mà chẳng trữ tình, dù ít dù nhiều loại thơ nào cũng theo thi luật nhất định (theo đặc trưng của thơ, của ngôn ngữ, dung lượng,…). Mặt khác, những bài thơ trữ tình biểu lộ tình cảm trước thiên nhiên đất trời, giang sơn gấm vóc cũng là một “kênh” thể hiện lòng yêu nước,… Tuy vậy, việc phân chia thơ thành các loại khác nhau là cần thiết, phục vụ cho việc nghiên cứu, đọc – hiểu và thẩm bình tác phẩm một cách thuận lợi hơn.

c. Đặc trưng của tác phẩm thơ.

– Thơ là một thể loại văn học thuộc phương thức biểu hiện trữ tình. Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên tưởng, tưởng tượng phong phú; thơ được phân chia thành nhiều loại hình khác nhau, nhưng dù thuộc loại hình nào thì yếu tố trữ tình vẫn giữ vai trò cốt lõi trong tác phẩm.

– Nhân vật trữ tình (cũng gọi là chủ thể trữ tình, cái tôi trữ tình) là người trực tiếp cảm nhận và bày tỏ niềm rung động trong thơ trước sự kiện. Nhân vật trữ tình là cái tôi thứ hai của nhà thơ, gắn bó máu thịt với tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Tuy vậy, không thể đồng nhất nhân vật trữ tình với tác giả.

– Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời. Lê Quý Đôn từng khẳng định: “Thơ phát khởi từ lòng người ta”, hay như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”.

– Thơ tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này.

– Thơ thường không trực tiếp kể về sự kiện, nhưng bao giờ cũng có ít nhất một sự kiện làm nảy sinh rung động thẩm mĩ mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ mà văn bản thơ là sự thể hiện của niềm rung động ấy.

– Thơ thường có dung lượng câu chữ ngắn hơn các thể loại khác (tự sự, kịch). Hệ quả là nhà thơ biểu hiện cảm xúc của mình một cách tập trung hơn thông qua hình tượng thơ, đặc biệt thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, qua dòng thơ, qua vần điệu, tiết tấu… Nhiều khi, cảm xúc vượt ra ngoài cái vỏ chật hẹp của ngôn từ, cho nên mới có chuyện “ý tại ngôn ngoại”. Do đó, thơ có thể tạo điều kiện cho người đọc thực hiện vai trò “đồng sáng tạo” để phát hiện đời sống, khiến người đọc phải suy nghĩ, trăn trở để tìm kiếm ý đồ nghệ thuật của tác giả cũng như những điểm đặc sắc trong tư duy nghệ thuật của mỗi nhà thơ.

– Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống khách quan. Vẻ đẹp và tính chất gợi cảm, truyền cảm của thơ có được còn do ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, giàu hình ảnh và nhạc điệu. Sự phân dòng, và hiệp vần của lời thơ, cách ngắt nhịp, sử dụng thanh điệu…làm tăng sức âm vang và lan tỏa, thấm sâu của ý thơ.

– Về cấu trúc, mỗi bài thơ là một cấu trúc ngôn ngữ đặc biệt. Sự sắp xếp các dòng (câu) thơ, khổ thơ, đoạn thơ làm nên một hình thức có tính tạo hình. Đồng thời, sự hiệp vần, xen phối bằng trắc, cách ngắt nhịp vừa thống nhất vừa biến hóa tạo nên tính nhạc điệu. Hình thức ấy làm nên vẻ đẹp nhịp nhàng, trầm bổng, luyến láy của văn bản thơ. Ngôn ngữ thơ chủ yếu là ngôn ngữ của nhân vật trữ tình, là ngôn ngữ hình ảnh, biểu tượng. Ý nghĩa mà văn bản thơ muốn biểu đạt thường không được thông báo trực tiếp, đầy đủ qua lời thơ, mà do tứ thơ, giọng điệu, hình ảnh, biểu tượng thơ gợi lên. Do đó ngôn ngữ thơ thiên về khơi gợi, giữa các câu thơ có nhiều khoảng trống, những chỗ không liên tục gợi ra nhiều nghĩa, đòi hỏi người đọc phải chủ động liên tưởng, tưởng tượng, thể nghiệm thì mới hiểu hết sự phong phú của ý thơ bên trong.

d. Yêu cầu và phương pháp đọc hiểu tác phẩm thơ.

Khi đọc hiểu tác phẩm thơ, cần tiến hành theo các bước sau đây:

– Cần biết rõ tên bài thơ, tên tác giả, thời gian và hoàn cảnh sáng tác, đó là cơ sở ban đầu để tiếp cận tác phẩm.

– Đọc và quan sát bước đầu để nắm chắc bài thơ. Qua việc đọc, phải xác định được chủ đề, chủ thể trữ tình (chủ thể trữ tình thường xuất hiện ở hai dạng: cái tôi trữ tình và chủ thể trữ tình ẩn), đối tượng trữ tình, hình tượng trữ tình và giọng điệu chủ đạo của bài thơ.

– Cảm nhận nội dung, ý nghĩa bài thơ qua câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu, kết cấu, các biện pháp tu từ,…

– Lí giải, đánh giá toàn bộ bài thơ cả về hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt là phải chỉ ra những đóng góp của tác giả (thể hiện qua tác phẩm) cho thơ và cho cuộc sống con người.

2. Truyện.

a. Khái niệm.

Truyện là loại văn tự sự, kể chuyện, trình bày sự việc. Tryện có cốt truyện, có nhân vật. Qui mô truyện thường lớn hơn thơ. Truyện phần lớn được viết bằng văn xuôi, bên cạnh đó cũng có loại văn vần. Khác với thơ thiên về cái đẹp, xúc cảm và sự cô đọng, truyện có khả năng đi sâu vào từng khía cạnh ngóc ngách phức tạp của cuộc sống và của tâm hồn.

b. Phân loại truyện.

– Văn học dân gian: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích,..

– Văn học trung đại: có truyện viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.

– Văn học hiện đại: có truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài.

c. Đặc trưng của truyện.

– Truyện phản ánh hiện thực trong tính khách quan của nó qua con người, hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người nào đó.

– Truyện thường có cốt truyện, nhân vật, tình huống được miêu tả chi tiết, sống động gắn với hoàn cảnh.

– Phạm vi miêu tả không bị hạn chế bởi thời gian và không gian.

– Ngôn ngữ truyện có lời người kể chuyện, lời nhân vật… Ngôn ngữ linh hoạt gần với đời sống.

d. Yêu cầu về đọc truyện.

– Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác… để có cơ sở cảm nhận đúng nội dung của truyện.

– Phân tích diễn biến cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc, với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể…

– Phân tích nhân vật: ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ…

– Xác định vấn đề của truyện đặt ra, ý nghĩa tư tưởng, giá trị của truyện trên các phương diện: nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ.

3. Kịch.

a. Khái niệm.

– Kịch là một loại hình nghệ thuật tổng hợp,trong đó đối tượng mô tả của kịch là những xung đột trong đời sống.

b. Phân loại kịch.

– Xét theo nội dung và ý nghĩa của xung đột: bi kịch, hài kịch, chính kịch.

– Xét theo hình thức ngôn ngữ trình diễn:  kịch thơ, kịch nói, ca kịch.

c. Đặc trưng của kịch.

– Đối tượng phản ánh : những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội và con người => xung đột kịch.

– Xung đột kịch được cụ thể hóa bằng hành động kịch, hành động kịch được thực hiện bởi các nhân vật kịch.

+ Hành động kịch : do nhân vật kịch thể hiện.

+ Nhân vật kịch : bằng lời thoại và hành động thể hiện chủ để vở kịch.

– Cốt truyện của kịch : phát triển theo xung đột kịch qua các giai đoạn : mở đầu – thắt nút – phát triển – đỉnh điểm – giải quyết.

– Ngôn ngữ kịch: mang tính hành động và khẩu ngữ: gồm đối thoai, độc thoại, bàng thoại => nổi bật tính cách nhân vật.

+ Lời đối thoại: lời của các nhân vật nói với nhau.

+ Lời độc thoại: lời của nhân vật bộc lộ tâm tư, tình cảm của bản thân.

+ Bàng thoại: lời nhân vật nói riêng với người xem.

d. Yêu cầu về đọc kịch bản văn học.

– Đọc kĩ phần giới thiệu, tiểu dẫn để hiểu biết về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời, vị trí đoạn trích.

– Chú ý lời thoại của các nhân vật (xác định quan hệ của các nhân vật, tính cách nhân vật).

– Phân tích hành động kịch (làm nổi bật xung đột, diễn biến cốt truyện).

–  Nêu chủ đề tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm.

VI. Những yếu tố cần lưu ý trong tác phẩm văn học.

1. Giá trị hiện thực.

+ Là phạm vi hiện thực đời sống mà tác phẩm phản ánh.

+ Tác phẩm nào cũng có giá trị hiện thực. (Vì văn học bắt nguồn từ cuộc sống: hiện thực đời sống sinh hoạt hàng ngày, hiện thực tình cảm, tâm lí…)

  • Biểu hiện:

– Hiện thực phản ánh trong tác phẩm thì vô cùng đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, nói đến giá trị hiện thực trong một tác phẩm văn học người ta thường đề cập 3 nét chính:

+ Phơi bày chân thực, sâu sắc cuộc sống cơ cực, nỗi khổ về vật chất hay tinh thần của những con người bé nhỏ, bất hạnh.

+ Chỉ ra nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người.

+ Miêu tả tinh tế vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người.

– Ở mỗi một tác phẩm cụ thể, giá trị hiện thực được biểu hiện đa dạng. Cùng phản ánh tình cảnh khốn quẫn của người nông dân Việt Nam trước cách mạng, Ngô Tất Tố miêu tả nỗi chật vật về vật chất của chị Dậu vì nạn sưu cao thuế nặng, một cổ nhiều tròng, Nguyễn Công Hoan phơi bày chân thực sự cùng đường tuyệt lộ của người nông dân (Bước đường cùng), Nam Cao lại đi vào mảng hiện thực sâu kín nhất, tăm tối nhất – địa hạt tâm lí để lột trần bi kịch bị tha hoá, nỗi đau tinh thần khắc khoải của những con người dưới đáy của xã hội – Chí Phèo.

  • Vai trò:

+ Thể hiện cái nhìn hiện thực sâu sắc hay hời hợt của nhà văn.

+ Dấu hiệu của một tác phẩm có giá trị.

2. Giá trị nhân đạo.

+ Là lòng yêu thương con người.

+ Đối tượng: thường là nỗi khổ.

  • Biểu hiện:

+ Tố cáo các thế lực gây ra đau khổ cho con người.

+ Cảm thông với số phận đau khổ của những con người nhỏ bé, bất hạnh.

+  Phát hiện, khám phá và ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn trong những con người bất hạnh.

+ Đồng tình với những ước mơ và khát vọng chính đáng của con người, hướng con người đến một con đường giải thoát khỏi số phận khổ đau.

– Ở mỗi tác phẩm khác nhau, những khía cạnh có sự biến đổi phong phú, linh hoạt. Chẳng hạn, cùng viết về người phụ nữ với cái nhìn trân trọng, yêu thương sâu sắc, Ngô Tất Tố khám phá ở Chị Dậu vẻ đẹp truyền thống, thuỷ chung, không tì vết; Kim Lân phát hiện ra nét nữ tính và khát vọng hạnh phúc bất diệt trong tâm hồn người vợ nhặt, còn Tô Hoài thì khơi tìm sức sống tiềm tàng, mãnh liệt nơi cô gái vùng cao – Mị…

  • Vai trò:

+  Thể hiện tầm vóc tư tưởng của nhà văn:“Nhà văn chân chính là nhà nhân đạo từ trong cốt tuỷ” (Biêlinxki)

+  Là một trong những dấu hiệu của một tác phẩm giàu giá trị (Văn học là nhân học. Nghệ thuật chỉ có nghĩa khi hướng tới con người, yêu thương con người).

* Mối quan hệ giữa giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

+ Gắn bó hài hoà trong một tác phẩm.

+ Các khía cạnh biểu hiện nhìn chung tương đồng chỉ khác biệt ở chỗ: nếu nói giá trị hiện thực là nhắc tới sự trình bày, miêu tả hiện thực một cách tương đối khách quan thì nói tới gía trị nhân đạo tức là đã bao hàm thái độ của nhà văn (cảm thông, thương xót, đồng tình, ngợi ca…)

3. Tình huống trong truyện ngắn.

+ Là lát cắt của đời sống mà qua đó tính cách nhân vật được bộc lộ sắc nét nhất và tư tưởng nhà thể hiện rõ nhất.

“Là một lát cắt, một khúc của đời sống. Nhưng qua lát cắt, qua khúc ấy người thấy được trăm năm của đời thảo mộc” (Nguyễn Minh Châu)

+ Biểu hiện qui luật có tính nghịch lí trong sáng tạo nghệ thuật: qui mô nhỏ nhưng khả năng phản ánh lớn.

  • Vai trò:

+ Khắc hoạ tính cách nhân vật, thể hiện tư tưởng nghệ sĩ.

+ Xuất phát từ đặc trưng truyện ngắn: dung lượng nhỏ, thể hiện nhân vật qua một khoảnh khắc ngắn ngủi của đời sống (tiểu thuyết: dài, theo sát toàn bộ cuộc đời, số phận nhân vật…). Tình huống phải giống như thứ nước rửa ảnh làm nổi lên hình sắc nhân vật và tư tưởng nhà văn.

+ Xây dựng được tình huống truyện độc đáo là dấu hiệu của:

  • Một tác phẩm có giá trị.
  • Một tác giả tài năng.

4. Nhân vật điển hình.

– Điển hình: sự kết hợp giữa cái riêng sắc nét và cái chung mang tính khái quát cao.

– Nhân vật điển hình là nhân vật phải mang được những nét chung, đặc trưng, khái quát nhất của thời đại nhân vật ấy sống nhưng đồng thời cũng phải mang những đặc điểm tính cách, ngoại hình, suy nghĩ chân thực nhất, riêng nhất không thể trộn lẫn với bất cứ ai để ghi lại dấu ấn riêng của mình trong mọi thời đại.

* Các phương diện biểu hiện tính điển hình: tính cách, hoàn cảnh,...

– Tính cách điển hình:

+ Tính cách là những đặc điểm tâm lí tương đối ổn định nói lên cốt cách và phẩm chất của nhân vật. Vì tính cách là cốt cách, phẩm chất của nhân vật cho nên tính cách còn dùng để chỉ nhân vật

+ Tính cách điển hình là tính cách có sự thống nhất sâu sắc giữa tính chung và tính riêng (tức là giữa cái khái quát và cái cụ thể).

– Hoàn cảnh điển hình:

+ Hoàn cảnh là môi trường hoạt động của nhân vật, là phạm vi hiện thực khách quan tác động đến quá trình hoạt động của nhân vật. Con người tồn tại và phát triển trong những điều kiện tự nhiên và xã hội nhất định. Môi trường này chính là hoàn cảnh của con người. Môi trường hoạt động chủ yếu của con người là môi trường xã hội. Cho nên, nội dung cơ bản của hoàn cảnh : quan hệ xã hội. Trong xã hội có giai cấp, quan hệ xã hội là quan hệ giai cấp.

+ Hoàn cảnh điển hình là hoàn cảnh của các nhân vật được miêu tả trong tác phẩm, vừa có tính chất tiêu biểu và độc đáo, thể hiện được những tương quan bản chất của đời sống trong những mối liên hệ phát triển biện chứng của chúng với nhau.

+ Không có người nào là không tồn tại trong một hoàn cảnh. Hoàn cảnh, vì vậy, là việc làm tất yếu để từ đó nhà văn tạo nên tính cách trong quá trình phản ánh. Nhưng phản ánh nghệ thuật không phải là sự sao chép những cảnh ngộ tầm thường mà sự phân tích, phát hiện, thể hiện nội dung chủ yếu, mâu thuẫn cơ bản của những tương quan xã hội.

Quan hệ giữa tính cách và hoàn cảnh:

+ Quan hệ tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau: tính cách được nảy sinh trong một hoàn cảnh nhất định, hoàn cảnh thúc đẩy tính cách phát triển. Ví dụ: Tính cách của chị Dậu hoàn toàn do những quan hệ thực tế của chị với môi trường xung quanh mà có. Vì bị đèn nén đến cực độ (hoàn cảnh thúc ép) chị Dậu vùng lên đánh lại người nhà Lí trưởng. Và khi “vùng lên” tính cách chị Dậu đã thay đổi.

+ Tính cách tác động trở lại hoàn cảnh: Con người là con đẻ của hoàn cảnh, nhưng nó không phải là sản phẩm thụ động của hoàn cảnh. Trong quá trình phát triển, con người ngày càng làm chủ tự nhiên và xã hội, và trở thành chủ thể lịch sử. Con người tạo nên lịch sử. Như thế chính con người tạo nên hoàn cảnh. Văn chương phản ánh đời sống con người không phải chủ yếu là phản ánh cái hoàn cảnh như một lực lượng siêu nhiên đẻ ra những con người, mà phải thể hiện hoàn cảnh do con người tạo nên đó. Engels : “hoàn cảnh sáng tạo ra con người trong chừng mực con người sáng tạo ra hoàn cảnh”. Ví dụ: Truyện “Vợ chồng A Phủ” từ cuộc sống tối tăm dưới ách bọn chúa đất, những người nông dân sống như trâu ngựa, được ánh sáng cách mạng soi đường đã vùng lên giải phóng quê hương, làm chủ cuộc sống.

– Vai trò: Tính cách điển hình và hoàn cảnh điển hình là 2 đặc điểm cơ bản nhất của hình tượng điển hình, chúng làm cho hình tượng điển hình luôn luôn có tính chân thực cao, chúng là thước đo tài năng sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Chính trên ý nghĩa ấy mà Bê-ê-lin-xki viết “Tính điển hình là một trong những dấu hiệu của tính mới mẻ trong sáng tạo, hay nói đúng hơn là bản thân sức sáng tạo. Nếu có thể thì cũng nói rằng tính điển hình là huy chương của nhà văn. Điển hình là người lạ đã quen biết”.

5. Chi tiết nghệ thuật.

– Chi tiết nghệ thuật là “các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng” (Từ điển thuật ngữ văn học). “Chi tiết là đơn vị nhỏ nhất có thể chia ra được tùy theo một tương quan và yêu cầu nhất định” trong tác phẩm văn học (Lí luận văn học- NXB Đại học Sư phạm)

– Chi tiết nghệ thuật  được biểu hiện phong phú, có thể là một nét chân dung nhân vật, một hành vi lời nói, một biểu hiện cử chỉ, phản ứng nội tâm, một nét phong cảnh, môi trường, một biểu hiện sinh hoạt, một khâu quan hệ nào đó trong đời sống của nhân vật…

– Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật, là sự thống nhất hữu cơ từng yếu tố bộ phận trong tác phẩm, vì thế ở đây chi tiết đóng vai trò quan trọng. Mỗi chi tiết đặc sắc góp phần làm nên nét độc đáo trong nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

– Mỗi phương pháp sáng tác có những yêu cầu khác nhau về chi tiết, trong đó đặc biệt phải kể đến trào lưu chủ nghĩa hiện thực phê phán. Các nhà văn hiện thực yêu cầu chi tiết phải có tính chân thực “Tiểu thuyết sẽ không là gì cả nếu nó không chân thực trong từng chi tiết”. Những chi tiết chân thực có tác dụng “thực cảm” góp phần đan dệt nên những cảnh sinh động  làm cho người đọc quên đi việc đọc tác phẩm, như được tiếp xúc với chính chính cảnh đời thực. Mặt khác chi tiết chân thực còn có sứ mệnh quan trọng là góp phần tái hiện chân thực tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình.

Sự lựa chọn chi tiết “đắt giá” thể hiện tài quan sát, tài vận dụng đồng thời là quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người. Chính vì thế có ý kiến cho rằng Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.

6. Chất thơ và chất thơ trong truyện ngắn.

Chất thơ là tính chất trữ tình – tính chất được tạo nên từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn.

Chất thơ trong truyện ngắn được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn.

Một truyện ngắn (hoặc tác phẩm văn xuôi) được coi là giàu chất thơ khi mối bận tâm của người viết không đặt vào việc kể lại một biến cố, sự việc, hành động mà là việc làm bật lên một trạng thái của đời sống hoặc của tâm hồn con người.

7. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ.

– Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ hiện ra qua giọng điệu, trạng thái tâm hồn, cảm xúc (còn nhân vật trong tác phẩm tự sự: có diện mạo, tính cách, hành động cụ thể).

– Phân loại:

+ Xét sự xuất hiện của tác giả trong tác phẩm:

  • Cái tôi trữ tình: tác giả
  • Nhân vật trữ tình nhập vai: khi tác giả hoá thân vào nhân vật khác trong tác phẩm.

+ Xét về vai trò:

  • Chủ thể trữ tình (người trực tiếp bộc lộ cảm xúc)
  • Đối tượng trữ tình: đối tượng hướng tới của tâm trạng chủ thể trữ tình

8. Quan điểm/quan niệm sáng tác của nhà văn.

+ Là chỗ đứng, điểm nhìn để nhà văn sáng tác.

+ Phải được hiện thực hoá trong quá trình sáng tác.

+ Được phát biểu trực tiếp hay thể hiện gián tiếp qua các tác phẩm.

+ Nhà văn nào cũng có quan điểm/quan niệm sáng tác nhưng để tạo thành một hệ thống có giá trị thì không phải ai cũng làm được.

  • Vai trò:

+ Chi phối toàn bộ quá trình sáng tác (lựa chọn đề tài, hình tượng, lựa chọn lối viết, các hình thức nghệ thuật…)

+ Phần nào thể hiện tầm tư tưởng của nhà văn.

9. Mối quan hệ giữa nhà văn, tác phẩm và bạn đọc.

– Nhà văn là người sáng tạo ra văn bản, người thực hiện quá trình kí mã. Ý đồ nghệ thuật, cách lí giải của nhà văn về văn bản chỉ là một khả năng hiểu văn bản.

– Bạn đọc là người tiếp nhận văn học, người thực hiện quá trình giải mã.

– Văn bản là một bộ mã, có thể chấp nhận nhiều cách giải khác nhau nhưng phải phù hợp với các mã đã được nhà văn kí gửi.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.