Cách làm phần giải thích trong bài văn nghị luận.
Trong văn nghị luận, giải thích là “dùng lí lẽ để giảng giải, cắt nghĩa giúp người đọc, người nghe hiểu rõ một hiện tượng, một vấn đề nào đó” (Ngữ văn 10 Nâng cao, tập 2, Nxb Giáo dục, 2018, tr.147). Nhờ vậy, giải thích giúp nâng cao nhận thức, trí tuệ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cho con người. Rèn kĩ năng giải thích là giúp học sinh biết cách vận dụng thao tác lập luận giải thích trong quá trình học tập bộ môn Ngữ văn, đặc biệt là trong các bài nói, bài viết, bài thi của học sinh giỏi.
1. Vận dụng kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận văn học.
Thao tác giải thích là thao tác đầu tiên và tiên quyết đối với một bài NLVH yêu cầu giải quyết vấn đề lí luận văn học. Sai một li, đi một dặm. Nếu xác định sai vấn đề nghị luận thì mọi nỗ lực sau đó đều đổ sông đổ biển. Cho nên vấn đề nghị luận luôn phải được diễn đạt một cách rõ ràng, cụ thể ngay từ trong mở bài, và kế đến là phần giải thích trong thân bài. Trong bài văn đã đọc ở trên, vấn đề nghị luận được giới thiệu một cách rất rõ ràng trong đoạn giải thích:
Saltykov Shchedrin đã từng nói: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Vậy điều gì đã khiến các tác phẩm nghệ thuật bất tử? Ở tài năng hay ở tấm lòng người cầm bút? Ý kiến của nhà phê bình Nga Bielinxky trên đây đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí, quyết định tư tưởng, tình cảm, hay nói cách khác, cái tâm của người cầm bút quyết định sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, ở đây được hiểu là tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học chỉ sống được trong những tư tưởng, tình cảm mãnh liệt của người cầm bút mà thôi.
Việc này được thực hiện khá dễ dàng bởi vì vấn đề nghị luận đã được diễn đạt rõ ràng trong đề bài. Nhưng nhiều trường hợp, vấn đề nghị luận bị ẩn đi, có khi là trong những cách diễn đạt trừu tượng, hoặc có khi là trong một lập luận rất dài, phức tạp nhiều tầng bậc của một nhà phê bình nào đó. Đây là lúc ta phải sử dụng thao tác cụ thể hóa vấn đề nghị luận, hoặc khái quát vấn đề nghị luận.
Ta sử dụng thao tác cụ thể hóa với những đề ẩn vấn đề nghị luận trong những cách diễn đạt trừu tượng, có tính hình ảnh. Ví dụ như 2 đề sau:
Đề bài 1: “Nhà văn là trụ đỡ tinh thần của trẻ em” (Nguyễn Nhật Ánh). Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm, em hãy giới thiệu về một nhà văn là “trụ đỡ tinh thần” của em.
Phân tích đề:
– Vấn đề nghị luận ẩn trong cụm từ “trụ đỡ tinh thần”.
– “Trụ đỡ tinh thần” có thể là gì? – một điểm tựa khi cảm thấy đớn đau, khổ cực; một chỗ dựa để tìm về khi băn khoăn, lạc lối trong cuộc đời; một thành trì đạo đức giúp con người đứng vững trước những cám dỗ của cuộc sống… Như vậy ta thấy ngay, vấn đề đã rõ ràng hơn rất nhiều và có thể triển khai dễ hơn. Cần cụ thể hóa vấn đề nghị luận thành các biểu hiện rõ ràng hơn.
Đề bài 2:
“Có những phút ngã lòng
Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy”
(Phùng Quán)
Bằng hiểu biết và kinh nghiệm đọc thơ của anh (chị), hãy bàn luận về ý kiến gợi ra từ hai câu thơ trên.
– Vấn đề nghị luận ẩn trong hai cụm từ “ngã lòng” và “vịn vào câu thơ mà đứng dậy”.
Biểu hiện | Những phút ngã lòng… | Tôi vịn vào câu thơ mà đứng dậy… |
Biểu hiện 1: | – Cảm thấy quá đau khổ, tuyệt vọng | – Những câu thơ vỗ về, xoa dịu vết thương, tạo ra sự an ủi, đồng cảm |
Biểu hiện 2: | – Cảm thấy băn khoăn, trăn trở trước vô vàn câu hỏi không thể giải đáp của cuộc sống | – Những câu thơ thức tỉnh, giúp mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan, để hiểu thế giới và hiểu chính mình |
Biểu hiện 3: | – Cảm thấy chênh vênh trên lằn ranh thiện –ác, cảm thấy cuộc đời quá nhiều cám dỗ, cảm thấy cái ác ngự trị trong tâm | – Những câu thơ hướng thiện vực ta dậy từ sai trái và lầm lạc, những câu thơ thanh lọc tâm hồn để ta quay trở về với điều tốt… |
Như vậy, các biểu hiện càng được nêu ra cụ thể, các kiến thức lí luận được vận dụng càng chính xác, việc chọn tác phẩm và phân tích tác phẩm để làm rõ vấn đề nghị luận càng dễ dàng.
Ngược lại, ta cần khái quát vấn đề nghị luận khi nó được diễn giải một cách phức tạp. Hãy xem đề sau:
Đề bài 3:
Nhà nghiên cứu văn học Đặng Thai Mai có viết:
“Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống, trường đại học chân chính của thiên tài. Họ đã biết đời sống xã hội của thời đại, đã sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại, đã rung động tận tâm hồn với những nỗi lo âu, bực bội, tủi hổ, cái sức sống của những tác phẩm vĩ đại”
(Quá trình bồi dưỡng nghề viết văn của tôi, in trong “Công việc viết văn”, Trường viết văn Nguyễn Du, xuất bản 1995, trang 81).
Bình luận ý kiến trên.
Đoạn văn dài trong đề làm ta bối rối và không thể xác định vấn đề nghị luận. Hãy bình tĩnh. Bất kì đoạn văn nào cũng chỉ có một ý chính, và các ý phụ khác bổ sung ý chính đó. Ý chính chính là vấn đề nghị luận bạn cần xác định và khái quát lên được. Vậy thì trong đoạn trên, vấn đề nghị luận là gì? Hãy suy nghĩ khoảng 5 phút.
Chắc bạn đã nhận ra, đoạn văn trong đề được cấu tạo theo kiểu Tổng – phân – hợp, cho nên vấn đề nghị luận sẽ là câu đầu tiên, và các câu khác là những biểu hiện cụ thể cho vấn đề đó.
– Điều quan trọng hơn hết trong sự nghiệp của những nhà văn vĩ đại ấy lại là cuộc sống”: một nhận xét mang tính lí luận về sự liên hệ giữa văn học và cuộc sống; nhưng ngòi bút của Đặng Thai Mai vẫn sắc sảo trong việc lí giải theo nguyên tắc diễn dịch: “họ đã biết đời sống xã hội của thời đại” là cái nền, là cơ sở vững chắc để nhà văn “sâu sắc cảm thấy mọi nỗi đau đớn của con người trong thời đại”, và trên cơ của những rung động phong phú về đời sống tâm hồn của “con người” thời đại ấy mà vươn tới tầm cao của những giá trị tâm hồn “loài người”.
2. Vận dụng kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận xã hội.
– Vận dụng kĩ năng giải thích để xác định vấn đề xã hội cần nghị luận.
Với đề nghị luận xã hội, người ra đề thường đưa ra một ý kiến hoặc một vấn đề và yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ. Muốn xác định đúng vấn đề xã hội cần nghị luận, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tự đặt cho mình các câu hỏi: Trong đề bài có từ ngữ, hình ảnh nào đáng chú ý? Nghĩa đen, nghĩa bóng của các từ ngữ, hình ảnh, cách diễn đạt đó là gì?… Trả lời những câu hỏi trên, các em sẽ xác định được vấn đề cần bàn luận.
Phương pháp giải thích được vận dụng phổ biến nhất là nêu định nghĩa.
Đề bài: “Có ý kiến cho rằng: Cuộc đời của tôi và bạn là con thuyền vượt qua bao sóng gió. Chúng ta vừa là thuyền trưởng, vừa là hoa tiêu”.
Hãy nêu suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
Với đề này, học sinh cần vận dụng thao tác giải thích để giải mã thông điệp mà ý kiến muốn nhắn gửi đến mỗi chúng ta, cũng chính là xác định vấn đề nghị luận. Trước hết các em phải giải thích ý nghĩa các từ ngữ, hình ảnh quan trọng: “cuộc đời”, “con thuyền”, “thuyền trưởng”, “hoa tiêu” rồi rút ra vấn đề cần bàn luận.
* Vận dụng kĩ năng giải thích để bàn luận về vấn đề xã hội đó
Trọng tâm của bài văn nghị luận xã hội nằm ở phần bàn luận. Học sinh vận dụng tổng hợp các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh. Thao tác giải thích giúp học sinh bàn luận, lí giải về vấn đề sâu sắc, có sức thuyết phục hơn. Sau khi đã xác định được chính xác vấn đề xã hội cần nghị luận, học sinh có thể tự đặt ra cho mình các câu hỏi như:
+ Ý kiến có đúng không?
+ Tại sao lại nói như vậy?
+ Nguyên nhân của vấn đề là gì?
Kĩ năng giải thích sẽ giúp các em trả lời các câu hỏi đó. Cũng với đề nghị luận xã hội vừa dẫn, học sinh có thể khẳng định ý kiến đưa ra là đúng và lí giải vì sao nó đúng.
Học sinh có thể tự đặt câu hỏi: Vì sao nói “Cuộc đời của tôi và bạn là con thuyền vượt qua bao sóng gió. Chúng ta vừa là thuyền trưởng, vừa là hoa tiêu”. Đây là một hướng giải thích với các ý chính:
– Thứ nhất, con đường đời chúng ta đi có thể sẽ gập ghềnh, nhiều chông gai, đầy sóng to, gió lớn. Mỗi người hãy tự làm một con thuyền để chủ động chuẩn bị cho cuộc hành trình của đời mình.
– Thứ hai, là người thuyền trưởng, ta phải vững tay chèo, vững niềm tin, giàu ý chí, nghị lực để vượt qua phong ba, thác ghềnh hay chính là những thử thách, khó khăn.
– Thứ ba, là người hoa tiêu, ta phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh, xác định đúng hướng đi cho con thuyền.
– Thứ tư, nếu hoa tiêu xác định đúng đường mà thuyền trưởng lái chệch đi, hoặc thuyền trưởng vững vàng mà hoa tiêu chỉ sai đường thì trong cả hai trường hợp con thuyền khó tránh khỏi bão tố. Hoa tiêu và thuyền trưởng phối hợp chặt chẽ sẽ tạo cho con thuyền thêm sức mạnh và sự dũng mãnh đạp lên đầu sóng, ngọn gió, cập đến bến bờ thành công.
– Thứ năm, nếu con thuyền đó không có hoa tiêu lẫn thuyền trưởng thì sẽ lênh đênh ngoài biển cả, không biết đâu là bến, là bờ.
Với đề nghị luận về một hiện tượng đời sống, sau khi nêu ra thực trạng, hậu quả, học sinh phải lí giải nguyên nhân của hiện tượng, cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chẳng hạn với đề: “Nghĩ về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam hiện nay”, có thể giải thích nguyên nhân hiện tượng là do thực tế việc chờ đợi thường quá lâu, thủ tục hành chính rườm rà; đây đó vẫn có hiện tượng tiêu cực, thiếu công bằng, ưu tiên người thân quen, người có tiền. Những người vốn có ý thức xếp hàng cũng mệt mỏi, sợ bị lỡ việc, thậm chí dần mất niềm tin vào sự công bằng. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do việc thiếu ý thức tổ chức, kỉ luật, thiếu tinh thần tập thể, luôn muốn nhanh, muốn được việc, muốn hơn người của người Việt.
* Vận dụng kĩ năng giải thích để mở rộng, nâng cao vấn đề, nêu phản đề và rút ra bài học nhận thức, hành động phù hợp
Sau khi đã bàn luận, khẳng định tính đúng/sai của ý kiến, vấn đề, học sinh giỏi cần lật đi lật lại, xem xét toàn diện vấn đề ở nhiều khía cạnh, trong nhiều trường hợp khác nhau, thậm chí có thể nêu phản đề. Phần này sẽ thể hiện rõ tư duy logic, nhạy bén, khả năng phản biện của học sinh giỏi. Hầu như học sinh bình thường sẽ không biết cách mở rộng, nâng cao vấn đề, càng khó để nêu phản đề. Người thầy có thể hướng dẫn học sinh đặt câu hỏi như: Vấn đề có phải lúc nào cũng đúng không? Nó phù hợp với mọi đối tượng, hoàn cảnh hay chỉ phù hợp với một bộ phận, trong một vài trường hợp? Học sinh cần có lí lẽ phù hợp để giải thích rõ ý kiến của bản thân, thuyết phục người đọc.
Ví dụ với đề đã dẫn: “Có ý kiến cho rằng: Cuộc đời của tôi và bạn là con thuyền vượt qua bao sóng gió. Chúng ta vừa là thuyền trưởng, vừa là hoa tiêu”, cần đặt ra câu hỏi: Có phải lúc nào chúng ta cũng đơn thương độc mã tự mình vừa làm thuyền trưởng, vừa làm hoa tiêu cho con thuyền cuộc đời của chính chúng ta? Câu trả lời là không. Học sinh có thể lập luận: Ý kiến nói trên là lời khuyên cho người trưởng thành. Với lứa tuổi chưa trưởng thành, mỗi bạn nhỏ vẫn cần có sự định hướng, giúp đỡ từ thầy cô, cha mẹ,… Tuy nhiên, ngay cả với người trưởng thành, họ phải tự chèo lái, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình nhưng không có nghĩa là hoàn toàn đơn độc, không cần, không nhận sự giúp đỡ của bất cứ ai. Thậm chí trong cuộc đời, có được ai đó làm chỗ dựa về tinh thần thì quả thực là sự may mắn, là niềm hạnh phúc lớn lao.
Vận dụng kĩ năng giải thích trong bài nghị luận văn học
– Với đề phân tích, cảm thụ một đoạn trích, một tác phẩm cụ thể, nhiều khi học sinh cần giải thích từ ngữ, hình ảnh trong văn bản. Chẳng hạn phân tích hai câu thơ: “Chi phấn hữu thần liên tử hậu/ Văn chương vô mệnh lụy phần dư” trong bài Độc Tiểu Thanh kí, học sinh phải giải thích ý nghĩa các hình ảnh chi phấn, văn chương; thậm chí sâu hơn phải lí giải tại sao Nguyễn Du lại viết “Chi phấn hữu thần”, “Văn chương vô mệnh” và tại sao lại có cách diễn đạt “liên tử hậu”, “lụy phần dư”. Giải nghĩa được từ ngữ, hình ảnh là điều kiện cần để hiểu và cảm cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn chương, giá trị thẩm mĩ, ý nghĩa tư tưởng gửi gắm sau câu chữ.
– Với dạng bài nêu vấn đề tổng quát hoặc nêu ý kiến về tác phẩm, tác giả, hiện tượng văn học, thông thường tùy theo từng đề, học sinh phải giải thích các khái niệm mà đề bài sử dụng hoặc giải thích ý kiến. Một số khái niệm thường gặp trong các đề mà học sinh giỏi phải nắm chắc để vận dụng giải thích chẳng hạn giá trị nhân đạo, tinh thần nhân văn, vẻ đẹp cổ điển – hiện đại, khuynh hướng sử thi – cảm hứng lãng mạn, tuyên ngôn nghệ thuật, cái tôi trữ tình,… Với đề đưa ra một hoặc hai ý kiến và yêu cầu bình luận, phân tích làm sáng tỏ, lại cần rèn cho học sinh kĩ năng giải thích ý kiến.
– Với các đề đưa ra nhận định mang tính lí luận: Với những đề thuộc dạng này, kĩ năng giải thích càng được vận dụng nhiều bởi lẽ học sinh không chỉ phải giải thích ý kiến mà còn phải giải thích sâu vấn đề lí luận đó.
Ví dụ:
Theo nhà phê bình Viên Mai: “Thơ là do cái tình sinh ra” (“Viên Mai bàn về thơ” – Ngữ văn 10 Nâng cao, NXB Giáo dục, 2010, tập 1).
Anh/Chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích bài thơ Tự tình 2 của Hồ Xuân Hương để làm sáng tỏ ý kiến.
Với đề này, giáo viên hướng dẫn học sinh giải thích nội hàm ý kiến của Viên Mai và giải thích vấn đề lí luận “Thơ là do cái tình sinh ra”.
Để thực hiện chuyên đề theo mục tiêu trên, giáo viên có thể sử dụng các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức thực hiện: Phương pháp phát vấn, phương pháp thuyết giảng, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp gợi tìm, phương pháp so sánh, phương pháp hệ thống với các hình thức tổ chức thực hiện như: Kết hợp hướng dẫn cách thức chung để vận dụng kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận và thực hành bằng các đề, bài văn cụ thể; ra bài tập vận dụng từ chuyên đề.
Tuy nhiên, để quá trình rèn kĩ năng giải thích trong bài văn nghị luận có hiệu quả, giáo viên cần thường xuyên thực hiện ở cả các giờ học chính khóa trên lớp và trong các buổi bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Trong các giờ chính khóa, việc rèn kĩ năng giải thích được thực hiện trong các tiết học Làm văn xuyên suốt chương trình Ngữ văn Trung học phổ thông (Thực hành thao tác chứng minh, giải thích, qui nạp, diễn dịch; Thực hành viết các đoạn văn chứng minh, giải thích, qui nạp, diễn dịch; Luyện tập vận dụng kết hợp các thao tác lập luận; Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ; Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học; Nghị luận về một tư tưởng đạo lí; Nghị luận về một hiện tượng đời sống; Luyện tập nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học…) và trong các giờ trả bài kiểm tra. Ngoài ra, với đối tượng học sinh giỏi, giáo viên xây dựng thành chuyên đề dạy tại các buổi bồi dưỡng đội tuyển, hướng dẫn cụ thể cách vận dụng thao tác này, lấy ví dụ minh họa và biên soạn hệ thống bài tập phù hợp để học sinh thực hành, luyện tập.