Vị trí của người đọc trong quá trình tiếp nhận văn chương
Người đọc như một yếu tố bên trong của sáng tác văn chương. Người đọc không đồng sáng tạo với nhà văn, nhưng lại là một yếu tố bên trong của sáng tác. người đọc đối với sáng tạo nghệ thuật cũng giống như một người tiêu dùng trong lao động sản xuất. Với tư cách là một đòi hỏi, một nhu cầu, bản thân sự tiêu dùng là một yếu tố nội tại của hoạt động lao động sản xuất (C. Mác). Người tiêu dùng là mục tiêu của sản xuất, người đọc là mục tiêu của sáng tác. Chính nhu cầu của người tiếp nhận, người tiêu dùng, người sử dụng văn chương là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với quá trình văn chương. Người đọc hiện lên trước nhà văn dưới một hệ thống câu hỏi: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, Viết như thế nào?. Người đọc yêu cầu, đòi hỏi, chờ đợi và phê bình nhà văn. Nhà văn sáng tác để đáp ứng đòi hỏi bạn đọc. Người đọc tạo nên mối quan hệ trực tiếp với tác phẩm của sáng tác – tiếp nhận.
Nhưng ai là người đọc, người tiếp nhận văn chương? Loại hình học người đọc văn chương chia ra nhiều loại người đọc khác nhau. Ðứng về phía người tiếp nhận, người ta chia người đọc ra 4 loại. Thứ nhất là người đọc tiêu thụ. Ðây thường là loại người đọc đọc ngấu nghiến cốt truyện, ham thích tình huống éo le gay cấn, nhiều khúc mắc cạm bẫy. Loại này đọc lướt nhanh vào giờ nhàn rỗi, tìm thú giải trí, có những đánh giá dễ dãi. Thứ hai là, loại đọc điểm sách. Loại người này có ý thức tìm ở văn chương những thông tin mới về cuộc sống, đạo đức … để thông báo cho độc giả của các báo. Thứ ba là loại người đọc chuyên nghiệp – những người giảng dạy nghiên cứu phê bình ở các trung tâm nghiên cứu. Thứ tư là những người sáng tác – nhà văn, nhà thơ đọc theo cảm hứng bất chợt hoặc để tham gia viết những trang phê bình ngẫu hứng.
Ðứng ở góc độ sáng tác người ta chia người đọc ra làm ba loại. Thứ nhất: người đọc thực tế. Tức là những người đọc, người tiếp nhận sáng tác tồn tại một cách cụ thể, cá thể. Họ là những người A, người B nào đó trong đời sống, tiếp nhận văn chương theo cá tính, theo sở thích cá nhân. Như vậy, trước mắt người sáng tác có biết bao nhiêu người đọc thực tế. Nhưng nhà văn không viết để đáp ứng cho từng người cụ thể mà viết cho người đọc nói chung. Thứ hai: người đọc giả thiết. Ðây là loại độc giả của từng tác giả. Loại này tồn tại trong tác giả suốt quá trình sáng tác từ nảy sinh ý đồ cho đến kết thúc.
Nhà văn có chủ đích hướng tới họ là chủ yếu. Thứ ba: người đọc hữu hình hay người đọc bên trong là loại người đọc tồn tại bên trong tác phẩm như một nhân vật luôn đối diện và đối thoại với nhà văn, nhưng không phải nhân vật mà là hiện thân của người đọc bên ngoài tác phẩm. Tố Hữu viết bài thơ Kính gửi cụ Nguyễn Du, suốt bài thơ tác giả nói với cụ Nguyễn cụ thể nhưng thực tế Tố Hữu chủ yếu viết cho người đọc thực tế hôm nay, nói với người hôm nay. Trong thơ Tố Hữu dạng nhân vật này thường hay xuất hiện dưới đại từ em như một đối tượng thân thiết gần gũi để tâm sự:
- Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan
- Em ạ ! Cu-ba ngọt lịm đường
Ðứng ở góc độ thời gian, người ta chia người đọc ra làm 3 loại: Thứ nhất: người đọc hiện tại, tức loại người đọc đang sống đồng thời với tác giả, họ thực sự tiếp nhận tác phẩm của tác giả và lên tiếng khen chê trực tiếp với tác giả. Trong số người đọc hiện tại, có thể chia ra làm nhiều lớp theo cách khác nhau: người đọc bình thường; người đọc của người đọc – nhà phê bình; người đọc thiếu nhi, thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức… Thứ hai: người đọc quá khứ. Ðây là loại người đọc không thể và không bao giờ tiếp nhận tác phẩm cả. Nhưng nhiều khi nó quyết định thành bại của tác phẩm. khi Tố Hữu viết Kính gửi cụ Nguyễn Du thì đây phải là bức thư gởi cụ Nguyễn Du nào đó đang sống thực sự ở đâu đó, mà là gửi cho linh hồn cụ Nguyễn Du. Và chính Nguyễn Du lúc sinh thời cũng đã có loại người đọc như thế. đó là Tiểu Thanh (xem bài thơ Ðộc Tiểu Thanh ký. Nhân vật nàng trong màu tím hoa sim của Hữu Loan cũng lại là một người đọc quá khứ. Thứ ba: người đọc tương lai. Loại người đọc này chưa tồn tại thực tế sẽ có thể, hoặc không thực sự đọc tác phẩm nhưng vẫn xuất hiện trong quá trình làm tác phẩm của tác giả, và có khi là chủ đích hướng tới của nhà văn. Nhà văn muốn gởi thế kỉ mai sau, muốn nói chuyện với người 300 năm sau như Nguyễn Du đã nói:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Stendhal thì chờ người đọc nửa thế kỉ sau.
Lại có cách chia người đọc theo ý thức hệ. Cách này, chia người đọc ra làm 2 loại. Thứ nhất: người đọc bạn bè, đây là loại người đọc chỉ hướng, cùng quan điểm xã hội, lập trường tư tưởng. Phần lớn các tác giả có đông đảo bạn đọc loại này. Ðây là loại bạn đọc chí cốt mà Tố Hữu đã nói: Tôi buộc hồn tôi với mọi người. để hồn tôi với bao hồn khổ.Thứ hai: loại người đọc đối thủ. Loại người đọc này trái với chí hướng, lập trường giai cấp xã hội của mình. chẳng hạn cụ Ngáo trong bài thơ Hởi cụ Ngáo của Tố Hữu.
Tính quyết định của người đọc đối với quá trình sáng tác văn chương là ở chỗ nếu không có người đọc thì không có bản thân quá trình sáng tác. Nghệ thuật như là một hình thức giao tiếp. Nó ra đời để đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi giữa người viết văn và người đọc văn, nhưng trước hết là để thỏa mãn nhu cầu tự bộc lộ mình của người sáng tác. Người đọc lúc này sẽ là nơi gởi gắm tâm sự của nhà văn. Ở đây người đọc trở thành người phục vụ nhà văn. Ðến lượt mình, nhà văn lại trở thành người phục vụ bạn đọc.
Ðây là một mục tiêu quan trọng của sáng tạo nghệ thuật. Nghệ thuật phục vụ người đọc ở 2 phương diện. Một là thỏa nhu cầu nghệ thuật của họ. Hai là đào tạo họ thành những người sính nghệ thuật. Rồi những người sính nghệ thuật đó lại yêu cầu nghệ sĩ không được tự thỏa mãn mà phải nâng mình lên. Ðây là một sự phát triển theo đường tròn xoáy ốc. Tác phẩm nghệ thuật – và mọi sản phẩm khác cũng thế, – đều tạo một thứ công chúng sính nghệ thuật và có khả năng thưởng thức cái đẹp, như vậy là sản xuất không những chỉ sản sinh ra một đối tưọng cho chủ thể, mà còn sản sinh ra một chủ thể cho đối tượng. (C. Mác)