Vai trò của người đọc đối với đời sống lịch sử của văn chương

vai-tro-cua-nguoi-doc-doi-voi-doi-song-lich-su-cua-van-chuong

Vai trò của người đọc đối với đời sống lịch sử của văn chương

Cấu trúc nội tại của tác phẩm với tính đa thanh, đa giọng điệu, nhiều tầng nghĩa do thuộc tính phản ánh và khái quát đời sống và chất liệu ngôn từ đã tạo nên phương diện khách quan của đời sống lịch sử tác phẩm nghệ thuật. Còn người đọc thực tế tạo ra phương diện chủ quan của đời sống lịch sử tác phẩm nghệ thuật. Chính vai trò năng động sáng tạo của bạn đọc đã làm cho đời sống lịch sử của nghệ thuật vô cùng phong phú, sinh động.

Ta có thể thấy những yếu tố cụ thể từ phía người đọc tham gia vạch ra con đường lịch sử của văn chương:

  • Khác với tiếp nhận khoa học, tiếp nhận nghệ thuật có một công chúng rộng rãi. Tính chất dân chủ rộng rãi của tiếp nhận sẽ vẽ ra gương mặt đa dạng của tác phẩm. Mọi người, mọi lứa tuổi, mọi giới tính, mọi nghề nghiệp, giai cấp đều có thể tiếp nhận văn chương và tiếp nhận theo cách của mình. Do đó, ở trong mỗi một độc giả sẽ có một hình tượng mà hình tượng đó sẽ không trùng khít với hình tượng tác phẩm và cũng không trùng khít với hình tượng mà người khác cùng tiếp nhận. Quyết định tới tính đa dạng và đa diện của nghệ thuật từ phía chủ thể tiếp nhận là do tuổi tác đã đành, còn do cá tính cảm xúc, quan điểm thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ khác nhau; lại còn do trình độ văn hóa, địa vị xã hội, thành phần giai cấp, năng lực của từng người…
  • Mặt khác, lại còn tâm lí tiếp nhận của công chúng. Công chúng tiếp nhận có nhiều kiểu. Loại tiếp nhận để giết thì giờ lúc chờ đợi, hay rảnh rỗi. Loại này chủ yếu đọc ngấu nghiến tiếp nhận một cách bàng bạc, hời hợt. Loại người tiếp nhận sâu về phương diện đồng cảm, đồng điệu của hình tượng. Với những người này hình tượng trở nên sống động một cách kỳ lạ: y như thật. Có người đã tưởng thật. Có người thuơng khóc, hay uất ức thực sự đối với nhân vật: loại người tiếp nhận thiên về lí trí. Loại này khai thác sâu phương diện khái quát của hình tượng. Họ nặng suy tư, suy tính. Hình tượng nghệ thuật đến với họ đều ở bề chìm. Loại người tiếp nhận sơ lược, nắm bắt hình tượng không trọn vẹn. Hình tượng nghệ thuật đến với những người này không toàn bích và chỉ ở một số phương diện, khía cạnh nào đấy. Cuối cùng là loại người tiếp nhận trọn vẹn. Loại người này tiếp nhận hình tượng một cách đa diện, cả chiều cao, chiều sâu, bề chìm bề nổi nhận ra phong cách nghệ thuật, thi pháp và tư tưởng tác phẩm.

Tiếp sức, định hướng, chế ước người đọc đó là điều kiện lịch sử – xã hội. Trong điều kiện xã hội phát triển, đời sống văn hóa nâng cao người có điều kiện tiếp nhận nghệ thuật và tiếp nhận tốt hơn trong xã hội có điều kiện kinh tế thấp. Trong điều kiện xã hội có những biến động nào đấy về chính trị -xã hội, ví du,ï đang hoà bình chuyển sang chiến tranh và ngược lại thì việc tiếp nhận nghệ thuật của công chúng cũng sẽ bị ảnh hưởng v.v… Ðã có một thời công chúng tiếp nhận vở chèo Lưu Bình – Dương Lễ ở phương diện tình bạn cao cả đầy ân nghĩa của Dương Lễ; dám cho vợ đi tìm Lưu Bình để nuôi ăn học thành đạt. Trong chế độ đa thê, năm the, bảy thiếp, thì người tiếp nhận, kể cả phụ nữ cũng rất tán đồng Dương Lễ. Nhưng trong chế độ chúng ta – chế độ phụ nữ được giải phóng, được tôn trọng thì người ta không tán thành cách làm của Dương Lễ. Và vở chèo đó không được dàn dựng, không được tiếp nhận như trước đây nữa.

Tất cả những điều trên đây chúng ta chỉ mới nói với vai trò người đọc trong tiếp nhận ở góc độ thiên về phương diện nào đó của hình tượng, nhưng chưa nói tới việc người đọc mở rộng giới hạn nghĩa cho hình tượng. Nói mở rộng giới hạn nghĩa không có nghĩa là người đọc viết thêm vào tác phẩm, mà người đưa tác phẩm vào hoàn cảnh của mình, quan hệ với mình và phát hiện ra nghĩa cho tác phẩm từ những quan hệ mới, có thể thấy điều này qua lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du và nhiều trường hợp tiêu biểu khác. Hình tượng cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm – Cám được các loại người nhận khác nhau cảm nhận khác nhau. Ðối với người bình dân xưa, cô Tấm điển hình cho quan niệm đạo đức ở hiền gặp lành. Ðối với Chế Lan Viên, cô Tấm là của tài năng diệu kỳ:

Ôi đất nước của vạn nghìn cô Tấm
Xé vỏ thị bà tiên ra mà làm chuyện bất ngờ

Ở Phó Ðức Phương, cô Tấm là hiện thân của vẻ đẹp trong lao động, của tình yêu lao động : Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội.

Ðến đây ta thấy được vấn đề bức thiết đặt ra cho nghệ thuật là cần phải đào tạo người đọc, để người tiếp nhận biết cách đọc, thói quen đọc, kỹ năng đọc. Có thể có 4 bước cho người đọc như sau:

  • Trước hết, lựa chọn sách đọc. chọn những sách phù hợp với khát vọng lớn lao, chính đáng của con người như hoà bình, tự do, chống bạo lực, tình yêu, tình bạn, tình người.
  • Thứ đến, định hướng đọc: đọc để làm gì? Ðể thỏa mãn nhu cầu hiểu biết, giáo dục, thẩm mĩ, giải trí, giao tiếp v.v…
  • Thứ ba, phương pháp đọc: tìm các mã của văn bản, các đặc trưng phong cách, các thao tác phân tích, thống kê, đối chiếu.
  • Thứ tư, đánh giá tác phẩm: Giá trị nội dung và tư tưởng xét trên nhiều chiều đồng đại và lịch đại v.v…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.