»» Nội dung bài viết:
Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”
Dàn ý:
I. Mở bài:
– Giới thiệu chủ đề có liên quan đến câu tục ngữ: đức tính kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ,…
Ví dụ: Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy cho con cháu bài học tương tự về lòng kiên trì như “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Thất bại là mẹ thành công”…
– Giới thiệu câu tục ngữ: Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của đức tính kiên trì đối với sự thành công của mỗi con người, người xưa có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
– Nêu ý kiến: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý nghĩa của câu tục ngữ. Đó là một lời khuyên sâu sắc, là bài học quý giá đối với mỗi con người trong cuộc sống.
II. Thân bài:
1. Giải thích câu tục ngữ “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
+ Về nghĩa đen: “mài sắt” là mài thanh sắt thô cứng để tạo thành vật hữu ích; “nên kim” là tạo nên cây kim có ích trong cuộc sống → Nếu chúng ta kiên trì mài thanh sắt thô sơ, chưa hữu ích sẽ có ngày cây sắt ấy trở thành cây kim nhỏ hữu ích trong cuộc sống.
+ Về nghĩa bóng: “mài sắt” nghĩa là luôn kiên trì, bền bỉ, không quản ngại gian lao, không bao giờ nản chí, bỏ cuộc trước khó khăn, trở ngại; “nên kim” là hoàn thành công việc, đạt đến thành công.
→ Ý nghĩa câu tục ngữ: Mượn câu chuyện mài một thanh sắt thành cây kim nhỏ bé – chuyện tưởng như là không thể, câu tục khuyên chúng ta phải luôn kiên trì, bền bỉ trong công việc và cuộc sống. Dù công việc có khó khăn đến đâu, chỉ cần có sự kiên trì và bền bỉ, con người nhất định sẽ đạt được mục tiêu mong muốn. Qua đó, câu tục ngữ cũng nhằm nhấn mạnh và khẳng định sức mạnh của ý chí, sự kiên trì, quyết tâm và vai trò của nó với thành công
2. Bàn luận về vài trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của ý chí, sự kiên trì.
– Không có việc gì dễ làm mà mang lại cho con người lợi ích lớn lao. Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, thử thách để con người vượt qua đạt đến mục tiêu mình mong muốn. Kết quả càng lớn, khó khăn càng nhiều. Bởi thế, chúng ta cần biết kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại trong công việc.
Ví dụ: Muốn có được những kim loại quý giá, con người phải khai thác và chắt lọc từ quặng mỏ. Muốn có được sự hiểu biết, con người phải cố công học tập. Không có thành quả nào được hình thành mà không cần có sự cố gắn không ngừng.
– Sự kiên trì là yếu tố then chốt để thành công. Mọi thành công đều bắt nguồn từ sự bền bỉ, không từ bỏ trước khó khăn.
Ví dụ nhà bác học Edison thử nghiệm hàng ngàn lần để phát minh ra bóng đèn điện. Nếu không có một sự kiên trì, có lẽ Edison đã không thể tạo nên thành tựu vĩ đại ấy.
– Thách thức trong cuộc sống là điều tất yếu. Người quyết tâm sẽ không gục ngã trước thất bại mà coi đó là bài học để hoàn thiện. Chính ý chí mạnh mẽ, kiên trì, bền bỉ giúp con người vượt qua các khó khăn, thử thách, chướng ngại trên con đường chinh phục mục tiêu, ước muốn.
Ví dụ: Trước khi khám phá ra các vùng đất mới, vẽ được bản đồ thế giới, các nhà thám hiểm đã bất chấp hiểm nguy thực hiện những chuyến đi. Họ đã kiên cường vượt qua biết bao sóng gió, chiến thắng biết bao khó khăn, gian khổ để thực hiện được mục tiêu.
– Có thể nói thành công đến từ sự nỗ lực và rèn luyện không ngừng. Thành công không tự đến, mà là kết quả của một quá trình làm việc, học tập và phấn đấu dài lâu. Kiên trì, nhẫn nại trong công việc, không bao giờ bỏ cuộc còn giúp con người vượt qua những hạn chế của bản thân mình, ngày càng hoàn thiện và mạnh mẽ hơn, được mọi người kính trọng và yêu mến.
Ví dụ: Người nghệ nhân tạo ra những sản phẩm tinh xảo nhờ hàng ngàn giờ mài giũa. Họ góp phần làm đẹp và phát triển cuộc sống, luôn được mọi người kính trọng, tin tưởng.
– Ngược lại, những người thiếu ý chí và sự kiên trì, dễ bỏ cuộc, buông xuôi thường sẽ thất bại trong công việc. Một số người có ý chí, có khát vọng lớn lao nhưng lại quá cố chấp, đặt ý chí, nghị lực vào nhầm chỗ, dẫn đến cố gắng vô ích. Những người như thế thật đáng chê trách.
3. Rút ra bài học.
– Kiên trì, bền bỉ, không bao giờ bỏ cuộc là sức mạnh làm nên mọi thành công. Tuy nhiên, kiên trì không đồng nghĩa với cố chấp mà cần biết chọn lựa mục tiêu phù hợp và có phương pháp đúng đắn.
– Câu tục ngữ không chỉ là bài học cho thế hệ trước mà còn nguyên giá trị trong xã hội hiện đại. Học sinh cần kiên trì trong học tập, người lao động cần bền bỉ để đạt mục tiêu nghề nghiệp.
4. Giải pháp rèn luyện
– Luôn khích lệ, cổ vũ tinh thần bản thân và những người đang cố gắng hoàn thành mục tiêu của mình. Đặt ra những mục tiêu phù hợp với năng lực của bản thân để có thể hoàn thành được. Tích cực học hỏi từ những người thành công.
– Khi gặp khó khăn, thử thách thì không bỏ cuộc mà tiếp tục thực hiện mục tiêu đã đề ra. Khi vấp ngã, thất bại, thì phải tiếp tục đứng lên chinh phục ước mơ. Khi nhìn thấy con đường chinh phục ước mơ còn dài và xa quá, thì không được nản chí mà phải nỗ lực đến cùng.
III. Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa sâu sắc của câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là là bài học sâu sắc cho mọi người trong hành trình chinh phục mục tiêu.
– Rút ra bài học nhận thức và hành động: Là học sinh, chúng ta phải rèn luyện tính kiên trì, nỗ lực không ngừng để đạt được thành công trong học tập và trong cuộc sống như lời Bác Hồ đã từng căn dặn: “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên”.
»»» Xem thêm: