Ý nghĩa câu tục ngữ: Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa
Sự vận động của nắng, mưa có ảnh hưởng sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp và đời sống. Từ xa xưa, cha ông ta đã biết quan sát thời tiết, thiên văn để dự đoán về những điều sắp xảy ra nhằm có cách ứng phó kịp thời. Câu tục ngữ “Trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa” là một trong những kinh nghiệm như thế.
“Trăng quầng” nghĩa là xung quanh mặt trăng ta nhìn thấy rất rõ ràng những quầng sáng tựa như vòng tròn bao quanh. Theo kinh nghiệm của cha ông ta, khi nhìn thấy vòng hào quang bao quanh mặt trăng, người ta thường dự đoán rằng trời sẽ còn oi bức và khô hạn trong những ngày tiếp theo. Ngược lại, khi trăng có vùng sáng nhiều màu bao quanh và không tách ra khỏi mặt trăng (trăng tán) thì thời tiết dễ có mưa. Điều này dẫn đến kinh nghiệm rằng khi mặt trăng có “tán” như vậy thì tức là trời đang có nhiều mây và rất dễ sớm có mưa. Như vậy, câu tục ngữ đã căn cứ vào một trong những hiện tượng dễ quan sát bằng mắt thường của mặt trăng để cung cấp thông tin về thời tiết.
Bằng kinh nghiệm nhiều đời quan sát, người xưa đã rút ra được một kinh nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống và sản xuất. Dựa trên những dự đón, con người có sự chuẩn bị kịp thời và kĩ lưỡng cho công việc sẽ diễn ra trong những ngày sắp tới. Tuy kinh nghiệm ấy không thể chính xác tuyệt đối những rất cần thiết trong đời sống nông nghiệp, vốn phụ thuộc rất lớn vào thời tiết.
Bỏ qua tính khoa học của câu tục ngữ, ta nhận thấy câu tục ngữ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần của người xưa. Đó là một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên với biết bao điều thú vị, tạo ra mạch nguồn cảm hứng cho thi ca và đời sống tinh thần vô cùng phong phú.
Xem thêm:
- Ý nghĩa câu tục ngữ: Trăng quầng thì hạn, trăng tán thì mưa
- Ý nghĩa câu tục ngữ: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa / Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm