Ý nghĩa hình tượng chiếc bóng trên tường của Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.
- Mở bài:
Chuyện người con gái Nam Xương là thiên truyện xuất sắc nhất trong tổng số 20 truyện của Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Nguồn gốc của truyện bắt nguồn từ một truyện cổ tích dân gian tên là Vợ chàng Trương. Câu chuyện được xây dựng theo lối truyền kì. Tình huống dựa trên truyện cổ dân gian. Thế nên tính hoang đường trở thành yếu tố mang nhiều hàm nghĩa sâu sắc. Hình tượng chiếc bóng trên tường của Vũ Nương là một yếu tố độc đáo. Chi tiết có vai trò thắt nút và mở nút câu chuyện tình đầy trái ngang, oan khuất.
- Thân bài:
Trước hết, chi tiết cái bóng trên tường của Vũ Nương có ý nghĩa thắt nút. Nó gây ra mối hoài nghi trong lòng Trương Sinh. Đối với Vũ Nương, một người vợ thủy chung thì “cái bóng” chỉ là “cái bóng”. Trong những ngày chồng xa nhà, Vũ Nương một mình tảo tần nuôi con, chăm mẹ. Vì thương nhớ chồng và khát khao sum họp, Vũ Nương ngày nào cũng nhớ mong. Lúc vui đùa với con, Vũ Nương thường chỉ vào chiếc bóng mình trên vách và nói đùa đó là cha Đản. Đứa con hồn nhiên tin đó là sự thật. Mục đích lời nói đó của Vũ Nương là hoàn toàn tốt đẹp.
Đối với bé Đản, mới chỉ 3 tuổi còn thơ ngây, chưa thể nào hiểu hết những điều phức tạp ấy. Cho nên Đản đã tin có một người cha đêm nào cũng đến. Mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng nín thin thít và không bao giờ bế Đản cả.
Chiếc bóng trên tường của Vũ Nương mang đến cho Đản một niềm tin sâu sắc rằng cha luôn bên cạnh mình. Cha rất hiền lành và thường đến mỗi đêm. Khi Đản cảm thấy sợ hãi thì “cha” là một dựa vững chắc của tinh thần. Cha cũng rất nghiêm khắc chỉ ngồi lặng thình và không bao giờ nói. Đó là tất cả những gì mà một đứa trẻ ngây thơ nghĩ được. Đản hồn nhiên, ngây thơ và thành thực như bản tính vốn có của trẻ thơ.
Còn đối với Trương Sinh lại hoàn toàn khác. Một người ít học, đa nghi lại rất hồ đồ khi nghe câu chuyện đã suy diễn đa chiều. Khi nghe bé Đản nói về một người cha của mình (chính là “cái bóng” của Trương Sinh ở trên từng nhưng Trương Sinh không hiểu) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ về sự không chung thủy của người vợ. Bởi lòng tự phụ quá cao chàng đã trở nên lỗ mãn, cuồng bạo. Trương Sinh nhẫn tâm buông lời sỉ nhục, mắng nhiếc và đánh đập tàn bạo người vợ vốn hiền thảo, thủy chung, đã tân tình, tận nghĩa một lòng dốc sức vun đắp hạnh phúc gia đình mà không cho nàng biết nguyên cớ. Quá phẫn uất và tuyệt vọng, Vũ Nương đã tìm đến cái chết. Đến đây, tình huống truyện được đẩy lên đến cao trào tột đỉnh.
Chi tiết cái bóng trên tường của Vũ Nương có ý nghĩa mở nút cho câu chuyện. Nó tháo gỡ nỗi hoài nghi trong Trương Sinh và minh chứng cho sự trong sạch của Vũ Nương. Chính nhờ cái bóng ở trên tường được bé Đản gọi là “cha” mà sau này, chàng mới nhận ra nỗi oan của vợ. Bao nghi ngờ, oan ức đều được hóa giải nhờ vào chiếc bóng. Trương Sinh đã hiểu ra tất cả nhờ chi tiết cái bóng.
- Kết bài:
Chỉ bằng một tình tiết hết sức đơn giản, thế mà Nguyễn Dữ đã tạo nên một thiên truyện làm cảm động lòng người. Chính cách thắt nút và mở nút của câu chuyện qua chi tiết “cái bóng” này đã làm cho cái chết của Vũ Nương càng thêm oan khuất, có giá trị tố cáo đối với xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công đối với người phụ nữ, đã đẩy họ vào bước đường cùng không lối thoát.
Bài tham khảo:
Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương.
- Mở bài:
Chuyện người con gái Nam Xương là một truyện ngắn tiêu biểu trích trong tập truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ được viết bằng chữ Hán, ra đời khoảng thế kỷ XVII. Nhà văn dựa vào một câu chuyện có thật diễn ra ở thế kỷ 15, nàng Vũ Thị Thiết – thiếu phụ đất Nam Xương.
- Thân bài:
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc hôn nhân của Vũ Thị Thiết, “người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp. Trong làng, có chàng Trương Sinh, mến vì dung hạnh, xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Có thể thấy ,cuộc hôn nhân giữa Vũ Nương và Trương Sinh (cũng như bao nhiêu cặp vợ chồng khác trong xã hội phong kiến) là không xuất phát từ tình yêu. Với Vũ Nương, nàng đã bị cha mẹ gả bán. Chớ trách nàng ham giàu, cũng đừng trách nàng sống dựa dẫm, bởi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nàng làm gì được có ý kiến, lại càng không được quyết định việc hôn nhân của mình.
Chế độ phong kiến Việt Nam vốn lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống, với tôn ti trật tự nghiêm ngặt đã tước mất quyền được chọn chồng của người phụ nữ. Dù hôn nhân không phải trên cơ sở tình yêu, người chồng Trương Sinh đã “không có học” lại “có tính đa nghi”, nhưng là người “thùy mị, nết na”, ắt nàng hiểu được bổn phận làm dâu, làm vợ, nên đã giữ gìn khuôn phép để không từng lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa.
Phụ nữ ngày xưa sống theo bổn phận. Vũ Nương cũng đã cố gắng hết sức để làm tròn bổn phận đó. Bổn phận hàng đầu của người con (mà dâu cũng là con), đó là hiếu thảo. Hoàn cảnh đã thử thách và minh chứng lòng hiếu của nàng. Chồng đi lính, Vũ Nương dẫu một mình nuôi con nhỏ nhưng đã hết lòng khuyên lơn, chăm sóc, thuốc thang, phụng dưỡng mẹ chồng khi bà ấy đau yếu; và khi mẹ chồng mất, nàng hết lời thương xót, ma chay tế lễ chu đáo như đối với cha mẹ đẻ của mình. Mẹ chồng chứng kiến và trời xanh kia chứng giám cho lòng hiếu của nàng. Chừng đó đã đủ cho nàng thành gương sáng của đạo hiếu.
Bổn phận hàng đầu của người vợ là chung thủy, tiết hạnh. Hoàn cảnh đã thử thách và minh chứng lòng chung thủy, tiết hạnh của nàng. Chồng nàng đi lính gần 3 năm. Nàng đang ở tuổi xuân, vợ chồng “sum họp chưa thỏa tình chăn gối”, khi chàng Trương ra đi nàng đang mang thai sắp ngày sinh nở, những ngày vắng chồng hẳn vô cùng khao khát tình chồng vợ. Nhưng nàng đã “giữ gìn một tiết”, “ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót”.
Không chỉ sống tròn bổn phận, mà nàng còn thực sự yêu thương chồng. Ngay trong buổi tiễn đưa chồng, dù chàng Trương chưa xa, mới chỉ sắp xa mà nàng đã nói những lời tràn đầy yêu thương, nhung nhớ khiến cho “mọi người đều ứa hai hàng lệ”. Trong những đêm xa chồng, cuộc sống của nàng và con thơ cô quạnh, nỗi nhớ càng đốt cháy tâm can, “nàng thường hay đùa với con, trỏ bóng mình trên vách mà bảo là cha Đản”. Chỉ là để trả lời câu hỏi ngây thơ của con, cũng để cho vơi nỗi nhớ, chứ đâu phải nàng sống ảo như ai đó đã phê phán nàng. Trò trỏ bóng trên vách này, xưa kia các nhà dùng đèn đầu (khi chưa có điện) vẫn thường làm.
Nàng làm sao lường trước được hậu quả giáng xuống nàng và gia đình bé nhỏ của nàng do trò đùa đó. Chỉ có chúng ta, người đời sau, được đọc câu chuyện về nàng mới biết trò đùa đó đã là nguyên nhân gián tiếp đẩy nàng đến chỗ chết. Trương Sinh, bé Đản và cả chế độ phong kiến nam quyền bất công đã gián tiếp hoặc trực tiếp đẩy Vũ Nương đến con đường tận tuyệt. Khi sống, nàng không có quyền lựa chọn nhưng khi chết, nàng vẫn còn có quyền chọn lấy cái chết của mình. Đành rằng, cái chết đó, có lẽ khiến nhiều người thương cảm (nhân dân đã lập miếu thờ nàng, ông vua thi sĩ Lê Thánh Tông khi qua đây đã làm thơ viếng nàng), và có người chê trách, thậm chí phê phán nàng ích kỷ, vô cảm.
Khác với truyện cổ tích Vợ chàng Trương, khi bị chồng la mắng, đánh và đuổi đi, Vũ Nương chạy một mạch ra bến Hoàng Giang gieo mình xuống sông tự vẫn; ở Chuyện người con gái Nam Xương, Nguyễn Dữ đã để cho nàng nói mấy lời đau buồn có ý nghĩa từ biệt, tắm gội chay sạch rồi mới ra bến Hoàng Giang. Như vậy là nàng đến với cái chết không phải do nóng giận mất khôn mà đó là sự lựa chọn của nàng sau khi đã suy nghĩ kỹ.
Nàng thanh minh bằng những lời tha thiết, Trương Sinh đã không tin. “Họ hàng, làng xóm bênh vực, biện bạch cho nàng cũng chẳng ăn thua gì cả”. Mẹ chồng, người hiểu và biết ơn nàng thì đã chết. Con trai nàng, đau đớn thay, sự thật thà và ngây thơ của nó lại chính là nguyên do gây nên cơn ghen mà bất cứ người đàn ông xa nhà nào cũng có thể mắc phải chứ không chỉ Trương Sinh. Đáng tiếc là “nàng đã hỏi chuyện do ai nói thì Trương Sinh đã giấu không kể lời con nói, chỉ lấy chuyện bóng gió mắng nhiếc nàng”.
Nàng nương tựa chàng Trương, như lời nàng nói lúc từ biệt là vì thú vui nghi gia nghi thất. Nàng coi trọng con người Trương Sinh nên dặn chàng tránh mũi tên hòn đạn, cũng không mong mang hai chữ phong hầu mặc áo gấm trở về, mà chỉ cần hai chữ bình yên. Vậy mà, giờ đây, ngay ngày đầu chàng Trương trở về, nàng thấy cuộc hôn nhân mà nàng đã cố gắng đến mức cao nhất để gìn giữ đã tan vỡ, không còn cách cứu vãn. Chồng nàng đã mắng chửi và đánh rồi đuổi nàng đi. Nàng đi đâu? Không thể trở về nhà cha mẹ bởi thời xưa quan niệm con gái đã lấy chồng bị chồng đuổi mà trở về là mang tiếng nhục cho gia đình. Nàng bị chồng cho là thất tiết, đó là tội lớn nhất của người đàn bà, người làm vợ. Thanh danh của nàng đã không còn. Vũ Nương đành lựa chọn, một sự lựa chọn đau đớn, đó là nàng phải chết để bày tỏ nỗi oan khiên, để minh chứng sự trong sạch của mình.
Bản năng con người là ham sống. Hẳn Vũ Nương đã rất tha thiết với cuộc sống. Nàng đang ở tuổi thanh xuân, lại càng không muốn chết. Khi lựa chọn chết chứ không tiếp tục sống trong sự nghi ngờ, phải mang tiếng là thất tiết, chứng tỏ nàng coi danh dự, phẩm giá cao hơn cả sự sống. Vì danh dự nàng hy sinh sự sống mà mỗi người chỉ có được một lần.
Câu chuyện cổ tích Vợ chàng Trương kết thúc ngay khi cuộc sống của nàng kết thúc. Nhưng với Chuyện người con gái Nam Xương, nhà văn Nguyễn Dữ đã sáng tạo tiếp. Ứng với lời nguyền, Vũ Nương khi gieo mình xuống dòng Hoàng Giang đã không bị làm mồi cho cá tôm mà đã được Linh Phi – vợ vua Nam Hải cứu đưa vào động, thành cung nữ.
Phần sáng tạo có tính hoang đường ấy ngoài việc tăng hấp dẫn cho câu chuyện, còn chuyển tải được ý đồ của nhà văn về cái gọi là kết thúc có hậu. Dẫu sao thì nàng đã được minh oan, không chỉ riêng chàng Trương thấu nỗi oan của vợ, mà quan trọng hơn là mọi người cũng biết được điều đó qua việc Trương Sinh lập đàn tràng suốt ba ngày ba đêm bên bến Hoàng Giang.
Thực ra đó là một lý do quan trọng để nàng còn tiếp tục “sống” ở dưới thủy cung. Nỗi oan chưa được giải, nàng chưa “chết” được. Cho nên khi gặp Phan Lang, nàng nhắn gửi với chàng Trương lập đàn giải oan cho nàng. Oan được giải, nàng bấy giờ mới thanh thản sang cõi khác.
Việc Vũ Nương phải chết giữa tuổi thanh xuân mà nguyên nhân từ chuyện ghen tuông, từ bi kịch gia đình thực ra thời nào cũng có. Song với Chuyện người con gái Nam Xương và truyện nữa trong Truyền kỳ mạn lục là Người nghĩa phụ ở Khoái Châu, câu chuyện kể về nàng Nhị Khanh bị chồng gá bạc nhục nhã tìm đến cái chết để giải thoát, Nguyễn Dữ muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ thời ông sống phải chịu nhiều bất công, phải chịu sự nghiệt ngã của số phận.
Đành rằng cuộc sống là không có chữ “nếu”, nhưng nếu như Vũ Thị Thiết và Nhị Khanh được chồng tôn trọng, lắng nghe thì số phận của họ đã khác. Xã hội phong kiến đã cho người chồng có quyền đánh chửi vợ hay lấy vợ mình gá bạc mà không cần hỏi ý kiến đã chứng tỏ xã hội bất bình đẳng nghiêm trọng. Còn bất bình đẳng, bất công thì còn nhiều phụ nữ hoặc phải âm thầm chịu đựng, hoặc đẩy họ đến bế tắc cùng đường đành phải chọn cái chết bi thảm.
- Kết bài:
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một áng văn hay, thành công về nghệ thuật xây dựng truyện, miêu tả nhân vật, kết hợp tự sự với trữ tình. Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, “Chuyện người con gái Nam Xương” thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Hình tượng chiếc bóng trên tường của Vũ Nương là chi tiết nghệ thuật đọc đáo, góp phần biểu lộ chủ đề của thiên truyện.