yeu-cau-cua-mot-bai-nghi-luan-xa-hoi-nlxh

Yêu cầu của một bài nghị luận xã hội (NLXH) ở THPT

Yêu cầu của một bài nghị luận xã hội (NLXH) ở THPT

I. Yêu cầu chung:

Đảm bảo những đặc trưng cơ bản của thể văn NLXH: có hệ thống luận điểm chặt chẽ, hướng vào luận đề, có luận cứ để làm sáng tỏ mỗi luận điểm và tìm được những dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu, đáng tin cậy và giàu sức thuyết phục.

Đảm bảo những kiến thức mang màu sắc chính trị – xã hội: có những hiểu biết nhất định về các vấn đề thời sự, chính trị- xã hội nóng bỏng của đất nước; có những hiểu biết về chính trị-xã hội…….

Đảm bảo mục đích, tư tưởng: Những vấn đề nghị luận  phải có ý nghĩa thiết thực, có tính thời sự và tính giáo dục cao, có ý nghĩa hướng đạo giúp chúng ta có những nhận thức và suy nghĩ đúng đắn về cuộc sống.

II. Yêu cầu cụ thể:

1. Về cấu trúc :

Một bài nghị luận xã hội thường bao gồm :

+ Giải thích khái niệm ( tư tưởng đạo lí hoặc hiện tượng đời sống )
+ Phân tích, bàn luận về vấn đề đặt ra
+ Đánh giá, liên hệ thực tiễn và rút ra bài học cho bản thân.

Chú ý: Cấu trúc này có thể thay đổi linh hoạt tuỳ theo từng đề bài cụ thể.

2. Về hình thức:

Trình bày rõ ràng, mạch lạc , khoa học theo bố cục 3 phần của một bài làm văn ( hoặc đoạn văn theo yêu cầu )

3. Về thao tác lập luận :

Bài văn NLXH nào cũng vận dụng các thao tác như sau:

+ Giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ. Tuy nhiên 3 thao tác không thể thiếu là : Giải thích, chứng minh, bình luận.

+ Căn cứ vào đặc trưng của thể văn NLXH các thao tác lập luận cần đạt được những yêu cầu sau:

* Giải thích:

Mục đích: Giúp người nghe ( đọc) hiểu vấn đề.

Các bước:

+ Làm rõ vấn đề được nêu ra ở đề. Nếu vấn đề thể hiện dưới dạng là một câu trích dẫn khá nổi tiếng nào đó hoặc một ý tưởng do người ra đề đề xuất, người viết cần lần lượt giải nghĩa, làm rõ nghĩa của vấn đề theo cách đi từ khái niệm đến các vế câu và cuối cùng là toàn bộ ý tưởng được trích dẫn. Khi vấn đề được diễn đạt theo kiểu ẩn dụ bóng bẩy thì phải giải thích cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ ngữ. Nếu vấn đề là một hiện tượng đời sống, người viết cần cho biết đó là hiện tượng gì, hiện tượng đó biểu hiện ra sao, dưới các hình thức nào (miêu tả, nhận diện)…

+ Làm tốt bước giải nghĩa này sẽ hiểu đúng vấn đề, xác định đúng vấn đề (hoặc mức độ) cần giải thích để chọn lí lẽ cần thiết.

+ Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi LÀ GÌ?

+ Tìm hiểu cơ sở của vấn đề: Trả lời tại sao có vấn đề đó (xuất phát từ đâu có vấn đề đó). Cùng với phần giải nghĩa, phần này là phần thể hiện rất rõ đặc thù của thao tác giải thích. Người viết cần suy nghĩ kĩ để có cách viết chặt chẽ về mặt lập luận, lô gíc về mặt lí lẽ, xác đáng về mặt dẫn chứng.

+ Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi TẠI SAO.

+ Nêu hướng vận dụng của vấn đề: Vấn đề được vận dụng vào thực tiễn cuộc sống như thế nào. Hiểu nôm na, phần này yêu cầu người viết thể hiện quan điểm của mình về việc tiếp thu, vận dụng vấn đề vào cuộc sống của mình như thế nào.

+ Trong quan niệm làm văn truyền thống, bước này được xem là bước trả lời câu hỏi NHƯ THẾ NÀO?

* Lưu ý:

Nên đặt trực tiếp từng câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào đầu mỗi phần (mỗi bước) của bài văn. Mục đích đặt câu hỏi: để tìm ý (phần trả lời chính là ý, là luận điểm được tìm ra) và cũng để tạo sự chú ý cần thiết đối với người đọc bài văn. Cũng có thể không cần đặt trực tiếp ba câu hỏi (LÀ GÌ, TẠI SAO, NHƯ THẾ NÀO) vào bài làm nhưng điều quan trọng là khi viết, người làm bài cần phải có ý thức mình đang lần lượt trả lời từng ý, từng luận điểm được đặt ra từ ba câu hỏi đó. Tuỳ theo thực tế của đề và thực tế bài làm, bước NHƯ THẾ NÀO có khi không nhất thiết phải tách hẳn riêng thành một phần bắt buộc.

* Chứng minh:

Mục đích: Giúp người nghe ( đọc ) tin vào ý kiến người viết

Các bước:

+ Xác định chính xác điều cần chứng minh, phạm vi cần chứng minh.

+ Dùng dẫn chứng trong thực tế cuộc sống để minh hoạ nhằm làm sáng tỏ điều cần chứng minh, phạm vi cần chứng minh.

* Bình luận:

Mục đích: Giúp người nghe ( đọc ) đồng tình với ý kiến người viết.

Các bước:

+ Nêu, giải thích rõ vấn đề (hiện tượng) cần bình luận.

+ Dùng lí lẽ và dẫn chứng (chủ yếu là lí lẽ) để khẳng định giá trị của vấn đề hoặc hiện tượng (giá trị đúng hoặc giá trị sai). Làm tốt phần này chính là đã bước đầu đánh giá được vấn đề (hiện tượng) cần bình luận.

+ Bàn rộng và nhìn vấn đề (hiện tượng) cần bình luận dưới nhiều góc độ (thậm chí từ góc độ ngược lại) để có cái nhìn đầy đủ hơn.

+ Khẳng định tác dụng, ý nghĩa của vấn đề trong cuộc sống hiện tại.

4. Các bước viết kiểu bài nghị luận xã hội:

a.  Tìm hiểu đề :

– Trước khi tìm hiểu đề phải thực hiện ba thao tác

+ Đọc kĩ đề
+ Gạch chân những từ then chốt, những khái niệm khó
+ Chú ý các dấu hiệu  ngăn vế ( nếu có ).

– Xác định các yêu cầu:

+ Vấn đề cần nghị luận ( luận đề cần trao đổi, bàn bạc là gi? )
+ Nội dung cần nghị luận ( gồm những ý nào ?)
+ Thao tác lập luận chính ( 6 thao tác ở mục 3 )
+ Phạm vi dẫn chứng ( trong văn học, ngoài xã hội)

b. Lập dàn ý:

– Vạch ra các ý lớn, những luận điểm chính, trên cơ sở đó cụ thể thành các ý nhỏ.
– Lựa chọn, sắp xếp ý thành một hệ thống chặt chẽ và bao quát được nội dung cơ bản.

Các bước:

  • Mở bài:

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

  • Thân bài:

– Kết hợp các thao tác lập luận để làm rõ vấn đề nghị luận.

+ Giải thích khái niệm của đề bài
+ Phân tích các khía cạnh của vấn đề đặt ra
+ Mở rộng bàn bạc bằng cách đi sâu vào vấn đề nào đó – một khía cạnh. Phần này phải cụ thể, sâu sắc, tránh chung chung.

– Đánh giá, liên hệ thực tiễn, rút ra bài học liên hệ cho bản thân.

  • Kết bài:

– Tổng kết nội dung đã trình bày , mở rộng, nâng cao vấn đề.

* Yêu cầu:

– Trình bày đủ 3 phần, câu văn rõ ràng mạch lạc đáp ứng yêu cầu của đề.
– Triển khai nội dung theo hệ thống luận điểm, luận cứ mạch lạc, chặt chẽ.

c. Tạo lập  đoạn văn và văn bản

*  Viết đoạn văn:

– Hình thức: Đầy đủ các phần mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn.

– Nội dung:

+ Câu mở đoạn: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.

+ Câu phát triển đoạn:

  • Giải thích vấn đề cần nghị luận.
  • Phân tích biểu hiện, nguyên nhân vấn đề , biện pháp thực hiện.
  • Đánh giá khái quát.

+ Câu kết đoạn: Bài học cho bản thân.

* Yêu cầu :

+ Chỉ được trình bày bằng một đoạn văn
+ Viết đủ số dòng,  số câu theo yêu cầu của đề.
+ Câu văn phải rõ ràng, mạch lạc.

* Viết bài văn:

– Hình thức: Đầy đủ 3 phần ( Mở bài, thân bài, kết bài )
– Nội dung và yêu cầu: ( mục b phần dàn ý )

* Lưu ý:

+ Bài văn nghị luận xã hội thường bàn về những vấn đề rất quen thuộc trong đời sống, không xa lạ với các em học sinh. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết về đời sống nên các em thường lúng túng, viết lan man, xa đề.

+ Sức mạnh của văn nghị luận nằm ở dẫn chứng sinh động, cụ thể và tiêu biểu. Là ở lí lẽ đưa ra phải dựa trên những chân lí đã được thừa nhận.

+ Phải thường  xuyên cập nhật thông tin thời sự, văn hoá, xã hội…để trang bị cho mình những kiến thức xã hội phong phú.

+ Không có một dàn bài chi tiết duy nhất đúng cho một đề văn NLXH vì văn nghị luận xã hội có tính chất mềm dẻo và với kiểu bài này học sinh phát huy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang