diem-gap-go-trong-tu-tuong-giua-thanh-hai-va-to-huu-va-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-va-mot-khac-ca-xuan

Điểm gặp gỡ trong tư tưởng giữa Thanh Hải và Tố Hữu qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ và Một khúc ca xuân

Điểm gặp gỡ trong tư tưởng giữa Thanh Hải và Tố Hữu qua bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” và “Một khác ca xuân”

  • Mở bài:

Đất nước, con người Việt Nam từ khi lập quốc đến nay đã trải qua bao biến cố thăng trầm. Nhưng trong hoàn cảnh nào, người Việt Nam vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống: yêu nước, sống hết mình cho nhân dân, cho Tổ quốc. Thơ ca đã ghi lại điều này một cách chân thật, sâu sắc. Hai nhà thơ cách mạng Tố Hữu và Thanh Hải đã thể hiện một cách chân thành về quan niệm sống đẹp qua hai thi phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” và “Một khúc ca xuân”.

  • Thân bài:

Cả hai bài thơ ra đời khi đất nước mới vừa đi qua chiến tranh, đang cần những tấm lòng chung sức dựng xây đất nước. Chọn thể thơ tự do linh hoạt Tố Hữu và Thanh Hải bộc lộ những cảm xúc của mình về cuộc đời, về trách nhiệm mỗi người, rất chân thành và giàu sức thuyết phục. Nội dung của hai khổ thơ trên đâu chỉ là tâm nguyện cống hiến của riêng hai nhà thơ Tố Hữu và Thanh Hải mà còn là lí tưởng sống của muôn triệu người Việt Nam ta xưa và nay.

Một khúc ca xuân của Tố Hữu:

“Nếu là con chim, chiếc lá,
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình? “

Hai câu đầu mượn hình ảnh con chim, chiếc lá để thể hiện quy luật của thiên nhiên: con chim dâng tặng cho đời tiếng hót, chiếc lá dâng tặng cho đời màu xanh. Đó là những gì tinh túy nhất để làm cho cuộc sống thêm hương sắc và thêm sức sống.

Hai câu thơ sau nói về quy luật của cuộc sống con người: đó là quy luật vay – trả, nhận và cho. Suy rộng ra con người sống không phải là đế hưởng thụ vật chất hay tinh thần mà phải biết cống hiến, biết làm đẹp cho xã hội ngày càng phát triển. Đó là cách sống có ý nghĩa.

Cách lập luận “phải…phải…”, ‘lẽ nào…” là lời khẳng định mang tính quy luật.

Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”. 

Niềm khát khao dâng hiến cuộc đời được khơi gợi từ những cảm nhận về một mùa xuân mới, mùa xuân của thiên nhiên đất trời, mùa xuân của cuộc sống lao động và chiến đấu của dân tộc. Tình cao ấy được thể hiện một cách khiêm nhường nhưng rất đồi chân thành, đó là ước nguyện được hòa nhập, được là một con chim hót, một nhành hoa tỏa ngát hương, một nốt nhạc trầm xao xuyến, một mùa xuân nho nhỏ… bất chấp thời gian, bất chấp tuổi tác.

Những suy tư và tâm nguyện chân thành, sâu sắc của nhà thơ thể hiện bằng những hình đẹp mà dung dị, hiền hòa: muốn làm “con chim”, làm “cành hoa” góp thêm một “nốt trầm” vào bản “hòa ca” của đất nước, của đất trời.

Những câu thơ đề cập đến một vấn đề lớn của nhân sinh quan – vấn đề ý nghĩa của đời sống cá nhân trong quan hệ với cộng đồng. Đó là sự lặng lẽ hiến dâng, không cần phô trương, ồn ả, từ lúc tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc. Niềm khát khao ấy càng có ý nghĩa và xúc động khi là ước nguyện của một người đang nằm trên giường bệnh.

Hai nhà thơ gặp nhau ở quan niệm về lẽ sống: Không sống hưởng thụ, ích kỉ, phải biết cống hiến, vị tha. Đây là quan điểm sống đẹp, cao thượng và đáng trân trọng. Họ đều lựa chọn những hình ảnh, những sự vật bình dị nhưng có ích đế thế hiện khát vọng của mình. Họ đều là những người sống có lí tưởng, có niềm tin vào tương lai đất nước. Lời thơ của cả hai tác giả đều thiết tha, cảm xúc chân thành.

Tuy có cùng khát vọng nhưng cách thể hiện ở mỗi nhà thơ lại có sự riêng biệt đáng trân trọng.  Quan niệm cống hiến của nhà thơ Thanh Hải là cống hiến không ngừng không nghỉ, cống hiến âm thầm lặng lẽ. Quan niệm của nhà thơ Tố Hữu lại là triết lý sâu sắc về sự cống hiến là vay – trả, là nhiệm vụ của mỗi người đối với cuộc đời, từ đó khơi gợi khát vọng ở mỗi con người.

Từ khát vọng cống hiến của hai nhà thơ, tuổi trẻ ngày nay phải không ngừng tu dưỡng bản thân,  chuẩn bị cho mình những phẩm chất, trí tuệ để xây dựng và phát triển đất nước.

  • Kết bài:

Tố Hữu và Thanh Hải – hai nghệ sĩ tiêu biểu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Cả hai nhà thơ từng là con chim, cành hoa, chiếc lá, nốt nhạc dâng cho đời. Hai thi phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” và “Một khúc ca xuân” vẫn thay mặt tác giả ở lại cùng cuộc đời để tâm tình với nhiều thế hệ bạn đọc về sống đẹp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang