Đề kiểm tra Văn bản học kì 2 lớp 7
Câu 1: (3,0 điểm).
Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê rõ ràng, dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất dấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
(Dẫn theo Ngữ văn 7, Tập hai, NXB Giáo dục, 2005, trang 25)
- Em hiểu như thế nào về lòng yêu nước được trưng bày trong đoạn văn trên?
- Nêu ý nghĩa nội dung của đoạn văn trên.
Câu 2: (3,0 điểm).
Chỉ ra và nêu tác dụng của phép liệt kê trong đoạn thơ sau:
Tỉnh lại em ơi, qua rồi con ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
(Tố Hữu, Người con gái Việt Nam)
Câu 3: (4,0 điểm).
Hãy giải thích bài ca dao sau:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.”
Đáp án:
Câu 1:
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu văn bản của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về nội dung của đoạn trích từ văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” của Hồ Chí Minh.
– Ở ý b, học sinh có thể trả lời theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Nếu giải quyết được một trong số những nội dung gợi ý trong Hướng dẫn chấm hoặc có cách hiểu khác thuyết phục thì đạt điểm tối đa.
Yêu cầu cụ thể:
Lòng yêu nước được trưng bày là lòng yêu nước có thể nhìn thấy được bằng những việc làm cụ thể của từng người, để tham gia vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến của toàn dân tộc.
Ý nghĩa nội dung: Đoạn văn khẳng định tinh thần yêu nước là vô cùng kín đáo, tinh thần đó cần được giữ gìn, bảo vệ và hun đúc trong mỗi con người Việt Nam. Do đó trách nhiệm của mọi người phải cùng nhau làm cho tinh thần yêu nước đó phát huy tác dụng vào kháng chiến, vào việc làm thể hiện lòng yêu nước.
Câu 2:
Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu
Yêu cầu chung:
– Câu này kiểm tra năng lực đọc hiểu một văn bản thơ của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến Tiếng việt để thực hiện các yêu cầu của đề.
– Đề yêu cầu xc định phép liệt kê có trong đoạn thơ và nêu ngắn gọn giá trị biểu đạt của phép liệt kê đó.
Yêu cầu cụ thể:
– Xác định được phép liệt kê: Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung.
Tác dụng của phép liệt kê có trong đoạn thơ trên là:
– Liệt lê các hành động tra tấn dã man của kẻ thù đối với người con gái, chiến sĩ cách mạng khi bị tù đày.
– Qua phép liệt kê tăng tiến (tăng mức độ tra tấn của kẻ thù), ta cảm nhận được sự gan dạ, dũng cảm của người con gái cách mạng.
Câu 3:
Yêu cầu về kĩ năng:
– Viết văn lập luận giải thích.
– Bố cục mạch lạc, lập luận chặt chẽ, dùng từ, đặt câu chính xác, thuyết phục. Kết hợp dẫn chứng phù hợp với vấn đề giải thích.
Yêu cầu về kiến thức: (Bài viết cần đạt các yêu cầu sau)
– Giới thiệu vấn đề cần giải thích: Mọi người sống trong một nước, một dân tộc phải biết yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, …
– Giải thích:
+ Nghĩa đen: Bầu, bí dù có khác nhau về tên gọi nhưng đều thuộc loại dây leo, cùng phát triển trên một giàn.
+ Nghĩa bóng: Mượn hình ảnh bầu, bí, bài ca dao đã nhắc nhở những người cũng sống chung với nhau trên một mảnh đất, cùng dân tộc, … Vì vậy, mọi người phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.
– Tại sao phải yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau? Vì đó là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam; vì mỗi cá nhân không thể sống tách biệt khỏi những mối quan hệ trong cộng đồng; biết yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần tạo ra môi trường sống tốt đẹp, tạo nên sức mạnh đoàn kết, giúp con người có thể vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống.
– Khẳng định câu ca dao là đúng và rút ra bài học cho bản thân.