Đề kiểm tra học kì môn văn lớp 7

de-kiem-tra-hoc-ki-mon-van-lop-7

Đề kiểm tra học kì môn văn lớp 7

Câu 1: (3,0 điểm).

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đua con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”

(Dẫn theo Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.7)

Đoạn trích thể hiện tâm trạng, lời nói của ai với ai? Tâm trạng, lời nói ấy được bộc lộ trong hoàn cảnh nào? (1,0 điểm)

Theo em, vì sao khi “bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra”? (2,0 điểm)

Câu 2: (3,0 điểm).

Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

… Tiếng gà ai nhảy ổ
“Cục … cục tác cục ta
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ …

(Trích Tiếng gà trưa, Xuân Quỳnh, Dẫn theo Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.148)

– Chỉ ra biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong đoạn thơ trên và cho biết dạng điệp ngữ đó. (2,0 điểm)

– Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ điệp ngữ trong đoạn thơ trên. (1,0 điểm)

Câu 3: (4,0 điểm): Cảm nghĩ của em về người em yêu quý nhất.


Hướng dẫn làm bài:

* ĐÁP ÁN – THANG ĐIỂM:   

* Câu 1:

Đoạn trích thể hiện tâm trạng, lời nói của người mẹ nói với con mình.Tâm trạng, lời nói ấy được bộc lộ trong đêm mẹ không ngủ, trước ngày khai trường của con. (1,0đ)

b. “Bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra” Vì:

– Đó là thế giới của điều hay, lẽ phải, của tình thương và đạo lí làm người.

– Đó là thế giới của ánh sáng tri thức, của những hiểu biết lí thú và kì diệu mà nhân loại hàng ngàn vạn năm đã tích luỹ được.

– Đó là thế giới của tình bạn, tình thầy trò cao đẹp, thuỷ chung.

– Đó là thế giới chứa những ước mơ và khát vọng bay bổng.

– Đó là thế giới của những niềm vui, hi vọng và cả những vấp ngã khiến ta phải nhớ suốt đời … Nhà trường là tất cả tuổi thơ của mỗi người … (2,0đ)

 * Câu 2:

– Phép tu từ điệp ngữ: từ “nghe” lặp lại 3 lần.

– Dạng điệp ngữ được dung: điệp ngữ cách quãng. (2,0đ)

Phân tích được tác dụng của phép điệp ngữ:

– Điệp ngữ “nghe” tạo sự mềm mại cho lời thơ, ngân vang, lay động hồn người. Diễn tả nhấn mạnh nỗi xúc động từ đợt dâng trào trong lòng người chiến sĩ khi nghe âm thanh quen thuộc của quê hương.

– Tiếng gà trưa mở đầu bài thơ là một âm thanh của thực tại, vẳng đến tai tác giả “nghe”, nó đã trở thành âm thanh vọng về từ kí ức, khi người chiến sĩ chìm trong giấy phút trầm lắng để thả hồn miên man theo tiếng gọi của tuổi thơ. (1,0đ)          

 Câu 3: (4,0 điểm).

* Bài viết cần đạt các yêu cầu sau:

– Giới thiệu về người thân mà mình muốn biểu cảm (Đó là ai? Người đó gắn bó với em như thế nào?)

– Các đặc điểm của người đó (hình dáng, lời nói, cử chỉ, tính tình, …) bộc lộ cảm xúc yêu thương của mình.

– Sự chăm sóc, động viên, vỗ về em trong những hoàn cảnh khác nhau (ví dụ lúc em buồn, ốm đau, vui vẻ, …), cảm xúc của em trước những cử chỉ đó.

– Cách đối xử của người đó với những người xung quanh, suy nghĩ, tình cảm của em về những việc làm đó.

Khẳng định tình cảm của em đối với người đó.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.