phan-tich-su-doi-lap-giua-hinh-anh-doan-tau-va-cuoc-song-noi-pho-huyen-trong-truyen-ngan-hai-dua-tre-cua-thach-lam

Phân tích sự đối lập giữa hình ảnh đoàn tàu và cuộc sống nơi phố huyện trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Phân tích sự đối lập giữa hình ảnh đoàn tàu và cuộc sống nơi phố huyện trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam

  • Mở bài:

Nghệ thuật đối lập hiện lên rất rõ ràng trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Trong bức tranh ít màu sắc ấy, không chỉ là sự đối lập gay gắt giữ bóng tối và ánh sáng mà con có sự đối lập giữa hình ảnh đoàn tàu rực rỡ với cuộc sống hắt hiu, ảm đạm nơi phố huyện, tạo nên ấn tượng không thể nhờ phai trong tâm trí người đọc.

  • Thân bài:

Sự đối lập giữa hình ảnh đoàn tàu với cuộc sống phố huyện; giữa tĩnh và động; giữa quá khứ với hiện tại; giữa thực tại và ước mơ. Hình ảnh đoàn tàu với “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường…những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. “Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Hình ảnh rực rỡ của đoàn tàu đối lập với cuộc sống lặng lẽ, tối tăm nơi phố huyện.

Đoàn tàu mang đến một thứ ánh sáng khác lạ, rực rỡ và cuộc sống sôi động nhưng chỉ vụt qua trong thoáng chốc, chỉ đủ sức khuấy động không gian yên tĩnh của phố huyện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Con tàu như mang đến một thế giới khác, thế giới của hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ, thế giới của lí tưởng và ước mơ đối lập với cái thế giới hắt hiu, tĩnh lặng của phố huyện, khơi dậy những nỗi niềm mơ tưởng của chị em Liên.

Kỉ niệm là “một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá…Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Nó đánh thức tuổi thơ hạnh phúc khi gia đình Liên còn sống ở Hà Nội, hai đứa trẻ được đi chơi bờ hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, được hưởng những thức quà ngon lạ. Hà Nội sáng rực và lấp lánh trong kỉ niệm càng tương phản với cuộc sống hiện tại nơi phố huyện khiến hai đứa trẻ cứ nôn nao, thấp thỏm một niềm mong đợi mơ hồ.

Như vậy, hai đứa trẻ chờ tàu vừa để sống lại thế giới tuổi thơ đã mất, vừa để thoát khỏi cuộc sống tối tăm, vắng lặng, xơ xác, nhàm chán của phố huyện nghèo, hướng đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thế giới mà Liên mơ tưởng là một thế giới vừa đã qua, lại vừa chưa tới. Đã qua vì nó gợi nhớ đến tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc; nhưng chưa tới vì nó gợi mở, hướng đến một cái gì tươi đẹp hơn ở tương lại. Nguyễn Tuân có nhận xét: “Truyện Hai đứa trẻ có hương vị man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng vang vọng lên một cái gì còn ở tương lai”.

Sự đối lập đó đã cho người đọc thấy được tâm hồn trong sáng, chan chứa ước mơ, đau đáu khát vọng nhưng đang chìm trong những kiếp sống mòn. Ở trên, ta nói ánh sáng và bóng tối vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa tượng trưng. Nếu cuộc sống tối tăm, lay lắt, tù đọng nơi phố huyện cũng là một thứ bóng tối thì những ước mơ, khát vọng trong tâm hồn con người lại là một thứ ánh sáng. Ánh sáng đó dẫu nhỏ bé, mong manh nhưng nó lại là nguồn sáng đẹp nhất, bền bỉ nhất. Hy vọng của những kiếp người nghèo dẫu mong manh, mơ hồ nhưng nó sống mãi. Phố huyện tối tăm, đêm tối đậm đặc, ánh sáng le lói, hy vọng mơ hồ nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc một niềm tin về tình thương, ước mơ và sức sống bất diệt của con người.

  • Kết bài:

Với nghệ thuật đối lập, Thạch Lam đã khắc họa đậm nét cuộc sống tối tăm, lay lắt, tàn lụi của những con người nơi phố huyện; cho ta cảm nhận về ước mơ, khát vọng của những con người bé nhỏ. Dù chỉ là niềm hi vọng mong manh, mơ hồ nhưng rất đáng nâng niu, trân trọng. Đó chính là tấm lòng thương cảm sâu xa của Thạch Lam đối với những kiếp sống mỏi mòn. Cấu trúc đối lập còn tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho câu chuyện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang