so-sanh-hinh-anh-noi-nho-trong-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-va-viet-bac-cua-to-huu

So sánh hình ảnh nỗi nhớ trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng và Việt Bắc của Tố Hữu

So sánh hình ảnh “nỗi nhớ” trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu.

  • Mở bài:

“Nhớ” là một động từ diễn tả trạng thái của con người khi giữ lại trong trí điều đã cảm biết, nhận biết để rồi sau đó có thể tái hiện được. Nhớ cũng có nghĩa là nghĩ đến người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở cách xa, với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy. Đến với “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu ta đều có thể tìm thấy chủ âm nỗi nhớ bàng bạc khắp cả hai miền không gian, có thể nhận ra miền kí ức sâu đậm neo đậu trong lòng mỗi thi nhân, có thể cảm nhận và tự hào về vẻ đẹp của cả một thế hệ trong một thời đại anh hùng cách mạng.

  • Thân bài:

Ở mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ trở về với một kỉ niệm của riêng mình, với nỗi nhớ riêng của lòng mình, ghi dấu ấn sáng tạo riêng trong cách thức, nghệ thuật thể hiện của mỗi tài năng, nhưng ở bài thơ nào người đọc cũng được đi qua những vùng kí ức không thể nào quên của lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử tâm hồn con người Việt Nam trong những tháng năm gian khổ, hào hùng không thể nào quên.

Năm 1948, sau khi rời đơn vị Tây Tiến chưa lâu, Quang Dũng đã bắt gặp cảm giác “Nhớ Tây Tiến”. Cả bài thơ được bao bọc trong một nỗi nhớ nồng nàn, vừa xoáy sâu vừa lan tỏa:

– “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

– “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”

– “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

Cả bài thơ không một dấu chấm câu, nỗi nhớ tràn từ câu thơ này sang câu thơ khác, bắt nhịp từ tứ thơ này sang tứ thơ khác. Nỗi nhớ tích tụ, dồn nén, bật lên thành tiếng gọi thiết tha Tây Tiến ơi!. Cảm xúc hiện hình trong nỗi nhớ chơi vơi. Đó vừa là trạng thái của nỗi nhớ vừa là trạng thái của cảnh vật được nhớ. Cả chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong nỗi nhớ chơi vơi ấy. Nỗi nhớ trở thành cội nguồn cảm hứng sáng tạo và làm nên cấu trúc của thi phẩm. Mạch bài thơ là mạch nhớ, là sự đan dệt của kỉ niệm, với những sực nhớ miên man, những vụt hiện bất chợt…

Cũng từ đây nỗi nhớ dậy lên làm một nguồn sinh khí, nó soi tràn đến đâu muôn vàn hình sắc trong kí ức tươi tắn, sống dậy đến đó. Nhờ nỗi nhớ mà những hình ảnh của những ngày qua cồn cào sống dậy. Chính nỗi nhớ chơi vơi đã dẫn ngòi bút tác giả đi miên man trong thế giới thơ. Tất cả kỉ niệm về quãng thời gian không thể nào quên với đồng đội chiến đấu trên vùng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở mà cũng rất thơ mộng ấy bỗng trở thành tiếng gọi hối thúc, cất lên thành tiếng thơ, tiếng lòng của người chiến sĩ, thành âm vang của cả thời đại, của cả dân tộc trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nếu coi “Tây Tiến” là một phần đời của Quang Dũng, thì “Việt Bắc” cũng có ý nghĩa tương tự đối với Tố Hữu. Trong thời khắc giao điểm của lịch sử – cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, lịch sử dân tộc và cách mạng bước sang một trang mới, các cơ quan Trung ương của Đảng và Chính phủ chuẩn bị rời chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội – người ra đi, là cán bộ kháng chiến, đã nhớ về Việt Bắc, nhớ về những tháng năm tình nghĩa với một nỗi nhớ khôn nguôi. Tiếng lòng đó được cất lên thành một khúc tâm tình, trong đó người nghe có thể dễ dàng nhận ra NHỚ là một nốt nhạc chủ âm được xướng lên ngay từ đầu bài ca và được tạo thành điệp khúc để đồng vọng tới mai sau.

Nỗi nhớ những cảnh vật đơn sơ ở Việt Bắc, một nỗi nhớ khó diễn tả , nhưng rất tha thiết sâu nặng như nhớ người yêu :

“Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương”

Nỗi nhớ cụ thể gắn liền với từng cảnh, từng “bản khói”, từng “rừng nứa bờ tre”, “ngòi Thia”, “sông Đáy”,  “suối Lê”, những địa danh quen thuộc, bình dị, nhưng rất nên thơ ở Việt Bắc:

“Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”

Và trong cảnh thấp thoáng bóng dáng con người với những sinh hoạt thường nhật lam lũ nặng ân tình của Việt Bắc: “Sớm khuya bếp lửa người thương đi về”.

Nhớ con người Việt Bắc, trước hết là nhớ nhân dân cùng chia ngọt sẻ bùi, cưu mang cán bộ, bộ đội trong thời kháng chiến thiếu thốn, gian khổ. Đó là những tình cảm thắm thiết, sự đồng cam cộng khổ của đồng bào Việt Bắc dành cho người cán bộ .

“Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi …
Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng .”

Kế đến là hình ảnh bà mẹ Việt Bắc hiện lên thật cảm động :

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô .”

Cảnh vật và người Việt Bắc trở thành kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ không thể phai mờ trong tâm trí người cán bộ khi trở về xuôi. Về miền nhớ của Tố Hữu, kỉ niệm giữa người cán bộ kháng chiến với nhân dân Việt Bắc suốt mười lăm năm ấy được chuyển hóa bằng một giọng thơ đằm thắm, thiết tha. Hai đại từ mình – ta sử dụng trong lối kết cấu đối – đáp dẫn lối để người đọc đắm chìm trong không gian của liền anh, liền chị, trong điệu nhặt khoan của những khúc hát giao duyên. Tính dân tộc đậm đà của thơ Tố Hữu tinh tế ở những chỗ đó.

Gặp nhau từ cội nguồn cảm hứng là nỗi nhớ, từ cảm xúc nhớ chơi vơi của Quang Dũng và nhớ gì như nhớ người yêu của Tố Hữu, một gai đoạn trong lịch sử đấu tranh của quân và dân ta lần lượt hiện lên thật rõ nét.

Những địa danh vùng miền xuất hiện dày đặc trong cả hai bài thơ như vẽ ra bản đồ hành quân và chiến đấu của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong “Tây Tiến” đó là Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mường Hịch… những địa danh nghe vừa lạ vừa như cất dấu cả sự bí hiểm của rừng thiêng. Với “Việt Bắc”, đó là ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê, là đèo De, núi Hồng … có những địa danh đã đi vào lịch sử.

Cùng với địa danh là sự cụ thể hóa địa hình núi non hiểm trở. Việt Bắc của Tố Hữu hiện lên hình ảnh những ngày Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù, là Hắt hiu lau xám, là rừng cây núi đá với Mênh mông bốn mặt sương mù. Còn với Quang Dũng, núi rừng như dữ dằn hơn:

“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.”

Dốc càng cao, vực càng sâu, địa hình càng hiểm trở người đọc càng thấu hết cái khó khăn, vất vả của một thời trận mạc và càng nhận rõ hơn bản lĩnh can trường của những người lính, của cả thời đại trong một thời kì lịch sử hào hùng.

Bên cạnh núi non hùng vĩ, hiểm trở, đất và người miền Tây hiện về trong kỉ niệm của những người trong cuộc cũng thật thơ mộng và lãng mạn. Trong nét vẽ mềm mại, hào hoa của cây bút đa tài Quang Dũng cảnh vật được thổi hồn: Mường Lát hoa về trong đêm hơi, Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, và hồn lau nẻo bến bờ, dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa… Còn với Tố Hữu cảnh vật hiện lên bằng cả bộ tứ bình trong trẻo, tinh khôi:

– “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”.
– “Ngày xuân mơ nở trắng rừng”.
– “Ve kêu rừng phách đổ vàng”.
– “Rừng thu trăng rọi hòa bình”.

Trên cái nền thiên nhiên của núi rừng miền Tây, hình tượng lừng lững hiện lên như những bức tượng đài bất tử, là trung tâm của bức tranh thiên nhiên và cuộc sống, đó chính là hình tượng người lính, những người con của dân tộc mang vẻ đẹp của lí tưởng thời đại: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh (Tây Tiến), đó là cả đoàn quân điệp điệp trùng trùng/ Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan (Việt Bắc). Chính họ đã làm nên những chiến công oanh liệt trong lịch sử, chính họ viết nên lịch sử. Để rồi trong nỗi nhớ của Quang Dũng, trong kí ức của Tố Hữu, trong tâm thức của người Việt họ trở thành bất tử.

Tất nhiên, bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo, Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có (Nam Cao). Nỗi nhớ là cung bậc cảm xúc khởi nguồn của cả Quang Dũng và Tố Hữu ở cả Tây Tiến và Việt Bắc, nhưng kỉ niệm hiện về trong nỗi nhớ của mỗi nhà thơ lại gắn với những vùng kí ức sâu đậm mà mỗi chủ thể từng gắn bó, những kỉ niệm đó được kiến tạo bởi mỗi tài thơ làm nên giá trị độc đáo cho mỗi thi phẩm. Mỗi tác phẩm sẽ là một phát minh về hình thức, một khám phá về nội dung (Leonop) làm nên diện mạo phong phú cho thơ ca kháng chiến chống Pháp nói riêng và cho văn học dân tộc nói chung.

Về miền nhớ của Quang Dũng, kỉ niệm gắn với binh đoàn Tây Tiến, những chiến sĩ phần đông là thanh niên Hà Nội (như Quang Dũng). Họ ra đi từ Hà thành, lăn lộn với chiến trường gian khổ, khốc liệt, trên bước đường hành quân không khỏi những lúc đoàn quân mỏi, có khi gục lên súng mũ bỏ quên đời, những trận sốt rét rừng cùng thiếu thốn vật chất in hằn lên vẻ ngoài của đoàn binh – không mọc tóc, quân xanh màu lá, ở đó không tránh khỏi sự hi sinh Rải rác biên cương mồ viễn xứ… Nhưng đạp bằng gian khổ chất lính can trường vẫn làm nên cốt cách của cả một thế hệ.
Nơi đỉnh núi chạm tới trời, nơi heo hút cồn mây ta bỗng bắt gặp hình ảnh thật tinh nghịch súng ngửi trời. Hình ảnh thể hiện cái nhìn lạc quan của những con người vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng hoàn cảnh, đứng cao hơn hoàn cảnh. Hình ảnh đó làm ta nhớ đến phong thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Mới ra tù tập leo núi:

“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.”

Cách nói về ngoại hình không mọc tóc của đoàn binh Tây Tiến nghe cũng lạ: không mọc tóc chứ không phải tóc không mọc được. “Không mọc tóc” hay không thèm mọc tóc? Giọng điệu của câu thơ thể hiện thái độ coi thường gian nguy, tếu táo, vui đùa, đậm chất lính. Và đây nữa, với câu thơ Quân xanh màu lá giữ oai hùm, Quang Dũng đã bắt được cái thần thái, khí thế hùng dũng của người lính hiện ra ngay trong vẻ ngoài xanh xao ấy – khí thế của một con hổ giữ oai phong chốn rừng thiêng. “Tả lính ốm mà không thấy lính yếu” (Vũ Quần Phương), đó chính là tài hoa của Quang Dũng.

Mang trong mình lí tưởng của cả thời đại Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đi theo tiếng gọi nhất tề của cả dân tộc Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ, người lính Tây Tiến cũng sẵn sàng Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Nhưng vẻ đẹp của bức tượng đài ấy hiện về trong nỗi nhớ của Quang Dũng còn là cả một thế giới tâm hồn đầy mơ mộng. Tâm hồn ấy sau phút dừng chân ở những chặng đường hành quân lại rong ruổi cùng hoa về trong đêm hơi, lại về miền tưởng tượng Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi, lại neo đậu cùng mùa em thơm nếp xôi… Tâm hồn ấy như một lẽ tự nhiên luôn tìm kiếm những vẻ đẹp kì lạ, màu sắc bí ẩn của con người và cảnh vật phương xa. Tâm hồn ấy bỗng bừng lên, thích thú, ngạc nhiên, mê đắm trước một đêm hội đuốc hoa rực rỡ ánh sáng, âm thanh và sắc màu:

“Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”

Nhưng đẹp nhất trong thế giới tâm hồn ấy có lẽ vẫn là giấc mơ về một dáng kiều thơm duyên dáng, thướt tha chốn Hà thành: “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Một thời người ta đã cho đây là câu thơ “mộng rớt”, bởi người ta sợ vì mơ mà người lính sẽ không thể vượt qua được sự bủa vây của khó khăn, gian nan, thử thách nơi chiến trường. Nhưng cùng với thời gian, câu thơ đã được trả lại giá trị đích thực của nó. Giấc mơ ấy chẳng những không làm cho người lính trở nên yếu đuối, ủy mị mà ngược lại, bên cạnh lí tưởng thời đại, đáng quí biết bao vẻ đẹp tâm hồn đầy tính nhân văn cao đẹp đó.

Trong gian khổ trường chinh phải vững lí tưởng, phải chắc lập trường thì mới có được giấc mơ như thế. Giấc mơ đẹp đẽ, lãng mạn đó đã như một liều thuốc tinh thần tiếp thêm sức mạnh cho người lính, giúp họ dễ dàng vượt qua khó khăn, thử thách. Hào hoa của một thời sẽ mãi lắng dịu trong hồn thơ Quang Dũng và lắng dịu trong xúc cảm của những ai từng về miền nhớ của chàng trai chốn Hà thành này.

Với tất cả những gì đã có cùng “Tây Tiến”, lời nhắn nhủ “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/ Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” vẫn còn đầy lưu luyến. Tây Tiến sẽ là một phần đời, phần đẹp nhất, cao quí nhất của người lính và của cả một thời. Lời thơ đã khép nhưng chắc hẳn nỗi nhớ của Quang Dũng sẽ vẫn chơi vơi, vẫn âm vang, đồng vọng trong lòng biết bao thế hệ.

Với Việt Bắc của Tố Hữu, thức dậy trong nỗi nhớ của người cán bộ kháng chiến – người ra đi, là cả một chuỗi những kỉ niệm gắn bó chia ngọt sẻ bùi cùng nhân dân Việt Bắc trong suốt mười lăm năm ấy, từ những ngày Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù, những khi miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai, cả khi Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng cho đến ngày Tin vui chiến thắng trăm miền.

Trong miền nhớ ấy, nhân dân Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp thật giản dị, mộc mạc. Đó là người mẹ nắng cháy lưng; Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô, là người đan nón, chuốt từng sợi giang, là cô em gái hái măng một mình, là ai đó trong tiếng hát ân tình thủy chung.

Hình tượng người dân Việt Bắc ân tình, ân nghĩa còn được Tố Hữu khắc sâu hơn trong tình quân dân thắm thiết. Mình đây ta đó khi trăng lên đầu núi, khi nắng chiều lưng nương, khi bản khói cùng sương, khi sớm khuya bếp lửa trong nỗi nhớ như nhớ người yêu … nghe thật thiết tha, nhưng đó không phải nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa mà lại là nỗi nhớ nhung của người cán bộ kháng chiến với người dân Việt Bắc. Tài tình của Tố Hữu là ở chỗ mượn được giọng điệu trữ tình của tình yêu đôi lứa để chuyển tải được một cách sâu sắc nhất tình quân dân gắn kết.

Trong cuộc sống người dân Việt Bắc giản dị và sâu nặng ân tình, còn trong cách mạng họ bỗng chốc lớn lên. Sức mạnh của họ hòa vào âm điệu hào hùng của đoàn quân ra trận làm nên sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến thần tốc:

“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp, trùng trùng
Ánh sao đầu súng, bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.”

Trong cảm hứng trữ tình lãng mạn cách mạng của Tố Hữu, sức mạnh đó được cất cánh hóa thành những vần thơ reo vui:

“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Cùng tạo dựng nên hình tượng mang dấu ấn thời đại, nếu Quang Dũng lưu lại trong miền kí ức hình tượng người lính Tây Tiến thì Tố Hữu lại khắc sâu ân tình cách mạng với nhân dân Việt Bắc trong suốt chặng đường làm căn cứ địa cách mạng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nếu Quang Dũng trổ nét tài hoa trong một bài thơ đậm chất hội họa, giàu tính nhạc trong cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng thì Tố Hữu lại tìm về tính dân tộc đậm đà. Để tạo được giọng điệu ngọt ngào, da diết, sâu lắng ân tình, bên cạnh cách lựa chọn cấu tứ đối đáp tình tứ giữa ta và mình trong một buổi chia tay bịn rịn, lưu luyến, nhà thơ Tố Hữu còn tìm đến thể thơ lục bát truyền thống với nhiều cách tân sâu sắc.

Trên nền nhịp chẵn của lục bát tạo giọng điệu du dương phù hợp với tâm trạng của buổi chia li lưu luyến, dạt dào cảm xúc, sáng tạo của Tố Hữu là ở chỗ biến hóa đa dạng: lúc dung dị, dân dã gần với ca dao, lúc cân xứng nhịp nhàng, trau chuốt mà trong sáng đến độ cổ điển. Bộ tứ bình mà nhà thơ tạo dựng được trong bài thơ có thể sánh với bất cứ một bài thơ lục bát mẫu mực nào:

“Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”

Trong nỗi nhớ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu bức tranh thiên nhiên, bức tranh cuộc sống kháng chiến, con người kháng chiến hiện lên một cách chân thực, rõ nét, cụ thể và đậm đà bản sắc dân tộc như vậy, thiết nghĩ không chỉ cần đến tài năng nghệ thuật mà quan trọng hơn, căn cốt hơn phải là một tâm hồn dân tộc, phải có một tấm lòng gắn bó sâu nặng, thiết tha với Việt Bắc, có sự trải nghiệm trong lòng kháng chiến, có xúc cảm với thời đại… Tất cả đã hòa nhập, nối tiếp truyền thống ân nghĩa, thủy chung trong đạo lí sống, trong tâm thức của dân tộc từ ngàn xưa. Sức ngân vang của Việt Bắc vào lòng người đọc một phần là bởi sự hòa nhập đó.

Như vậy, có thể nói “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Việt Bắc” của Tố Hữu là những tác phẩm xuất sắc của thơ ca cách mạng. Khởi nguồn từ nỗi nhớ, cả hai thi phẩm đã tạo dựng được không khí đấu tranh gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc ta trong những năm kháng chiến chống Pháp. Khi kí ức mãnh liệt nó có khả năng hiện tại hóa quá khứ. Như một lẽ thường, những gì đã đi vào nỗi nhớ đều là những kỉ niệm ấn tượng mãnh liệt, sâu sắc, đặc biệt có ý nghĩa đối với cuộc đời mỗi con người. Và ngược lại, những gì có giá trị khi đã đi vào miền nhớ đều có sức sống bến lâu. Sức đồng vọng của quá khứ vào hiện tại , qua nỗi nhớ thường sống dậy hơn bởi độ sâu da diết của nỗi lòng và bởi sự nới rộng của nỗi bâng khuâng.

  • Kết bài:

“Tây Tiến” đối với Quang Dũng và “Việt Bắc” đối với Tố Hữu đều là những miền diệu vợi mãi lưu lại dấu ấn của hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa Quang Dũng và hồn thơ trữ tình – chính trị đậm đà tính dân tộc – Tố Hữu, trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc.

Bút pháp khắc họa hình ảnh người lính kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng) và Việt Bắc (Tố Hữu).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang