»» Nội dung bài viết:
“Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ”
Tôi rất vinh dự được ở đây hôm nay trong buổi lễ tốt nghiệp của các bạn từ một ngôi trường Đại Học hàng đầu thế giới. Nói thật là tôi chưa bao giờ tốt nghiệp Đại học. Đây là khoảnh khắc gần nhất của tôi với một buổi lễ tốt nghiệp. Hôm nay tôi muốn kể với các bạn ba câu chuyện trong cuộc đời tôi. Chỉ vậy thôi, không có gì to tát cả. Chỉ ba câu chuyện.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT LÀ VỀ SỰ KẾT NỐI.
Tôi bỏ học Đại học Reed sau 6 tháng học, nhưng sau đó tôi vẫn ở lại trường trong khoảng 18 tháng, trước khi thật sự rời đi. Vậy vì sao tôi bỏ học?
Chuyện bắt đầu từ trước khi tôi sinh ra. Mẹ đẻ mang thai tôi khi là một sinh viên trẻ chưa kết hôn, nên quyết định gửi tôi làm con nuôi. Bà tin chắc rằng tôi cần được những người được học hành tử tế nuôi dưỡng, nên đã sắp đặt để tôi được hai vợ chồng luật sư nhận nuôi sau khi sinh. Tuy nhiên khi tôi vừa ra đời, hai vợ chồng luật sư thay đổi quyết định của họ và muốn nhận nuôi một bé gái. Vì thế cha mẹ nuôi tôi bây giờ, khi đó nằm trong danh sách chờ, nhận được điện thoại lúc nửa đêm với lời đề nghị: “Chúng tôi có một bé trai chưa được sắp xếp, ông bà có muốn nhận cháu không?”. Họ trả lời: “Đương nhiên rồi.” Mẹ đẻ tôi sau đó phát hiện ra mẹ nuôi tôi chưa tốt nghiệp đại học, cha nuôi thì còn chưa tốt nghiệp trung học. Bà từ chối ký giấy tờ cho con nuôi. Bà chỉ xuôi lòng chấp thuận vài tháng sau đó, khi cha mẹ nuôi hứa rằng tôi sẽ được cho học Đại Học.
Đó là khởi đầu của đời tôi. 17 năm sau, tôi vào Đại Học đúng như lời hứa đó. Nhưng tôi đã ngây thơ chọn một ngôi trường đắt đỏ gần như Stanford, và toàn bộ số tiền tiết kiệm của cha mẹ tôi, những người thuộc tầng lớp lao động chân tay, đã phải dành để trả tiền học phí. Sau 6 tháng, tôi thấy việc đó chẳng ích lợi gì. Tôi không có ý tưởng gì về việc tôi muốn làm gì với cuộc sống của mình, cũng như không hiểu làm thế nào mà trường Đại học sẽ giúp tôi có câu trả lời. Thế mà tôi lại ở đây, tiêu hết số tiền mà cha mẹ đã dành dụm cả đời họ. Bởi vậy, tôi quyết định nghỉ học và tin rằng mọi chuyện sẽ dần ổn thỏa. Tôi có hơi lo sợ vào lúc đó, nhưng khi nhìn lại, đây là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Giây phút tôi bỏ học tôi có thể ngừng theo học các môn bắt buộc mà bản thân không thấy hứng thú, và bắt đầu học những môn có vẻ hay ho.
Giai đoạn đó thật ra không thoải mái gì. Tôi không có phòng ký túc xá, nên phải ngủ dưới sàn ở phòng của bạn bè. Tôi đi trả vỏ chai để lấy tiền để mua đồ ăn, và đi bộ 7 dặm băng qua thị trấn vào mỗi tối chủ nhật, để nhận 1 bữa ăn từ thiện ngon mỗi tuần tại đền thờ Hare Krishna. Tôi yêu khoảng thời gian đó. Và rất nhiều điều tôi va vấp vào trong khi đi theo tiếng gọi của trí tò mò và trực giác vào thời điểm đó, đã trở nên vô giá đối với tôi sau này. Để tôi cho các bạn một ví dụ:
ĐH Reed lúc đó cung cấp khóa học về viết chữ thư pháp gần như là tốt nhất trong nước. Khắp khuôn viên trường là những tấm poster, biểu tượng, tranh vẽ với những mẫu thư pháp bằng tay tuyệt đẹp. Do đã bỏ học nên tôi không phải đến những buổi học thông thường, tôi quyết định vào học lớp dạy thư pháp. Tôi học về các kiểu mặt chữ, về khoảng cách thay đổi giữa các cặp chữ khác nhau, và những gì làm cho một bộ chữ trông tuyệt vời. Những gì tôi được học thật đẹp đẽ, mang tính lịch sử và nghệ thuật theo cách mà các môn khoa học không thể nào có được, và khiến tôi thật sự say mê.
Những thứ này tưởng chừng như không có ứng dụng thực tế nào trong cuộc sống của tôi. Thế nhưng 10 năm sau, khi chúng tôi đang thiết kế máy tính Macintosh đầu tiên, mọi thứ trở lại hữu dụng với tôi. Và chúng tôi thiết kế toàn bộ những kiểu chữ nghệ thuật vào Mac – đó là máy tính đầu tiên có các font chữ nghệ thuật đẹp. Nếu tôi chưa từng tham gia khoá học đó ở trường ĐH, máy Mac sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ, hoặc có khoảng cách giữa các chữ cân xứng như vậy. Và nhiều khả năng sẽ không có máy tính nào có các phông chữ (sau này Windows chỉ sao chép lại của Mac). Nếu tôi chưa từng bỏ học, tôi sẽ không bao giờ tham gia lớp học dạy viết chữ đẹp, máy tính cá nhân sẽ không có được các font chữ nghệ thuật như ngày nay. Đương nhiên tôi không thể kết nối những chuyện này khi tôi còn học ĐH. Nhưng ở thời điểm 10 năm sau nhìn lại, mọi thứ thật rõ ràng.
Một lần nữa, các bạn không thể kết nối các sự kiện khi nhìn về phía trước, bạn chỉ có thể kết nối chúng khi nhìn lại sau này. Vì vậy các bạn phải có niềm tin rằng các sự kiện hôm nay sẽ kết nối lại trong tương lai. Bạn phải tin điều gì đó, linh tính, số phận, cuộc sống, luật nhân quả, bất kể điều gì – bởi vì tin rằng những điều bạn làm sẽ kết nối trên đường đời cho bạn tự tin để đi theo trái tim mình. Thậm chí cả khi nó dẫn bạn chệch khỏi những con đường nhiều người đi, và điều đó sẽ làm nên mọi sự khác biệt.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI LÀ VỀ TÌNH YÊU VÀ MẤT MÁT.
Tôi đã may mắn vì tìm ra được điều mình muốn làm từ lúc còn trẻ. Woz và tôi đã thành lập Apple từ gara của gia đình tôi khi tôi mới 20. Chúng tôi làm việc cật lực, và trong 10 năm Apple đã phát triển từ 2 người trong gara thành một công ty trị giá 2 tỉ đô với hơn 4000 nhân viên. Chúng tôi mới ra mắt sản phẩm tuyệt hảo nhất – máy Macintosh – một năm trước, và tôi mới bước sang tuổi 30. Và rồi tôi bị sa thải. Làm thế nào mà bạn bị sa thải khỏi công ty mà chính bạn sáng lập? Khi mà Apple lớn mạnh, chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ rằng rất tài năng để cùng điều hành công ty với tôi, và trong năm đầu tiên mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhưng rồi tầm nhìn của chúng tôi bắt đầu trở nên khác biệt và cuối cùng chúng tôi xung đột với nhau. Khi đó, hội đồng quản trị đồng tình với người kia hơn. Vậy là vào tuổi 30 tôi bị sa thải, một cách khá công khai. Điều từng là tâm điểm của toàn bộ cuộc đời tôi đã không còn, và điều đó thật kinh hoàng.
Tôi thật sự không biết làm gì trong vài tháng tiếp theo. Tôi cảm thấy mình đã để thế hệ doanh nhân đi trước thất vọng từ những trông đợi của họ dành cho tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce, xin lỗi họ vì đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi trở thành một hình mẫu thất bại và tôi nghĩ về việc rời khỏi thung lũng Silicon. Nhưng có một điều tốt đẹp lóe lên trong bóng tối – đó là tôi vẫn yêu những công việc của mình. Những sự kiện ở Apple không thay đổi điều đó chút nào. Tôi đã bị chối bỏ, nhưng tôi vẫn yêu. Và tôi quyết định làm lại từ đầu.
Lúc đó tôi không biết rằng, hóa ra việc bị sa thải khỏi Apple là điều tuyệt vời nhất có thể xảy ra với mình. Gánh nặng của sự thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhõm, thảnh thơi của một khởi đầu mới, ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó giải phóng tôi để bước vào một trong những giai đoạn sáng tạo nhất trong đời mình.
Trong 5 năm tiếp theo, tôi thành lập NeXT, và một công ty nữa tên là Pixar, và yêu một người phụ nữ tuyệt vời giờ trở thành vợ tôi. Pixar tiến tới tạo ra bộ phim hoạt hình dựng bằng máy tính đầu tiên trên thế giới, Câu Chuyện Đồ Chơi (Toy Story), và giờ đây nó là xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới. Trong một diễn biến lớn khác, Apple mua lại NeXT, và tôi trở lại Apple, công nghệ chúng tôi phát triển tại NeXT trở thành trái tim cho sự phục hưng của Apple, và Laurene và tôi giờ có một gia đình tuyệt vời.
Tôi khá chắc rằng tất cả điều trên sẽ không xảy ra nếu tôi không bị sa thải khỏi Apple. Nó là liều thuốc đắng, nhưng tôi đoán là tôi cần nó. Đôi khi cuộc sống sẽ giáng cho bạn một đòn chí mạng (hit you in the head with a brick). Đừng mất niềm tin. Tôi tin rằng điều duy nhất đã giúp tôi kiên trì bước tiếp là việc tôi yêu thích những điều tôi làm. Bạn phải tìm ra điều bạn yêu. Điều này đúng cho cả công việc và cả những người bạn yêu. Công việc sẽ chiếm một phần lớn của cuộc đời bạn, và cách duy nhất để thật sự cảm thấy thỏa mãn là làm những gì bạn tin là điều vĩ đại. Và cách duy nhất để làm những điều vị đại là yêu thích điều bạn làm. Nếu bạn vẫn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng yên phận. Và giống như mọi chuyện liên quan đến trái tim, bạn sẽ tự biết nó là điều bạn yêu khi bạn tìm được nó. Và, như mọi mối quan hệ tuyệt vời, nó sẽ chỉ càng ngày càng bền chặt và tốt hơn theo thời gian. Vậy nên hãy tìm kiếm. Đừng yên phận.
CÂU CHUYỆN THỨ 3 CỦA TÔI LÀ VỀ CÁI CHẾT.
Khi tôi 17 tuổi, tôi đọc được một trích dẫn:”Nếu ngày nào bạn cũng sống như thể đó là ngày cuối cùng trong đời, một ngày bạn sẽ chắc chắn đúng về điều đó.” Nó gây ấn tượng với tôi, và kể từ đó, trong vòng 33 năm qua, tôi nhìn vào gương vào mỗi buổi sáng và tự hỏi bản thân:”Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình, liệu mình có muốn làm những gì mình đang định làm không?”. Và bất cứ khi nào câu trả lời là “Không” trong quá nhiều ngày liên tiếp, tôi biết rằng mình cần phải thay đổi một điều gì đó. Việc luôn nhớ rằng tôi sẽ chết là điều quan trọng nhất giúp tôi đưa ra những quyết định lớn trong cuộc đời. Bời vì gần như mọi thứ – mọi kì vọng bên ngoài, mọi sự tự phụ, mọi nỗi sợ hãi về hổ thẹn hay thất bại – chúng đều rơi rụng đi khi đối mặt với cái chết, và chỉ những gì thật sự quan trọng là còn lại. Nhớ rằng bạn sẽ chết là cách tốt nhất mà tôi biết để tránh cái bẫy của việc nghĩ rằng bạn có gì đó để mất. Bạn trở nên trần trụi. Không có lý do gì để không đi theo con tim mình.
Khoảng một năm trước tôi được chuẩn đoán mắc ung thư. Hôm đó tôi đi chụp cắt lớp lúc 7h30 sáng, và nó chỉ ra rằng tôi có một khối u ở tuyến tụy. Tôi còn không biết tuyến tụy là gì. Các bác sĩ nói với tôi rằng đây là dạng ung thư gần như không thể chữa khỏi, và tôi chỉ nên kì vọng sống không quá 3 tới 6 tháng. Bác sĩ khuyên tôi về nhà và sắp xếp lại công việc, cách nói tránh của những bác sĩ cho việc “chuẩn bị cho cái chết đi”. Điều đó có nghĩa rằng cố gắng để nói với con cái của bạn những gì bạn từng nghĩ là sẽ trao đổi với chúng trong 10 năm tới chỉ trong vài tháng. Nó có nghĩa rằng mọi thứ được sắp xếp chu tất để gia đình bạn nhẹ lòng. Nó có nghĩa rằng hãy nói những lời tạm biệt.
Tôi sống với chuẩn đoán này cả ngày hôm đó. Tới buổi tối tôi làm một xét nghiệm, khi mà họ chọc ống nội soi qua cổ họng tôi, qua dạ dày và ruột, chọc một cây kim vào tụy để lấy mẫu khối u. Tôi được gây mê, rồi vợ tôi nói với tôi rằng, khi họ kiểm tra mẫu tế bào dưới kính hiển vi, các bác sĩ bắt đầu khóc bởi vì đó hóa ra là một dạng ung thư tụy rất hiếm mà có thể chữa được bằng phấu thuật. Tôi thực hiện phẫu thuật, và thật biết ơn vì giờ tôi đã ổn.
Đó là trải nghiệm cận kề với cái chết nhất của tôi. Sống qua trải nghiệm đó, giờ đây tôi có thể nói với các bạn điều này một cách chắc chắn hơn là một người chỉ biết đến cái chết như một khái niệm thuần túy.
Không ai muốn chết cả. Kể cả những ai muốn lên thiên đường cũng không muốn chết chỉ để lên thiên đường. Thế nhưng chết là điểm cuối của cuộc hành trình của tất cả chúng ta. Không có ai từng trốn được khỏi nó. Và điều đó là lẽ tự nhiên như nó phải thế, bởi vì Cái Chết có lẽ là phát minh vĩ đại nhất của Sự Sống. Nó là thứ giúp Sự Sống biến đổi. Nó dẹp đi những thứ già cỗi để dọn đường cho cái mới. Ngay lúc này đây các bạn là cái mới, nhưng một ngày nào đó không xa, bạn sẽ dần trở thành cái cũ và được dẹp đi. Xin lỗi vì đã hơi bi kịch, nhưng điều đó là sự thật.
Thời gian của bạn là có hạn, vậy nên đừng lãng phí nó đi sống cuộc đời của kẻ khác. Đừng bị mắc kẹt trong giáo điều – đừng sống cuộc sống theo những điều người khác nghĩ. Đừng để sự ồn ào từ ý kiến kẻ khác nhấn chìm giọng nói bên trong bản thân mình. Và quan trọng nhất, hãy có can đảm để đi theo trái tim và trực giác. Chúng theo một cách nào đó đã biết con người mà bạn thật sự muốn trở thành. Mọi điều khác chỉ là thứ yếu.
Khi tôi còn trẻ, có một tạp chí tuyệt vời tên là The Whole Earth Catalog, một trong những ấn phẩm vĩ đại, “kinh thánh” của thế hệ tôi. Nó được sáng lập nên bởi Stewart Brand ở Menlo Park ngay gần đây. Đó là cuối thập niên 60, trước khi có máy tính cá nhân và phần mềm in, nên nó hoàn toàn được thực hiện bởi máy đánh chữ, kéo và máy ảnh polaroid. Nó giống như là Google dưới dạng một cuốn sách, 35 năm trước khi Google ra đời: nó đầy lý tưởng, tràn ngập bởi những công cụ gọn gẽ và quan niệm vĩ đại.
Stewart và nhóm của ông đã cho ra nhiều số của The Whole Earth Catalog, và khi mà nó hoàn thành nhiệm vụ, họ cho ra ấn bản cuối cùng. Đó là vào giữa thập niên 70, khi tôi ở độ tuổi của các bạn. Ở phần bìa sau của ấn bản là một tấm ảnh miền quê vào buổi sáng, kiểu khung cảnh mà bạn có thể bắt gặp nếu bạn là người hay đi đây đi đó. Phía bên dưới là những chữ: “Hãy luôn khát khao. Hãy luôn khờ dại” (“Stay Hungry. Stay Foolish.”). Đó là lời từ biệt cuối cùng của họ. Hãy luôn khát khao. Hãy luôn khờ dại. Và tôi đã luôn mong ước điều đó cho bản thân mình. Giờ đây, khi mà các bạn tốt nghiệp để bắt đầu một hành trinh mới, tôi mong ước điều đó cho các bạn.
Hãy luôn khát khao. Hãy luôn khờ dại.
Cảm ơn các bạn rất nhiều
Steve Jobs