»» Nội dung bài viết:
“Cuộc sống cần phải sống mạnh mẽ. Sống mạnh mẽ thì ta sẽ tự tin sống và thêm yêu mến cuộc đời này. Sống mạnh mẽ, ta sẽ không còn sợ hãi vô cớ nữa. Hãy sống mạnh mẽ, đừng sợ!”
Câu chuyện thứ nhất: Thiện tâm bản năng của người tu Phật.
Một vị thiền sư nhìn thấy con bọ cạp rơi xuống nước, bèn quyết tâm cứu nó. Ai ngờ, khi nhà sư vừa vừa chạm vào nó, đã bị nó chích vào tay. Bị chích bất ngờ, nhà sư giật tay lại. Không sợ hãi, lại một lần nữa nhà sư đưa tay vớt nó, lần này ông lại bị chích. Cứ thế, mấy lần nhà sư không vớt được con bọ cạp. Nó cứ xoay xoay trong nước tuyệt vọng nhưng vô cùng hung hăng. Cuối cùng, nhà sư cũng vớt được nó lên và đặt trên bờ. Tay thiền sư cũng bị sưng tấy lên đau đớn.
Một người nông dân đi qua đã chứng kiến sự việc ấy liền bất bình nói với nhà sư:
– Nhà sư có lòng tốt cứu nó, nhưng nó lại chích nhà sư. Hà tất ngài phải cứu nó làm gì?
Vị thiền sư mỉm cười đáp:
– Chích người là bản năng của con bọ cạp, còn cứu vật là bản năng của tôi. Không vì bản năng của con vật mà từ bỏ thiện tâm của tôi.
Nghe vị thiền sư giải thích, người nông dân liền hiểu ra sự việc liền bái lạy kính phục.
Triết lý của câu chuyện ở chỗ đó. Chúng ta thấy bò cạp có bản năng tấn công bất cứ cái gì có thể làm nó hoảng sợ hoặc gây nguy hiểm cho nó. Trong lúc nguy cấp, bàn tay của vị thiền sư là vật động nên nó phản xạ tự nhiên là chích. Loài vật nào đâu phân biệt được tốt xấu, đúng sai.
Nhân tình thế thái trong cuộc đời cũng như vậy. Đôi lúc chúng ta nhiệt tình với người nào đó quá mức, chúng ta giúp đỡ, xây dựng, giáo dưỡng người đó càng nhiều thì càng làm họ bị trói buộc. Ngộ nhận hay hoài nghi vốn là banr tính của nhân gian vậy. Bởi thế, sách xưa cũng dạy “giáo đa thành oán” (được dạy nhiều mà không hiểu được ý tốt thành ra oán giận).
Chúng ta giúp đỡ người khác bằng một thái độ không mong họ phải biết ơn, đền ơn. Người như vậy mới làm nên đạo cả. Nhưng triết lý của câu chuyện không ở góc độ này, mà muốn nói điều quan trọng hơn. Đó là nếu chúng ta muốn làm Phật sự, muốn dấn thân vào đời, muốn giúp đỡ mọi người. Nếu không chịu đựng được những cú chích của con bò cạp, cú chích của những lời thị phi, của lời hãm hại, của sự đày đọa, của những gian lao thử thách, thậm chí là việc sát hại, chúng ta sẽ không bao giờ thành công được.
Vì thế, thiếu vắng lòng từ bi, lòng khoan dung, lòng kham nhẫn mà làm nhiều Phật sự chừng nào, lòng sân hận, buồn phiền của chúng ta càng dễ lớn chừng đó. Đôi lúc chúng ta làm Phật sự mà thành ma sự là vì vậy.
Cậu chuyện thứ hai: Phật hiện hình trong tâm người thức ngộ.
Có một chàng trai trẻ đi vào tận núi sâu hiểm trở để tìm gặp Bồ Tát và mong muốn tu thành chánh quả. Trên đường đi, anh ta hỏi một vị hoà thượng:
– Xin hỏi thầy, đi đâu mới gặp được Bồ Tát?
Vị hoà thượng nhìn chàng trai, từ tốn nói:
– Thay vì tìm Bồ Tát, chi bằng tìm Đức Phật.
Chàng trai rất vui mừng, hỏi:
– Vậy Đức Phật ở đâu?
Hoà thượng nói:
– Bây giờ anh hãy về nhà, trên đường có người mặc quần áo rách, mang giày ngược đón anh, người đó chính là Đức Phật. Chàng trai cám ơn lão hoà thượng rồi quay về nhà. Trên đường về anh không ngừng để ý xem có ai giống như lời vị hoà thượng nói không, nhưng đã gần tới nhà rồi mà người đó vẫn chưa xuất hiện.
Chàng trai vừa tức giận, vừa hối hận, cho rằng lão hoà thượng đã lừa mình.
Lúc anh về tới nhà thì trời đã khuya, mẹ đã đóng cửa. Anh chán nản đành phải gõ cửa. Người mẹ biết con trai mình đã về liền vội vàng khoác chiếc áo rách, không kịp châm đèn chạy ra mở cửa, lúc hấp tấp còn mang ngược giày. Chàng trai nhìn thấy dáng vẻ của mẹ mình thì tỉnh ngộ, không kiềm được nước mắt.
Con người thường ít tin tưởng vào bản thân mà đi tìm kiếm những giá trị bên ngoài mình, thường hay không quý trọng những gì mình đang có mà hay mơ tưởng về những gì có thể có dù nó rất xa vời. Trong cuộc sống này, có ai dùng cho con cái những điều tốt đẹp hơn là cha mẹ? Đức hi sinh, sự kham nhẫn, lòng vị tha của cha mẹ sánh bằng biển rộng trời cao. Bởi vậy, Phật là cha mẹ vậy, cha mẹ là Phật vậy.
Câu chuyện thứ ba: Nếu tin tưởng vào bản thân, khuyết điểm sẽ trở thành ưu điểm.
Một người Ấn Độ thường dùng hai cái bình lớn để gánh nước từ suối trở về nhà. Một trong hai bình này bị nứt khiến nước chảy ra ngoài và khi về đến nhà, nước trong bình đã vơi đi một nửa.
Cái bình nứt luôn buồn bã, khổ sở vì khiếm khuyết của mình.
Một ngày nọ, cái bình nứt nói với người chủ của mình:
– Tôi thấy thật xấu hổ khi mình không làm tròn được công việc được giao. Vì tôi mà ông phải làm việc cực nhọc hơn.
Người gánh nước nói bằng giọng cảm thông:
– Trên đường về, ngươi có để ý những luống hoa xinh đẹp dọc đường không?
Dọc đường về, cái bình nứt trông thấy những bông hoa dễ thương đang hé nở dưới ánh mặt trời. Người gánh nước nói với nó:
– Ngươi có thấy hoa chỉ mọc ở phía đường của ngươi mà không phải là phía bên kia không? Ta đã biết khiếm khuyết của ngươi. Vì vậy ta đã gieo những hạt hoa bên đó và mỗi ngày ngươi đã tưới nước cho chúng. Hai năm qua, ta đã hái những bông hoa này để tặng mọi người và làm đẹp cho căn nhà chúng ta.
Không ai trong chúng ta hoàn thiện hết. Hãy chiêm nghiệm ý nghĩa của cái bình. Đừng sợ khuyết điểm mà hãy tin sức mạnh trong chính sự khiếm khuyết của mình. Không ai sinh ra đã có thể hoàn thiện. Khiếm khuyết ở bề ngoài không đáng lo, khiếm khuyết ở tâm hồn đáng ngại hơn nhiều. Đừng cố che giấu hay lo lắng về điều đó bởi bạn có thể tìm được sức mạnh cả trong chính sự khiếm khuyết của mình.