Hướng dẫn phân tích một nhân vật trong tác phẩm văn xuôi

phan-tich-cai-toi-su-thi-trong-tho-cach-mang-1945-1975

Nhân vật văn học và vai trò của nhân vật trong tác phẩm:

Nhân vật văn học là hình tượng con người được miêu tả trong tác phẩm văn học. Nhân vật có thể là con người có tên tuổi, quê quán, tính cách hoặc là thần, bán thần hoặc những sự vật, con vật… mang đặc điểm, tính cách như con người, được dùng như phương tiện để biểu hiện con người. Mỗi nhân vật là “con đẻ” của nhà văn, là phương tiện khái quát hóa đời sống; thể hiện thái độ, quan niệm và tư tưởng của nhà văn đối với con người và xã hội.

Dựa vào các tiêu chí khác nhau, có các loại nhân vật tương ứng: Căn cứ vào vị trí của nhân vật trong truyện có nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ. Căn cứ vào cấu trúc nhân vật có nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Như vậy, bản thân nhân vật trong các tác phẩm tồn tại dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Vì thế, khi phân tích nhân vật cũng cần xác định góc tiếp cận với nhân vật.

Cách làm bài nghị luận về nhân vật trong tác phẩm tự sự:

Nghị luận là để hiểu rõ, hiểu đúng nhân vật trong tác phẩm, và chính là để tiếp nhận đúng nội dung tư tưởng và nghệ thuật tác phẩm. Phân tích nhân vật là dạng để quen thuộc, thường gặp khi tiếp cận tác phẩm văn xuôi. Nghị luận về nhân vật trong tác phẩm (hoặc đoạn trích) văn xuôi là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về một (hoặc nhiều) nhân vật trong một tác phẩm (đoạn trích) cụ thể. Những nhận xét, đánh giá về nhân vật phải xuất phát từ các phương diện:

– Vai trò của nhân vật trong tác phẩm;

– Nhân vật thuộc kiểu loại nào;

– Ngoại hình, nội tâm, hành động cử chỉ điệu bộ, biến cố, ngôn ngữ (tất cả đều là những thông tin về tính cách, số phận của nhân vật);

– Mối quan hệ giữa các nhân vật và nhân vật hoàn cảnh (giữa các nhân vật thể hiện địa vị, số phận nhân vật; giữa nhân vât với hoàn cảnh có vai trò ảnh hưởng tới nhân vật, nhân vật có tác động trở lại hoàn cảnh.);

– Ý nghĩa của nhân vật trong tác phẩm (là nơi tác giả gửi gắm ý đồ, tư tưởng, tình cảm, quan niệm về con người và cuộc sống). Các nhận xét, đánh giá về nhân vật trong bài văn phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.

Bố cục bài nghị luận về nhân vật trong tác phẩm văn xuôi:

  • Mở bài:

– Giới thiệu xuất xứ nhân vật (từ tác phẩm nào, của tác giả nào);
– Giới thiệu khái quát đặc điểm của nhân vật: Chọn đặc điểm nổi bật nhất của nhân vật để giới thiệu (nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng, nhân vật thiên về tâm trạng hay hành động…).

  • Thân bài:

Trình bày nhân vật theo từng luận điểm. Mỗi luận điểm có thể là một đặc điểm, một khía cạnh nào đó của hình tượng nhân vật (cách phân chia luận điểm phụ thuộc vào yêu của đề bài). Mỗi luận điểm cần đưa ra những luận cứ, luận chứng cụ thể, xác đáng, làm nổi bật lên được nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả, nội dung tư tưởng của tác phầm và thái độ của tác giả với nhân vật.

Thông thường với bài phân tích nhân vật, phần thân bài cần tập trung vào các luận điểm lớn sau:

– Giới thiệu khái quát nhân vật (hoàn cảnh xuất thân hay ấn tượng ban đầu, hướng tới câu trả lời câu hỏi: Nhân vật là ai?)
– Phân tích từng đặc điểm của nhân vật (tùy vào từng tác phẩm có cách triển khai phù hợp. Ví dụ có thể triển khai theo các đoạn đời nhân vật, hoặc theo từng đặc điểm phẩm chất của nhân vật, hoặc kết hợp cả hai).
– Phân tích nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả tâm lí,…
– Bình luận mở rộng (so sánh với nhân vật của tác phẩm khác cùng chủ đề).

  • Kết bài: Khái quát, khẳng định vấn đề bàn luận.

1 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.