Cảm nhận Bài ca nhà tranh bị gió thu phá nát của Thánh thi Đỗ Phủ

Cảm nhận “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá nát” của Thánh thi Đỗ Phủ

  • Mở bài:

Đỗ Phủ là một trong những nhà thơ lớn nhất phong trào Đường Thi và cũng là người chịu nhiều cực khổ, cuộc đời cơ cực bậc nhất trong các thi gia. Ông không có nhà để ở, không có nơi để đi, bạn bè đã giúp ông dựng một ngôi nhà tranh ven sông để tá túc. Ngôi nhà tuềnh toàng ấy ông ở chưa được bao lâu thi bị gió thổi tốc mái. Đêm xuống, mưa không ngừng rơi khiến cái lanh thấu vào da thịt. Nỗi nhọc nhằn, cơ cực của bản thân, cùng với cảnh loạn li, tang thương của đất nước gieo đau khổ cho bao kiếp người đã khiến ông viết nên tác phẩm Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá).

  • Thân bài:

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá nát là một khúc ca cảm động về cuộc đời và tấm lòng bao dung của Đỗ Phủ. Thơ ca Đỗ Phủ kế thừa và phát triển truyền thống hiện thực của văn học Trung Quốc từ Kinh Thi trở đi, nên đã đạt được nhũng thành tựu chưa từng thấy. Thơ ông chan chứa không khí cuộc sống hiện thực mãnh liệt, ngòi bút của ông khách quan thận trọng. Khi tự sự tả cảnh, không nhũng ông đã phản ánh một cách trung thực tình hình xã hội, không khí lịch sử đương thời.

Bài thơ viết theo thể cổ thể. Đây là thể thơ được viết tự do hơn các thể thơ Đường khác. Bài thơ sử dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt: miêu tả, tự sự, biểu cảm. Nhà thơ đã thể hiện một cách sinh động nỗi khổ của bản thân do căn nhà bị gió thu phá nát. Điều đáng quý là vượt lên trên nỗi bất hạnh cá nhân, nhà thơ đã bộc lộ khát vọng cao cả – Ước sao có được ngôi nhà vững chắc ngàn vạn gian để che chở cho tắt cả mọi người nghèo trong thiên hạ.

Đỗ Phủ được coi là Thi thánh điều đó quả thực không có gì là không đúng. Tính hiện thực và tinh thần nhân đạo của ông dạt dào trong hơn 1400 bài thơ ông để lại, khiến ông được coi là nhà thơ của “dân đen”. Mao ốc vị thu phong sở phá ca (Bài ca nhà tranh bị gió thu phá) là một trong bài thơ hay nhất của Đỗ Phủ bởi nó mang những đặc trưng của thơ Thiếu Lăng.

Năm câu thơ đầu tiên như một đoạn phim ngắn miêu tả về trận thu phong liên tiếp dội từ trên cao xuống làm từng lớp tranh bay tứ tung khắp nơi:

Tháng tám, thu cao, gió thét già
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta
Tranh bay sang sông rải khắp bờ
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa
Mảnh thấp bay lộn vào mương sa. 

Cả năm câu thơ được gieo vần bằng ở cuối câu (nguyên tác là: hào, mao, giao, sao – phiên âm: già, ta, xa, sa) như vẽ ra âm thanh và cảnh tượng của từng trận gió thu cuộn lên ầm ầm giận dữ bốc sạch mái nhà tranh. Ba chữ “phong nộ hào” đã nhân cách hóa gió như một thế lực của thiên nhiên hoành hành tác oai, tác quái.

Các động từ “cuốn, bay, rảì, mắc, chìm” vẽ nên một cách sinh động sự lộng hành của thiên nhiên trong con mắt tiếc nuối, bất lực của nhà thơ. Có thể hình dung nhà thơ một mình chống gậy đứng nhìn từng mảnh mái nhà của mình tan tác bốn phương không thể nào khôi phục lại được. Cho nên, dù chi miêu tả một cách khách quan cảnh tượng gió thu tốc nhà nhưng nhà thơ vẫn cho ta cảm nhận được nỗi đau đớn, nuối tiếc ẩn chứa trong đó. Bởi đó là ngôi nhà khó khăn lắm ông mới dựng nên được. Bởi đó là mái ấm mà bao nhiều năm loạn lạc, lầm than, gió bụi ông mới nương thân. Giọng thơ ẩn chứa sự oán trách, xót xa.

Đến đoạn thơ thứ hai tác giả sử dụng phương thức biểu đạt tự sự để kể chuyện lũ trẻ thôn Nam cậy sức cướp tranh và nhà thơ vì già yếu nên nhìn cảnh ấy đành bất lực.

Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về chống gậy lòng ấm ức! 

Có thể nói, đoạn thơ thứ hai là sự phát triển và bổ sung cho đoạn trước. Năm câu thơ này diễn tả tình trạng khốn cùng của nhà thơ, gió thu ầm ầm bốc tung mái nhà, đã khiến nhà thơ xót xa. Nhưng có lẽ ông xót xa hơn cho những đứa trẻ cướp tranh kia. Chính cuộc sống khốn cùng, nghèo khó đã đẩy những đứa trẻ trong trắng, ngây thơ trở thành những kẻ “đạo tặc” (cướp tranh). Trái tim chúng vô cảm, chúng nhẫn tâm khinh rẻ người già yếu, trơ tráo trước tiếng kêu van: “Môi khô miệng cháy gào chẳng được”.

Hành động của chúng ngang nhiên cướp giật: “Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật / cắp tranh đi tuốt vào lũy tre. Nhà thơ thể hiện sự bất lực và xót xa của mình “Quy lai ỷ trượng tự thán túc” (Quay về chống gậy, lòng ấm ức).

“Tự thán túc” nghĩa là tự mình thấy ấm ức). Chữ “tự” ở đây cho thấy thi nhân là người nhạy cảm vói nỗi đau. Ngoài xót xa cho cảnh ngộ của mình, ông còn tự mang vào mình nỗi đau khổ vì sự xuống cấp của đạo đức trong hoàn cảnh xã hội loạn lạc.

Tuy nhiên, ông vẫn nhìn cảnh ngộ đau khổ ấy với tấm lòng nhân đạo thấu hiểu. Ông hiểu lũ trẻ vì nghèo khó quá mà cướp tranh của ông. Cũng như ông từng tạo điều kiện cho một bà lão hàng xóm sang ăn trộm táo nhà mình và trò chuyện với bà bằng niềm cảm thông sâu sắc: “Chẳng phải khốn cùng đâu đến thể”.

Đoạn thơ thứ ba là một bước tăng cấp về nỗi khổ của nhà thơ:

Giây lát, gió lặng, mây tối mực
Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.
Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giường, nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt
Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đêm dài ướt át sao cho trót ?

Đoạn thơ này tác giả vừa tả, vừa kể, vừa biểu cảm. Ồng tả về cảnh nhà trong đêm bị tốc mái, ông kể về những đêm không ngủ. Tình cảnh của toàn bộ gia đình hiện lên qua những câu thơ. Những câu thơ ghi lại cái đại họa mà nhà thơ phải gánh chịu. Tất cả những nỗi khổ ấy cùng tập kích nhà thơ. Trận mưa đêm thu trên mái nhà phá nát khiến ngôi nhà dột khắp nơi. Mền vải nằm lâu năm lạnh giá lại cộng thêm với con đạp nát lót.

Hơn nữa, nhà thơ còn thêm một sự đau khổ nữa, đó là thân già ốm đau, ngồi co ro nhìn vợ con rét mướt, khốn cùng. Bởi thế, ông thao thức trong những vần thơ của mình: “Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê / Đêm dài ướt át sao cho trót”.

Sau một loạt những câu thơ miêu tả cụ thể là hai câu thơ mang tính khái quát cao. Đây không phải là nỗi khổ của một kiếp người, một gia đình, mà là khổ nạn của cả đất nước. Loạn lạc (nạn An – Sử năm năm chưa dứt), thiên tai gieo khốn cùng cho toàn nhân dân. Bởi thế, con người có tấm lòng nhân đạo cao cả ấy vẫn thao thức đêm đêm. Thao thức mà thấm thìa rằng “cách chi qua nổi đêm dài”. Con người đã bị đẩy xuống tận cùng của nỗi khổ không có điều kiên sống tối thiểu và không hi vọng gì ở hiện tại tối tăm này. Và hiện thực đau khổ đó, một tứ thơ lãng mạn vút lên ở đoạn kết.

Đoạn thơ kết được coi là điểm sáng của toàn bộ bài thơ, không còn là lòi thở than, giãi bày tình cảnh mà là những câu thơ mang khát vọng lớn lao, đẹp đẽ của nhà thơ:

Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn

Ba câu thơ liên tiếp được gieo vần bằng (gian – hoan – bàn), với những hình ảnh thơ rộng lớn, phóng khoáng “nhà rộng” (quảng hạ), “muôn ngàn gian” (thiên vạn gian), thể hiện một ước mơ bay bổng, lãng mạn. Những câu thơ tuôn trào sảng khoái, cuồn cuộn một niềm vui với khí thế không thể ngăn cản được. Đây là ước mơ cao cả chan chứa lòng vị tha (vì chì nghĩ đến người khấc) và tinh thần nhân đạo (ước mong cho mọi người đều sung sướng, hân hoan). Ước mơ tuy ảo tưởng song bắt nguồn từ hiện thực vì căn nhà mình nát cho nên ông mới ước mơ nhà rộng ngàn gian. Giấc mơ cao đẹp say sưa đến mức nhà thơ bất giác reo lên:

Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!

Nhà thơ nguyện chết rét để đánh đổi lấy ngôi nhà rộng nghìn gian cho khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo trong thế gian. Lời nguyện ấy vị tha và nhân đạo biết bao!

Từ nỗi khổ bản thân, Đỗ Phủ thường liên hệ đến nỗi khổ người khác. Thậm chí ông còn đặt nỗi khổ mọi người lên trên nỗi khổ của chính mình. Trong bài Từ Kinh qua Phụng Tiên viết trước đó năm năm, trước cảnh con trai bị chết đói trước vụ gặt bội thu, Đỗ Phủ rất đau khổ và xấu hổ. Song ông còn thương hơn cả là số phận của những người dân thường:

Việc tô thuế một đời được rảnh
Tên đi phu, đì linh cũng không
Vậy mà còn chịu khốn cùng
Dân thường chả trách long đong trăm đường.

Nhà thơ không chỉ miêu tả nỗi thống khổ của bản thân mình, mà sâu xa hơn là thông qua nỗi khổ của bản thân, nhà thơ đã nói được nỗi khổ của những người nghèo trong thời buổi loạn lạc lúc bấy giờ. Cao hơn nữa, nhũng nỗi khổ ấy chắp cánh cho ước mơ cao đẹp, lớn lao, vị tha của nhà thơ. Điều đó chúng tỏ ông không chỉ là nhà thơ hiện thực vĩ đại mà ông còn là nhà tiên tri. Hiện thực trong thơ ông bắt nguồn từ cái gốc nhân đạo sâu sắc.

Tác giả dã sử dụng bút pháp hiện thực trong miêu tả giúp người đọc có thấy được phần nào tình hình xã hôi Trung Quốc lúc bấy giờ. Việc sử dụng thể thơ cổ thể với quy định khá tự do, không bị gò bó bởi niêm luật giúp tác giả có thể sử dụng các câu văn dài, ngắn xen kẽ thể hiện được rõ nét tâm trạng của tác giả. Tác giả đã sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt, miêu tả, tự sự, biểu cảm một cách nhuần nhuyễn.

  • Kết bài:

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá nát là chuyện thật của chính cuộc đời nhà thơ. Bài thơ đã trở thành tác phẩm nối tiếng với bút pháp hiện thực và tinh thần nhân đạo ảnh hường khá sâu sắc đến thơ ca Trung Quốc đời sau.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang