Anh/Chị hãy phân tích diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ trong đoạn trích truyện “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài)
* Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
– Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn nhất của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Ông có cống hiến quan trọng ở nhiều thể loại, nhưng xuất sắc nhất vẫn là ở thể loại truyện ngắn.
– Vợ chồng A Phủ (1952) được coi là truyện ngắn thành công nhất của tập Truyện Tây Bắc. Tác phẩm xoay quanh số phận của Mị và A Phủ – hai con người đã phải nếm trải bao đau khổ, bất hạnh trong xã hội cũ. Nhân vật Mị tiêu biểu cho số phận cay cực, đau khổ và nguồn sức sống tiềm tàng trong tâm hồn người phụ nữ lao động miền cao.
- Thân bài:
1. Diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ.
– Sau đêm bị A Sử trói đứng vào cột nhà, Mị lại rơi vào cái chết tinh thần còn nặng nề, đau đớn hơn trước. Cô tự tách biệt khỏi cuộc sống của con người, chỉ còn biết “chỉ còn ở với ngọn lửa”. Mị thờ ơ, dửng dưng với mình và vô cảm với mọi sự xung quanh. A Sử đi chơi về bắt gặp Mị ngồi sưởi lửa liền đánh Mị ngã ngay xuống bếp lửa, nhưng “đêm sau Mị vẫn ra sưởi lửa như đêm trước”. Khi A Phủ bị trói, đêm nào Mị dậy thổi lửa sưởi nhìn sang củng thấy “mắt A Phủ mở trừng trừng” mà cô vẫn thản nhiên tới mức nếu “A Phủ có là cái xác chết đứng cũng thế thôi”…
– Vậy mà từ vực sâu của trạng thái vô cảm ấy, tâm hồn Mị vẫn có thể hồi sinh. Điều kì diệu này đã được nhà văn khám phá, khắc họa bằng một quá trình diễn biến tâm lí chân thực, hợp lí:
+ Sự thức tỉnh bắt đầu từ khoảnh khắc Mị nhìn thấy “nước mắt bò xuống hai hõm má xám đen của A Phủ”. Nhìn thấy tình cảnh ấy “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được”…
+ Nỗi thương mình trỗi dậy khiến Mị đồng cảm sâu sắc với nỗi đau khổ của những người cùng cảnh ngộ và phẫn nộ trước tội ác của bọn quan lang: “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”. Nhìn lại A Phủ, Mị cảm biết được tất cả nỗi đau đớn mà con người khốn khổ ấy phải gánh chịu “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết” và bất bình thay cho A Phủ “người kia, việc gì mà phải chết thế”.
+ Dòng suy nghĩ miên man đưa Mị đến tưởng tượng về một lúc nào đó, A Phủ trốn được, Mị bị cha con thống lí buộc tội và phải trói thay vào cây cột kia – mà “cũng không thấy sợ”…
– Bấy nhiêu cảm xúc đã mang đến cho Mị nguồn sức mạnh to lớn để vượt lên nỗi sợ cường quyền, cắt dây trói cứu A Phủ. Và lòng ham sống mãnh liệt đã giúp cô vượt qua cả nỗi sợ thần quyền để tự cứu mình…
2. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật Mị của Tô Hoài.
– Với nhân vật Mị, tác giả chọn điểm nhìn từ bên trong để tái hiện những quá trình tâm lí phong phú, phức tạp. Qua đó, tái hiện những diễn biến, những đổi thay trong tâm hổn người con gái miền cao lặng lẽ mà mạnh mẽ, quyết liệt trong khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc…
– Tác giả không chỉ miêu tả mà còn lí giải một cách hợp lí, chặt chẽ từng trạng thái cảm xúc, từng đổi thay trong nội tâm nhân vật. Nhờ vậy, nhân vật đã có được sức sống nội tại.
- Kết bài:
Bằng sự thấu hiểu, cảm thông, trân trọng con người và tài nghệ phân tích tâm lí nhân vật, Tô Hoài đã tạo dựng thành công nhân vật Mị – hình tượng tiêu biểu cho số phận và vẻ đẹp của người phụ nữ nghèo miền Tây Bắc trước Cách mạng. Bị vùi dập, đày đọa trong đau khổ, tủi nhục nhưng tâm hồn họ vẫn tràn đầy khát vọng tự do, khát vọng hạnh phúc.
Bài tham khảo:
Diễn biến tâm lí của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ.
- Mở bài:
Trong làng văn của Việt Nam, Tô Hoài đứng vào bậc “trưởng lão”, cả về tuổi đời , tuổi văn và cả gia tài đồ sộ mà ông đã cống hiến cho văn học nước nhà. Ông là cây bút hàng đầu về hồi kí, sáng tác về loài vật và đặc biệt nhất là thể loại truyện ngắn. Đoan trích “Vợ chồng A Phủ” là phần đầu của tác phẩm Vợ chồng A Phủ, một truyện ngắn xuất sắc in trong tập Truyện Tây Bắc, kết quả của chuyến thực tế lên vùng Tây Bắc của nhà văn. Thông qua diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm cắt dây trói giải thoát cho A Phủ, tác giả đã miêu tả thành công quá trình nhân thức và hành động của người dân tộc miền núi từ chỗ cam chịu đến chỗ tự giải thoát cho chính mình ra khỏi sự thống trị tàn ác của bọn phong kiến miền núi.
- Thân bài:
Cuộc sống người lao động miền núi được Tô Hoài tải dựng như những tảng đá phiêu nham mà ở đó ông xót xa khắc những nét nổi chìm nó hiển hiện cả những bất hạnh tột cùng lẫn sức sống tột bậc của con người.Cái nét chạm khắc đó kết tinh hoàn hảo trong nhân vật Mị với tất cả những biến động trong số phận, trong tâm lý của cô trong đêm tình mùa xuân. Ở trong đêm mùa đông giá rét , người ta đã nhìn thấy một Mị thật chín chắn trong những nhận thức về tình thương và khát vọng sống . Và người ta cũng đã nhận ra được sức sống bất diệt của tình thương và khát khao sống trong mỗi con người .
Đêm tình mùa xuân đã mở ra trong Mị một thế giới khác, một thế giới của những niềm hy vọng mới, một thế giới không còn quẩn quanh trong cuộc sống của con trâu, con ngựa “vùi đầu việc làm cả đêm lẫn ngày”. Tuy nhiên đêm xuân đi để lại bao tiếc nuối và sự mơ hồ trong tâm trí Mị. Mị lại trở về ngày trước, vô cảm với thế giới trong đêm mùa đông. “Những đêm đông trên núi cao dài và buồn, không có bếp lửa sưởi kia Mị cũng đến chết héo”. “Dài” và”buồn” – một cảm nhận rất con người. Cái dài và buồn ấy của ngày đông phần nào cho thấy Mị đã lấy lại ý thức về thời gian và cảm nhận được những nỗi buồn vui của chính mình.
Từ đêm tình mùa xuân, biết bao nhiêu than hồng dưới đáy tro tàn đã được khơi lại trong tâm hồn người con gái ấy. Nhưng Mị vẫn chưa lấy lại được điều quan trọng nhất của tâm hồn con người. Đó là nỗi giao cảm với người xung quanh. Thấy A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn thản nhiên “thổi lửa hơ tay”. Mị không mảy may đau khổ hay tiếc thương. “Nếu A Phủ là cái xác chết ở đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi lửa hơ tay. Mị vẫn chỉ biết đến ngọn lửa”. Ngọn lửa kia là thứ ánh sáng duy nhất mà Mị có được bấy giờ. “Nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo”. Ngọn lửa giúp Mị bớt rét. Ngọn lửa ấy hiện diện ở đấy để Mị bớt cô đơn, hiu quạnh, trống trải bởi ít nhất nhờ ngọn lửa “mỗi đêm, Mị dậy ra thổi lửa hơ tay, hơ lưng, không biết bao nhiêu lần”.
Sự quẩn quanh của Mị đã thể hiện sự trơ lì của Mị trong những tháng ngày vô nghĩa: không tình yêu, không tự do. Tuy nhiên ngọn lửa ấy đã tạo cho hai con người đau khổ gặp nhau. “Ngọn lửa sưởi bùng lên, cùng lúc ấy thì Mị cũng nhìn sang , thấy mắt A Phủ trừng trừng , mới biết A Phủ còn sống”. Bởi tâm hồn Mị đã chai sạn, lòng Mị đã chết từ cái đêm mùa xuân của nhiều tháng ngày về trước, chết trong sự tàn nhẫn của A Sử, trong “tiếng chân ngựa đạp vào vách”, trong tiếng sáo xa dần rồi chìm trong đêm tối. Sự “thản nhiên” của Mị là sự hồi đáp của những tháng ngày đau khổ , lụi tàn trong sự đánh mất hy vọng và khát khao hạnh phúc.
Mị đã tê liệt về ý thức: “Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước.” “Thản nhiên” nghĩa là chúng ta trở nên vô tình với sự biến chuyển của thế giới quanh mình. “Thản nhiên” có thể là vì chúng ta biết nhưng chúng ta cố tình lãng quên đi một ai đó,một điều gì đó . Hoặc trạng thái “thản nhiên” kia cũng là vì chúng ta đang đau đớn ,đang mệt nhàng trong bi kịch của chính mình nên chúng ta chẳng còn có cảm giác vì thế giới quanh mình nữa. Khi ấy lý trí rời xa, cảm xúc khô cạn, chúng ta chỉ đang tiếp diễn cuộc sống chính mình bằng thói quen. Sự thản nhiên của Mị vì vậy còn thể hiện cụ thể một quy luật tâm lý bình thường: khi không thấy được nỗi khổ của mình,người ta cũng chẳng thể thấy được nỗi khổ của người khác. Bởi với họ, nỗi khổ ấy chỉ là một trong những điều rất bình thường mà họ phải trải qua mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi năm và có khi là cả cuộc đời mình. Mị của đêm mùa đông chỉ là một cái bóng trôi dạt vào hố đen của những ngày tháng lao khổ. Bặt tăm.
Sự chuyển biến của tâm trạng Mị chỉ đến khi giữa hàng chục cái buổi đêm sưởi lửa “Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại.” Chính dòng nước mắt tủi nhục của cuộc đời nô lệ của A Phủ đã hồi sinh sức sống mãnh liệt của lòng nhân hậu và tình thương người trong Mị. Mị chạnh lòng. Mị tự thương xót cho chính mình . Mị nhớ “trong bóng tôi, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói.” “Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ , không biết lau đi được”. Lòng tổn thương, đau vỡ trái tim trong những lằn trói đầy oan nghiệt và sự tàn độc của A Sử. Và tiếng sáo kia cũng chợt biến mất, không về nữa. Mị nhớ “tiếng ngựa đạp chân vào vách. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”.
Những cảm giác đau đớn ngày ấy chợt hằn lên trên da thịt Mị sự rạn nứt đau khổ : “Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết. Cổ tay, đầu, bắp chân bị dây trói siết lại, đau đứt từng mảnh thịt”. Trong cơn đau, Mị còn nhớ “sợi dây gai dưới băp chân vừa lỏng ra, Mị ngã sụp xuống” nhưng sau đó Mị phải quên cả đau “đi hái thuốc cho chồng”. Trong thoáng của nỗi nhớ, Mị lại thương mình. Khi ý thức trở về, Mị bắt đầu biết xót, biết đồng cảm cho người đồng cảnh ngộ – A Phủ: “Trời ơi , nó bắt trói người kia đến chết thì thôi”. Bởi lẽ Mị đã nhìn thấy mình trong cái dáng vẻ nhếch nhác thảm hại của A Phủ. Tình thương trở về. Tình thương ấy dẫn dắt nhận thức của Mị về thực tại tàn khốc, về thân phận bé nhỏ, đáng thương của con người.
Câu chuyện về người đàn bà bị trói đến chết lại lần về trong tâm trí Mị. Lòng căm phẫn bấy lâu bùng cháy: “Chúng nó thật độc ác”. Chúng nó sẵn sàng kết thúc cuộc sống của một con người chỉ vì sự ích kỷ và độc đoán của mình. Chúng có thể quẳng những ước mơ, tương lai của người khác chỉ vì chúng muốn khẳng định quyền lực của mình, khẳng định sự vô lý của mình. Mị thấy sự bất công phi lý : “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau , chết đói, chết rét, phải chết…”. Cái chết sẽ lại rình rập trong những khát vọng ham sống của một con người. A Phủ sẽ chết. Người con trai mạnh mẽ ấy trong những lần hiếm hoi khóc lại trong khoảnh khắc anh ta sắp phải đón nhận một cái chết đầy oan ức.
Giot nước mắt thay đổi Mị không chỉ vì nó gợi cho Mị những kí ức về một thời đã qua, gợi sự dằn xé đau đớn vì một cái chết oan ức mà còn vì nó gợi cho Mị ý thức đấu tranh với những điều bất công, tàn nhẫn. Một người con trai khi bị đánh, bị hành hạ vẫn không kêu ca “quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá”. Một người con trai khi để hổ ăn mất nửa con bò nhà thống lý, vẫn dám cãi lại nhà thống lý. Người con trai mang trong mình một tương lai tươi sáng như thế mà lại phải chết. Liệu điều này có đáng không? Và tình người cùng những nhận thức về sự tàn ác của bọn giai cấp thống trị đã trở thành động lực để Mị dũng cảm : “Mị rút con dao găm cắt lúa , cắt nút dây mây” giải cứu A Phủ . Nhưng rồi Mị sẽ ra sao khi liều lĩnh và táo bạo như thế? Tôi tự hỏi Mị có từng sợ hãi khi nghĩ đến : “Mị phải đứng trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy” chưa?
Có lẽ là Mị đã từng phảng phất ý nghĩ đấy. Nhưng trong thời khắc buộc con người phải đấu tranh, con người ta đã quên đi nỗi sợ. Và hành động của Mị chính là chiến thắng của tình thương, của lẽ phải. Giọng văn Tô Hoài trong quãng này vội vã và mạnh mẽ. Những suy nghĩ, hành động và nhận thức nối tiếp nhau. Để từ đó, từ trang văn, người đọc thêm tin vào bản chất tốt đẹp trong mỗi con người, tin rằng khi nó được thức tỉnh, nó sẽ không ngừng hành động hướng đến một cuộc sống nhân bản và tươi sáng. Và vì vậy văn chương đã , đang và sẽ luôn “thức tỉnh tình yêu đối với con người và khát vọng tích cực đấu tranh cho lý tưởng nhân đạo và tiến bộ của loài người.”
A Phủ được giải thoát. Bóng đen vẫn vây lấy Mị trong những sự đe dọa dành cho khát vọng sống mãnh liệt đang nhen nhóm trong Mị. Khát vọng ấy trỗi dậy và lấn át trong tâm hồn. Nó mang những nỗi sợ hãi ùa về. Sự “hốt hoảng” của Mị là vì Mị thương mình, thương cho tương lai lại bị đày ải trong căn nhà, lại tiếp tục chôn thân cho đến chết trong sự tàn độc của nhà thống lý Pá Tra. Mị bây giờ không còn trơ lì trong nỗi đau nữa. Và nỗi hốt hoảng ấy là nỗi sợ của người co niềm khát khao sống mãnh liệt mà chẳng ai có thể dập tắt nổi. “Mị đứng lặng trong bóng tối”. Phút lặng yên của Mị là phút lặng yên của một con người trước bão tố cuộc đời , phút lặng yên của một con người đang chuyển mình để trở thành một con người tự do.
Giữa biết bao con chữ, Tô Hoài chỉ dành riêng một dòng để mở ra trong Mị những suy nghĩ và trăn trở. Trong cái dòng chữ trơ trọi ấy, người ta cảm nhận biết bao cảm xúc đang dồn nén trong một con người đã phải sống và chịu đựng quá lâu trong cái khổ và sự bất công. Và cũng trong cái dòng chữ ấy, người ta cảm thấy một điều gì đó thật lớn lao đang trỗi dậy. Đó là sức sống của con người mà chẳng có một thế lực thần quyền , cường quyền nào có thể ngăn lấy nữa. Đúng con người cần phải sống trong một cuộc đời tự do và hạnh phúc và đấu tranh để được quyền tận hưởng cuộc sống ấy. “Rồi Mị cũng vụt chạy ra… Mị nói, thở trong hơi gió lạnh buốt: “A Phủ cho tôi đi… Ở đây thì tôi cũng sẽ chết mất”. Nếu bóng tối của đêm tình mùa xuân đã chôn vùi những nỗi khổ đau của Mị vào sự câm lặng thì bóng tối ấy lại trở về trong đêm đông để mở ra con đường để mình trở về cuộc sống của một con người tự do. Mị chạy theo A Phủ chính là hành động chạy theo tiếng gọi mãnh liệt của khát vọng sống. Bởi Mị biết nếu Mị ở lại , Mị sẽ bị trói thay vào chỗ của A Phủ. Bởi Mị biết, nếu Mị không tự giải thoát,Mị sẽ chết ở đây một cách vô nghĩa.
Như vậy khát vọng sống đã giúp Mị chiến thắng nỗi sợ hãi của cái chết và tạo cho mình một con đường thoát khỏi sự ràng buộc, giành lại một cuộc sống xứng đáng hơn. Khát vọng sống của Mị trong đêm mùa đông đã hồi sinh vẹn toàn cô Mị năm xưa trong dáng hình cô Mị hôm nay. Tuy hành động của Mị không mạnh mẽ và trực tiếp như chị Dậu vùng chạy trong đêm chị thoát khỏi lão quan, các thế lực cường quyền , nhưng đúng lúc, hành động ấy lại đưa Mị thoát khỏi tổn thương. Hành động ấy cũng không phải bộc phát kinh hoàng như hành động Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát. Mà hành động ấy chỉ bằng con dao cắt lúa với những nhát dao kiên quyết , dứt khoát đã giúp Mị cắt đứt sợi dây của thần quyền , cường quyền trói buộc lâu nay để đòi quyền sống, quyền được làm người. Và hình ảnh A Phủ cùng Mị, “hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi” chính là niềm tin của Tô Hoài vào sự chủ động của con người để phản kháng cái ác, khôi phục và bảo vệ một cuộc sống hạnh phúc.
Những chặng đường tâm lý của Mị trong đêm đông có lẽ sẽ không để lại những chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn người đọc nếu Tô Hoài không dụng công xây dựng nhân vật, cốt truyện bằng tài năng nghệ thuật của mình. Tô Hoài đã tạo nên nhân vật Mị và những hành động của cô trong giọng trần thuật trầm tư, sâu lắng. Từng tâm trạng tinh tế, từng chuỗi hành động nối tiếp nhau cứ thế nhập vào từng con chữ của trang văn tự nhiên, lúc thì nhẹ nhàng, lúc thì khắc khoải và lúc cũng thật dồn dập như khát vọng sống mãnh liệt trỗi dậy trong Mị.
Tô Hoài đã đặt Mị vào trong tình huống phức tạp, trong sự đấu tranh giữa ánh sáng và bóng tối: Đó là thứ ánh sáng của ngọn lựa trong đêm mùa đông và bóng tối trong căn bếp khô héo tình người và lòng người. Đó cũng là thứ ánh sáng của hạnh phúc tương lai và thứ bóng tối của hiện thực tàn nhẫn, đắng cay. Nhưng Mị vẫn chiến thắng. Khát vọng sống và lòng nhân hậu vẫn chiến thắng như một lời khẳng định của Tô Hoài đến bạn đọc muôn thế hệ rằng : Chỉ cần bạn còn khát khao sống, còn biết yêu thương thì bạn sẽ đủ sức mạnh để xóa bỏ những điều xấu xa, những điều tủn mủn lặt vặt đang vây lấy tâm hồn bạn, cuộc sống bạn và đe dọa lấy hạnh phúc của bạn.
- Kết bài:
Nói về việc sáng tác “Truyện Tây Bắc”, Tô Hoài cho biết những ước vọng và những nỗ lực tạo nên những lời văn của mình : “ở mỗi nhân vật và trùm len tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật và làm nhỏ bé vấn đề khung cảnh đi”. Và quả thật, tác phẩm Vợ chồng A Phủ vẫn lan tỏa thứ chất thơ của khát vọng sống mãnh liệt và tình người sâu nặng giữa đêm đông khắc nghiệt và lặng buốt. Để từ đó, Vợ Chồng A Phủ cùng Hai đứa tẻ đã trở thành những khúc thơ được cất lên từ những điệu hồn truyện ngắn để trở thành một lời nhắc nhở về một thời đã qua, là một lời thôi thúc con người vươn đến tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.
- Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài (“Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài)
- Phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm giải cứu A Phủ (“Vợ chồng A Phủ” – Tô Hoài)