Đề bài: Đọc – hiểu về chủ đề lời nói dối
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
NÓI DỐI
Một chú bé chăn cừu nọ, chú được chủ giao cho đàn cừu, ngày ngày chú dẫn đàn cừu lên sườn đồi cho chúng gặm cỏ, chiều tối lại dẫn chúng về. Những lúc như vậy cậu thả hồn đây đó, thỉnh thoảng cậu vẫn để mắt đến đàn cừu kẻo có những con cừu đi lạc bầy.
Một hôm khi đang chăn cừu, chú chợt nảy ra ý tưởng muốn chọc mọi người chơi cho vui. Chú đứng bật dậy và la to: Sói! Sói! Có chó sói… tiếng la thất thanh của chú làm những người trong làng, kẻ cầm dao, người cầm gậy… chạy ra để giúp chú xua đuổi bọn sói. Nhưng ra đến nơi họ mới vỡ lẽ, chẳng có bầy sói nào cả và họ biết mình bị mắc lừa thằng bé. Họ đành hậm hực trở về nhà.
Đến một ngày nọ, khi đang chăn thả đàn cừu trên sườn đồi, thì đàn sói đến thật. Chúng nhìn cậu bé và gầm gừ chuẩn bị tấn công đàn cừu. Hốt hoảng chú kêu to: Sói! Sói! Có chó sói… nhưng những tiếng kêu của chú không được một ai đáp lại. Mọi người nghĩ rằng hẳn lại là trò chọc phá của thằng bé chăn cừu nên mọi người chẳng ai lưu tâm.
Đàn sói tấn công và giết sạch đàn cừu.
(Theo Tuyển tập các câu chuyện Giáo dục nhân cách, tập 1, NXB Văn hóa – Thông tin, năm 2012)
Câu 1: (0.5 điểm) Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2: (0.5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản.
Câu 3: (1.0 điểm) Tại sao khi đàn cừu bị sói tấn công, không một ai đáp lại lời kêu cứu của chú bé chăn cừu?
Câu 4: (1.0 điểm) Từ văn bản trên, em rút ra được bài học gì trong cuộc sống?
Gợi ý làm bài:
Câu 1: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ Nghệ thuật
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính: Phương thức tự sự/Tự sự
Câu 3: Khi đàn cừu bị sói tấn công, không một ai đáp lại lời kêu cứu của chú bé chăn cừu vì: Mọi người nghĩ rằng hẳn lại là trò chọc phá của thằng bé chăn cừu nên mọi người chẳng ai lưu tâm.
Câu 4: Bài học trong cuộc sống:
– Cần tránh xa sự lừa dối, bởi sự lừa dối hủy hoại lòng tin nơi mọi người.
– Sống trung tín và giữ sự trung tín là cách để xây dựng lòng tin nơi mọi người.