cam-hung-nhan-dao-trong-doc-tieu-thanh-ki-cua-nguyen-du

Cảm hứng nhân đạo trong Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du

Cảm hứng nhân đạo trong “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du

  • Mở bài:

Nỗi xót thương, đồng cảm với thân phận bất hạnh của người phụ nữ là một tình cảm rất đỗi nhân văn trong văn học dân gian được tiếp tục khơi nguồn trong văn học trung đại, trong đó, Nguyễn Du là một đại diện. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du nói lên mối đồng cảm sâu xa đối với những người phụ nữ hồng nhan đa truân, tài hoa bạc mệnh. Chủ đề này còn được trở đi trở lại trong tác phẩm chữ Hán của ông, mà tiêu biểu là bài “Độc Tiểu Thanh kí”. Bài thơ thể hiện nỗi xót xa, thương cảm trước những số phận những người phụ nữ tài sắc phải chịu oan khổ bất hạnh. Nhà thơ bày tỏ sự phẫn nộ, lời lên án đối với chế độ phong kiến bất công, vô nhân đạo đã chà đạp, vùi dập cái tài, cái đẹp.

  • Thân bài:

Chủ nghĩa nhân đạo mới mẻ, lớn lao, sâu sắc (mở rộng đối tượng cảm thương, không chỉ là những người phụ nữ bình dân lam lũ, bé nhỏ, bị phụ thuộc như trong ca dao mà còn thương thân phận những người phụ nữ xuất thân trong những gia đình quyền quý, có tài, có sắc song phải chịu số phận trớ trêu; không chỉ thương người mà còn thương mình).

 Tiểu Thanh vốn là người tài sắc vẹn toàn, sống vào đầu thời Minh, làm vợ lẽ một thương gia họ Phùng, nhưng vợ cả ghen bắt nàng lên ở một ngôi nhà trên núi Cô Sơn (cạnh Tây Hồ- một thắng cảnh đẹp ở Trung Quốc). Buồn khổ, nàng chết lúc mới 18 tuổi. Nàng để lại một tập thơ nhưng bị vợ cả đem đốt, chỉ còn lại một số bài (phần dư
cảo). Ba tăm năm sau, đọc đực phần dư cảo của Tiểu Thanh, Nguyễn Du trào lên nỗi xót thương, đồng cảm với thân phận bất hạnh của nàng. Thể hiện niềm xót thương da diết đối với nàng Tiểu Thanh, với kiếp người tài hoa bạc mệnh và cho chính bản mình, Nguyễn Du viết:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư

Hoa uyển”: Vườn hoa (Vườn hoa Tây Hồ: một cảnh đẹp cụ thể, chung chung). Tẫn: đến cùng, triệt để, hết ⇒ nhẹ hóa đi chưa lột tả hết được sự biến đổi khắc nghiệt của thời gian. Tác giải xót xa, thương cảm cho cuộc đời và số phận Tiểu Thanh xuất phát từ cội nguồn cảm hứng: “nhất chỉ thư”; đi đến sự đồng cảm mãnh liệt: Vườn hoa tươi đẹp thành gò bãi tiêu điều hoang phế. Có một gặp gỡ tình cờ qua trang sách “một lòng đau đến với một lòng đau” (Xuân Diệu)

Câu thơ gợi ra một nghịch cảnh giữa quá khứ và hiện tại: Vườn hoa bên Tây Hồ nay đã thành bãi đất hoang rồi, đồng thời thể hiện sự xót xa của Nguyễn Du trước sự đổi thay, sự tàn phá của thời gian đối với cái đẹp. Tuy cô đơn nhưng tương xứng trong cuộc gặp gỡ này. Một trạng thái cô đơn gặp một kiếp cô đơn bất hạnh.

Cảm xúc trước biến đổi của xã hội thường ám ảnh thơ văn thời kì Nguyễn Du. Nguyễn Gia Thiều từng than thở trước cảnh “bãi bể nương dâu” trong “Cung oán ngâm khúc”, Bà Huyện Thanh Quan thì ngậm ngùi trước “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ). Chính Nguyễn Du cũng từng giật mình khi trải qua “một cuộc bể dâu” (Truyện Kiều). Vì vậy, câu thơ ở đây, Nguyễn Du đâu chỉ khóc cho một cảnh Tây Hồ cụ thể mà còn khóc cho cuộc đời chung luôn biến đổi, lụi tàn.

Từ những gì còn sót lại, tác giả mở ra cuộc đời của Tiểu Thanh:

Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Son phấn” là chỉ Sắc đẹp. Tác giả ca ngợi sắc đẹp và tài năng của nàng Tiểu Thanh. Hình ảnh ẩn dụ cho Tiểu Thanh- người phụ nữ có nhan sắc. Tiểu Thanh có linh thiêng chắc cũng phải xót xa vì chết vẫn chưa yên, đến tập thơ còn lại cũng bị đốt dở.

Văn chương” là chỉ  tài năng, trí tuệ của Tiểu Thanh. Văn chương không có số mệnh, không có tội tình gì cũng bị đốt dở. Tài hoa, trí tuệ của Tiểu Thanh cũng bị hủy diệt đến cùng. Hình ảnh Tiểu Thanh hiện lên là một người có tài năng, có nhan sắc, nhưng lại chịu số phận cay nghiệt (cái sắc bị chôn, cái tài bị đốt).

“Chôn”, “đốt” là những động từ cụ thể hóa sự ghen ghét, sự vùi dập phũ phàng của người vợ cả đối với nàng Tiểu Thanh. Nhà thơ bày tỏ thái độ của xã hội phong kiến không chấp nhận những con người tài sắc.

Câu thơ như gợi ra dòng nước mắt của Nguyễn Du chảy từ nàng Tiểu Thanh sang thân phận nàng Kiều, Đạm Tiên, nối tới những đắng cay của người ca nữ đất La Thành, người gảy đàn đất Long Thành, hội tụ thành bể đau nhức nhối trong trái tim nhân đạo của người nghệ sĩ.

Giọng thơ nghe vừa xót xa vừa bất bình, oán trách. Tác giả tiếc thương cho Tiểu Thanh – người tài hoa bạc mệnh; bất bình oán trách những người đã gây ra bất hạnh cho Tiểu Thanh, mà trực tiếp là người vợ cả; bất bình, oán trách với xã hội mà ở đó tài năng con người không được nảy nở, nhan sắc con người không được trân trọng

Từ sự đồng cảm, nhà thơ nâng lên thành triết lí về số phận con người trong xã hội phong kiến: Tài hoa bạc mệnh, tài mệnh tương đố, hồng nhan đa truân…cái tài, cái đẹp thường bị vùi dập. Bên cạnh triết lý đó còn có sự ca ngợi, sự khẳng định trường tồn, bất tử của cái đẹp, tài năng (“vẫn hận, còn vương”). Giá trị nhân đạo sâu sắc của Nguyễn Du thể hiện rõ ở sự xót xa cho những người vì sắc vì tài mà bị hủy hoại:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư

“Cổ kim hận sự” chỉ mối hận xưa và nay, mối hận muôn đời, mối hận truyền kiếp. Đây chính là mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh. Nỗi hận kia không phải là nỗi hận của riêng nàng Tiểu Thanh, của Nguyễn Du mà của tất cả những người tài hoa trong xã hội phong kiến. Hễ người có tài sắc lại bị chà đạp, vùi dập. Chuyện của Tiểu Thanh đã thành chuyện muôn đời, chuyện muôn đời dồn lại trong câu chuyện của Tiểu Thanh nên cái hận thành ghê gớm, khiến cho câu thơ thành dồn nén: chuyện xưa và chuyện nay.

Thiên nan vấn” là nỗi lòng trắc ẩn, khó mà hỏi trời được vì đó là một thực tế, đã thành quy luật và chưa có lời giải đáp về sự vô lí đó. Giọng oán trách, bất bình khi nhà thơ ý thức về sự chà đạp tài năng và nhan sắc đang tồn tại trong xã hội phong kiến. Tác giả đau đớn, phẫn uất cao độ trước một thực tế vô lí: Người có sắc thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài thường cô độc.

Kì oan” là nỗi oan lạ lùng, phi lí. Nỗi oan do “nết phong nhã” gây ra. Vì có “nết phong nhã” mà mắc “oan khiên” thì thật là điều nghịch lý, trái ngang của cuộc đời.

Sự đồng điệu, đồng cảm: tự coi mình “cùng hội cùng thuyền”, cùng số phận và bi kịch (bị vùi dập, đơn độc…). Khóc vì cuộc đời dâu bể. Khóc thương Tiểu Thanh tài sắc mà bị đoạ đầy, phải chết oan khuất. Khóc cho chính mình vì bị vần xoay bởi thời cuộc, phải sống trong nỗi cô độc không người cảm thông chia sẻ. Khóc cho những thân phận tài hoa bạc mệnh bị vùi dập…

Từ sự thương người, ý thơ trong hai câu kết đột ngột chuyển sang thương mình. Đột ngột mà vẫn hợp lí bởi cả Tiểu Thanh và Nguyễn Du cùng tài hoa bạc mệnh:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Đây là câu hỏi tu từ. Nguyễn Du khóc nàng Tiểu Thanh và băn khoăn, khóc cho chính mình: Tình cảm, cảm xúc thương thân mình, thân người trào lên mãnh liệt không kìm nén được. Đó là nỗi cô đơn của nghệ sĩ lớn “Tiếng chim cô lẻ giữa trời thu khuya” (Xuân Diệu).

Câu thơ thể hiện sự trăn trở của tác giả: không biết người đời sau có ai “khóc” cho mình không? “Khóc” ở đây là sự đồng cảm, sẻ chia, tri âm. Nhà thơ mong người đời sau sẽ đồng cảm và sẻ chia với mình. Lời thơ mang nỗi cô đơn lạnh buốt, nỗi bơ bơ của tác giả trong sự thèm khát tri âm tri kỉ. Bởi trong hiện tại, nhà thơ chưa tìm thấy người đồng cảm, chỉ biết gửi niềm hi vọng ấy vào hậu thế.

Cảm thương cho số phận những người phụ nữ tài sắc mà bất hạnh là chủ đề lớn, bao trùm, xuyên suốt trong sáng tác của Nguyễn Du (Truyện Kiều, Văn chiêu hồn, Long Thành cầm giả ca, Độc Tiểu Thanh kí). Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du từng trăn trở: “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, “chữ tài liền với chữ tai một vần” thì ở đây ta cũng thấy rõ xã hội phong kiến thối nát thù hận, đối nghịch với tài năng, phẩm giá con người. Có lẽ vì vậy, đại thi hào mới cảm thấy cô đơn, bơ vơ trong xã hội ấy.

Bài thơ có giá trị phê phán, tố cáo đối với xã hội phong kiến bất công, vô nhân đạo đương thời, đã vùi dập cái tài, cái đẹp.Không chỉ riêng Nguyễn Du, tư tưởng nhân đạo luôn là đề tài lớn trong ca xưa và nay (Tì bà hành – Bạch Cư Dị,….). Đây là vấn đề lớn lao, sâu sắc, không có giới hạn không gian và thời gian… Và cũng không cần đợi ba trăm năm, nhân kỉ niệm hai trăm năm ngày sinh của Nguyễn Du, Tố Hữu đã viết bài “Kính gửi cụ Nguyễn Du” thể hiện sự đồng cảm sâu sắc và sự trân trọng tài năng thơ Nguyễn Du:

“Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”.

(Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)

  • Kết bài:

Bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” không chỉ là niềm cảm thông của tác giả đối với số phận nàng Tiểu Thanh và những người tài hoa bạc mệnh, mà còn tâm sự sâu kín của nhà thơ. Qua đó, ta thấy Nguyễn Du là người nghệ sĩ có trái tim nhân đạo, giàu tình thương yêu, trân trọng tài năng và vẻ đẹp con người. Ngôn ngữ thơ cô đọng, đa nghĩa, giàu hình ảnh, có giá trị biểu cảm, thể hiện sâu sắc tài năng nghệ thuật bậc thầy của Nguyễn Du.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang