Đọc hiểu chủ đề cho và nhận.
Đề bài 1:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Trong dòng đời vội vã có nhiều người dường như đã quên đi tình nghĩa giữa người với người. Nhưng đã là cuộc đời thì đâu phải chỉ trải đầy hoa hồng, đâu phải ai sinh ra cũng có được cuộc sống giàu sang, có được gia đình hạnh phúc toàn diện mà còn đó nhiều mảnh đời đau thương, bất hạnh cần chúng ta sẻ chia, giúp đỡ. Chúng ta đâu chỉ sống riêng cho mình, mà còn phải biết quan tâm tới những người khác. (Đó chính là sự “cho” và “nhận” trong cuộc đời này).
“Cho” và “nhận” là hai khái niệm tưởng chừng như đơn giản nhưng số người có thể cân bằng được nó lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ai cũng có thể nói “Những ai biết yêu thương sẽ sống tốt đẹp hơn” hay “Đúng thế, cho đi là hạnh phúc hơn nhận về”. Nhưng tự bản thân mình, ta đã làm được những gì ngoài lời nói? Cho nên, giữa nói và làm lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình. Đâu phải ai cũng quên mình vì người khác. Nhưng xin đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình. Xin hãy sống vì mọi người để cuộc sống không đơn điệu và để trái tim có những nhịp đập yêu thương.
Cuộc sống này có qua nhiều điều bất ngờ nhưng cái quan trọng nhất thực sự tồn tại là tình yêu thương. Sống không chỉ là nhận mà còn phải biết cho đi. Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.
(Trích “Lời khuyên cuộc sống…”. Nguồn: radiovietnam.vn/…/xa…/loi-khuyen-cuoc-song-suy-nghi-ve-cho-va-nhan)
Câu 1. Nội dung chính của văn bản trên?
Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Hạnh phúc mà bạn nhận được khi cho đi chỉ thật sự đến khi bạn cho đi mà không nghĩ ngợi đến lợi ích của chính bản thân mình.’’ ?
Câu 3. Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Chính lúc ta cho đi nhiều nhất lại là lúc ta được nhận lại nhiều nhất.”?
Câu 4. Anh/chị hãy nêu thông điệp từ đoạn trích?
GỢI Ý TRẢ LỜI.
Câu 1: Nội dung chính của đoạn văn: Bàn về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
Câu 2: Người “cho đi” chỉ thật sự hạnh phúc khi hành động đó xuất phát từ tấm lòng yêu thương thực sự, không tính toán hơn thiệt, không vụ lợi.
Câu 3:
– Nếu như ta đem một niềm vui đến cho người khác có nghĩa là đã tạo được cho mình một niềm hạnh phúc.
– Nếu như ta đem nhiều niềm vui đến cho nhiều người, có nghĩa là ta đã đón nhận rất nhiều niềm vui hạnh phúc.
Câu 4: Thí sinh tự rút ra những ý nghĩa có giá trị sâu sắc định hướng cho nhận thức và hành động của bản thân và có kĩ năng diến đạt rõ, gọn).
– Cái quan trọng nhất thực sự tồn tại trong cuộc sống là tình yêu thương. Chúng ta không chỉ sống cho riêng mình mà phải biết sống vì người khác. Vì thế đừng quá chú trọng đến cái tôi của chính bản thân mình, phải biết sống vì mọi người, yêu thương, chia sẻ.
Đề bài 2:
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
“Người ta bảo ở bên Pa – le – xtin có hai biển hồ… Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loại cá nào có thể sống nổi. Ai ai cũng đều không muốn sống gần đó. Biển hồ thứ hai là Ga – li – lê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước ở biển hồ lúc nào cũng trong xanh mát rượi, người có thể uống được mà cá cũng sống được. Nhà cửa được xây cất rất nhiều ở đây. Vườn cây xung quanh tốt tươi nhờ nguồn nước này.
Nhưng điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc – đăng. Nước sông Gioóc – đăng chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Ga – li – lê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc – đăng rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú, con người.”
(Trích “Quà tặng cuộc sống”, SGK Ngữ văn 7, tập 2, NXBGD, 2008)
Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên.
Câu 2 (0,5 điểm). Theo tác giả, điểm giống nhau và khác nhau giữa biển Ga – li – lê và biển Chết là gì?
Câu 3 (1,25 điểm). Chỉ ra và nêu tác dụng của nghệ thuật nhân hóa được sử dụng trong văn bản?
Câu 4 (0,75 điểm). Theo anh/ chị, đâu là điểm gặp gỡ về lẽ sống như đời sống của biển Ga – li – lê và lẽ sống của nhân vật trữ tình trong khổ thơ sau:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, SGK Ngữ văn 9, tập 2, NXBGD, 2007)
Câu 5 (1,0 điểm). Hãy rút ra và ghi lại thông điệp từ văn bản trên bằng một câu văn. Viết tiếp 3 câu để lí giải thông điệp mà anh/ chị vừa rút ra.
GỢI Ý TRẢ LỜI.
Câu 1. Trả lời: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2.
– Giống nhau: cùng đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc – đăng.
– Khác nhau:
+ Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình, nên nước trong biển Chết không có sự sống.
+ Biển Ga – li – lê đón nhận và chia cho hồ, sông, nên nước luôn sạch trong và đầy sự sống.
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của nghệ thuật nhân hóa.
– Chỉ ra nghệ thuật nhân hóa: Biển Chết đón nhận và giữ riêng cho mình mà không chia sẻ nguồn nước; Biển hồ Ga – li – lê đón nhận nguồn nước…
– Tác dụng:
+ Làm nổi bật sự khác biệt về đời sống của biển Ga – li – lê và biển Chết, nhấn mạnh về hai cách sống trái ngược nhau của con người: lẽ sống biết sẻ chia, yêu thương như biển Ga – li – lê và lối sống ích kỉ như biển Chết.
+ Chuyển tải thông điệp của tác giả về lẽ sống: Hãy sống biết trao gửi yêu thương, biết cho đi thì sẽ hạnh phúc; ngược lại, lối sống ích kỉ sẽ giết chết con người.
+ Làm cho cách diễn đạt giàu hình ảnh, sinh động.
Câu 4. Điểm gặp gỡ về lẽ sống như đời sống của biển Ga – li – lê và lẽ sống của nhân vật trữ tình trong khổ thơ của Thanh Hải: Lẽ sống cống hiến, trao gửi yêu thương.
+ Biển Ga – li – lê: chia sẻ, bao trao cho những dòng sông nhỏ để làm giàu đời sống của mình.
+ Nhân vật trữ tình: khao khát hòa nhập và hiến dâng một cách lặng thầm, tự nguyện tuổi trẻ và những điều tốt đẹp cho cuộc đời.
Câu 5.
– HS biết rút ra thông điệp hợp lí và viết dưới dạng một câu văn:
– Lối sống cao thượng.
– Cần biết cho đi và nhận lại.
– Bài học về lẽ sống đẹp.
– Cái giá của sự ích kỉ….