dan-bai-phan-tich-khuynh-huong-su-thi-va-cam-hung-lang-man-qua-doan-tho-nhung-duong-viet-bac-cua-ta-viet-bac-to-huu

Dàn bài: Phân tích khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đoạn thơ: Những đường Việt Bắc của ta… (Việt Bắc – Tố Hữu)

Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn qua đoạn thơ: “Những đường Việt Bắc của ta…” (Việt Bắc – Tố Hữu)

“Những đường Việt Bắc của ta
Ngày đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”


I. Mở bài:

– Yêu biết mấy những vần thơ Tố Hữu, những vần thơ đã khắc họa thật đẹp một tình yêu lớn, một lẽ sống lớn, một nhân cách lớn. Trong thơ của ô ta đã tìm gặp lại được cả chặng đường hành trình gian khổ của một thời đại đất nước, dân tộc đã đi qua. Không ít những trang thơ mà nhà thơ trọn đời vì sự nghiệp cách mạng mà hiến dâng ngòi bút của mình này đã ngợi ca thật hào hùng, để lại cho bạn đọc lòng tự hào và tình yêu quê hương thắm thiết hơn bao giờ hết:

“Những đường Việt Bắc của ta
……..
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

II. Thân bài:

1. Tác giả: Trong suốt nhiều thập kỉ từ những năm 1930 – 1970, Tố Hữu luôn được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Tố Hữu sáng tác đều đặn, rất thành công và có thể coi là bám sát nhất những nhiệm vụ cách mạng của dân tộc ta và cũng là nhà thơ được đón đợi, mến mộ nhất trong thời gian ấy. Với 5 tập thơ tương ứng với những giai đoạn cách mạng quan trọng của dân tộc ta: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa, thơ.

2. Tác phẩm:

Hoàn cảnh sáng tác:

• Việt Bắc là khu căn cứ của cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Tháng 7/ 1954 , hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được kí kết. Hòa bình lập lại, miền Bắc được giải phóng và đi lên xây dựng CNXH một trang sử mới của đất nước mở ra.
• Tháng 10/ 1954 , TW Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc về Hà Nội, những người kháng chiến (trong đó có Tác giả Tố Hữu) từ căn cứ miền núi về miền xuôi chia tay Việt Bắc, chia tay khu căn cứ Cách mạng trong kháng chiến. Nhân sự kiện có tính lịch sử này Tố Hữu sáng tác bài thơ “Việt Bắc” Bài thơ “Việt Bắc” là đỉnh cao của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Về nội dung chính:

• Tái hiện những kỉ niệm Cách mạng, kháng chiến. Khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp.
• Gợi viễn cảnh tươi sáng của đất nước, ca ngợi công lao của Đảng và Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp.
• Thể hiện tình cảm của Tố Hữu đối với quê hương Cách mạng Việt Bắc: yêu mến, gắn bó, tự hào về truyền thống cao đẹp của dân tộc, đất nước.

⇒ Việt Bắc là khúc hùng ca, tình ca về Cách mạng, về kháng chiến, về những con người trong kháng chiến chống Pháp.

3. Giải thích:

Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm bao trùm trong văn học giai đoạn thơ ca kháng chiến chống Mỹ, đặc điểm ấy cũng thể hiện đậm nét trong thơ ca cách mạng. Khuynh hướng sử thi không chỉ bó hẹp trong một số bài thơ mà gần như là hơi thở xuyên suốt hầu hết các tác phẩm thơ ca. Dù dung lượng hạn chế của một bài thơ, một đoạn thơ nhỏ nhưng những vần thơ ấy có sức bao quát cả một giai đoạn lịch sử, một chiến dịch lớn, nói lên những vấn đề hệ trọng của một dân tộc và thời đại, vận mệnh của đất nước và nhân dân. Cảm hứng anh hùng và cảm hứng yêu nước, ý thức độc lập, ý thức tự chủ, sự thống nhất giữa cá nhân và cộng đồng, dân tộc là cảm hứng chủ đạo, bao trùm trong thơ.

4. Cảm nhận về đoạn thơ::

– Khái quát chủ đề của đoạn thơ: Hình ảnh Việt Bắc ra trận kháng chiến và chiến thắng. Bao trùm đoạn thơ là những nỗi nhớ với tất cả niềm tự hào, nhớ những con đường chiến dịch, nhớ đoàn quân, nhớ dân công,…, nhớ chiến dịch, nhớ đèn pha ra trận,…Qua đó tác giả ngợi ca sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam trong máu lửa chiến tranh.

– Phân tích:

+ 2 câu thơ đầu tái hiện lại con đường Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp với những nẻo đừơng hành quân, nẻo đường chiến dịch,…

“Những đường Việt Bắc của ta
Ngày đêm rầm rập như là đất rung”

+ Các từ láy “đêm đêm”, “rầm rập”, “điệp điệp”, “trùng trùng” cùng lối so sánh “như là đất rung” đã gợi tả thật hay, thật hào hùng âm vang cuộc kháng chiến thần thánh và sức mạnh nhân nghĩa 4000 năm của dân tộc. Khí thế chiến đấu thần kì của quân dân Việt Bắc làm rung đất chuyển trời mà không một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn cản được.

+ Khổ thơ tràn đầy âm hưởng anh hùng ca, mang dáng vẻ một sử thi hiện đại. Chỉ vài nét phác hoạ khung cảnh hùng tráng của cuộc kháng chiến ở Việt Bắc, Tố Hữu đã cho người đọc thấy khí thế hào hùng, mạnh mẽ của khối đoàn kết toàn dân toàn diện, của sự hoà quyện, gắn bó giữa thiên nhiên với con người – tất cả tạo thành hình ảnh đất nước đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do, vì hạnh phúc, tương lai của dân tộc.

+ Bức tranh hoành tráng trước hết được thể hiện ở không gian rộng lớn, những nẻo đường chiến khu Việt Bắc, giờ đây là “của ta”. Đêm đêm những bước chân hành quân rầm rập, làm rung chuyển cả đất trời, bước chân của những người khổng lồ đội trời đạp đất, làm nên những kì tích anh hùng.

+ Nổi bật lên là hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam, ý thơ phô trương sức mạnh hùng hậu của Quân đội ta: “Quân đi điệp điệp trùng trùng / Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”, chỉ hai câu mà tạc được bức phù điêu điệp trùng, hùng vĩ của Việt Bắc kháng chiến. Càng đẹp và sống động hơn hình ảnh ánh sao đầu súng lấp lánh dưới trời đêm, khiến người đọc nhớ đến “Đầu súng trăng treo”của Chính Hữu. Những câu thơ giàu chất tạo hình vừa hiện thực, vừa lãng mạn gợi nhiều liên tưởng về vẻ đẹp của người chiến sĩ.

+ Cả dân tộc ra trận chống Pháp với sức mạnh không gì ngăn được:

“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

Những câu thơ đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn tái hiện lại khí thế kháng chiến, ra trận của quân ta. Đoàn quân ra trận đông đảo, người người lớp lớp như sóng cuộn “ điệp điệp trùng trùng” .

Câu thơ “Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan” là một tứ thơ sáng tạo, vừa thực vừa ảo . “Ánh sao đầu súng” là ánh sao đêm phản chiếu vào nòng súng thép, ánh sao của bầu trời Việt Bắc, ánh sao lí tưởng chiến đấu vì độc lập tự do như soi sáng nẻo đường hành quân ra trận cho anh bộ đội cụ Hồ.

Tác giả thành công ở bút pháp cường điệu trong câu “Bước chân nát đá …” , bút pháp cường điệu tạo nên âm điệu anh hùng ca, gợi tả sức mạnh Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Quân ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh thì càng thắng lớn.

Những năm đầu kháng chiến, quân và dân ta chỉ có ngọn tầm vông, giáo mác, vũ khí thô sơ. Ta càng đánh càng mạnh, lực lượng kháng chiến ngày thêm hùng hậu. Quân đội ta đã phát triển thành những binh đoàn, có pháo binh, có đoàn xe kéo pháo chở súng đạn, chở binh lương ra tiền tuyến:

+ 2 câu thơ:

“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

Ngọn đèn pha của đoàn xe kéo pháo, của đoàn xe vận tải “bật sáng” phá tan những lớp sương dày, đẩy lùi những thiếu thốn, khó khăn, soi sáng con đường kháng chiến để “ ngày mai lên”. Hình ảnh thơ mang ý nghĩa tượng trưng cho một tương lai tưoi sáng của đất nước Con đường Việt Bắc, con đường ra trận đầy máu lửa và chiến công và đó cũng là con đường đi tới ngày mai huy hoàng tráng lệ của đất nước, của dân tộc.

Nhà thơ sử dụng hình ảnh đối lập “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày/ Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” diễn tả cảm hứng tự hào, lạc quan tin tương về một tương lai tươi sáng của chiến khu trường kì gian khổ. Dù hôm nay và cả nghìn đêm đã qua, dân tộc phải chìm trong thăm thẳm của khói lửa đau thương; tăm tối, mịt mù của chiến tranh, của đói nghèo thì hãy tin rằng ngày mai, ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng. Cuộc đời sẽ rộng mở, tươi sáng như ánh đèn pha đang chiếu vào bóng tối, sương mù, mở đường cho xe ta ra mặt trận

+ Bốn câu thơ cuối đoạn thể hiện niềm vui chiến thắng lớn của quân dân Việt Bắc, của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hoà Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.”

Một lần nữa Tố Hữu gọi tên các địa danh “chiến thắng trăm miền” trên đất nước thân yêu : Hòa Bình, Tây Bắc , Điện Biên, Đồng Tháp,…Mỗi địa danh ghi lại một chiến công.Tác giả gọi tên địa danh với niềm hân hoan , tự hào chiến thắng.

Cách nói của tác giả khá độc đáo, khá hay : “ Tin vui…vui về …vui từ …vui lên”. Chiến thắng không phải chỉ một vài nơi rời rạc mà trăm miền, điệp từ “ vui” diễn tả niềm vui lớn, tiếng reo mừng chiến thắng cất lên từ trái tim của hàng triệu con người Việt Nam từ Bắc chí Nam.

⇒ Đây là đoạn thơ hay và đẹp trong bài thơ “ Việt Bắc”. Đoạn thơ vang lên như một khúc ca thắng trận của quân dân Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Khẳng định, ngợi ca, tự hào về quê hương Việt Bắc “Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa” . Đoạn thơ tỏa sáng hồn ta ngọn lửa Điện Biên thần kì và chấn động lòng ta nỗi nhớ vè một tình yêu lớn – yêu Việt Bắc, yêu Cách mạng và yêu quê hương đất nước Việt Nam. Đoạn thơ thể hiện sự gắn bó ân tình sâu nặng của Tố Hữu với Việt Bắc, với Cách mạng .

* Nghệ thuật:

• Thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc.
• Sử dụng từ ngữ và các phép điệp tạo giọng điệu mạnh mẽ, mang âm điệu anh hùng ca.
• Đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn

⇒ Nếu những đoạn trước, âm điệu thơ êm ả, ngọt ngào như lời ru (Mình về / mình có / nhớ ta. Mười lăm năm ấy / thiết tha mặn nồng) thì ở đoạn này, nhà thơ đã phá vỡ tính cân xứng để tạo ra tiết tấu phi đối xứng (Quân đi/ điệp điệp trùng trùng…, Dân công/ đỏ đuốc từng đoàn…, Nghìn đêm/ thăm thẳm sương dày), làm cho giọng thơ trở nên gay gắt, mạnh mẽ, dồn dập như âm hưởng bước chân hành quân của quân và dân ta, nườm nượp, trùng điệp trên những nẻo đường ra trận. Hệ thống từ vựng mở căng độ diễn tả (nát đá, thăm thẳm, bật sáng). Hình ảnh con người kì vĩ, ý thơ phóng xa vào viễn cảnh… Tất cả tạo nên một bức tranh sử thi hoành tráng để ngợi ca sức mạnh của nhân dân anh hùng, đất nước anh hùng.

III. Kết bài:

Viết về Việt Bắc chiến đấu và chiến thắng, Tố Hữu không viết riêng về một vùng đất mà trở thành biểu tượng chung cho sức mạnh kháng chiến, cho linh hồn cách mạng, cho ý chí của toàn dân tộc trong cuộc trường chinh vĩ đại. Thơ ca cách mạng đã tìm được vẻ đẹp toàn bích trong thành công của bài thơ Việt Bắc. Nhà thơ nói về lí tưởng, về cách mạng, về truyền thông tinh thần của dân tộc, đất nước với tình cảm say mê nồng nhiệt, với những rung động của một trái tim yêu nước. Tiếng lòng của nhà thơ cũng là tiếng lòng của nhân dân kháng chiến, của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang