mot-so-dang-bai-nghi-luan-ve-van-de-xa-hoi-dat-ra-trong-tac-pham-van-hoc

Một số dạng bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

Một số dạng bài nghị luận về vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

TT

Đề bài

1Từ câu chuyện cổ tích Tấm Cám, anh (chị) có suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong xã hội?
2“Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ”

(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Chuyện “Quạt nồng, ấp lạnh” của Thuý Kiều gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về cách cư xử của con cái với cha mẹ trong xã hội ngày nay ?

3Từ bài Tiến sĩ giấy của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hiện nay.
4Trong đoạn trích Lẽ ghét thương, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã bày tỏ lòng mình qua ý thơ: Vì chưng hay ghét cũng là hay thương.

Anh (chị) hiểu ý thơ trên như thế nào? Từ đó, hãy viết một bài văn nghị luận để bàn về chuyện ghét – thương của con người trong cuộc sống hôm nay.

5Từ đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ) của nhà văn Vũ Trọng Phụng; anh (chị) hãy viết một bài văn để trình bày suy nghĩ của mình về cái thật và cái giả trong cuộc sống hôm nay.
6Bằng những hiểu biết về bài thơ Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu, anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về khát vọng sống và khát vọng hưởng thụ của con người trong xã hội.
7Phải chăng hiện tượng người trong bao không chỉ có trong truyện ngắn của Sê Khốp mà đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội ngày nay ?
8Từ truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao, anh (chị) hãy trình bày quan điểm của mình về tình trạng “sống thừa” của con người trong xã hội…
9Nhân được học một số bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, anh (chị) hãy viết bài văn bàn về ý chí và nghị lực của con người
10Từ tình yêu Kinh Bắc của Hoàng Cầm trong bài thơ Bên kia sông Đuống, bàn về tình yêu quê hương, đất nước.
11Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân) và Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.
12 Từ bài thơ Đò Lèn của Nguyễn Duy, nhớ và nghĩ về những kỉ niệm tuổi thơ.
13Từ truyện ngắn Một người Hà Nội (Nguyễn Khải) và Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), anh (chị) hãy nêu vai trò của gia đình đối với mỗi người?
14Từ tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu, anh (chị) có cảm nghĩ và suy tư gì về mối quan hệ giữa cuộc sống nghèo khó và tình trạng bạo lực gia đình trong xã hội hôm nay ?
15Từ nghịch cảnh của nhân vật Trương Ba trong trích đoạn Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ), bàn về nỗi khổ của con người khi không được sống là mình.
16Ông lão trong Ông già và biển cả của Hê-minh-uê gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về niềm tin và nghị lực trong cuộc sống ?
17Từ cuộc đời nhân vật Xô-cô-lốp trong Số phận con người của M. Sô-lô-khốp, nghĩ về những mất mát và nỗi đau do chiến tranh để lại.
18Con cò mà đi ăn đêm,

Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

Ông ơi, ông vớt tôi nao!

Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.

Có xáo thì xáo nước trong,

Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con

Từ bài ca dao, hãy bàn về vấn đề lẽ sống của con người Việt Nam.

19Đọc bài thơ dưới đây:

… Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.

Nhà mình bên đường họ tới
Có cho, thì đáng là bao ?
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.

Mình tạm gọi là no, ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…

(Dặn con, Trần Nhuận Minh)

Lời dặn con của người cha trong bài thơ trên, gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về cách ứng xử với những người bất hạnh trong cuộc sống ?

20Đọc câu chuyện dưới đây:

         Từ hồi còn học trung học, cha tôi có thói quen vặn đồng hồ chạy nhanh năm phút. Rồi vào đại học, ra trường, đi tìm việc làm, lập gia đình… cha tôi vẫn giữ thói quen như thế. Cha dạy tôi: “Phải luôn tôn trọng giờ giấc và đừng để ai khó chịu vì mình chậm trễ con ạ”.

          Năm ngoái được thăng chức giám đốc, cha thay đổi thói quen đột ngột: cha vặn đồng cho chạy chậm năm phút. Tôi thắc mắc, hỏi tại sao, cha trả lời: “Phải nghiêm khắc với chính mình nhưng lại rộng lượng với người khác con ạ!”

(Sống ở đời, Phạm Quốc)

Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) bài học gì về việc sống ở đời ?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang