»» Nội dung bài viết:
Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”
- Mở bài:
Mọi thành tựu trên mặt đất này có được là do con người cần cù kết tạo nên. Không một thành công nào đến dễ dàng nếu con người không có quyết tâm phấn đấu. Hiểu được điều này, ông cha cha đã đúc kết thành câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Đây là một nhận định hoàn toàn đúng đắn, một bài học sâu sắc dành cho tát cả chúng ta.
- Thân bài:
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:
* Về nghĩa đen: “Mài sắt” là hành động gọt, giũa cây sắt – một loại kim loại cứng, khó gọt đẽo, khó làm cho biến đổi, thay đổi thành hình dáng theo ý mình mong muốn. “Nên kim” là biến cây sắt thô vụng thành cây kim – dụng cụ để khâu vá có hình dáng rất nhỏ, mảnh mai.
* Về nghĩa bóng: “Mài sắt” là kiên trì, bền bỉ từng bước vượt qua những gian nan, thử thách trong cuộc sống này. “Nên kim” là kết quả đạt được qua quá trình lao động vất vả.
→ Ý nghĩa: Mượn hình ảnh “sắt” và “kim”, câu tục ngữ khẳng định sức mạnh và vai trò của ý chí kiên cường và lòng kiên trì bền bỉ đối với thành công của con người. Có nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ thì khó khăn, trở ngại dù lớn đến mấy thì cũng có thể vượt qua.
2. Tại sao có thể nói “Có công mài sắt có ngày nên kim”?
– Cuộc sống luôn đặt ra những khó khăn, trở ngại và thử thách để con người vượt qua. Để đạt được thành công, để vươn tới cái đẹp của cuộc đời thì con người phải trải qua những gian nan, thử thách ấy. Cách duy nhất để gạt bỏ vật cản và đi tới thành công là phải có ý sự nỗ lực, kiên trì.
– Con người phải chịu khó, nhẫn lại vượt qua khó khăn thì mới trưởng thành. Công việc càng gian nan thì thành quả đạt được càng đáng tự hào.
– Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy cho con cháu bài học tương tự về lòng kiên trì như “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, “Thất bại là mẹ thành công”… Có ý chí, nghị lực và kiên trì sẽ giúp con người vượt qua thử thách. Không ý chí, nghị lực và kiên trì thì không làm được gì hết, dù là việc đơn giản dễ làm.
Dẫn chứng:
– Nguyễn Văn Siêu xưa kia viết chữ rất xấu nhưng nhờ khổ công rèn luyện, ông đã được tôn làm “Thần Siêu” với biệt tài văn hay chữ tốt.
– Thầy Nguyễn Ngọc Ký sinh ra bị khuyết tật cả hai tay. Không chịu đầu hàng số phận, thầy kiên trì luyện viết chữ bằng chân. Nhờ kiên trì, bền bỉ, cuối cùng, thầy không những viết được chữ bằn chân mà còn viết chữ rất đẹp.
– Những cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm hay cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ là bằng chứng sống cho chân lý: có ý chí, lòng quyết tâm thì mới có thắng lợi. Nếu nhân dân ta không kiên cường, chịu khó chịu khổ đấu tranh thì liệu ngày hôm nay, chúng ta có được sống trong hòa bình độc lập?
– Người nông dân Việt Nam đã phải “dầu mưa dãi nắng”, “đầu tắt mặt tối” ngoài đồng ruộng với mong ước có một vụ mùa bội thu. Dù hạn hán, dù lũ lụt, ý chí vươn lên thoát đối thoát nghèo của họ vẫn không thay đổi.
– Nick Vuijic, một người bị tật nguyền mất cả hai tay và hai chân nhưng với quyết tâm, ý chí nghị lực vươn lên, anh đã trở thành người diễn thuyết giỏi và truyền cảm hứng sống cho biết bao mảnh đời bất hạnh khác.
– Nhà bác học Edison đã phải miệt mài thực hiện đến 1000 thí nghiệm thì mới tìm ra được chất làm nên dây tóc bóng đèn. Nếu không có niềm say mê, kiên trì, nhẫn nại đó thì chắc giờ đây nhân loại vẫn còn chìm trong bóng tối.
→ Họ là những minh chứng rõ ràng và thuyết phục cho chân lý: “Có chí thì nên”.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Câu tục ngữ là bài học về một phẩm chất đáng quý của con người, khẳng định truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
– Cần rèn luyện cho mình ý chí và nghị lực và học tập những tấm gương dám sống và dám đi đến thành công.
– Phê phán những còn người thiếu ý chí quyết tâm, dễ dàng buông bỏ đi ước mơ, mục tiêu của mình.
- Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” là một lời dạy thiết thực, đúng đắn và rất hữu ích đối với mỗi chúng ta. Học tập câu tục ngữ, mỗi học sinh không ngừng kiên trì, nỗ lực vươn lên trong học tập, trở thành con ngoan, trò giỏi để thầy cô vui lòng, ba mẹ tự hào.