»» Nội dung bài viết:
Đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân” và “Kiều ở lầu Ngưng Bích”.
Nguyễn Du đã rất tài tình trong việc họa nên những bức tranh thiên nhiên sống động, tuyệt mỹ, nhiều sắc thái, điều khiển ngôn ngữ tài tình đến độ bậc thầy, có thể tái hiện những bức tranh tuyệt đẹp vào tâm trí người đọc thông qua ngôn từ nghệ thuật.
Bút pháp “thi trung hữu họa” cổ điển.
– Chọn những chi tiết đặc sắc, tiêu biểu để làm bật lên cái hồn của cảnh vật; kết hợp hài hòa giữa bút pháp miêu tả tỉ mỉ, chi tiết và bút pháp điểm xuyết, chấm phá.
+ Cảnh ngày xuân: Đó có thể là bức tranh mùa xuân tinh khôi, tràn đầy sức sống:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
+ Kiều ở lầu Ngưng Bích: Hay đó cũng có thể là không gian rộng lớn, bao la, mênh mông, heo hút:
“Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”
– Nắm bắt sự vận động của thiên nhiên, cảnh vật, những bức tranh thiên nhiên không hề tĩnh tại, vô hồn, mà luôn biến đổi:
+ Cảnh ngày xuân: Hai câu thơ: “Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”: bằng việc xóa đi đường chân trời, tiếp biến màu xanh của cỏ và màu xanh của trời hòa trộn trong sức sống tươi đẹp tinh khôi của mùa Xuân, Nguyễn Du như thâu tóm được sự vận động của thiên nhiên, đất trời, của mùa xuân. Từng sóng cỏ gợn miên man đến tận chân trời, tạo cảm giác dễ chịu, êm ái. Sự vận động có nét tương đồng với thơ Hàn Mặc Tử: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời”.
+ Kiều ở lầu Ngưng Bích: Trong đoạn thơ miêu tả cảnh vật trước lầu Ngưng Bích, bằng việc sử dụng các cặp từ đối lập “xa – gần”, “nọ – kia”, “sớm – khuya”, Nguyễn Du đã khắc họa được quá trình mở rộng chiều kích của không gian và thời gian, không gian bao la, rộng lớn, mênh mông, bát ngát lại càng như bao la hơn, rộng lớn hơn, mênh mông bát ngát hơn. Thời gian đằng đẵng, xoay vòng, lại như càng dài ra thêm. Sự mở rộng chiều kích không gian và thời gian này gắn sự quan sát, cảm nhận của Thúy Kiều. Không gian, thời gian càng tăng chiều kích, con người càng nhỏ bé, lẻ loi.
Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình được Nguyễn Du đẩy lên tầm cao mới.
Nguyễn Du từng viết: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Thơ ca bao giờ cũng là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người, mục đích cuối cùng của thơ bao giờ cũng là một “người thư kí trung thành của trái tim”, để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, kết nối những trái tim. Thiên nhiên trong thơ không đơn thuần chỉ là cảnh vật, mà đó cũng là tâm hồn, là tình cảm, là trái tim của mỗi con người.
Biểu hiện của bút pháp tả cảnh ngụ tình trong hai đoạn trích:
– Sử dụng những từ láy đa nghĩa, vừa tả sắc thái thiên nhiên, vừa nói lên tâm trạng con người để tạo hiệu quả “nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước dần theo ngọn tiểu khê
Lần theo phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang”
(Cảnh ngày xuân)
Các từ “tà tà”, “thanh thanh”, “nao nao” vừa là sắc thái cảnh vật, êm đềm, trầm lắng, man mác, vừa là những từ gợi đến nỗi lòng con người: một nỗi buồn khó nói, gợn nhẹ, mênh mang. Tâm hồn con người phong phú, nhạy cảm trước sự biến đổi của thiên nhiên, gợn chút nuối tiếc khi buổi du xuân đã kết thúc, ngày xuân tươi đẹp đang dần qua đi. Đặc biệt từ láy “nao nao” sử dụng rất đắt, nó còn dự báo cho sự việc sắp tới, khi Kiều chuẩn bị gặp mộ Đạm Tiên, sự việc được xem như là khởi đầu cho chuỗi truân chuyên định mệnh của cuộc đời Kiều.
– Các hình ảnh thiên nhiên được nhìn qua đôi mắt tâm trạng của con người, nên cũng mang nặng tâm trạng:
Trong đoạn trích “Cảnh ngày xuân”, mở đầu cuộc du xuân thì thiên nhiên tuy thoáng một chút tiếc nuối vì “Thiều quan chín chục đã ngoài sáu mươi”, nhưng cảnh vật hiện lên vẫn tươi xanh, mơn mởn, tinh khôi, thấm đẫm tâm trạng háo hức của những người trẻ trong buổi du xuân “Dập dìu tài tử giai nhân/Ngựa xe như nước áo quần như nêm. Đến khi tàn cuộc, thì thiên nhiên đượm buồn. Thời gian buổi chiều tà man mác một nỗi lưu luyến. Hình ảnh thiên nhiên hiện lên nhỏ bé, trầm trầm: “ngọn tiểu khê”, “dòng nước uốn quanh”, “nhịp cầu nho nhỏ”.
– Bỏ qua những quy luật bình thường của đời sống để làm nổi bật lên quy luật của tình cảm:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”
(Kiều ở lầu Ngưng Bích)
Cảnh “non xa – trăng gần”, đó là sự bố trí cảnh vật không theo quy luật phối cảnh, nhưng theo điểm nhìn của nhân vật. Bởi vì trong cái nhìn của nhân vật vào ban đêm, trăng sáng hơn nổi bật hơn, núi nhạt nhòa hơn, nên dễ có cảm tưởng trăng gần hơn núi. Nhưng quan trọng hơn cả là trong hoàn cảnh bị giam cầm, cảnh núi non mênh mông hoang tàn khiến Kiều cảm thấy cô đơn, lạc lõng, chỉ có ánh trăng là người bầu bạn, nên mới có cảm giác “vẻ non xa tấm trăng gần”.
– Xây dựng những bức tranh tâm cảnh đa dạng, nhiều cung bậc, tăng tiến như những đợt sóng tràn, hình ảnh thiên nhiên trở thành ẩn dụ cho thân phận con người, cho tâm trạng con người:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”
(Kiều ở lầu Ngưng Bích)
– Truyện Kiều là một kiệt tác văn chương, nhưng dường như còn là một kiệt tác hội họa, khi Nguyễn Du đã dựng nên những bức tranh thiên nhiên sinh động, phong phú, có hồn. “Thơ là thơ, đồng thời là nhạc, là họa, là chạm khắc theo một cách rất riêng” (Sóng Hồng).
– Thiên nhiên trong Truyện Kiều thấm đẫm tâm trạng con người, thiên nhiên như một người tri kỉ bầu bạn, thấu hiểu nỗi lòng con người. Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc của Nguyễn Du, thể hiện tấm lòng cảm thông, đồng cảm với nhân vật của bậc đại thi hào dân tộc. Từ đó chúng ta thấy được giá trị nhân đạo sâu sắc của Truyện Kiều.
– Nguyễn Du đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn nhiều thủ pháp nghệ thuật trong việc miêu tả thiên nhiên: miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, miêu tả chấm phá, nghệ thuật lấy điểm tả diện…
Đặc sắc nhất chính là nghệ thuật sử dụng ngôn từ vào loại bậc thầy của Nguyễn Du:
– Sử dụng một cách đắc địa ngôn ngữ dân tộc với những từ láy, những từ gợi tả; sử dụng tinh tế từ Hán Việt để tạo sắc thái trang trọng, hoài cổ, bàng bạc. Đặc biệt, Nguyễn Du rất tài tình trong việc vận dụng thể thơ lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc để diễn tả sự vận động của thiên nhiên, cảnh vật. “Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn” (Chế Lan Viên).
Phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)