»» Nội dung bài viết:
Có ý kiến cho rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” nhưng có người khác lại nghĩ rằng: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” Là bạn, bạn sẽ giải thích sao về điều này?
- Mở bài:
Môi trường sống có ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách, lối sống, cách sống của mỗi con người. Môi trường sống tốt đẹp sẽ có những ảnh hưởng tích cực, giúp con người trở nên tốt hơn. Môi trường sống xấu sẽ gây ra những tác động tiêu cực, khiến con người xấu đi. Có ý kiến cho rằng: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” nhưng có người khác lại nghĩ rằng: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Thế nhưng, nhân cách, lối sống của chúng ta do chính mình quyết định, tốt hay không tốt phần lớn là do ở mỗi chúng ta xây dựng nó.
- Thân bài:
1. Giải thích:
* Cả hai ý kiến đều đề cập đến hình ảnh mực và đèn, đây là những hình ảnh biểu tượng.
– “Mực” tượng trưng cho những điều xấu xa, tiêu cực và sai trái trong cuộc sống, có thể gây hại cho bản thân và những người xung quanh. “Đen” là bị nhuốm bẩn, bị làm cho biến đổi trở nên xấu xí.
– “Đèn” lại là sự ẩn dụ cho những điều tươi sáng, tốt đẹp mà con người mong muốn có được. “Rạng” là tỏa sáng, trở nên trong sáng, tốt đẹp và hữu ích.
* Cùng dùng chung những hình ảnh giàu tính biểu tượng, song nội dung hai ý kiến lại trái ngược nhau:
– Ý kiến thứ nhất khẳng định sự thay đổi của mỗi con người trong cuộc đời phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, những người xung quanh mà ta tiếp xúc hàng ngày, họ sẽ tốt lên hoặc xấu xa đi khi bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc sống, con người xung quanh.
– Ý kiến thứ hai lại phủ định lại điều nói trên khi cho rằng mỗi người có sự độc lập hoàn toàn với những tác động, ảnh hưởng của cuộc sống xung quanh, dù là ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực thì bản thân họ vẫn tự mình thay đổi.
→ Hai ý kiến không phủ định nhau mà bổ sung cho nhau, góp phần đem đến cho người đọc cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề: trong từng hoàn cảnh, những tác động từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến bản thân mỗi người và ngược lại.
2. Chứng minh:
* “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”:
– Mọi thứ ta trải qua, mọi điều ta giải quyết đều phải đặt trong những hoàn cảnh riêng của nó. Bởi vậy nên ta không thể tách biệt hoàn toàn bản thân mình với hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội… mà bản thân đang ở trong đó, chịu sự tác động của nó.
+ Dẫn chứng:
– Sống trong môi trường tốt đẹp, con người tiếp nhận những điều tốt, nhân cách được hoàn thiện, trở nên tốt đẹp.
+ Dẫn chứng:
– Sống trong môi trường xấu, con người bị tác động bởi những điều xấu, nhân cách vì thế có phần lệch lac, thiếu chuẩn mực.
+ Dẫn chứng:
– Khi hoàn cảnh sống tác động đến mỗi người, bản thân họ phải biết thay đổi để thích nghi, một khi thích ứng được với hoàn cảnh thì họ mới có thể tồn tại, không trở nên lập dị, khác thường.
– Khẳng định hoàn cảnh sống là thứ yếu. Bản lĩnh con người trước hoàn cảnh sống mới là quan trọng và quyết định
* “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”:
– Ẩn sâu trong mỗi người luôn là nghị lực, ước mơ, hoài bão thôi thúc con người ta phát triển bản thân để đóng góp cho xã hội. Sẽ có những hoàn cảnh tiêu cực tác động đến, nhưng với lòng quyết tâm, ý chí nghị lực, con người vẫn có thể giữ vững mình trước những cám dỗ, thậm chí vươn lên thay đổi nghịch cảnh.
+ Dẫn chứng:
– Chính con người mới là nhân tốt quyết định. Nếu ta biết tĩnh tâm, không hám những thứ danh lợi hào nhoáng mà nhất thời, không vững bền thì ta vẫn có thể phát triển dù cho có bị hoàn cảnh dập vùi nghiệt ngã.
+ Dẫn chứng:
– Ngược lại, dù ở trong một môi trường sống tốt nhưng bản thân không biết trân trọng và nỗ lực, dùng cái tài, cái trí và cái tâm mình vào việc có ích thì họ cũng sẽ là những người “gần đèn chưa chắc đã rạng”.
+ Dẫn chứng:
* Đánh giá:
– Hai ý kiến có tính chất bổ sung cho nhau.
– Cuộc sống luôn vận động biến đổi không ngừng, bản thân mỗi người nên biết cách linh hoạt trong việc thay đổi bản thân để thích nghi với hoàn cảnh, thời thế hoặc kiên định với quan điểm của mình để không dễ dàng bị lôi kéo, dụ dỗ làm những điều xấu.
– Cần biết cân bằng giữa hai lối sống: thay đổi và bị thay đổi để từng ngày trôi qua đều thật tốt đẹp và ý nghĩa.
- Kết bài:
Chúng ta không thể chọn bố mẹ sinh ra mình, gia đình chở che mình, nhưng chúng ta có thể quyết định hoàn cảnh sống hoặc thái độ sống của mình trước hoàn cảnh đó. Dù cho gần mực hay gần đèn, cuộc đời con người vẫn không phải bị phụ thuộc hoàn toàn vào nó, mà quan trọng là bản thân có đủ quyết tâm, nỗ lực, khát vọng tiếp thu cái tốt, bài trừ cái xấu để hoàn thiện bản thân, đóng góp cho xã hội.
Dân gian có câu tục ngữ: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Thế nhưng, có người lại cho rằng: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên.
- Mở Bài
Sự phát triển nhân cách và phẩm chất của con người có sự tác động rất lớn của môi trường sống ở xung quanh. Môi trường sống tốt đẹp sẽ giúp con người hình thành được những phẩm chất tốt đẹp. Ngược lại, môi trường sống có nhiều tệ nạn sẽ hình ở con người những thói xấu. Bởi thế, tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Thế nhưng, có người lại cho rằng: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”.
- Thân bài:
“Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là một lời khuyên đúng đắn. Mực là một chất liệu có màu đen, dùng để viết chữ. Mực tượng trưng cho những gì không tốt đẹp, những cái xấu xa. Đèn là vật phát ra ánh sáng, soi tỏ mọi vật xung quanh. Đèn tượng trưng cho cái tốt đẹp và sáng sủa. Mượn hình ảnh “mực” và “đèn”, người xưa muốn nhắc nhở chúng ra rằng nếu ở gần người nhân cách tốt đẹp thì bản thân sẽ hình thành được những phẩm chất tốt đẹp. Ngược lại, nếu thân thiết với những người có nhận cách xấu thì sớm muộn gì chúng ta cũng hình thành những thói xấu giống họ. Điều tốt nhất nên làm đó là biết lựa bạn mà chơi, lựa người mà thân thiết. Chỉ những gì tốt đẹp mới có thể giúp chúng ta trở nên tốt đẹp.
Ở ý kiến thứ hai: “Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng” cũng không phải là không có lí. Phẩm chất của mỗi con người do chính con người đó quyết định. Nếu sống trong môi trường tốt đẹp nhưng họ không tiếp nhận cái tốt mà chỉ học tập cái xấu thì thói xấu sẽ hình thành. Nếu sống trong môi trường có nhiều cái xấu mà bản thân luôn giữ vững bản lĩnh, đề cao cái tốt, loại bỏ cái xấu thì nhân cách không bị ảnh hưởng bởi những cái xấu ở xung quanh. Đôi khi, những cái xấu trong cuộc sống có thể giúp họ nhận rõ đúng sai, tự điều chỉnh hành vi và nhân cách của mình theo chiều hướng tốt đẹp.
Dựa vào thực tế cuộc sống con người, ta thấy câu tục ngữ rất đúng khi xét trong mối quan hệ giữa môi trường xã hội với việc hình thành nhân cách mỗi người. Câu chuyện Tăng mẫu dạy con là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Vì các con bị ảnh hưởng thói xấu khi ở gần nghĩa địa và chợ, Tăng mẫu đã quyết định đưa con đến ở gần trường học. Tránh chỗ xấu, tìm chỗ tốt mà ở của Tăng mẫu đã giúp cho Tăng Tử học được những điều tốt đẹp, sau này trở thành người có trí tuệ và nhân cách xuất chúng.
Có nhiều người tuy “gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng”. Những em bé nghèo khó, sống lay lắt ở bãi rác, gầm cầu vẫn luôn nghĩ về những ngày tươi sáng ở phía trước. Thực tế đen tối không thể làm các em ngừng ước mơ. Có nhiều em bé như thế đã làm thay đổi cuộc đời mình thành công, trở thành những người nổi tiếng, đống góp hữu ích cho xã hội. Đó là minh chứng “gần mực chưa chắc đã đen”.
Tuy nhiên, có nhiều người sinh ra trong gia đình khá giả, được giáo dục nghiêm khắc ở môi trường tốt đẹp nhưng sớm hình thành các thói xấu, trở nên hư hỏng, cuối cùng sa ngã vào tệ nạn xã hội. Không phải sự giáo dục của gia đình và xã hội không đủ nghiêm khắc mà chính ở họ tuy gần đèn mà không rạng. Ánh sáng của đạo đức không đẩy lùi được thói hư tật xấu của họ, khiến họ nhanh chóng chìm ngập vào bóng tối.
Dù thế nào, cũng cần phải nhìn nhận rằng môi trường sống có nhiều điều tốt đẹp sẽ giúp con người hình thành được nhân cách tốt đẹp, giàu bản lĩnh. Môi trường sống có nhiều điều xấu xa sẽ gây tác động tiêu cực vào nhân cách con người, dễ khiến con người sa ngã. Muốn vượt qua được, đòi hỏi con người phải có bản lĩnh và không ngừng hướng đến những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời mình. Chúng ta chẳng thể trở nên sạch sẽ nếu tắm trong bùn lầy.
Câu tục ngữ này khuyên chúng nên gần gũi những nơi tốt, người tốt để trở thành con người hữu ích cho xã hội đồng thời nó cũng khuyên chúng ta không nên gần gũi những nơi xấu xa, gần những bạn xấu vì dễ ảnh hưởng xấu. Vuwotj lên trên tất cả, chúng ta trở nên như thế nào là do chính chúng ta quyết định.
Câu tục ngữ đặt ra một nhiệm vụ giáo dục cho toàn xã hội. Mọi người hãy chung tay xây dựng môi trường sống lành mạnh, tốt đẹp, không có tệ nạn xã hội để gây sự ảnh hưởng tốt nhất đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của môi người. Nhà trường làm công tác giáo dục tốt thì sẽ có nhiều học sinh giỏi, đạo đức tốt. Cha mẹ hãy là những tấm gương sáng, anh chị em hòa thuận thì sẽ có những đứa con ngoan, gần gũi hơn. Trong quan hệ bạn bè: nếu ta chơi với bạn tốt thì ta sẽ học được những điều tốt nơi người bạn ấy. Đồng thời nếu ta gần mực thì ta dễ bị đen, bởi môi trương ấy dễ có tác dụng rất xấu.
- Kết bài:
“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Bông sen mọc giữ bùn lầy nhưng vẫn tỏa hương thơm ngát. Con người cũng thế, nếu không ngừng nuôi dưỡng ước mơ, luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp và làm những việc phù hợp với đạo lí thì môi trường xung quanh có như thế nào đi chăng nữa cũng sẽ trở thành người có nhân cách tốt đẹp, làm được nhiều điều hữu ích cho cuộc sống này. Ý nghĩa câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” là bài học sâu sắc nâng bước chân ta đến tương lai.