»» Nội dung bài viết:
Trình bày các giá trị của tác phẩm văn học. Có mấy cấp độ tiếp nhận văn học? Làm thế nào để tiếp nhận văn học có hiệu quả?
Gợi ý làm bài:
Các giá trị cơ bản của tác phẩm văn học.
1. Giá trị nhận thức.
* Khái niệm: Là khả năng văn học có thể mang lại cho con người những tri thức mới mẻ và sâu rộng về đời sống, sinh hoạt, phong tục của một xã hội, một thời đại. Thông qua tác phẩm, người đọc nhận thức được những vấn đề đang đặt ra trong xã hội, nhận biết được cái đẹp, cái xấu… Văn học nâng cao nhận thức của con người, giúp con người nhìn rõ những giá trị về nhân cách, về sức sống của cái thiện và lẽ công bằng.
Ví dụ: Truyện Kiều của Nguyễn Du giúp người đọc hiểu biết thêm về sự tàn bạo của xã hội phong kiến và số phận bất hạnh của người phụ nữ tài sắc trong xã hội ấy; Tác phẩm Chí Phèo cho người đọc nhận thức được mâu thuẫn đối kháng giữa bọn địa chủ cường hào với người nông dân trước cách mạng, đặt ra vấn đề phải thay đổi môi trường sống để người nông dân được làm người lương thiện
2. Giá trị giáo dục.
* Khái niệm: Là khả năng văn học có thể đem đến những bài học về lẽ sống, tư tưởng, tình cảm, đạo đức theo chiều hướng tích cực tốt đẹp hơn như lòng vị tha, đức hi sinh, yêu chuộng lẽ phải, sự công bằng…thông qua sự trải nghiệm, rung động của tác giả với những cuộc đời, số phận trong tác phẩm văn học.
Ví dụ: Đọc tác phẩm Những đứa con trong gia đình bồi đắp cho người đọc lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đấu tranh giành độc lập….
3. Giá trị thẩm mĩ.
* Khái niệm: Là khả năng văn học có thể tái hiện lại vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống thông qua những hình tượng sống động, độc đáo, giàu ý nghĩa có sức lôi cuốn và lay động lòng người.
Thể hiện ở hai phương diện nội dung và hình thức:
+ Nội dung: Là cái đẹp ở tư tưởng của tác phẩm.
+ Nghệ thuật: Thể hiện qua kết cấu, thể loại, cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh giàu giá trị nghệ thuật.
Ví dụ: Đoạn trích Việt Bắc của Tố Hữu đem đến cho người đọc cảm nhận được tình cảm của con người kháng chiến thật cao quý qua thể thơ lục bát, cách dùng từ “ta”, “mình” mượt mà tha thiết cùng những ca dao, tục ngữ, thành ngữ và hình ảnh quen thuộc đậm đà bản sác dân tộc… Là những giá trị thẩm mĩ của đoạn trích.
⇒ Ba giá trị có mối quan hệ mật thiết không thể tách rời. Giá trị trước làm tiền đề cho giá trị sau
Quá trình tiếp nhận văn học có ba cấp độ:
– Thứ nhất: Chỉ cảm thụ vào nội dung trực tiếp, cụ thể của tác phẩm để xem truyện diễn biến thế nào, các nhân vật yêu ghét nhau ra sao, sống chết thế nào…
– Thứ hai: Cảm thụ từ nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm, đòi hỏi người đọc phải có kĩ năng tư duy, phân tích, tổng hợp
– Thứ ba: Cảm nhận chú ý đến cả tư tưởng nội dung và vẻ đẹp hình thức nghệ thuật của tác phẩm.
Để tiếp nhận văn học có hiệu quả:
– Người đọc phải nâng cao trình độ hiểu biết của mình
– Tích lũy kinh nghiệm tiếp nhận (cách khai thác thể loại, biện pháp tu từ)
– Biết trân trọng sản phẩm tinh thần của người khác, lắng nghe tiếng nói khác
– Làm quen với những giá trị văn hóa khác.
– Tìm cách để hiểu tác phẩm một cách khách quan, toàn diện, từ đó làm phong phú hơn vốn cảm nhận của mình.
Phân tích một tác phẩm văn học cụ thể để làm sáng tỏ các giá trị của văn học.
* Tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
– Giá trị nhận thức: Người đọc hiểu thêm nghệ thuật chơi chữ thanh cao, nho nhã của người xưa; tác phẩm cũng tái hiện được không gian, thời gian lịch sử – xã hội của thời đại đó…
– Giá trị giáo dục: Trên cơ sở ngợi ca và trân trọng tài năng, nhân cách, khí phách cao đẹp của Huấn Cao, tác phẩm hướng người đọc đến những giá trị đạo đức, nhân cách tốt đẹp.
– Giá trị thẩm mĩ: Nguyễn Tuân đem đến cho người đọc một quan niệm thẩm mĩ thú vị, thấm đẫm tư tưởng nhân văn: cái đẹp có thể nhảy sinh ở chốn ngục tù, ngọn lửa chính nghĩa có thể bùng cháy ở nơi bẩn thỉu, tối tăm ngự trị, “thiên lương” cao cả có thể tồn tại ở nơi đầy tội ác. Để tạo nên giá trị thẩm mĩ ấy Nguyễn Tuân đã vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật đòn bẩy.