“Du lịch” có nghĩa là gì?
Thuật ngữ du lịch trong ngôn ngữ nhiều nước bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa là “đi một vòng”. Thuật ngữ này được La Tinh hóa thành “Tornus”và sau đó thành “ Tourisme” (tiếng Pháp), “tourism” (tiếng Anh).
Trong tiếng Việt thuật ngữ “Tourism” được dịch thông qua tiếng Hán. “Du” nghĩa là đi chơi, “lịch” có nghĩa là từng trải, trải nghiệm. Do hoàn cảnh (thời gian và khu vực) khác nhau,dưới mỗi góc độ khác nhau, mỗi người một cách hiểu về du lịch khác nhau.
“Du lịch là nghệ thuật đi chơi của các cá nhân” (Ausher). “Nghệ thuật đi chơi” ở đây phải chăng là sự trải nghiệm, sự tìm tòi, khám phá những điều mới lạ, hấp dẫn của những miền đất, con người nơi họ đến tham quan du lịch.
“Du lịch là sự mở rộng không gian văn hóa của con người” (Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện). Khi đi du lịch du khách được mở rộng “không gian văn hóa” – không gian của sự giao lưu, tiếp xúc với nhưng miền đất mới, cùng với những nền văn hóa khác nhau mang đậm màu sắc bản địa. Qua đó mà đời sống tinh thần thêm phong phú, đa dạng hơn.
Theo quan niệm của nhà kinh tế học Kalfiotis thì: “Du lịch là sự di chuyển tạm thời của cá nhân hay tập thể từ nơi ở đến một nơi khác nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần, đạo đức, do đó tạo nên những hoạt động kinh tế”
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động du lịch, ngoài tiếp cận với môi trường du khách còn phải tiếp cận với cộng đồng mới đảm bảo cho một sự phát triển lâu dài, hài hòa, xiết chặt thêm tình đoàn kết, yêu thương đồng loại ở mỗi người.
Dựa theo các cách tiếp cận ở trên, khái niệm du lịch có thể được xác định: “Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi liên quan với sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi, chữa bệnh, phát triển thể chất tâm hồn, nâng cao trình độ nhận thức văn hóa hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hóa” (I.I Pirogionic 1985)