phan-tich-truyen-ngan-hai-dua-tre-cua-thach-lam-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam (dưới góc độ thi pháp)

Truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một tác phẩm có sức hấp dẫn diệu kỳ. Tác phẩm đẹp như một bài thơ với chiều sâu của tư tưởng và sự tinh tế của nghệ thuật. Với quan niệm nghệ thuật mới mẻ, sâu sắc về con người và tài nghệ xây dựng, phối kết thời gian và không gian nghệ thuật làm nền cho sự diễn trình thân phận nhân vật, truyện ngắn này đã tạo nên giá trị nhân loại vượt thời gian và không gian.

Thân phận con người Việt Nam trong giai đoạn lịch sử mất nước, nô lệ dưới ách cai trị của thực dân pháp đầu thế kỷ XX là một trong những phương diện nổi bật được nhiều nhà văn quan tâm, phản ánh trong tác phẩm của mình. Trong khi các tác phẩm hiện thực tập trung phản ánh nỗi đau khổ của người dân về áo cơm; về áp bức giai cấp, về sự biến chất, tha hóa của con người hoặc sự bế tắc, cùng quẫn bởi mâu thuẫn giữa mơ và thực trong hiện trạng đời sống…, thì truyện ngắn

Hai đứa trẻ nhìn con người ở một phương diện khác. Đó là cái nhìn của nhà văn hướng về phía miền hiện thực tâm hồn và mơ ước trẻ thơ như một phần hết sức quan trọng trong quyền sống chân chính của con người.

Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện Hai đứa trẻ được thể hiện trong cái nhìn đối với hai nhân vật chính là An và Liên, và trong mối quan hệ tương tác của nhân vật chính với các nhân vật phụ trên cái nền hiện thực buồn, tối, tẻ nhạt, hiu hắt. Trong cái nhìn về An và Liên, tác giả thiên truyện không chủ ý nhìn về phương diện vật chất, miếng ăn cái mặc mà tập trung thể hiện một trạng huống của tâm lý, tâm hồn con người. An và Liên là dân tản cư, được mẹ giao cho trông coi một quán hàng xén nơi phố huyện nghèo.

Thế nhưng, trong thời gian được miêu tả, dường như Liên và An đang để tâm hồn và suy tưởng về một vùng miền khác chứ không phải việc bán hàng. Chính vì thế nên khi mọi người đã bày hàng bán về đêm thì Liên vẫn chưa dọn hàng, dù rằng mẹ Liên luôn dặn con là sau khi có tiếng trống thu không thì hai chị em Liên phải đóng của hàng. Vậy nên, khi được chị Tí hỏi thì Liên giật mình: Khi chị Tí – người bán hàng nước kê xong chõng, ghế, dịch ngọn đèn hoa kì lại ngồi têm trầu, còn thằng cu thì loay hoay nhóm lửa để nấu nồi nước chè. Lúc bấy giờ chị mới ngẩng đầu lên nói chuyện với Liên:

– Còn cô chưa dọn hàng à?
– Liên giật mình, kêu khẽ: “Chết chửa!”, rồi đứng dậy giục em:
– Vào đóng cửa hàng thôi, không mẹ ra mắng chết.

Hoặc khi kiểm lại hàng và tiền đã bán được trong buổi tối, Liên cũng làm với thái độ dường như chiếu lệ: Liên với cái bàn tính để cộng số tiền. Nhưng trong hàng nóng và muỗi quá, chị ngần ngại rồi xếp tất cả tiền vào tráp, không tính nữa.: – Thôi, để mai tính một thể.

Thực tế thì cả Liên và An đều muốn làm cho xong cái việc ấy vì một lẽ khác: – An nhìn chị, chỉ đợi lúc ấy. Hai chị em cùng vội muốn đóng cửa hàng để ra ngoài kia, ngồi trên võng ngắm nhìn phong cảnh ngoài phố… Điều mà Liên và An trông ngóng, chờ mong là đoàn tàu sắt đi qua phố huyện. Khi ấy, nó sẽ mang đến một sự sôi động, một luồng ánh sáng. Tất cả những thứ ấy sẽ làm thay đổi không khí u tịch, buồn tẻ, hắt hiu nơi phố thị nghèo. Vì thế, dù hai chi em Liên và An làm theo lời mẹ dặn là phải thức đến khi tàu xuống – đường sắt đi ngang qua ngay trước mặt phố – để bán hàng, may ra còn có một vài người mua, nhưng thực tế thì cái cớ chính và quan trọng nhất để hai chị em Liên còn thức, dù đã buồn ngủ ríu cả mắt, là vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Thậm chí, khi An đã nằm xuống gối đầu lên đùi chị, mi mắt sắp sửa rơi xuống, còn dặn với: Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé.

Hình ảnh đoàn tàu qua phố là điểm sáng nhất trong bức tranh u ám này. Khi đoàn tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường (…). Rồi đoàn tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

Như vậy, cái mà hai chị em Liên chú tâm chờ đợi chính là sự kiện đoàn tàu sắt đi qua. Tuy nhiên, đối với Liên, ý nghĩa của sự kiện đó vượt xa hơn bản thân ánh sáng hay âm vang của đoàn tàu. Bởi vì, khi đoàn tàu đi qua, Liên lặng theo mơ tưởng (…). Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu.

Bên cạnh An và Liên, cái nhìn nghệ thuật của tác giả còn thể hiện ở điểm nhìn những nhân vật phụ. Nhìn chung, số lượng nhân vật phụ không nhiều, khác nhau về nghề nghiệp mưu sinh, nhưng cùng có chung một đặc điểm thẩm mỹ là đều mưu sinh khó nhọc, vất vả; tinh thần thì buồn thảm. Tiêu biểu trong đó có bác phở Siêu, mẹ con chị Tí bán nước. Với chị Tí thì: Ngày, chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch. Để bán cho ai? Mấy người phu gạo hay phu xe, thỉnh thoảng mấy chú lính lệ trong huyện hay người nhà thầy thừa đi gọi chân tổ tôm, cao hứng vào hàng chị uống bát nước chè tươi và hút điều thuốc lào. Chí Tí chả kiếm được bao nhiêu, nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến đêm. Với bác phở Siêu thì gia tài cũng chỉ vỏn vẹn là một gánh phở bình thường mà tối tối, bác gánh ra đường phố huyện ngồi bán cho khách vãng lai.

Cũng có khi, cái nhìn của nhà văn lướt qua những bóng dáng con người như để tô thêm cái đìu hiu nơi phố huyện nghèo. Đó là khi chợ vãn, mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại. Đặc biệt, nhân vật bà cụ Thi là một tình tiết mang đặc trưng thẩm mỹ khác biệt với các nhân vật khác. Cụ thi là một
bà già hơi điên vẫn mua rượu ở hàng Liên, ngôn từ và cách ứng xử thể hiện tính cách hơi điên của nhân vật này là cách xưng hô, cách uống rượu, và nhất là tiếng cười không bình thường: Cụ thi xưng chị – em với Liên, mua một cút rượu nhưng ngửa cổ ra đằng sau, uống một hơi cạn sạch, tiếng cười thì giòn giã, khanh khách.

Trong thi pháp nhân vật, mỗi một nhân vật xuất hiện trong tác phẩm văn học bao giờ cũng hàm chứa một dụng ý nghệ thuật nào đó của tác giả. Với bà cụ Thi, tác giả thiên truyện đã tạo nên một âm vang lạ, hình dáng lạ, cách ứng xử lạ là để tạo thêm điểm nhấn về sự buồn vắng của không gian, đồng thời, thêm cái buồn của nhân vật phụ đổ dồn vào thân phận hai nhân vật chính là An và Liên trơ trọi và trống trải giữa cái nền không gian buồn, vắng, tối, hắt hiu.

Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người của Thạch Lam đã thể hiện trong cách xây dựng, bài trí các nhân vật chính và nhân vật phụ, trong kết cấu mối quan hệ giữa các loại nhân vật và mối quan hệ của nhân vật với không gian, sự kiện của truyện. Hình thức mới đó chứa đựng và chuyển tải nội dung tư tưởng và thẩm mỹ mới: Những tâm hồn tuổi thơ trong sáng, đẹp đẽ đang bị chìm lấp giữa mưu sinh đời thường, giữa bóng tối và sự đơn điệu, tẻ nhạt, hắt hiu của những phận người lo toan, vất vả, lam lũ vì sinh kế; họ cần niềm vui, ánh sáng.

Một phương diện đặc sắc khác của thi pháp truyện Hai đứa trẻ là thời gian và không gian nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, là một hình tượng mang nặng tính tâm lý, vừa của chủ thể sáng tạo, vừa của nhân vật chính – An và Liên.

Hình tượng thời gian là tình tiết mở đầu câu chuyện và mang thần thái, tinh thần như một sinh thể, chứ không phải đơn thuần chỉ là sự báo hiệu thông tin thời gian vật lý: Tiếng trống thu không…từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Thời gian nằm trong âm thanh của tiếng trống thu không…, hình thức êm ả, yên dịu nhưng nội dung chứa đựng sự đơn điệu, tẻ nhạt, ảm đạm. Ở đoạn văn thứ hai, tác giả nhịp lại tiếng đếm thời gian như tiếng thở dài nhẩm tính buồn thương: chiều, chiều rồi (…) Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn. Thời gian trở thành hồn của tâm trạng nhân vật.

Thời gian chuyển mình từ chiều sang đêm và phủ chụp, nhuộm tối không gian phố huyện. Thời gian biến chuyển, trải khắp và thấm sâu nỗi vắng vẻ, quạnh hiu lên không gian. Tính uể oải, mệt mỏi, rời rạc của hồn cảnh vật và tâm trạng con người được tạo nên bởi thời gian và không gian tối, lạnh, sầu thương làm nền tôn lên hình tượng nhân vật. Thời gian tâm trạng chuyển mình trong sự ngóng đợi tàu về của hai chị em Liên và An. Thời gian cũng là tình tiết kết lại câu chuyện buồn thương: Nhưng Liên không nghĩ được lâu, mắt chị nặng dần rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối.

Phối kết với thời gian là không gian nghệ thuật tương ứng. Cái nền chung của không gian địa lý thì đó là một khu phố huyện nghèo. Trên cái nền đó, tác giả bài trí hai mảng nội dung quan hệ mật thiết với nhau. Mảng thứ nhất là con người, mảng thứ hai là khung cảnh. Con người thì thưa thớt, nghèo khổ, lam lũ; khung cảnh thì hắt hiu, thưa vắng. Đặc biệt, trong không gian đó, con người thì luôn hướng về ánh sáng, bươn chải tìm kiếm niềm vui trong công việc nhưng ánh sáng thì đang bị bóng tối xâm lấn dần, triệt tiêu dần. Tiêu biểu là những tình tiết không gian được miêu tả hàm chứa những thông điệp về tư tưởng và thẩm mỹ. Không gian vũ trụ trên đầu Liên và An thì Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh (…).

Vũ trụ thăm thẳm bao la đối với tâm hồn hai đứa trẻ như đầy bí mật và xa lạ… Nhưng cái cao rộng và bao la ấy chỉ là miền mơ tưởng, còn thực tế thì bóng tối ngập tràn, bủa vây: Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ về làng lại càng sẫm đen hơn nữa; còn ánh sáng thì nhỏ dần, teo lại: Giờ chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, và cả cái bếp lửa của bác Siêu, chiếu sáng một vùng đất cát; trong cửa hàng, ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa.

Với cách xây dựng thời gian và không gian nghệ thuật như thế, tác giả đã tạo nên những nét đặc sắc và độc đáo về thẩm mỹ và tư tưởng trong cái nhìn mới về con người. Qua đó, tính nhân văn của truyện bật lên từ chính hình tượng thời gian và không gian: Trẻ thơ thánh thiện và trong trẻo đáng trân trọng biết bao, nhưng họ đang bị cái tối, cái buồn, cái u uẩn và hắt hiu che lấp, xâm lấn; họ cần quan tâm, cần niềm vui, cần ánh sáng như cái quyền con người mà họ đáng được có, được hưởng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang