Dàn ý: cảm nhận bức tranh phố huyện lúc chiều tàn trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

dan-y-cam-nhan-buc-tranh-pho-huyen-luc-chieu-tan-trong-hai-dua-tre

Dàn ý: cảm nhận bức tranh phố huyện lúc chiều tàn trong Hai đứa trẻ

  • Mở bài:

Thạch Lam là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa, xuất sắc của nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Hai đứa trẻ là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của ông. Tác phẩm là bức tranh thiên nhiên và cuộc sống giàu ý nghĩa nơi phố huyện nghèo khổ nhưng chứa đầy ước mơ.

  • Thân bài:

Bức tranh phố huyện vào thời điểm chiều tàn được vẽ nên bằng sự hòa phối giữa con người và cảnh vật. Đó là khung cảnh ngày tàn, cảnh chợ tàn cùng những kiếp người nhỏ bé và đặc biệt nữa là tâm trạng của Liên trước thời khắc của ngày tàn:

1. Khung cảnh ngày tàn:

– Âm thanh đơn điệu: Tiếng trống thu không: Tiếng trống khép lại một buổi chiều quê lặng lẽ. Tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng. Tiếng muỗi vo ve. ⇒ Âm thanh xuất hiện dường như lại càng nhấn mạnh cho sự tĩnh lặng của buổi chiều tàn

– Hình ảnh, màu sắc gay gắt và ảm đạm: “Phương tây đỏ rực như lửa cháy”.  “Những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”. ⇒ Màu sắc đẹp nhưng gợi lên một buổi chiều tàn lặng lẽ ảm đạm

– Đường nét: dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời ⇒ Bức hoạ đồng quê quen thuộc, bình dị, thơ mộng, gợi cảm, mang cốt cách Việt Nam.

– Nhịp điệu chậm, giàu hình ảnh và nhạc điệu ⇒ Khung cảnh thiên nhiên đượm buồn, đồng thời thấy được sự cảm nhận tinh tế

2. Cảnh chợ tàn và những kiếp người hiu hắt nơi phố huyện:

– Cảnh chợ tàn cộng hưởng với khung cảnh thiên nhiên ngày tàn: Chợ đã vãn từ lâu, người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía ⇒ Khung cảnh buồn, tàn tạ, trống vắng, quạnh hiu

– Những kiếp người tàn tạ: Mấy đứa trẻ con nhà nghèo tìm tòi, nhặt nhạnh những thứ còn sót lại ở chợ: dường như gánh nặng cuộc đời cũng đè lên đôi vai chúng. Mẹ con chị Tí: với cái hàng nước đơn sơ, vắng khách. Bà cụ Thi: hơi điên đến mua rượu lúc đêm tối rồi đi lần vào bóng tối. Bác Siêu với gánh hàng phở – một thứ quà xa xỉ. Gia đình bác xẩm mù sống bằng lời ca tiếng đàn và lòng hảo tâm của khách qua đường ⇒ Cảnh chợ tàn và những kiếp người tàn tạ: sự tàn lụi, sự nghèo đói, tiêu điều của phố huyện nghèo.

3. Tâm trạng của Liên trước thời khắc ngày tàn:

– Cảm nhận rất rõ: “mùi riêng của đất, của quê hương này” từ tâm hồn nhạy cảm
– Cảnh ngày tàn và những kiếp người tàn tạ: gợi cho Liên nỗi buồn thấm thía
– Động lòng thương những đứa trẻ nhà nghèo nhưng chính chị cũng không có tiền mà cho chúng.
– Xót thương mẹ con chị Tí: ngày mò cua bắt tép, tối dọn cái hàng nước chè tươi chả kiếm được bao nhiêu.

⇒ Liên là một cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, có lòng trắc ẩn, yêu thương con người. Đây cũng là nhân vật mà Thạch Lam gửi gắm tâm tư của mình.

⇒ Bức tranh phố huyện lúc chiều tàn được Thạch Lam xây dựng trong tác phẩm mang vẻ trầm buồn hiu hắt của một vùng quê nghèo mà con người luôn quẩn quanh, tẻ nhạt nhưng đồng thời gửi gắm bao suy tư của tác giả về quê hương xứ sở.

  • Kết bài:

Với cách kể chuyện nhẹ nhàng, nghệ thuật miêu tả tâm lí đặc sắc, ngôn ngữ đơn giản, súc tính, giàu tính tạo hình, Thạch Lam đã thể hiện thành công bức tranh chân thực về cuộc sống quẩn quanh, bế tắc của những kiếp người nghèo khổ nơi phố huyện nghèo. Tác phẩm thể hiện sự xót thương của nhà văn đối với những kiếp người nghèo đói, quẩn quanh, bế tắc và mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.