phan-tich-bai-tho-mo-chieu-toi-cua-ho-chi-minh-duoi-goc-do-thi-phap

Phân tích bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh (dưới góc độ thi pháp)

Phân tích bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh (dưới góc độ thi pháp)

Bài thơ chiều tối được sáng tác vào năm 1943, trong khoảng thời gian Bác bị chính sách quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, chịu nhiều đày ải, khi chuyển từ nhà giam Tĩnh Tây đến nhà giam Thiên Bảo, lấy cảm hứng từ buổi chiều chuyển lao. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt, tứ thơ độc đáo, vận động một cách tài tình. Người tù đang bị áp giải giữa núi rừng bạt ngàn, chiều dần buông xuống khiến lòng người thấp thoáng nỗi buồn chơi vơi.

“Chiều tối” mang màu sắc cổ điển hàm súc kết hợp với tính chất trẻ trung, hiện đại, bình dị. Tứ thơ vận động từ cảnh đến tình, từ trong bóng  tối đến sự sống, đến ánh sáng và tương lai. Nét vẽ linh tế, thể hiện một hồn thơ “bát ngát tình”. Bài thơ thấm đượm một tình yêu mênh mông đối với tạo vật và con người. Trong đoạ đầy gian khổ, tâm hồn Bác vẫn dào dạt sự sống. Bài thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, ý chí vượt lên trên hoàn cảnh khắc nghiệt của nhà thơ chiến sĩ Hồ Chí Minh

Tiếp cận bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh từ thi pháp học, có hai bình diện tiêu biểu của bài thơ này hàm chứa tính thẩm mỹ và tư tưởng nhân văn là kết cấu và không gian nghệ thuật. Kết cấu của thi phẩm Chiều tối vừa có tính đặc thù, vừa là kiểu kết cấu khá phổ biến của nhiều bài thơ khác ở Nhật ký trong tù. Xét ở kiểu mô típ kết cấu, bài thơ này thuộc kiểu kết cấu không đồng tâm, nói cách khác là các tình tiết, hình ảnh trong bài thơ không có chung một tình điệu và sắc thái thẩm mỹ hướng tâm theo kiểu kết cấu phổ biến của thơ Đường Trung Quốc và thơ Đường luật Việt Nam.

Phần lớn các thi phẩm của Nhật ký trong tù là thơ tứ tuyệt, một thể thơ Đường luật tiêu biểu. Cùng với đặc điểm ấy là những hình ảnh khá quen thuộc trong Đường thi như áng mây chiều, trăng, cánh chim, rặng núi, dòng sông…, thể hiện qua bút pháp gợi, chấm phá đan xen với miêu tả tạo nên được thần thái bức tranh. Đây chính là một trong những lí do làm cho Nhật ký trong tù có chất Đường thi, nhất là những bài trữ tình, vịnh cảnh. Tuy nhiên, sự khác biệt trong kết cấu của phần lớn các thi phẩm trong Nhật ký trong tù so với Đường thi là kết cấu mở chứ không đóng qua câu kết thường biến đổi bất ngờ; hướng về tự do, niềm vui, ánh sáng; các hình ảnh trong một bài thơ Đường thường có chung tín hiệu thẩm mĩ và tình điệu, nhưng trong Nhật kí trong tù, nhiều khi tương phản, khác biệt.

Chẳng hạn như kết cấu của Tảo giải (Giải đi sớm), Dạ túc Long Tuyền (Đêm ngủ ở Long Tuyền), Hoàng hôn… Theo đó, trong bức tranh thơ Chiều tối, có hai mảng trái ngược, tương phản; mạch vận hành của hình tượng thơ không nằm trên một trục thẳng mà đột biến. Ta hãy xem xét bài Chiều tối của Hồ Chí Minh trong đối sánh với bài Cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan để vấn đề được rõ hơn. Bài Cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan có cấu trúc đồng tâm, tình điệu chung của các câu thơ là buồn, tối, chia ly, cô lẻ, sầu thương:

Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?

Bài Chiều tối của Hồ Chí Minh có cấu trúc tương phản của hai mảng khác biệt giữa thiên nhiên thấm buồn, cảnh vật rời rạc, cô lẻ với cuộc sống con người an lành, yên bình, nồng ấm và nên thơ:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

Dịch:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết, lò than đã rực hồng.

Nhìn chung, kiểu kết cấu như trong bài Chiều tối còn được thể hiện ở nhiều bài thơ khác trong Nhật ký trong tù ở những mức độ khác nhau, khi thì ở kết cấu chung của bài thơ, khi thì ở trong một hình ảnh thơ, thậm chí ngay trong một dòng thơ. Chẳng hạn trong bài hoàng hôn:

Gió sắc tựa gươm mài núi đá
Rét như dùi nhọn chích cành cây
Chùa xa chuông giục người nhanh bước
Trẻ dắt trâu về tiếng sáo bay.

Trong cấu trúc bài thơ có những sự đột biến từ thực tại bi đát sang cái nhìn chiến thắng; chủ thể trữ tình vượt lên, át khách thể đáng buồn; chủ thể trữ tình chủ động chuyển đổi trạng huống tiêu cực thành tích cực. Xin dẫn một số ví dụ:

– Đầy mình ghẻ tím như hoa gấm,
Sột soạt luôn tay tựa gảy đàn.
Mặc gấm bạn tù đều khách quí,
Gảy đàn trong ngục thảy tri âm.

– Ngồi trên hố xí đợi ngày mai.

– Đáng khóc mà ta cứ hát tràn.

– Vật chất tuy đau khổ,
Không nao núng tinh thần;

– Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;

– Thừa cơ rét rệp xông vào đánh,
Mừng sáng nghe oanh hót xóm gần.

Có khi, kiểu cấu trúc này được điệp lại ngay trong một bài:

Cơm xong bóng đã xuống trầm trầm
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.

Trong bài thơ này, câu 1 và câu 3 là khách thể, là thực trạng, là bóng tối, là màu xám, là buồn tẻ; câu 2 và câu 4 là chủ thể, là quan niệm tinh thần, tư tưởng chiến thắng, là niềm vui của tự do v.v…

Như vậy, kết cấu của bài thơ Chiều tối là kiểu kết cấu khá phổ biến, hàm chứa quan niệm nghệ thuật và cái nhìn nghệ thuật của một nghệ sĩ cách mạng bậc thầy. Kết cấu đó thể hiện niềm tin, bản lĩnh cách mạng và tình yêu cuộc sống với xu hướng thoát khỏi bóng tối, tù hãm và hướng về ánh sáng, tự do. Bên cạnh nét chung đó về mặt kết cấu với nhiều thi phẩm khác trong Nhật ký trong tù, bài thơ Chiều tối còn có tính đặc thù, tạo những xúc cảm và đặc trưng thẩm mỹ riêng. Trong hai câu thơ đầu, tác giả đặt các tính từ lên đầu câu để tạo điểm nhấn về mỹ cảm:

Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không.

Vấn đề ở đây không phải do sự qui định của niêm, luật, vì cả hai từ quyện và điểu, cô và vân đều thuộc vần trắc. Do vậy, xét về mặt luật thơ, tác giả đặt từ nào trước cũng đều được cả. Thế nhưng về mặt hiệu quả thẩm mỹ và xúc cảm thì không hoàn toàn như nhau. Trong bài thơ, tác giả không chọn đặt điểu và vân lên đầu hai câu thơ, mà chọn quyện và cô, nghĩa là cái tác giả hướng tới và chủ đích diễn trình không phải là là mặt sự vật mà chính là tính chất của sự vật.

Mặt khác, trong kết cấu chung của cả bài thơ, hình tượng con người được đặt ở vị trí đặc biệt: Từ thiếu nữ được đặt ở trung tâm của cả bài thơ. Và với con người, tác giả cũng không chú ý đến đối tượng với nghĩa chỉ là con người đơn thuần, mà là ở đặc điểm, tính chất của con người làm nên mỹ cảm và tư tưởng cho bài thơ. Do vậy, từ thiếu nữ đã bao hàm nhiều ý nghĩa trong bản thân đối tượng này: Trẻ trung, khỏe khoắn, gợi cảm… Nhưng như thế vẫn chưa là tất cả, vì trước từ thiếu nữ là từ sơn thôn và sau từ thiếu nữ là ma bao túc và lô dĩ hồng. Điều này có
nghĩa là tác giả vẫn chú ý đến tính chất đối tượng: sơn thôn, xét riêng nghĩa chủng loại ngữ pháp theo từ điển thì nó là danh từ, từ chỉ sự vật, nhưng khi tồn tại trong kết cấu này thì nó đã chuyển nghĩa từ danh từ sang tính từ. với điều đó, hình tượng con người có thêm nét khỏe khoắc, trong sáng. Hơn nữa, đứng sau từ thiếu nữ là một hành động, mà hành động này lại được điệp lại trong câu cuối nên càng có tác dụng gia tăng hơi ấm, sự nồng đượm vẻ đẹp con người trong bức tranh.

Kết cấu thẩm mỹ như thế của thi phẩm Chiều tối đã tạo nên những giá trị tư tưởng và thẩm mỹ sâu sắc và độc đáo cho bài thơ này. Gắn liền với kết cấu đó trong một mối quan hệ mật thiết, không gian nghệ thuật của chiều tối là một hình tượng nghệ thuật hàm chứa tính tư tưởng và xúc cảm. Xét về mặt địa lý thì không gian trong Chiều tối là không gian một vùng núi tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc trên con đường người tù bị chuyển ngục; xét trong bối cảnh không gian chung của Nhật ký trong tù thì Chiều tối là không gian ngoài khu vực ngục tù. Với người tù Hồ Chí Minh lúc bấy giờ thì đó là một không gian xa lạ trong cảnh ngộ buồn. Tuy nhiên, phối cảnh của không gian Chiều tối – một bức tranh với nhiều mảng màu sáng – tối, nóng – lạnh, của nó làm bật lên nhiều giá trị tư tưởng và thẩm mỹ đẹp đẽ, bất ngờ và thú vị. Xét ở bình diện kết cấu thì hai câu thơ đầu là một mảng không gian mang tính thực:

Chim mỏi về rừng tìm cây ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không.

Tình tiết nổi bật về cảnh vật trên nền không gian chiều tối, u tịch là chim, nhưng là chim mỏi; và mây nhưng là chòm
mây. Nghĩa là tác giả nhấn mạnh vào tính chất của sự vật chứ không phải tính vật thể của sự vật. Do vậy, trong nguyên bản là quyện điểu và cô vân, mà từ quyện (mệt mỏi) và từ cô (cô lẻ, cô độc) lại được đặt ở đầu câu thơ như những điểm nhấn tạo ấn tượng thẩm mỹ của cái buồn trong không gian.

Trong sự liên hệ với người tù thì cảnh ngộ của người tù còn đáng thương hơn, vì cũng mỏi mệt, cô đơn trên con đường chuyển lao, nhưng người tù còn không có được cả tự do thân thể như chim và mây kia. Thế nhưng, với phép chuyển đột giáng, mảng thứ hai của không gian làm bật lên những ý nghĩa mới mẻ. Trong hai câu thơ cuối: “Cô em xóm núi xay ngô tối,/ Xay hết lò than đã rực hồng”, không gian tương phản với mảng thứ nhất ở hai câu thơ đầu. Thứ nhất, nói về đối tượng thì đã có bước chuyển từ cảnh vật, con vật, hiện tượng tự nhiên sang con người; thứ hai, con người được nhấn mạnh ở tính chất: thiếu nữ (trẻ trung, sức khỏe, vẻ đẹp…), mà là sơn thôn thiếu nữ lại càng tôn thêm vẻ đẹp thuần phác, khỏe khoắn, và đang xay ngô (hoạt động làm nên tính ấm nóng cho không gian, tăng tính động tích cực cho không gian).

Đặc biệt hơn nữa là trong cấu trúc câu thơ, con người (thiếu nữ) được đặt ở vị trí trung tâm giữa câu thơ và bài thơ, và đó cũng là trung tâm không gian nghệ thuật của bài thơ. Một tình tiết khá nổi bật đi liền với hình ảnh thiếu nữ xóm núi đang xay ngô là lò than đã đỏ. Màu đỏ – vốn là một sắc màu của gam nóng trong hội họa, là một màu sắc mang giá trị tượng trưng khá phổ biến trong nhiều bài thơ của Nhật ký trong tù, ở bài thơ này đã rọi lên tất cả, phổ lên tất cả ánh sáng và sức ấm nóng của nó. Theo đó, từ tính thẩm mỹ của bức tranh, người đọc phát hiện ra cả một bầu trời bát ngát tự do về tư tưởng và mênh mông tình người trong cách quan niệm và cái nhìn nghệ thuật của người tù. Đồng thời cũng từ đó, hé lộ cả một tấm chân dung đầy nghị lực, ý chí vượt lên cảnh ngộ buồn để hướng về tự do, ánh sáng của Hồ Chí Minh. Không gian nghệ thuật đó cho người đọc thấy chất nghệ sĩ, minh triết và cách mạng hài hòa một cách tự nhiên và thuyết phục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang