huong-dan-tim-hieu-day-du-noi-dung-truyen-ngan-chu-nguoi-tu-tu-cua-nguyen-tuan

Hướng dẫn tìm hiểu đầy đủ nội dung truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Hướng dẫn tìm hiểu truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.

I. Tác giả, tác phẩm:

1. Tác giả Nguyễn Tuân.

a, Tiểu sử:

– Nguyễn Tuân (1910 – 1987) là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sách giáo khoa hiện hành xếp ông vào một trong chín tác giả của văn học Việt Nam hiện đại. Ông viết văn với một phong cách tài hoa uyên bác và được xem là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Hà Nội có một con đường mang tên ông.

– Nguyễn Tuân là một trí thức giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Lòng yêu nước của ông có màu sắc riêng: gắn liền với những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc. Ông yêu tha thiết tiếng mẹ đẻ, những kiệt tác văn chương của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Tú Xương, Tản Đà… những phong cảnh đẹp của quê hương đất nước, những thú chơi tao nhã như uống trà, nhắm rượu, chơi hoa, chơi chữ đẹp, đánh thơ, thả thơ… những món ăn truyền thống thể hiện khẩu vị tinh tế của người Việt.

– Ở Nguyễn Tuân, ý thức cá nhân phát triển rất cao. Ông viết văn trước hết để khẳng định cá tính độc đáo của mình. Ông ham du lịch, tự gán cho mình một chứng bệnh gọi là “chủ nghĩa xê dịch”.

– Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội họa, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh… Đồng thời Nguyễn Tuân còn là một diễn viên kịch nói có tài và là một diễn viên điện ảnh đầu tiên ở nước ta. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.

– Nguyễn Tuân là một nhà văn biết quý trọng thật sự nghề nghiệp của mình. Ngay từ trước Cách mạng tháng Tám, ông đã quan niệm nghề văn là một cái gì đối lập với tính vụ lợi kiểu con buôn, và ở đâu có đồng tiền phàm tục thì ở đấy không thể có cái đẹp. Đối với ông, nghệ thuật là một hình thái lao động nghiêm túc, thậm chí “khổ hạnh” và ông đã lấy chính cuộc đời cầm bút hơn nửa thế kỉ của mình để chứng minh cho quan niệm ấy.

– Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

b, Sự nghiệp sáng tác

– Nguyễn Tuân không phải là nhà văn thành công ngay từ những tác phẩm đầu tay. Ông đã thử bút qua nhiều thể loại: thơ, bút kí, truyện ngắn hiện thực trào phúng. Nhưng mãi đến đầu năm 1938, ông mới nhận ra sở trường của mình và thành công xuất sắc với các tác phẩm: Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua… Tác phẩm Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám chủ yếu xoay quanh ba đề tài: chủ nghĩa xê dịch, vẻ đẹp vang bóng một thời, và đời sống trụy lạc.

– Chủ nghĩa xê dịch vốn là một lí thuyết vay mượn của phương Tây, chủ trương đi không mục đích, chỉ luôn luôn thay đổi chỗ để tìm cảm giác mới lạ và thoát li mọi trách nhiệm với gia đình và xã hội. Nguyễn Tuân đã tìm đến lí thuyết này trong tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc. Nhưng viết về chủ nghĩa xê dịch, Nguyễn Tuân lại có dịp bày tỏ tấm lòng gắn bó tha thiết của ông đối với cảnh sắc và phong vị của đất nước mà ông đã ghi lại được bằng một ngòi bút đầy trìu mến và tài hoa (Một chuyến đi).

– Không tin tưởng ở hiện tại và tương lai, Nguyễn Tuân đi tìm vẻ đẹp của quá khứ còn vang bóng một thời. Ấy là thời phong kiến đã qua nhưng dư âm còn vang vọng lại. Ông không viết về trật tự xã hội, về tư tưởng đạo đức cũ, mà mô tả vẻ đẹp riêng của thời xưa với những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã, những cách ứng xử giữa người với người đầy nghi lễ nhịp nhàng… Tất cả được thể hiện thông qua những con người thuộc lớp người nhà nho tài hoa bất đắc chí, tuy đã thua cuộc nhưng không chịu làm lành với xã hội thực dân (trong số này cũng có những người có khí phách ngang tàng như Huấn Cao (Chữ người tử tù) chẳng hạn).

– Nguyễn Tuân cũng hay viết về đề tài đời sống trụy lạc. Ở những tác phẩm này, người ta thường thấy có một nhân vật “tôi” hoang mang bế tắc, tìm cách thoát li trong đàn hát, trong rượu và thuốc phiện. Trong tình trạng khủng hoảng tinh thần ấy, người ta thấy đôi khi vút lên từ cuộc đời nhem nhuốc, phàm tục niềm khao khát một thế giới tinh khiết, thanh cao, được nâng đỡ trên đôi cánh của nghệ thuật (Chiếc lư đồng mắt cua).

– Lòng yêu nước và thái độ bất mãn với xã hội thực dân đã đưa Nguyễn Tuân đến với cách mạng và kháng chiến. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông chân thành đem ngòi bút phục vụ cuộc chiến đấu của dân tộc, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước. Nhưng Nguyễn Tuân luôn luôn có ý thức phục vụ trên cương vị của một nhà văn, đồng thời vẫn muốn phát huy cá tính và phong cách độc đáo của mình. Ông đã đóng góp cho nền văn học mới nhiều trang viết sắc sảo và đầy nghệ thuật ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân lao động trong chiến đấu và sản xuất.

c, Phong cách sáng tác

* Trước Cách mạng tháng Tám

– Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Ngông là thái độ khinh đời, ngạo đời, dựa trên tài hoa, sự uyên bác và nhân cách hơn đời của mình. Ngày xưa, Nguyễn Công Trứ có câu thơ rất ngông:

Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

(Cầm kì thi tửu bài 1 – Nguyễn Công Trứ )

– Nguyễn Tuân là một người tài hoa uyên bác. Sự thật đó được chứng minh ở các điểm sau:

+ Tiếp cận mọi sự vật ở mặt văn hóa thẩm mĩ để khám phá và… khen chê. Nguyễn Tuân luôn say mê truy tìm vẻ đẹp độc đáo của con người và cuộc sống.

+ Vận dụng trí thức của nhiều ngành văn hóa, nghệ thuật để quan sát hiện thực, sáng tạo hình tượng.

+ Nhìn người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, tạo nên những nhân vật tài hoa để… đem đối lập với những con người bình thường, phàm tục. Con người trong văn Nguyễn Tuân bao giờ cũng đẹp với vẻ tài hoa nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Với Nguyễn Tuân những người bình thường khi thực hiện những công việc bình thường trong phạm vi nghề nghiệp mà họ đang làm nếu đạt tới một trình độ tinh xảo, nhuần nhuyễn, khéo léo mà người khác khó lòng theo kịp thì được coi là một kẻ tài hoa: “mĩ thuật vốn không có bà con luận lí với thời đại, một thằng ăn cắp cũng trở lên đẹp đẽ khi nó cắt túi người ta rất gọn, rất nhanh”.

+ Tô đậm cái phi thường, gây cảm giác mãnh liệt dữ dội. Nguyễn Tuân thường miêu tả những cảnh đẹp tuyệt mĩ, tuyệt đích; cái đẹp ấy là sự hội tụ của cái đẹp thi vị trữ tình và vẻ đẹp hoành tráng dữ dội đến dữ dằn.

– Nguyễn Tuân là một con người có nhân cách đạo đức hơn đời: chỗ dựa ở thái độ “ngông” của ông không chỉ ở sự tài hoa uyên bác mà còn ở tính cách “ngông” của ông. Cái gốc của nhân cách đạo đức của Nguyễn Tuân là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, niềm tha thiết với cái đẹp của văn nghệ, của phong tục tập quán, của thiên nhiên và những thú chơi tao nhã.

* Sau Cách mạng tháng Tám:

– Sự vận động, đổi mới trong phong cách nghệ thuật tồn tại song song với tính thống nhất, ổn định của phong cách nghệ thuật. Quy luật sáng tạo đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết vượt lên chính mình và không được giẫm lên dấu chân người khác. Phong cách Nguyễn Tuân cũng có sự vận động theo chiều hướng tích cực ấy. Trước và sau Cách mạng là cả một sự thay đổi kì diệu trong văn ông. Cách mạng đã giải thoát cho tâm hồn và nghệ thuật Nguyễn Tuân, hướng nhà văn tới cuộc sống và nhân dân.

– Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân không còn nhấm nháp, say sưa chắt chiu cái đẹp trong những tiểu thế giới tù túng, chật hẹp nữa. Nhà văn cảm nhận được cái khỏe đẹp, rộng rãi, bao la của đất trời đổi mới. Cái nhìn của nhà văn với cuộc sống, con người trở nên đôn hậu hơn. Quan niệm của ông về cái đẹp vì thế mà bớt đi sự phù phiếm, phiến diện, từng bước tiếp cận với cái đẹp chân chính và tiến bộ. Ông đi tìm cái đẹp trong con người lao động bình thường. Ông lái đò sông Đà trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà cũng là một con người như thế. Miêu tả tư thế vượt thác hiên ngang, anh dũng của ông lái đò, Nguyễn Tuân ca ngợi phẩm chất của người lao động thời đại mới, chủ động trước thiên nhiên, dám tấn công vào những thế lực dữ dội nhất của thiên nhiên. Đây là khám phá mới mẻ, độc đáo của Nguyễn về hình ảnh con người mới.

– Nếu như trước Cách mạng, Nguyễn Tuân có cái “ngông”, “khinh bạt”, “ngạo đời” với xung quanh thì nay ông dùng cái nhìn ấy để đả kích, tấn công kẻ thù. Nhà văn để dành lối khinh bạt ấy cho thực dân Pháp nhằm đả kích, mỉa mai chưa hề bao giờ tôi thấy dòng sông Đà đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây lếu láo mà cứ như thế mà phết vào bản đồ lai chữ (Người lái đò sông Đà). Sự thay đổi sắc sảo trong ngòi bút Nguyễn Tuân cũng là kết quả của quá trình “lột xác” đầy đau đớn của ông.

– Trước và sau Cách mạng có sự thay đổi lớn trong thể loại văn Nguyễn Tuân. Nếu như trước Cách mạng, ở các tập truyện ngắn Nguyễn Tuân được coi là bậc thầy với những nét độc đáo, riêng biệt thì nét phong cách này được thể hiện rõ trong Chữ người tử tù – một truyện ngắn gần đạt tới sự toàn mĩ (Vũ Ngọc Phan). Sau Cách mạng, thể loại tuỳ bút phát triển mạnh mẽ hơn, Người lái đò sông Đà là một trong những thành công xuất sắc của tuỳ bút Nguyễn Tuân. Có thể nói trong thể loại tuỳ bút trong làng văn Việt Nam đã xuất hiện Thạch Lam, Vũ Bằng… nhưng chưa ai theo kịp được “thể phách Nguyễn Tuân”.

– Nguyễn Tuân còn có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ông có một kho từ vựng phong phú và một khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, lại có nhạc điệu trầm bổng, biết co duỗi nhịp nhàng. Nhận xét về phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, Anh Đức viết: Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo, vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng.

2.. Truyện ngắn “Chữ người tử tù”.

a, Xuất xứ:

– Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau đó được tuyển in trong tập truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tủ tù. Vang bóng một thời khi Nguyễn Tuân in lần đầu (1940) gồm 11 truyện ngắn, là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước Cách mạng, được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ.

– Nhân vật chính trong Vang bóng một thời phần lớn là những nho sĩ cuối mùa những con người tài hoa, bất đắc chí. Gặp lúc Hán học suy vi, sống giữa buổi “Tây – Tàu nhố nhăng”, những con người này, mặc dù buông xuôi bất lực nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời. Họ không chịu a dua theo thời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố giữ “thiên lương” và sự trong sạch của tâm hồn”. Họ dường như cố ý lấy “cái tôi, tài hoa, ngông nghênh của mình để đối lập với xã hội phàm tục; phô diễn lối sống đẹp, thanh cao của mình như một thái độ phản ứng trật tự xã hội đương thời”. Trong số những con người tài hoa ấy, nổi bật lên hình tượng ông Huấn Cao trong Chữ người tử tù, một con người tài hoa, không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng; mặc dù chí lớn không thành những tư thế vẫn hiên ngang, bất khuất.

b, Chủ đề:

Cốt truyện xoay quanh cuộc gặp gỡ kì lạ và éo le của hai nhân vật chính: Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, có thiên lương và khí phách đã lãnh đạo nông dân khởi nghĩa và bị bắt giam vào trại giam tỉnh Sơn. Viên quản ngục lại là một kẻ say mê chữ đẹp của ông Huấn Cao, quyết tâm tìm mọi cách để xin chữ của Huấn Cao.

c, Ý nghĩa nhan đề:

– Chữ người tử tù ban đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, sau khi in lại trong tập Vang bóng một thời được đổi tên lại. Điều đó cho thấy sự cân nhắc cùng với dụng ý nghệ thuật của nhà văn.

– Dòng chữ cuối cùng chỉ gắn với con chữ mà Huấn Cao cho quản ngục trước khi lĩnh án tử hình. Chỉ nhấn mạnh vào chữ và thời gian cho chữ, gợi lên màu sắc bi quan, cái chết và sự chấm dứt

– Chữ người tử tù là nhan đề nói được nhiều hơn thế. Chữ người tử tù là chữ của Huấn Cao, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình, bị bắt và bị kết án tử hình. Đây cũng chính là nhân vật trung tâm của truyện.

– Giá trị, ý nghĩa của chữ: hội tụ và làm tỏa sáng hình tượng chính (tài năng kiệt xuất trong nghệ thuật thư pháp; mang hoài bão tung hoành, khí phách anh hùng; có cái tâm trong sáng, tấm lòng tha thiết giữ gìn thiên lương lành vững cho con người). Bộc lộ lí tưởng của nhà văn cũng như toàn bộ nội dung chủ đề của tác phẩm: cái đẹp phải là sự chung đúc, hội tụ của tài hoa, khí phách, thiên lương, cái đẹp ấy sẽ được sinh ra, tồn tại và bất tử ngay tại nơi cái xấu tồn tại. Toàn bộ câu chuyện xoay quanh việc xin chữ, cho chữ.

d, Nghệ thuật:

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nghệ thuật xây dựng hai nhân vật chính vừa đối lập vừa tương đồng, tương đồng là biết quý trọng cái đẹp, khác với một số tác phẩm khác như tác phẩm Chí Phèo xây dựng hai nhân vật hoàn toàn đối lập và khác biệt như Chí Phèo với bá Kiến. Huấn Cao và viên quản ngục vừa có quan hệ của kẻ cai trị và bị trị, là người quản tù và người tử tù, vừa có quan hệ của người sáng tạo cái đẹp với người khát vọng tạo ra cái đẹp, là người có chữ đẹp và người muốn có chữ đẹp. Qua cách xây dựng đó nhà văn đã đề ra một người có nhân cách đẹp dù là người đó bị quy tội phản nghịch triều đình. Bên cạnh đề cao thì phát hiện được tấm lòng tốt trong thiên hạ đó là tấm lòng của viên quản ngục. Đó là tính nhân đạo của tác giả.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật: tác giả miêu tả hai nhân vật chính. Với Huấn Cao là một con người có khí phách hiên ngang cho nên từ đầu đến cuối truyện diễn biến tâm lí của nhân vật luôn luôn phù hợp với khí phách đó. Viên quản ngục về phía cai trị là thế bề trên nhưng về phía cái đẹp lại là ở bậc thấp hơn cho nên tâm lí của viên quản ngục luôn rụt rè nhẫn nhịn trước Huấn Cao trước cái đẹp.

– Nghệ thuật kết cấu tổ chức sắp xếp tác phẩm: kết cấu tuy đơn giản theo một trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại, tuy vậy nhưng đã có tác dụng làm rõ được từng bước phát triển rất cụ thể của tâm lí nhân vật, hoạt động nhân vật. Một trong những nét đặc sắc về kết cấu là đặt hai hệ thống nhân vật đối lập trong một mối tương đồng nhờ thế đã làm cho tính hấp dẫn của tác phẩm được nâng cao.

– Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ tác phẩm: tác giả đã sử dụng một hệ thống ngôn ngữ truyền thống, ngôn ngữ của một thời đã qua, nó có tác dụng tái hiện được không gian thời gian mà nhân vật xuất hiện.

– Nghệ thuật xây dựng hình ảnh của tác phẩm: tác giả luôn luôn xây dựng hình ảnh đối lập: viên quản ngục gặp Huấn Cao, hình ảnh cho chữ. Cách xây dựng hình ảnh có tính khắc chạm tính khái quát như khi Huấn Cao cho chữ thì thầy thơ lại và viên quản ngục khúm núm, run run. Truyện kết thúc bằng cảnh cho chữ – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

II. Tìm hiểu nội dung văn bản. 

1. Vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao:

– Huấn Cao là nhân vật đẹp nhất của đời văn Nguyễn Tuân. Huấn Cao không chỉ như một kẻ tài hoa tài tử thường gặp trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Tuân, Huấn Cao là một đấng tài hoa nhưng cũng là một đấng anh hùng. Trong con người này người ta thấy sự kết hợp ở mức lí tưởng của một hào kiệt và một nghệ sĩ.

a, Vẻ đẹp tài hoa:

– Để hiểu được tài vẻ đẹp tài hoa của Huấn Cao cần hiểu được bộ môn nghệ thuật thư pháp: Thư pháp là bộ môn nghệ thuật viết chữ và chơi chữ truyền thống của cha ông. Đây là một môn nghệ thuật rất độc đáo. Chữ trong những tác phẩm thư pháp không phải là sản phẩm khéo tay, quen việc, thạo nghề của một người thợ. Mà một lần đặt bút đối với nhà thư pháp là một lần sáng tạo. Một nét bút là sự tập trung, kết tụ tinh hoa và tâm huyết của người nghệ sĩ. Một nét chữ đều là sự hiện hình của những khát khao thầm kín mà mãnh liệt chất chứa trong tâm khảm, trong nhân cách của người viết. Chính vì vậy, người viết chữ đẹp thì nhiều nhưng để đạt đến trình độ thư pháp thì rất hiếm hoi. Trong Chữ người tử tù, Huấn Cao là người có tài viết chữ thư pháp.

– Tài viết chữ thư pháp của Huấn Cao được Nguyễn Tuân giới thiệu gián tiếp qua lời nhận xét của thầy thơ lại và quản ngục: Hay là cái người tỉnh Sơn ta vẫn thường khen có tài viết chữ nhanh và đẹp đó không. Chữ của Huấn Cao không chỉ “đẹp lắm”, “vuông lắm” mà mỗi con chữ nó còn nói lên khát vọng, hoài bão tung hoành của một đời con người. Ở đây, Nguyễn Tuân không tả vẻ đẹp những con chữ tài hoa mà chú tâm vào cái đẹp cái nghĩa khí tỏa ra từ nét chữ. Chính vì vậy mà có được chữ ông Huấn Cao mà treo là một vật báu trên đời.

– Cũng như nhiều nhân vật trong Vang bóng một thời, nhân vật Huấn Cao mang được vẻ đẹp truyền thống từ những thú chơi tao nhã của cha ông. Qua đây, Nguyễn Tuân thể hiện tình yêu quê hương đất nước sâu sắc.

b, Vẻ đẹp khí phách:

– Khi bước chân vào trại giam tỉnh Sơn: Nhân vật xuất hiện trước mắt người đọc trong tư thế của người tử tù đến nhà giam của tỉnh Sơn chờ ngày thụ án. Huấn Cao đi đầu và theo sau là năm đồng chí của ông. Trên vai họ là một cái gông bằng lim vậy mà từ trong con người Huấn Cao vẫn toát ra một thái độ điềm tĩnh, thản nhiên đến khinh bạc. Ông quay lại bảo các bạn tù dỗ rệp ở gông bằng một thái độ lạnh lùng: Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi, và Huấn Cao khom người xuống chúc mũi gông xuống thềm đá đánh thuỳnh một cái và một trận mưa rệp văng ra. Chỉ bằng một vài lời thoại ngắn Huấn Cao đã gây được cảm tình cho người đọc. Tên lính thị oai buông lời dọa nạt nhưng dường như lời dọa nạt ấy không lọt vào tai Huấn Cao. Cửa nhà lao mở, Huấn Cao cùng các bạn đồng chí điềm nhiên bước vào. Tất cả những hành vi cử chỉ ban đầu ấy của Huấn Cao đã khiến cho độc giả và ngay cả viên quản ngục phải thán phục kiêng nể. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân lại để Huấn Cao xuất hiện lần đầu trong thiên truyện bằng chi tiết “dỗ gông”. Ấy là hành động biểu thị tự do. Huấn Cao đã cho thấy việc gì ông muốn là làm, và hoàn toàn có thể làm được. Bất chấp nó khó khăn đến đâu và có được phép hay không để rồi Huấn Cao cứ sừng sững hiên ngang đi cho hết sinh mệnh của mình trong thế giới của câu chuyện.

– Trong những ngày ở trại giam tỉnh Sơn: Huấn Cao thản nhiên nhận rượu, thịt, sự biệt đãi của quản ngục coi đó là cái việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh. Khi quản ngục bước chân vào buồng giam hỏi Huấn Cao: Thưa ngài! Ngài cần gì nữa. Huấn Cao đã thản nhiên, khinh bạc trả lời: Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Thái độ, hành động, lời nói của Huấn Cao đã toát lên khí phách của một con người, không bao giờ chịu vào luồn, ra cúi. Bởi với ông đến cái cảnh chết chém ông cũng chẳng sợ nữa là cái trò bày đặt của bọn tiểu nhân.

– Đối với việc cho chữ: Huấn Cao cũng toát lên khí phách của một người anh hùng, một người nghệ sĩ. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Ông nói: Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ. Với ông tiền bạc không thể khiến ông cho chữ, uy quyền không ép được ông viết chữ bao giờ. Cả đời ông, ông mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Như vậy, với Huấn Cao chỉ cho chữ những người thuộc về tri âm, tri kỉ đời mình. Chính vì vậy, quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Và luôn đau đáu lo sợ ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời mất.

⇒ Dưới trang văn của Nguyễn Tuân, Huấn Cao hiện lên là một con người anh hùng mang khí phách của Cao Bá Quát.

c, Vẻ đẹp thiên lương:

– Nếu chỉ có tài hoa và khí phách không thôi thì vẻ đẹp của Huấn Cao e rằng không hoàn mĩ. Ở Huấn Cao còn có một tấm lòng. Một tấm lòng thuần khiết nằm ngay trong cái vẻ kiêu bạc gai góc. Điều này thể hiện:

– Đối với việc cho chữ quản ngục:

+ Khi nghe tâm sự và nguyện vọng xin chữ của quản ngục, Huấn Cao đã vô cùng xúc động. Ông đã ân hận chân thành: Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ lời nói đó đã hé mở cho ta thấy cái lẽ sống của Huấn Cao. Sống là phải xứng đáng với những tấm lòng. Nếu vì một lí do nào đó mà phải phụ tấm lòng ai đó, thì ông coi đó là một tội lỗi không thể tha thứ được của mình. Vì vậy, không đắn đo suy tính, Huấn Cao nhận lời ngay: Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Thế là một con người kiêu bạc ngạo mạn khinh thường cường quyền và vàng ngọc đã khuất phục trước một tấm lòng.

+ Như vậy, việc Huấn Cao cho chữ quản ngục không phải là việc làm của một con người muốn phô diễn tài năng cuối cùng của mình trước khi lìa trần, cũng không phải việc làm trả ơn cho quản ngục vì đã biệt đãi mình trong những ngày cuối đời mà đây là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, của người tri âm dành cho người tri kỉ.

– Thiên lương của Huấn Cao thực sự được tỏa sáng ở cảnh cho chữ. Cảnh cho chữ diễn ra trong sự tương phản một bên là nhà lao ẩm thấp, tăm tối, bẩn thỉu: một buồng tối chật hẹp, ẩm thấp, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián với một bên là tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ, căng phẳng và với ánh sáng của một bó đuốc tẩm dầu đang cháy rực. Dưới ánh sáng của bó đuốc, Huấn Cao dồn hết tâm linh, sinh lực vào từng nét chữ. Ông không mảy may lưu ý gì đến cái xấu xa, cái hôi hám, bẩn thỉu đang tồn tại mà hoàn toàn bị thu hút vào tấm lụa bạch nguyên vẹn. Ở đây không còn là Huấn Cao tử tù nữa, chỉ còn một Huấn Cao tự do. Huấn Cao đã đem đến nơi này một thế giới khác, thế giới văn hóa, thế giới của cái đẹp. Vẻ đẹp nhân cách đó đã làm cho viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.

– Sau khi cho chữ, Huấn Cao đã khuyên quản ngục: Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững. Lời khuyên của Huấn Cao thể hiện rõ: con người chỉ xứng đáng được với cái đẹp khi giữ cho mình được thiên lương trong sáng; cái đẹp có thể sinh ra từ trong môi trường của cái ác, cái xấu nhưng cái đẹp không thể sống chung với cái ác, cái xấu. Khi nghe những lời khuyên của Huấn Cao, quản ngục cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh. Rồi đây khi Huấn Cao ra đi, quản ngục sẽ từ bỏ cái nghề cai ngục để thiên lương trong sáng, xứng đáng với cái đẹp. Như vậy cái đẹp đã cảm hoá được con người.

Nhân vật Huấn Cao được Nguyễn Tuân viết bằng bút pháp lãng mạn, theo kiểu lí tưởng hóa, một chân dung hoàn hảo đã hiện lên trước mắt người đọc cả về tài năng và phẩm chất. Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật Huấn Cao bằng cả tài năng và tâm huyết của mình. Qua nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ quan niệm của mình về cái đẹp; thể hiện tư tưởng của nhà văn giai đoạn trước Cách mạng (tìm vẻ đẹp ở con người đặc biệt, xuất chúng, phi thường).

2. Nhân vật viên quản ngục:

a, Sự xuất hiện của viên quản ngục.

– Quản ngục là nhân vật phụ, nhưng có vị trí quan trọng, một mặt góp phần bật nổi vẻ đẹp Huấn Cao, thúc đẩy kịch tính của truyện; mặt khác, nhờ nhân vật này, Nguyễn Tuân đã thể hiện rõ được một cách toàn diện quan niệm tư tưởng của mình ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.

– Nếu nhân vật Huấn Cao là người toàn tài, sáng tạo ra được cái đẹp, thì quản ngục lại là người biết trân trọng, thưởng thức cái đẹp.

– Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật quản ngục vào một khung cảnh trại giam, lúc bấy giờ đó là nơi ngự trị của cái ác, cái xấu, cái đê tiện, thấp hèn. Nhưng cái phòng nơi quản ngục ở thật đặc biệt: Nơi góc án thư vàng đã nhợt, son đã mờ, đĩa dầu sở trên cây đèn nến vơi lần mực dầu. Một khung cảnh gợi lên cuộc sống thanh đạm, giản dị của viên quan coi ngục.

– Bên cái án thư, dưới ngọn đèn leo lét, quản ngục hiện lên với khuôn mặt nghĩ ngợi, ngồi băn khoăn bóp thái dương, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu; khuôn mặt tư lự với những đường nhăn nheo. Những chi tiết về ngoại hình đã giúp người đọc hình dung được một con người từng trải, đang trăn trở, suy tính về một đề nào đó.

→ Từ khung cảnh của cuộc sống, dáng hình bên ngoài, quản ngục hiện lên ấn tượng.

b, Những phẩm chất của quản ngục:

– Quản ngục là người biết trân trọng, mến mộ người có tài và biết thưởng thức cái đẹp: là một người làm một nghề không lấy gì là cao quý: nghề coi ngục. Quản ngục hiện thân cho công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời, nhưng viên quản ngục lại có thú chơi chữ thanh cao, tao nhã. Thú chơi này hình thành ở quản ngục ngay từ thời trẻ, khi mới biết đọc vỡ nghĩa thánh hiền. Ngay từ ngày đầu ấy quản ngục đã ao ước: một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Như vậy việc ngưỡng vọng tài năng ông Huấn đã có từ lâu trong quản ngục chứ không phải khi làm quản ngục thì ông mới ngưỡng vọng có thấy được điều này ta mới hiểu được thú chơi chữ kia của quản ngục là xuất phát từ thiên lương trong sáng, từ cái phần nhân cách cao đẹp ở quản ngục chứ tuyệt nhiên không phải là cái thói “trưởng giả học làm sang” mà ta thường thấy ở một số quan lại khi có chức có quyền.

– Chính vì có niềm đam mê cái đẹp như vậy nên khi Huấn Cao đến trại giam của quản ngục, ông hết sức băn khoăn, lo lắng. Cái băn khoăn ấy ở quản ngục làm sáng lên nhân cách quản ngục. Ông đang suy nghĩ, làm thế nào để xin được chữ Huấn Cao. Hiểu như vậy ta mới thấy được việc xin chữ Huấn Cao ở quản ngục hoàn toàn xuất phát từ thiện tâm trong sáng chứ không phải hành vi lợi dụng.

– Quản ngục là con người có khí phách, có lòng kiên trì: làm nghề cai ngục nhưng quản ngục lại dám biệt đãi tử tù, dám xin chữ Huấn Cao ngay trong nhà tù. Chỉ điều này thôi cũng cho thấy bản lĩnh của quản ngục. Nếu sự việc bại lộ chắc chắn quản ngục khó bảo toàn được tính mạng. Nhưng ông vẫn làm, tất cả đều xuất phát từ lòng yêu quý, mến mộ cái đẹp.

– Ở quản ngục ta còn thấy sự kiên trì nhẫn nhịn đến độ của ông. Biết được Huấn Cao là người có nghĩa khí, có tài, đặc biệt là có tài viết chữ đẹp. Quản ngục đã biệt đãi Huấn Cao mà còn biệt nhỡn riêng đối với ông: ngày ngày sai quân lính mang rượu thịt đến cho Huấn Cao ăn uống đàng hoàng ở chốn lao tù. Đã thế lại vào buồng giam của Huấn Cao hỏi thêm: Ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất. Trước tấm lòng biệt nhỡn ấy Huấn Cao đã trả lời bằng những câu hết sức cao ngạo: Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Dù bị xúc phạm đến độ như thế song quản ngục vẫn kiên trì lễ phép lui ra. Sau hôm ấy cơm rượu vẫn được đưa đến đều đặn vào buồng giam có phần hậu hĩnh hơn. Cách thức ứng xử của ngục quan khiến cho Huấn Cao hết sức băn khoăn hàng loạt các giả thiết về tình huống được đặt ra, tình huống nào Huấn Cao cũng thấy không thuyết phục. Duy chỉ có cái tâm của quản ngục thì tại thời điểm này Huấn Cao chưa cảm nhận được.

– Quản ngục là con người có lương tâm trong sáng. Đến cuối tác phẩm Huấn Cao mới vỡ lẽ: thì ra quản ngục cũng là một tấm lòng cao khiết trong thiên hạ, để rồi tại buồng giam tăm tối bẩn thỉu, sở nguyện của ngục quan được thỏa mãn: xin được dòng chữ tài hoa của Huấn Cao. Như vậy quản ngục muốn thờ phụng hoài bão tung hoành của Huấn Cao chứ đâu chỉ có thờ phụng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con chữ một cách thông thường. Chỉ riêng điều này thôi đã cũng đủ thấy được cái tâm của quản ngục.

– Đặc biệt là khi đã được Huấn Cao tặng chữ, quản ngục còn được Huấn Cao truyền giáo bằng những lời tâm huyết: Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng với những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ… Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chơi chữ. Ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững. Khi nghe những lời khuyên ấy của Huấn Cao, ngục quan cảm động vái người tù một vái mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng Kẻ mê muội này xin bái lĩnh.

– Hành động khúm núm, vái người tù của quản ngục bật nổi nhân cách của quản ngục. Bởi, có những cái cúi đầu khiến con người trở nên đê tiện, thấp hèn, đó là cái cúi đầu vào luồn, ra cúi để thăng quan, tiến chức, để mưu lợi cá nhân. Ngược lại có những cái cúi đầu khiến nhân cách con người trở nên tỏa sáng. Cái cúi đầu của quản ngục là như thế, bởi đó là cái cúi đầu trước cái đẹp, trước nhân cách cao khiết con người.

– Vào thời khắc này quản ngục đã khóc. Giọt nước mắt quản ngục đã thể hiện rõ tâm trạng xúc động, có phần ăn năn của viên cai ngục. Ông xúc động trước lời khuyên chân thành, thấm thía, ăn năn vì mình đã chọn lầm nghề. Để rồi từ đó, quản ngục đã vái tử tù: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh, một sự kính cẩn tiếp thu những lời khuyên. Rồi đây, khi Huấn Cao từ giã cuộc đời này, quản ngục sẽ từ bỏ nghề cai ngục để giữ thiên lương trong sáng xứng đáng với đẹp. Như vậy, cái đẹp đã cảm hóa được con người.

– Từ những phẩm chất trên, Nguyễn Tuân đã ví quản ngục như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ. Một so sánh đôc đáo đã bật nổi lên: quản ngục sống trong môi trường của cái ác, cái xấu nhưng vẫn giữ được cho mình phẩm chất cao quý.

→ Qua nhân vật quản ngục, đã thể hiện rõ đặc điểm phong cách nghệ thuật và quan niệm tư tưởng Nguyễn Tuấn: tìm chất tài hoa nghệ sĩ ở những con người đặc biệt (quản ngục là một người có tâm hồn nghệ sĩ, có tài năng, biết yêu tài năng, chưa tạo được cái đẹp nhưng biết yêu cái tài và trân trọng thật lòng cái đẹp); cái đẹp vượt lên trên sự dung tục thấp hèn; cái đẹp có sức cảm hóa con người.

3. Cảnh cho chữ – một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

– Việc Huấn Cao cho chữ không phải là thanh toán nợ nần với quản ngục, cũng không phải hành động của người sắp bị tử hình đem những tài sản cuối cùng cho người ở lại. Lại càng không phải là cơ hội cuối cùng để phô diễn tài hoa. Đây trước hết là việc làm của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, là tấm lòng của kẻ tri âm dành cho người tri kỉ. Ta thấy trong cảnh cho chữ (phần cuối thiên truyện) cái tâm đang điều khiển cái tài, cái tài đang phụng sự cái tâm. Nói chính xác là cái tài cái tâm đang hòa vào nhau để tạo nên cái đẹp.
Đây là cảnh tượng xưa nay chưa từng có, bởi:

– Hoàn cảnh cho chữ đặc biệt: việc viết chữ và cho chữ vốn là một thứ chơi tao nhã, thanh cao của những bậc tài hoa nghệ sĩ. Đáng lẽ ra thú chơi này phải diễn ra ở những nơi tao nhã như thư phòng, nơi gió mát trăng thanh lộng ngát hương hoa. Còn ở đây lại diễn ra giữa nhà tù trong cảnh tăm tối, ẩm ướt, bẩn thỉu: trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián nơi ngự trị của bóng tối và cái ác, những thứ thù địch với cái đẹp. Nguyễn Tuân đã chọn chính nơi này để cho cái đẹp chào đời.

– Người cho chữ đặc biệt: không phải là thư sinh nho nhã, một tao nhân mặc khách mà lại là tên tử tù đang bị gông xiềng và chỉ sáng hôm sau sẽ bị giải vào kinh chịu án chặt đầu. Nghĩa là người cho chữ kia đang sống trong thời khắc cuối cùng còn lại của cuộc đời.

– Cảnh cho chữ được viết theo lối tương phản gay gắt. Tương phản giữa bóng tối và ánh sáng. Bao trùm trại giam là bóng tối nhưng ánh sáng toát ra từ bó đuốc, từ phiến lụa trắng, từ con chữ. Tương phản giữa không khí ẩm thối của trại giam và mùi thơm bốc lên từ thoi mực. Trên nền không gian ấy, sự sáng tạo nghệ thuật đang nảy sinh. Cái đẹp đang chào đời…

– Vị thế nhân vật đang có sự đảo lộn. Kẻ có quyền hành thì không có quyền uy. Uy quyền đã thuộc về Huấn Cao kẻ bị tước mọi thứ quyền hành. Người nắm quyền sinh quyền sát thì khúm núm sợ sệt, kẻ tử tù thì ung dung đường bệ. Kẻ có chức năng giáo dục tội phạm thì giờ đây đang được tội phạm giáo dục còn mình thì thành kính đón nhận từng lời di huấn thiêng liêng về nhân cách lẽ sống của bậc hiển minh cao cả. Ranh giới tội phạm và cai tù bị xóa bỏ chỉ còn là những người bạn tri kỉ đang quy tụ quây quần quanh cái đẹp của tình người và nghệ thuật. Mọi trật tự nơi đây đã bị đảo lộn mà tác giả của sự đảo lộn ấy chính là cái đẹp. Tất cả đều đang sống đẹp, đang hành động theo tiếng gọi thiêng liêng của cái đẹp. Cái đẹp của nhân cách, tài hoa.

→ Qua cảnh cho chữ đã thể hiện được rõ quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.

4. Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đọc đáo.

– Chữ người tử tù được xây dựng trên một tình huống đầy éo le, những nhân vật sau này sẽ là tri âm tri kỉ (Huấn Cao và quản ngục) lại bị đặt vào hai vị thế đối nghịch: tử tù và cai ngục. Trên bình diện xã hội họ là đối địch (một người cầm đầu cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại thể chế chính trị đương thời, người kia là viên quan cai ngục đại diện cho bộ máy cai trị của triều đình, là công cụ trấn áp của thể chế chính trị. Trên bình diện nghệ thuật: họ là những kẻ tri âm, tri kỉ (một người có tài viết chữ đẹp, người kia suốt đời ngưỡng mộ cái tài ấy). Ở một góc độ khác cuộc gặp gỡ giữa Huấn Cao và quản ngục là sự đối lập giữa hai loại nhà tù, hai kiểu tù nhân: một người tự do về nhân thân nhưng lại bị cầm tù về nhân cách, người kia luôn tự do về nhân cách nhưng lại bị cầm tù về nhân thân. Đây có thể xem là cuộc gặp gỡ giữa một kẻ tử tù (Huấn Cao) và một người tù chung thân (quản ngục) – bị cầm tù ngay trong hoàn cảnh sống của mình.

– Tình huống truyện có tác dụng thể hiện rõ tính cách nhân vật. Không có tình huống đó thì làm sao biết được tinh thần hiên ngang, bất khuất của Huấn Cao. Khi coi viên quản ngục chỉ như mọi tên cai ngục khác, nghĩa là kẻ đại diện trực tiếp cho chính quyền phi nghĩa, bất lương, ông đã cố tình tỏ thái độ khinh bạc đối lại thái độ mềm mỏng của quản ngục: Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Khi ném ra câu nói ấy, ông Huấn Cao sẵn sàng đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quản ngục khi bị sỉ nhục, nhưng chính câu nói ấy khiến quản ngục lại càng cảm phục tinh thần bất khuất của vị thủ lĩnh nghĩa quân.

– Đứng về phía quản ngục cũng vậy, không có tình huống kia, làm sao ta biết nhân vật này say mê nghệ thuật, yêu quý người tài, kính trọng người nghĩa khí như thế nào. Chỉ vì mong mỏi xin được chữ của Huấn Cao, quản ngục đã vứt bỏ trách nhiệm cai ngục của mình khi đối xử với tử tù. Mà biệt đãi một tên trọng tù như Huấn Cao đâu phải không có thể bị trả giá rất đắt, nếu sự việc bị bại lộ; đã thế lại chịu nỗi oan ức bị ông Huấn khinh bỉ và sỉ nhục.

– Tình huống truyện nói trên còn tạo ra cho tác phẩm một mâu thuẫn có tính kịch khá hấp dẫn, và thiên truyện diễn ra tựa như cách: trình bày, khai đoạn, đỉnh điểm, thắt nút, mở nút của một vở kịch vậy.

– Căn cứ vào mạch truyện, có thể phân chia tác phẩm làm ba đoạn. Từ đoạn đầu đến đoạn cuối, tính cách nhân vật ngày càng bộc lộ rõ hơn, sâu hơn, trong khi mâu thuẫn kịch cũng ngày càng phát triển mạnh để đi đến đỉnh điểm và mở nút. Mâu thuẫn kịch ở đây là gì? Ấy là sự đối lập giữa khát khao của quản ngục nóng lòng muốn xin được chữ Huấn Cao, với thái độ khinh bỉ của Huấn Cao với quản ngục.

– Chữ người tử tù là một chuỗi những xung đột. Đó là mâu thuẫn giữa quản ngục và viên thơ lại cùng đám lính, giữa quản ngục và Huấn Cao… có thể nói Chữ người tử tù mở ra bằng mâu thuẫn, xung đột, cuối cùng cũng khép lại bằng mâu thuẫn, xung đột.

5. Ý nghĩa của tác phẩm.

a, Thể hiện lòng yêu nước:

– Hoàn cảnh xã hội khi Nguyễn Tuân sáng tác Chữ người tử tù là chế độ thực dân phong kiến. Ông không trực tiếp đả phá chế độ ấy, nhưng ca ngợi hành động chống lại nó cũng là cách bày tỏ nỗi bất hòa của mình đối với xã hội đương thời, giãi bày một tình yêu nước âm thầm, kín đáo và sâu sắc.

– Chữ người tử tù mà trực tiếp là cảnh cuối của truyện nói đến thú chơi chữ, một nghệ thuật tao nhã trong truyền thống của dân tộc ta. Ở đó, nó thể hiện không chỉ là nghệ thuật của đường nét uyển chuyển, sáng tạo mà quan trọng hơn, còn là cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Chắc chắn, khi dồn hết tâm lực xây dựng cảnh cho chữ tác giả của Vang bóng một thời phải có lòng yêu nước, yêu dân tộc mãnh liệt và tha thiết, Nguyễn Tuân mới có một sáng tạo độc đáo đến như vậy.

b, Thể hiện lòng yêu cái đẹp

– Nguyễn Tuân là nhà văn “suốt đời đi tìm cái đẹp”, thậm chí trước Cách mạng tháng Tám, ông đã coi “cái đẹp” như là tôn giáo của mình và “Nghệ Thuật” là hai chữ viết hoa. Chữ người tử tù, mà trực tiếp là cảnh cho chữ trong nhà ngục, là sự thể hiện một cách đầy đủ quan điểm mĩ học của Nguyễn Tuân:

– Cái đẹp không vụ lợi, không bị khuất phục trước uy quyền: ông Huấn Cao nổi tiếng viết chữ đẹp nhưng nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ và cả đời mới viết hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân. Như vậy, với Huấn Cao, tiền bạc không mua được chữ, uy quyền không ép ông viết câu đối bao giờ. Nhưng lần này, ông viết cho người quản ngục, trong nhà ngục và trước chỉ vài giờ là lên đường vào kinh chịu tử hình, chỉ vì quý tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục.

– Cái đẹp vượt lên trên sự thấp hèn, dung tục: chứng minh qua nhân vật quản ngục và cảnh cho chữ.

– Cái đẹp có sức cảm hóa con người: chứng minh qua thái độ, tâm trạng của quản ngục cuối truyện.

III. Tổng kết:

– Trong truyện ngắn Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công hình tượng Huấn Cao – một con người tài hoa, có cái tâm trong sáng và khí phách hiên ngang, bất khuất. Qua đó nhà văn thể hiện quan niệm về cái đẹp khẳng định sự bất tử của cái đẹp và bộc lộ thầm kín tấm lòng yêu nước.

– Tác phẩm thể hiện tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo; trong nghệ thuật dựng cảnh khắc họa tính cách nhân vật, tạo không khí cổ kính, trang trọng, trong việc sử dụng thủ pháp đối lập và ngôn ngữ giàu tính tạo hình.

Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng.

* Một vài nhận xét về Nguyễn Tuân:

Nguyễn Đình Thi: “Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kì ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng”.

– Vũ Ngọc Phan: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức. Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa”,

Phân tích Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang