luyen-tap-tao-lap-van-ban-day-du-ngu-van-7

Luyện tập tạo lập văn bản (đầy đủ) – SGK Ngữ văn 7

Luyện tập tạo lập văn bản

I – CHUẨN BỊ Ở NHÀ

1. Cho tình huống

Em cần viết một bức thư để tham gia cuộc thi viết thư do Liên minh Bưu chính Quốc tế (UPU) tổ chức với đề tài: Thư cho một người bạn để bạn hiểu về đất nước mình.

Hãy chuẩn bị viết bài theo các bước: tìm hiểu đề và tìm ý, lập dàn bài, viết một số đoạn văn.

2. Gợi ý

a) Em sẽ viết về nội dung gì cho phù hợp với khuôn khổ 1000 chữ: truyền thống lịch sử; cảnh đẹp thiên nhiên hay những đặc sắc về văn hoá và phong tục của đất nước Việt Nam?

b) Em sẽ viết cho ai: một người bất kì hay phải có tên cụ thể; người lớn hay trẻ em; bạn Việt Nam hay bạn nước ngoài?

c) Em viết bức thư ấy để làm gì: để nhắc lại các bài học về địa lí và lịch sử hay còn để gây thiện cảm của bạn đối với đất nước mình và góp phần xây dựng tình hữu nghị?

d) Em sẽ mở đầu bức thư như thế nào cho tự nhiên, gợi cảm chứ không gượng gạo, khô khan: do nhận được thư bạn hỏi về Tổ quốc mình nên em viết thư đáp lại; do đọc sách báo, xem truyền hình về nước bạn mà em liên tưởng đến đất nước mình và muốn bạn cùng biết, cùng chia sẻ hay vì lì do nào khác?

e) Em sẽ viết những gì trong phần chính của bức thư? Nếu định giới thiệu cảnh đẹp của đất nước Việt Nam thì nên chọn những cảnh nào cho tiêu biểu?

g) Em sẽ kết thúc bức thư như thế nào: chỉ gửi lời chào, lời chúc và lời hứa hẹn sẽ luôn trao đổi thư từ với bạn hay còn tìm cách gợi ra một lí do nào đó để bạn nhớ đến đất nước mình?

II – THỰC HÀNH TRÊN LỚP

1. Tham gia phát biểu, viết đoạn xây dựng bài viết ở lớp theo sự hướng dẫn của thầy, cô giáo.

2. Bổ sung, sửa lại dàn bài cho hoàn chỉnh.

BÀI THAM KHẢO:

Thư cho một người bạn để bạn hiểu rõ về đất nước mình.

Chào bạn Ma-ri-a!

Mình rất hạnh phúc và vui sướng khi đọc thư và nghe bạn kể về đất nước hằng yêu dấu của bạn.

Mình có thể tưởng tượng ra những đỉnh núi phủ đầy tuyết trắng, những cơn gió đem hơi lạnh từ biển Bắc vào. Thậm chí mình có thể cảm nhận được cả mùi vị trong lành của những cánh rừng thông trên mảnh đất bạn đang sống. Mình rất hiểu bạn yêu thương từng góc nhỏ, từng con người trên mảnh đất của Tổ quốc bạn đến dường nào.

Sau khi đọc thư bạn, một ý muốn cứ thôi thúc mình viết thư đáp lại, để đến lượt mình được kể cho bạn nghe về Tổ quốcmà đối với mình thật đẹp đẽ, tuyệt vời, vô song, thật thân thương không gì sánh nổi.

Tổ quốc mình – đó là miền đất Ka-dắc-xtan đầy ánh mặt trời! Ở nơi này, mình cảm nhận được làn gió bỏng rát thổi từ sa mạc tới, chiêm ngưỡng những đỉnh núi tuyết phủ sáng lấp loá, lắng nghe được những âm thanh của dòng sông ào ạt đổ xuống từ triền núi cao và sững sờ đến ngây ngất trước vẻ đáng yêu của chú chim non lần đầu cất cánh.

Mình yêu đất nước mình có những thảo nguyên bao la đẹp biết bao trong những ngày xuân và ngày hạ. Mùa xuân, những làn gió nhẹ nhàng mơn trớn những đoá hoa kiều diễm, càng làm nổi bật ánh bạc nơi cuống bông và tôn lên sắc hoa đỏ trên cái nền xanh ngăn ngắt của đồng cỏ. Muôn hoa trên thảo nguyên đua nhau khoe sắc trên tấm thảm không gian mênh mông trải dài như vô tận, khiến cho mặt đất cũng trở nên sinh động hơn. Ngoài những rặng núi hùng vĩ thích khoác tấm áo choàng của nàng Bạch Tuyết, nơi đây, dưới chân những ngọn đồi xanh ngát, những đoá hoa tup-lip đỏ tươi, hồng nhạt và vàng thắm vẫn vươn mình kiêu hãnh đung đưa trong làn gió xuân nhè nhẹ. Những con suối đầu tiên đổ từ núi xuống trong tiếng róc rách trong trẻo, lúc rì rầm, lúc ngân vang như muốn đánh thức cả mặt đất này dậy khỏi giấc ngủ mùa đông. Và trên thảo nguyên lại vọng về giọng chim ca líu lo vui mừng chào xuân tới. […]

Vào những ngày hè nóng bỏng, khi cả những sắc màu rực rỡ cũng trở nên nhạt nhoà đi dưới cái nắng gay gắt như thiêu đốt của mặt trời, mà được nghỉ ngơi bên những bờ hồ mát mẻ ngắm nhìn những dãy núi vây quanh vẫn giữ tấm áo choàng màu xanh lá cây thì thật là vui thích. […]

Bạn biết không, Ma-ri-a, một ý nghĩ thú vị vừa chợt nảy ra với mình. Nếu chúng ta sưu tầm, thu thập tất cả các bức thư của thiếu niên ở lứa tuổi mình trên khắp thế giới, xếp lại thành một tập, ta sẽ có một cuốn sách hay và độc đáo. Cuốn sách này sẽ có thể dùng làm sổ tay hướng dẫn về địa lí của mỗi quốc gia […]. Những trang sách sẽ chứa đầy tình yêu thương của chúng ta đối với Tổ quốc của mình. Tình yêu ấy nằm trong một tình yêu lớn hơn – tình yêu với ngôi nhà chung của nhân loại – Trái Đất – một tinh cầu bé nhỏ trong vũ trụ bao la mà ta có được […].

Ma-ri-a thân mến, mình sẽ nói tạm biệt bạn bây giờ, nhưng mình rất muốn bạn có thể tưởng tượng ra đất nước Ka-dắc-xtan của mình. Bạn hãy đọc lá thư này, nhắm mắt lại và bạn sẽ thấy những thảo nguyên bao la, sẽ nghe thấy những âm thanh trên thảo nguyên ấy. Nơi đó, chính là Tổ quốc hằng yêu dấu của mình.

(I-ri-na Ki-xlô-va, 14 tuổi, Bài đoạt giải Nhất cuộc thi viết thư do UPU tổ chức)


* Soạn bài:

Luyện tập tạo lập văn bản

I. Kiến thức cơ bản

Nhớ lại kiến thức về văn bản, liên kết trong văn bản, bố cục của văn bản, mạch lạc trong văn bản và các bước tạo lập văn bản đã học ở bài trước để vận dụng vào tạo lập văn bản.

II. Luyện tập

1. Chuẩn bị ở nhà

– Đặt mình vào trong tình huống cụ thể (viết thư tham dự cuộc thi viết thư do Liên minh Bưu chính quốc tế (UPU) tổ chức với mục đích: Thư cho một người bạn để bạn hiểu về đất nước mình;

– Tự chọn một trong các đề tài: truyền thống lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên, những nét đặc sắc về văn hoá, phong tục,…;

– Lập dàn bài chi tiết cho bức thư của mình;

– Viết thành bức thư hoàn chỉnh;

– Kiểm tra lại văn bản bức thư về bố cục, liên kết, mạch lạc, hình thức ngôn ngữ,…;

– Có thể trao đổi dưới hình thức học nhóm để tự nhận xét cho nhau.

2. Thực hành trên lớp

a. Trao đổi theo tổ, đổi bài để đọc và nhận xét lẫn nhau;

b. Đọc văn bản tham khảo;

c. Tự điều chỉnh văn bản của mình.

3. Văn bản tham khảo

Chào bạn Kang Wook thân mến!

Mình vừa đọc bức thư của bạn xong, mình nhắm mắt lại và hít thật sâu suy nghĩ và tưởng tượng rằng. Đất nước của bạn thật tuyệt vời! Một hoàng cung lộng lẫy! sang trọng và có những nét hoa văn thật đẹp. Và còn hòn đảo Chechu của nước cậu thì có đầy thiên nhiên, những thảm cỏ xanh mướt, êm ái. Và xứ sở kim chi, ngành điện ảnh cũng phong phú, phát triển. Con người ở đó rất thân thiện. Chắc cậu tự hào về đất nước của cậu nhỉ!

Tớ cũng như cậu, cũng tự hào về đất nước của mình. Tớ kể cho cậu nghe nhé! Đất nước của tớ có những danh lam, thắng cảnh rất nổi tiếng. Như là ở Hà Nội thì có Hồ Gươm. Mặt nước trong xanh, có những cái cây xoè rộng cánh tay để che chở cho mặt hồ, tháp Rùa thì đó là do con người tạo ra nhưng nó có sự hài hoà rất cao với thiên nhiên. Nó có về một sự tích của nó đấy! Tớ sẽ kể cho cậu nghe nha!

Hồi xưa thời Hùng Vương, khi bị giặc xâm phạm lãnh thổ, Long Vương sai rùa thần lên đưa gươm để đánh giặc. Sau khi giặc đã dẹp xong, đất nước yên bình, và có một ngày kia, khi vua đi dạo quanh hồ Tả Vọng thì rùa thần lại hiện lên để lấy lại thanh kiếm. Vì sự tích đó nên bây giờ người ta gọi thành Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm. Đó là ở Hà Nội.

Rồi còn nhiều truyền thuyết nữa như là Hạ Long, truyền thuyết nói rằng vào thời kỳ nọ khi đất nước có giặc ngoại xâm, một con rồng đã bay theo dọc sông, xuôi về phía biển và hạ cánh xuống ở vùng ven biển Đông Bắc làm thành bức tường thành chắn bước tiến của thuỷ quân giặc. Chỗ rồng đáp xuống che chở cho đất nước được gọi là Hạ Long.

Còn núi Sam, xưa kia nơi đây từng là hòn đảo giữa biển. Trên đảo có nhiều sam nên được gọi là “Học lãnh Sơn” – núi con Sam.

Và, thác Bà nằm gọn trong núi Ông và gắn với một truyền thuyết xưa về tình yêu son sắt của người vợ, sự ăn năn hối hận của người chồng. Chuyện kể rằng, ở đây có hai vợ chồng và một người con trai chung sống. Người chồng rất thương yêu vợ nhưng có một tật xấu là khi ngồi vào bàn cờ, thì không ai hay đều gì có thể khiến ông phân tâm. Một ngày kia, ông lên núi đánh cờ với tiên ông. Đều là những tay lão luyện, ván cờ của hai vị kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm nọ. Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi thành một ngọn thác. Sau khi kết thúc ván cờ, người chồng về nhà, thấy vợ đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Đến nay, đền thờ Ông và dinh Cậu vẫn còn trên đỉnh núi.

Còn rất nhiều danh lam thắng cảnh nữa, mình sẽ tiếp tục kể cho bạn ở những lá thư sau. Một lần nữa từ trái tim, mình xin gửi đến bạn tình cảm đẹp đẽ nhất. Mình hi vọng rằng một ngày nào đó, bạn có dịp sang Việt Nam thăm đất nước và con người của dân tộc Việt Nam.

Mình chờ thư của bạn!

Bạn của bạn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang