Dàn bài suy nghĩ về ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp của học sinh ngày nay

dan-bai-suy-nghi-ve-y-thuc-giu-gin-ve-sinh-truong-lop-cua-hoc-sinh-ngay-nay

Dàn bài suy nghĩ về ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp của học sinh ngày nay

  • Mở bài:

Giới thiệu khái quát: giữ gìn vệ sinh trường lớp gọn gàng, sạch sẽ là trách nhiệm của mỗi học sinh.

– Dẫn dắt vào đề, nêu vấn đề nghị luận: Ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp của học sinh hiện nay còn yếu kém, nhiều học sinh chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

“Ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp”: là ý thức được thể hiện qua việc làm giúp cho trường lớp được thoáng mát, sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp.

2. Bàn luận:

– Thực trạng ý thức của học sinh hiện nay trong vấn đề giữ gìn vệ sinh trường lớp:

+ Nhiều học sinh có ý thức tốt trong việc giữ gìn vệ sinh trường học, lớp học. (Nêu dẫn chứng cụ thể: nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ phân công, không xả rác bừa bãi, nhắc nhở, phê phán những việc làm gây tổn hại đến mĩ quan trường học…)

+ Cũng có nhiều học sinh thiếu trách nhiệm, không có ý thức giữ gìn trường học, lớp học.

* Dẫn chứng:

+ Trong trường học, học sinh cũng thường vứt rác vào ngăn bàn, chân cầu thang, dưới sân trường…

+ Nhiều bạn học sinh có thói quen ăn quà vặt, sáng muộn giờ nên mang đồ ăn lên lớp, ăn xong tiện tay xả rác ở mọi nơi.

→ Những hành vi đó không phải là cá biệt. Người ta xả rác như các quyền được thế, thành một cố tật xấu khó sửa chữa.

– Nguyễn nhân:

+ Do thói quen đã có từ trước; do thiếu hiểu biết, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, ích kỉ, lười nhác, thiếu lòng tự tôn dân tộc, thiếu một tấm lòng…

+ Do cơ sở vật chất của nhiều trường học chưa đảm bảo (các phương tiện thu gom rác còn hạn chế, thiếu thốn, có nơi còn không có phương tiện cũng như người thu gom rác…). Nhà trường xử phạt chưa nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

+ Xã hội tuyên truyền rộng rãi nhưng không sâu sắc về tác hại của việc xả rác, chưa thực sự hình thành thói quen bỏ rác đúng quy định, bảo vệ môi trường chung ở người dân.

– Hậu quả:

+ Tạo ra một thói quen xấu trong đời sống văn minh hiện đại.

+ Gây ô nhiễm môi trường.

+ Bệnh tật phát sinh (có khi thành dịch), giảm sút sức khỏe, tốn kém tiền bạc…

+ Ảnh hưởng đến cảnh quan, thẩm mĩ, mất đi vẻ xanh – sạch – đẹp vốn có của trường học (có nơi còn bị biến dạng, bị phá hủy do rác).

– Giải pháp khắc phục:

+ Mỗi người cần phải rèn cho mình tinh thần trách nhiệm, cũng như ý thức bảo vệ môi trường. Người học sinh cần có ý thức tự giác, bỏ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi, biết phân loại và thu gom rác thải không chỉ của mình mà còn biết thu gom những rác thải ngoài môi trường.

+ Nhà trường và xã hội có biện pháp giáo dục, tuyên truyền đến thế hệ trẻ việc bảo vệ môi trường sống. Chúng ta phải tuyên truyền cho mọi người hiểu được tác hại của hiện tượng này. Đồng thời, nhà nước cũng cần có những biện pháp hữu hiệu trong việc thu gom rác thải và cũng cần phải xử phạt nghiêm khắc với các hành vi vi phạm.

+ Gia đình cần giáo dục các em thói quen thu gom rác, hạn chế xả rác ra môi trường; dạy các em về những tác hại của rác thải và các biện pháp để bảo vệ môi trường.

3. Phê phán:

– Xả rác bừa bãi là một hành động thiếu văn hóa, đáng bị phê phán nhất là đối với lứa tuổi học sinh.

4. Bài học nhận thức và hành động: 

– Lớp học, trường học là ngôi nhà chung của học sinh, bởi thế, bảo vệ, giữ gìn vệ sinh chung là trách nhiệm của mỗi người.

– Giữ gìn vệ sinh lớp học sạch sẽ thể hiện nhân cách tốt đẹp và lối sống văn minh.

  • Kết bài:

– Khẳng định vấn đề: Ý thức giữ gìn vệ sinh trường lớp sạch sẽ là trách nhiệm của mỗi học sinh, góp phần thiết thực bảo vệ sức khoẻ học sinh và mĩ quan trường học, lớp học

Bài học rút ra cho bản thân về việc giữ gìn vệ sinh trường lớp.

Bài văn tham khảo:

Suy nghĩ về hiện tượng xả rác bừa bãi của học sinh ngày nay

Trường học là một trong những môi trường lành mạnh nhất và luôn đẩy mạnh hoạt động để nâng cao ý thức của học sinh. Tuy nhiên trong khoảng thời gian gần đây thì hiện tượng xả rác trong trường học đang càng trở nên phổ biến và làm mất mỹ quan học đường. Đây là hiện tượng đáng báo động và cần khắc phục ngay.

Hiện tượng vứt rác ở những nơi công cộng không còn là một vấn đề lạ hay hiếm hoi mà diễn ra thường xuyên. Tất cả là do ý thức của mỗi người. Họ vẫn chưa rèn luyện cho bản thân ý thức bảo vệ môi trường. Chính vì thế khi chúng ta đi ngoài đường sẽ không thiếu những vỏ kẹo, túi nilon, vỏ hoa quả… được vứt bừa bãi khắp mọi nơi. Ngay ở trường học cũng vậy. Mặc dù các em học sinh luôn được tuyên truyền tác hại của việc xả rác bừa bãi nhưng vẫn còn rất nhiều em thiếu ý thức. Có những bạn ăn kẹo hoặc ăn sáng xong vô tư vứt rác xuống ngay chân mình mà chẳng hề quan tâm nó có phải thùng rác hay không. Hay có bạn thì nghĩ rằng chỉ cần trong lớp mình sạch là được nên vô tư quẳng rác ra ngoài cửa sổ, ra hành lang. Rất nhiều trường học thì khu đằng sau trường, sân trường, hành lang đầy những rác. Mặc dù đầu tuần nào cũng có lớp trực tuần nhưng cũng không làm sao cho hết rác được.

Tác hại của việc xả rác bừa bãi của học sinh đã khiến cho một môi trường trong sạch, lành mạnh nay trở nên thiếu lành mạnh, mất đi mỹ quan của trường học. Từ những lớp học, hành lang vốn sạch sẽ nay tràn lan rác thải gây ô nhiễm môi trường. Học tập chỉ thực sự có hiệu quả khi môi trường không bị ô nhiễm cả về không khí, tiếng ồn hay đất. Chúng ta hãy thử tưởng tượng khi chúng ta ngồi học nhưng lớp học thì đầy giấy, rác thải, ngăn bàn toàn là vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo… Như vậy chúng ta có cảm thấy khó chịu không? Đặc biệt khi cô giáo bước vào một lớp được vệ sinh sạch sẽ thì cũng sẽ có tinh thần để giảng dạy hơn là vào một lớp rác bừa bãi.

Dường như từ thói quen ở nhà cũng như việc bắt gặp người lớn xả rác bừa bãi khiến các bạn học sinh không ý thức được tính nghiêm trọng trong việc xả rác và coi đó là hành động bình thường. Cũng từ đó hình thành thói quen xả rác giống như kiểu tiện tay. Có một thực trạng đó là mặc dù mỗi lớp học và sân trường đều có thùng rác nhưng vì thói quen tiện tay nên thùng rác thì ít rác mà rác lại có ở khắp mọi nơi khác. Việc xả rác này trở thành một nét văn hóa của học sinh, nếu không được khắc phục và vẫn tiếp diễn thì đó là nét văn hóa xấu, thiếu văn minh, lịch sự.

Để khắc phục tình trạng này thì nhà trường cũng đã đưa ra các quy định để nghiêm cấm các hành vi vứt rác bừa bãi, đồng thời còn tuyên truyền tác hại của xả rác thải để học sinh ý thức được hành động của mình. Vì nó đã trở thành thói quen nên mỗi ngày đến lớp thầy cô và ban cán sự lớp phải thường xuyên nhắc nhở để cho các bạn có thể ý thức được hành vi xả rác bừa bãi của mình. Vừa kết hợp nhắc nhở đồng thời cũng phải kết hợp với xử phạt, kỷ luật nếu như vi phạm hay tái phạm. Bởi vì căn nguyên của hiện tượng này là ở ý thức của học sinh nên cũng cần giải quyết bằng biện pháp đánh vào ý thức, nề nếp của chính những học sinh. Đồng thời là một học sinh đã và đang ngồi trên ghế nhà trường thì mỗi chúng ta cũng cần phải biết tự giác học tập và rèn luyện, thực hiện đúng nội quy của trường lớp. Trường học không phải chỉ là nơi học kiến thức mà còn là nơi rèn luyện đạo đức, hình thành nên nhân cách của mỗi người.

Cuối cùng ta có thể khẳng định rằng hiện tượng xả rác trong trường học của học sinh là vấn đề đáng được quan tâm và cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và bản thân chính các em học sinh để có thể tạo nên môi trường xanh, sạch đẹp.

Xem thêm:

2 bình luận

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.