»» Nội dung bài viết:
Bày tỏ suy nghĩ về ý kiến sau: Con đường ngắn nhất để đi khỏi gian nan là đi xuyên qua nó (Amonimus).
Nhưng có người lại khuyên: Hãy học cách ứng xử của dòng sông, gặp trở ngại nó vòng đường khác.
* Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích hai ý kiến.
– Ý kiến thứ nhất: Dùng biểu tượng “Con đường ngắn nhất” (ra khỏi gian nan, gần nhất, đi xuyên qua), ý kiến khẳng định: cách tốt nhất để vượt qua gian nan là con người dũng cảm chấp nhận, chủ động đối mặt, vượt lên và chiến thắng.
– Ý kiến thứ hai: Mượn hình ảnh dòng sông luôn chảy vòng khi gặp núi đồi (trở ngại), rồi tiếp tục chảy ra biển lớn, hay hòa vào dòng sông khác, ý kiến đưa ra lời đề nghị (hãy học) cách ứng xử trước khó khăn trong cuộc sống: không bỏ cuộc, cũng không trực tiếp đối mặt, mà tìm con đường khác để tiếp tục hành trình, đạt đến mục đích cuối cùng của mình. Đó là lời khuyên: con người nên có cách ứng xử linh hoạt, uyển chuyển trước hoàn cảnh; cần thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với những biến động của cuộc sống.
→ Hai ý kiến nêu lên hai cách ứng xử của con người trước gian nan, thử thách trong cuộc sống.
2. Bàn luận.
– Hai ý kiến tưởng chừng đối lập, nhưng đều đúng:
+ Ý kiến thứ nhất: Đề cao lòng dũng cảm, dám đối mặt, dám đấu tranh, khắc phục khó khăn, vượt lên thử thách, không e ngại, không né tránh.
+ Ý kiến thứ hai: Đề cao sự linh hoạt, mềm dẻo, biết cách né tránh, đi vòng khi cần thiết, để đạt được mục đích trong cuộc sống.
– Hai ý kiến bổ sung, hoàn thiện cách ứng xử của con người trước khó khăn, thử thách:
+ Khi dám đối mặt với khó khăn, con người đã thể hiện bản lĩnh, nghị lực, ý chí của mình – đó là một cách sống tích cực. Nhưng khó khăn, trở ngại trong cuộc sống vô cùng khắc nghiệt, không phải lúc nào con người cũng có thể đối mặt, vượt lên, xuyên qua nó. Nếu cứng nhắc, bất biến, con người dễ bị tổn thương, thất bại.
+ Trước những khó khăn, trở ngại, trước những biến động phức tạp của cuộc sống, cần có cách ứng xử khéo léo, mang tính tích cực và phù hợp với hoàn cảnh. Đó là cách ứng xử khôn ngoan, thể hiện khả năng ứng biến linh hoạt của con người. Khi đó con người có thể đạt được mục đích của mình, thành công mà không bị tổn thương. Nhưng nếu lúc nào cũng né tránh, không dám đối mặt với khó khăn, e ngại không dám đấu tranh, con người sẽ trở nên nhu nhược, sợ hãi trước cái xấu, cái ác…
3. Bàn luận mở rộng.
– Kiên trì nhưng không bảo thủ, cố chấp. Linh hoạt, mềm dẻo, biết cách né tránh khó khăn, thử thách nhưng không quá vòng vèo.
– Phê phán những người dễ đầu hàng, gục ngã trước khó khăn thử thách, hoặc ứng xử cứng nhắc dẫn đến thất bại; đồng thời cũng phê phán những kẻ “đi vòng, đi tắt”, bất chấp pháp luật và đạo đức, dùng mọi thủ đoạn để đạt được điều mình muốn.
3. Bài học nhận thức và hành động:
– Cần nhận thức được cuộc sống luôn tiềm ẩn những khó khăn, thử thách. Con người không nên chán nản, bi quan, tuyệt vọng trước hoàn cảnh; cần bình tĩnh, tự tin tìm cách ứng xử linh hoạt, phù hợp để vượt qua trở ngại, khó khăn.
– Cần nỗ lực, bền bỉ, trang bị cho mình những hành trang cần thiết; thậm chí biết chấp nhận cả những thất bại; chủ động vượt qua khó khăn, thử thách để gặt hái thành công.
Nghị luận: Đôi khi có thể bạn đi nhầm đường, nhưng nếu bạn vẫn cứ đi, nó có thể là con đường mới.
* Tham khảo:
Suy nghĩ về cách sống qua cách hai ứng xử với khó khăn, thử thách.
- Mở bài:
Tục ngữ Anh có câu “Đi vòng mà đến đích còn hơn đi thẳng mà ngã đau”. Cách lựa chọn lối đi đối với cuộc đời mỗi người cũng giống như cách mà họ giải quyết khó khăn, trở ngại trong cuộc sống: “đi vòng” hay “đi thẳng”. Bàn về thái độ của con người trước thử thách, Amonimus từng nhận định: “Con đường ngắn nhất để đi khỏi gian nan là đi xuyên qua nó”. Có ý kiến khác lại cho rằng: “Hãy học cách ứng xử của dòng sông, gặp trở ngại nó vòng đường khác”.
- Thân bài:
Đối với Amonimus, trước bão tố cuộc đời, con người phải “đi xuyên qua nó”, tức là con người cần đối mặt trực tiếp với khó khăn, dũng cảm chấp nhận và vượt qua nó mà không được né tránh, e ngại hay sợ hãi. “Con đường gần nhất để đi qua gian nan là xuyên qua nó” có nghĩa cách giải quyết hữu hiệu nhất, tốt nhất để thoát khỏi gian nan chính là mạnh mẽ đương đầu với nó và không được sợ hãi, bi quan. Khác với nhận định của Amonimus, có người khuyên “Hãy học cách ứng xử của dòng sông”. Mượn hình ảnh dòng sông, mỗi khi gặp phải đồi núi, vật cản hay trở ngại gì, nó đều “vòng đường khác” để tiếp tục cuộc hành trình; từ đó khẳng định khả năng thích ứng, cách xử lí linh hoạt, khôn khéo trước thử thách, biển rộng của cuộc đời. Hai ý kiến tưởng chừng đối lập hoàn toàn với nhau; thế nhưng lại bổ sung cho nhau làm hoàn thiện hơn cách nhìn nhận, thái độ của con người đối với thách thức, gian nan.
Trong cuộc sống, không thể không tránh khỏi những khó khăn, đòi hỏi con người ta phải chủ động, bình tĩnh, kiên định tìm ra hướng giải quyết tối ưu nhất. Thay vì né tránh, e ngại, nếu dám nghĩ, dám hành động, đương đầu trực tiếp với gian nan bằng cách “đi xuyên qua nó”, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua nó với niềm hạnh phúc viên mãn, giúp chúng ta vững vàng, trưởng thành hơn và đạt được nhiều thành công nhất định.
Nhận định “Con đường gần nhất để đi khỏi gian nan là đi xuyên qua nó” đề cao ý chí mạnh mẽ, dũng cảm với khát khao vươn lên của con người. Thế nhưng, cách chọn hướng giải truyết “vòng đường khác” như dòng sông không hẳn đã sai lầm; cách ứng xử ấy thể hiện khả năng thích ứng, sáng tạo của con người cho phù hợp trước mọi hoàn cảnh, thử thách của cuộc đời.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đối mặt trực tiếp với chông gai, vì nếu không có đủ năng lực và ý chí quyết tâm, con người rất dễ nhận lấy thất bại và gục ngã. Tuy nhiên, nếu con người cứ khôn khéo lựa chọn cách giải quyết không “đi xuyên qua nó” dần dần sẽ trở thành kẻ nhút nhát, sợ hãi, ngại ngần trước phong ba bão táp. Vì vậy, để vươn tới khát khao, đạt được mục đích, chúng ta phải biết dung hòa, linh hoạt trong cách chọn lối đi, hướng giải quyết cho phù hợp. Mỗi người đều phải nhận thức rằng: cuộc sống không phải là con đường bằng phẳng, lúc nào cũng dễ đi và trải đầy hoa hồng, mà ngược lại nó gập ghềnh, chông gai, chứa đựng nhiều chông gai, gian nan, luôn thử thách lòng người và đòi hỏi ở mỗi người tinh thần nhạy bén ứng xử và tính quyết tâm cao độ. Để có thể vững bước trên con đường ấy, không có phép nhiệm màu nào cả, mà chỉ có sự nổ lực của bản thân mỗi người ghi dấu chân lại trên chặng đường mình đã đi qua.
Khi đứng trước một vấn đề, sự việc nào đó, mỗi người đều chọn cho mình một lối đi riêng của bản thân, và lối đi ấy có sai sót, cũng có thành công và đầy sáng tạo. Chẳng hạn như chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, suốt một đời vì nước vì dân. Bác không chấp nhận cảnh nước mất nhà tan, nhân dân ta sống mã trong gông cùm và tù đày như thế. Bằng ý chí quyết tâm, khối óc trí tuệ đầy chiến lược và một lòng yêu nước thương dân sâu sắc, Bác đã dành được thắng lợi lớn, mang về cho Tổ Quốc không chỉ là niềm kiêu hãnh tột cùng, đó còn là ánh sáng của độc lập dân tộc, sự ấm no, hạnh phúc vô bờ. Con đường Người phải đi thật gian lao, vất vả, chất chứa bao chông gai khó nhằn và rất dễ bỏ cuộc, nhưng Bác không làm thế, Người chọn đối mặt và “đi xuyên” qua nó, và với ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường, Người đã thật sự chiến thắng.
Tuy nhiên, trong xã hội ngày hôm nay, còn nhiều người dễ đánh mất niềm tin, nản chí, sẵn sàng đầu hàng thất bại khi chưa tìm ra bản chất vấn đề. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận vì ngại khó, ngại khổ mà tìm cách né tránh, giải quyết vấn đề một cách sai sót, bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích vụ lợi của mình. Bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người không biết tự lực cánh sinh, dùng sức mình để vượt qua khó khăn, gian khổ mà chỉ biết ngồi trông chờ thành quả đến với mình và hoàn toàn dựa dẫm vào người khác. Đó là những người không biết vượt qua thử thách, chông gai mà cuộc sống mang lại, không thể chọn được chọn mình lối đi “thẳng” hay “đi vòng” mà thụ động, ngồi im một chỗ. Điều đó rất đáng phê phán.
Cuộc sống luôn là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, muôn hình vạn trạng, có nước mắt và cũng có nỗi đau, nhiều gai nhọn nhưng đôi khi cũng nhiều hoa hồng vô số. Còn biết bao nhiêu điều mới lạ hấp dẫn đang chờ đợi ta khám phá hết mình. Vì thế hãy dám nghĩ, dám làm, dám quyết định và lựa chọn con đường đi cho chính bản thân mình, dù đó là cách đi “xuyên qua” gian nan hay chọn cho mình hướng đi “vòng” để chịu ít tổn thương nhất. Chỉ cần có kiến thức, niềm tin, bản lĩnh kiên cường và lòng nhiệt huyết kiên trì vượt khó thì chúng ta sẽ không bao giờ thất bại, và chúng sẽ là những người bạn đồng hành không thể thiếu của mỗi người chúng ta trên con đương đời.
- Kết bài:
“Con đường ngắn nhất để đi khỏi gian nan là đi xuyên qua nó” (Amonimus) hay “Hãy học cách ứng xử của dòng sông, gặp trở ngại nó vòng đường khác” đều là một cách ứng xử đáng quý trước khó khăn. Hai ý kiến khác nhau trên mang ý nghĩa tích cực, đúng đắn. Vậy nên chúng ta cần nhận thức được rằng cuộc sống vô vàn những thử thách. Bản thân mỗi người phải rèn luyện đức tính kiên trì, bình tĩnh và sự tin trong mọi hoàn cảnh để đối đầu và chinh phục gian nan. Hãy nhớ “Mọi khó khăn, trở ngại sẽ khơi dậy khả năng ở mỗi người”.
Làm rõ nhận định: “Con đường ngắn nhất để đi khỏi gian nan là đi xuyên qua nó“ (Amonimus)
* Hướng dẫn làm bài:
- Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề nghị luận: “Con đường ngắn nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó.”
- Thân bài:
1. Giải thích:
– “con đường ngắn nhất để ra khỏi gian nan”: ý nói đến cách tốt nhất, nhanh nhất để con người tháo gỡ những khó khăn, những thử thách trong cuộc sống.
– “đi xuyên qua nó”: ý nói ta phải đối mặt, phải vượt qua, không né tránh.
→ Con người không nên có thái độ né tránh khi phải gặp khó khăn, gian nan trong học tập, lao động và trong cuộc sống; phải dũng cảm đối diện với gian nan, tìm ra bản chất của vấn đề để tìm cách khắc phục, giải quyết khó khăn.
2. Phân tích, chứng minh:
* Trong cuộc sống, ai cũng sẽ gặp ít nhiều khó khăn, thử thách:
– Con người sẽ mau chóng vượt qua gian nan, thử thách khi con người dũng cảm đối diện, tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất.
* Dám nghĩ, dám hành động sẽ giúp con người vượt qua được gian nan:
– Dám đương đầu với những khó khăn, thử thách, con người sẽ vững vàng, trưởng thành và thành công hơn trong học tập, lao động và cả trong cuộc sống thường nhật.
– Con đường đến thành công không trải đầy hoa hồng, “không có vết chết chân của người lười biếng”- những kẻ ngại khó, ngại khổ sẽ không thể có được thành công đích thực.
– Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn cuộc sống ở nhiều lĩnh vực, trong những hoàn cảnh khác nhau.
3. Đánh giá, mở rộng:
– Ý kiến mang tính đúng đắn, sâu sắc, được rút ra từ sự trải nghiệm của con người trong quá trình sống. Ta có thể tìm thấy ở ý kiến trên ý nghĩa giáo dục, định hướng cho bản thân trong nhận thức, trong cách giải quyết khó khăn của cuộc sống.
– Những con người luôn né tránh gian nan, đầu hàng khó khăn sẽ không bao giờ trưởng thành.
– Cuộc sống hiện đại mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức, chúng ta cần chủ động vượt lên phía trước, năng động và sáng tạo để chinh phục những khó khăn, nắm bắt cơ hội. Đó là con đường gần nhất để đi đến thành công.
4. Bài học nhận thức và hành động:
– Nhận thức: Dám đối mặt với khó khăn thử thách và biết cách chinh phục nó sẽ giúp ta rèn luyện bản lĩnh sống và ngày một trưởng thành.
– Hành động: Rèn luyện đức tính kiên trì, bình tĩnh, tự tin, chủ động trong mọi hoàn cảnh khó khăn, lấy phương châm: “việc gì cũng có cách giải quyết” trong ứng xử.
- Kết bài:
– Khẳng định lại ý kiến: “Con đường ngắn nhất để ra khỏi gian nan là đi xuyên qua nó”.
– Liên hệ bản thân: lựa chọn cách sống và làm việc tích cực, phù hợ và hiệu quả nhất.
Tham khảo:
Làm rõ nhận định: “Hãy học cách ứng xử của dòng sông, gặp trở ngại nó vòng đường khác”.
* Hướng dẫn làm bài:
1. Giải thích ý kiến:
– Nhìn dòng chảy của những con sông như một ứng xử của nó với những trở ngại – nó luôn tìm đường vòng đề tránh núi đồi, tiếp tục chảy cho đến khi ra biển, hay hoà vào dòng sông khác…
– Đây là lời khuyên con người hãy học cách ứng xử của dòng sông: gặp trở ngại không chịu lùi bước, mà phải tìm con đường khác để tiếp tục thực hiện công việc, mục đích của mình; gặp khó khăn, ngăn trở phải biết vòng tránh; cần thay đối, điều chỉnh mọi vấn đề cho phù hợp với những biến động của cuộc đời, của công việc.
– Đây cũng là lời khuyên con người nên có cách ứng xử, xử lí linh hoạt, mềm mại, phù hợp trong mọi hoàn cảnh.
2. Bình luận ý kiến:
– Đây là một cách nhìn thiên nhiên có chiều sâu nhân bản, thể hiện quan điểm con người gắn bó với thiên nhiên, sống hoà nhập và học tập được từ thiên nhiên nhiều điều bồ ích, trong đó có bài học nhân sinh: lối sống, cách ửng xử, hành xử ở đời.
– Cách ứng xử của dòng sông vừa thể hiện sự thông minh, khôn khéo, linh hoạt vừa thế hiện bản lĩnh vững vàng, cứng cỏi trước những thử thách, khó khăn, những tình huống bất ngờ nảy sinh… vì vậy nó rất đáng để chúng ta học tập – đó là ý kiến xác đáng.
– Cuộc sống của con người thường gặp nhiều thử thách, ngăn trở. Con người làm một việc gì đó cũng thường gặp trở ngại, hay những khó khăn, những vấn đề mới nảy sinh… lúc đó con người cần học theo cách ứng xử của dòng sông: không nản lòng, không dừng lại, không quay đầu mà phải tìm cách đi tiếp, tìm ra con đường phù hợp, cách thức mới, khôn khéo vòng tránh, thay đổi linh hoạt đề đạt được mục đích.
– Trong giao tiếp, ứng xử, chúng ta cũng không nên lấy đối đầu làm nguyên tắc, không nên cứng nhắc, bất biến, mà cần linh hoạt, mềm mỏng, thay đổi nhiều hình thức cho phù hợp – miễn là có hiệu quả. (Kết hợp phân tích một số dẫn chứng để thuyết phục cho các ý bình luận)
3. Bàn bạc, mở rộng vấn đề:
– Cách ứng xử của dòng sông được coi là khéo léo, bền bỉ, kiên định để đi tới đích. Song từ một góc độ khác, cũng có thể có suy luận đấy là sự né tránh trớ ngại, không dám đối mặt với thực tại để vượt qua, sự e ngại không dám đấu tranh để khẳng định cái sai, cái đúng…
– Dù làm bất cứ việc gì, nếu cố gắng phấn đấu thì chắc chắn phải thành công
4. Bài học rút ra:
– Cần kiên trì cho mục tiêu, mục đích của bản thân. Không ngại khó khăn, thử thách, biết lựa chọn, thay đối đường hướng, phương pháp, cách thức cho phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau đế thành công.
– Dám đấu tranh, đối mặt với mọi trở ngại, chiến thắng chính nó, vượt qua chính nó để đi lên phía trước…
– Tuỳ từng hoàn cảnh, sự việc, vấn đề mà ta lựa chọn cách ứng xử, xử thế cho phù hợp và mang tính tích cực nhất: hoặc là tìm mọi cách thay đổi, chọn lựa giải pháp khác để thành công; hoặc ta cần dũng cảm đối mặt với trở ngại đấu tranh với chính nó, khuất phục nó, vượt lên nó, không hề né tránh. Như vậy, con người sẽ có cách ứng xử đa dạng hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn phù hợp với muôn vàn tình huống khác nhau của đời sống. Con người cần khẳng định mình là tinh hoa của sự sống trong vũ trụ này.