»» Nội dung bài viết:
Nghệ thuật miêu tả nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Nói đến một tác phẩm tự sự, ngoài vai trò của người dẫn truyện thì nhân vật chính là linh hồn của tác phẩm. Trong bước phát triển còn sơ khai của thể loại truyện Nôm ( thế kỷ XVIII, XIX), vị trí của nhân vật thường bị đẩy lùi xuống hàng thứ hai, thay vào đó là cốt truyện. Nhưng ở “Truyện Kiều” điều đó đã không xảy ra. Đó là một sự tiến bộ vượt bậc, một sáng tạo lớn của Nguyễn Du so với mặt bằng của truyện Nôm Việt Nam và so với cả nguyên mẫu “Kim Vân Kiều Truyện”. Chính vì vậy mà đọc “Truỵện Kiều” người ta nhớ đến nhân vật hơn là nhớ đến cốt truyện. Có được thành công này là nhờ vào tài năng miêu tả bậc thầy của Nguyễn Du. Vì thế, các nhân vật trong “Truỵện Kiều”, dù là chính diện hay phản diện, chỉ bằng một vài nét chấm phá đơn sơ đã trở thành một nguyên khối, một cá tính, một con người có thực, điển hình.
1. Miêu tả nhân vật qua ngoại hình.
* Bút pháp tượng trưng ước lệ.
Đây là một loại bút pháp khá quen thuộc của Văn học cổ Việt nam. Khái niệm “ước lệ” được hiểu là dùng những chi tiết có khuân mẫu cổ điển. Còn bút pháp tượng trưng là dùng những nét đặc trưng, tiêu biểu, cụ thể nhất cho sự vật trong những chuẩn mực tuyệt đối, siêu phàm. Lấy vẻ đẹp tinh tuý, mỹ lệ nhất của thiên nhiên để tái hiện con người. Trong “Truyện Kiều” bút pháp ước lệ, tượng trưng được dùng để tả những nhân vật chính diện, đại diện cho cái Chân, Thiện, Mĩ, cho công lý. Các nhân vật này thường được tôn sùng là “đấng, bậc”: (Kim Trọng là bậc tài danh, Từ Hải là đấng anh hùng, Thuý Kiều là trang giai nhân tuyệt thế).
Trong đoạn trích “Chị Em Thuý Kiều”, thiên tài Nguyễn Du đã dùng những câu thơ tuyệt bút để vẽ lên bức chân dung tuyệt thế giai nhân của hai chị em Thuý Kiều, Thuý Vân với tất cả tấm lòng quý mến và trân trọng của mình. Nhưng đằng sau từng câu chữ, nhà thơ đã ngầm dự báo về số phận của hai nàng.
Bốn câu thơ đầu là lời giới thiệu chung về hai cô con gái đầu lòng của nhà Viên ngoại họ Vương. Tác giả đã sử dụng bút pháp tượng trưng, ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để nói lên vẻ đẹp của con người, kết hợp với biện pháp tu từ ẩn dụ để làm nổi bật lên bức chân dung của hai chị em. Cả hai nàng đều có vóc dáng thanh tao như cây mai, tâm hồn trong trắng như tuyết. Song mỗi người lại có một vẻ đẹp riêng và đều đạt đến độ hoàn mỹ “mười phân vẹn mười”:
“Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”
Sau lời giới thiệu chung là bức chân dung của nàng Vân?
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuân trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”
Không chỉ tươi tắn, trẻ trung mà còn đoan trang, kiều diễm. Vẫn bút pháp ước lệ tượng trưng kết hợp với một hệ thống từ ngữ chọn lọc, bốn câu thơ tiếp như vẽ ra trước mắt ta hình ảnh một thiếu nữ với khuôn mặt tròn trịa, đầy đặn, sáng đẹp như trăng rằm, tiếng nói trong như ngọc, mái tóc mượt mà, óc ả hơn mây, miệng cười tươi như hoa, làn da trắng hơn tuyết… Đó là vẻ đẹp toàn bích của một cô gái phúc hậu, đoan trang mà quý phái. Một vẻ đẹp khiến thiên nhiên phải nhún nhường, lùi bước. Điều đó ngầm dự báo, nàng sẽ có một cuộc đời bình lặng, êm đềm.
Nhưng nhà họa sĩ không phải dụng công nhiều trong việc miêu tả Thúy Vân. Bút lực của ông còn dành cho nhân vật Thúy Kiều. Nhà thơ tả Thúy Vân, tưởng như sắc đẹp của nàng không ai hơn được nữa để rồi sau đó Thúy Kiều xuất hiện thì Thúy Vân chỉ là cái nền tôn lên vẻ đẹp của Kiều:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Nghệ thuật đòn bẩy đã nâng Thúy Kiều lên trên vẻ đẹp hoàn hảo của Thúy Vân để trở thành một cái đẹp tuyệt đỉnh. Một lần nữa bút pháp ước lệ, tượng trưng lại được sử dụng. Nhưng khi tả Kiều, Tố Như không liệt kê nhiều chi tiết như tả Vân mà chuyển sang lối chấm phá theo kiểu “điểm nhãn” làm nổi bật cái thần của nhân vật:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Đôi mắt Kiều được ví như làn nước mùa thu, làn nước mùa thu vừa trong sáng, vừa long lanh, vừa dợn sóng lại được ẩn dưới nét lông mày thanh tú, mềm mại như dáng núi mùa xuân khiến cho vẻ đẹp của Kiều càng thêm hài hòa, kiều diễm và có hồn. Ở đây, tác giả vẫn lấy vẻ đẹp của thiên nhiên (thu thuỷ, xuân sơn, hoa, liễu) làm chuẩn mực cho cái đẹp giai nhân.
Quả thật, vẻ đẹp của Thúy Kiều là một vẻ đẹp của mỹ nhân khiến cho “thành nghiêng nước đổ”, một vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà”. Nó không phải là cái đẹp êm đềm, hòa hợp với xung quanh như Thúy Vân mà là cái đẹp khiến cho thiên nhiên phải hờn ghen, đố kị, ngầm dự báo một cuộc đời sẽ gặp nhiều sóng gió, éo le. Nguyễn Du đã linh cảm như vậy nên đã lồng sự linh cảm đó trong bút pháp tài hoa khi miêu tả nàng Kiều.
Khi miêu tả ngoại hình của chàng văn nhân Kim Trọng, một trong ba nhân vật đẹp nhất của “Truyện Kiều” , Nguyễn Du cũng sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng. Trong buổi du xuân tiết thanh minh, khi chị em Thúy Kiều còn đang “Dùng dằng nửa ở nửa về” thì ở đâu đó âm thanh của tiếng nhạc vàng đã nghe mỗi lúc một rõ dần. Đó là khúc nhạc của tình yêu, khúc nhạc làm rung động và xôn xao cảnh vật, lòng người:
“Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng
Đuề huề lưng túi gió trăng
Sau lưng theo một vài thằng con con”
Nhân vật Kim Trọng được miêu tả từ xa đến gần, qua cái lắng nghe và sự bâng khuâng dõi nhìn của người đẹp. Một phong thái trang nhã “đề huề” với “lưng túi gió trăng”, một sự cao sang có vài chú tiểu đồng theo hầu. Một con tuấn mã sắc trắng như tuyết. Và màu áo xanh non của cỏ xuân, với màu thanh thiên của da trời hòa hợp nên sắc áo của tài tử văn nhân thời xưa. Mỗi bước đi của văn nhân, cảnh vật như sáng bừng lên, cỏ cây thêm ngọt ngào hương sắc:
“Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”
Nguyễn Du đã dành cho chàng Kim những ngôn ngữ đẹp nhất, trang trọng nhất, những tình cảm yêu mến nhất. Dưới ngòi bút của ông, Kim Trọng hiện lên là mẫu người thiên tài lý tưởng, là khách tài tử đa tình tiêu biểu cho khát vọng tình yêu đôi lứa. Ở Kim Trọng, từ ngoại hình đến phong cách, từ tâm hồn đến trí tuệ là sự hun đúc tài năng của đất văn chương , là sự hội tụ vẻ đẹp của trời “thông minh tính trời”. Xuất thân trong một gia đình quyền quý, rất giàu có (phú hậu), tài năng lỗi lạc, nổi tiếng trong thiên hạ (bậc tài danh). Kim Trọng mang vẻ đẹp tuấn tú, hào hoa, phong nhã. Nhà thơ đã sử dụng một hệ thống từ ngữ Hán – Việt, bút pháp ước lệ tượng trưng để phác họa ra các phương diện cần thiết khi nói đến một nhân vật thư sinh phong kiến.
“Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh
Nền phú hậu bậc tài danh
Văn chương nết đất thông minh tính trời
Phong tư tài mạo tót vời
Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”
Và đây là nhân vật Từ Hải, người đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Cách giới thiệu của nhà thơ rất đặc biệt, sự xuất hiện của chàng có gì đó khác thường, bất ngờ, đột ngột trong một đêm “trăng thanh gió mát”.
“Lần thâu gió mát trăng thanh
Bỗng đâu có khách bên đình sang chơi”
Không phải là một văn nhân với tiếng “nhạc vàng”, với “cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, cũng không phải là người “trăm nghìn đổ một trận cười như không” mà là “một đấng anh hùng” có cốt cách phi thường:
“Râu hùm hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”
Ngôn ngữ miêu tả ngoại hình ở đây cũng không vượt ra ngoài tính chất công thức ước lệ với những chi tiết đã được quan niệm thẩm mĩ phong kiến quy định cho loại nhân vật anh hùng. Nguyễn Du đã khắc họa nhân vật bằng những nét khỏe mạnh, cao lớn, đường bệ, lẫm liệt để nói lên vẻ phi thường, hơn đời của Từ Hải:
“Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài
Đội trời, đạp đất ở đời.
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông”
Tác giả đã sử dụng hàng loạt các từ Hán – Việt: “đấng anh hào”, “côn quyền”, “lược thao”, “giang hồ” và những từ có tính chất mạnh mẽ “đội trời, đạp đất, vẫy vùng” để khắc họa tính cách và khát vọng tự do của nhân vật Từ Hải. Có thể nói, nhà thơ đã dùng những từ ngữ, hình ảnh tráng lệ nhất, giọng thơ hùng tráng nhất để ca ngợi cốt cách phi thường, thói giang hồ tự do và chất đa tình lãng mạn của nhân vật Từ Hải. Từ giọng điệu đến ngôn từ đều trang trọng, cổ kính làm cho nhân vật lung linh màu sắc huyền thoại, sử thi. Từ Hải tựa như một ánh hào quang chiếu qua một quãng đời ngắn ngủi của Thúy Kiều nhưng đã để lại trong lòng người đọc bao ấn tượng tốt đẹp.
Nói tóm lại, cũng là bút pháp ước lệ, tượng trưng nhưng mỗi nhân vật lại có một nét khác biệt trong tính cách: Thúy Vân đoan trang, phúc hậu; Thúy Kiều sắc sảo, mặn mà: Kim Trọng hào hoa, phong nhã; Từ Hải gắn với tính cách phi thường của bậc anh hùng hảo hán. Tất cả những nhân vật chính diện này, Nguyễn Du đều dành cho họ những tình cảm trân trọng, ông dùng những từ ngữ đẹp nhất để ca ngợi họ.
* Bút pháp hiện thực.
Bút pháp này được sử dụng ở nhân vật phản diện, đó là những nét vẽ chân thực, sinh động, có tính cá thể tạo nên những diện mạo đặc sắc: Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà … trong đó Mã Giám Sinh là nhân vật tiêu biểu.
Ở đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều” (Sách giáo khoa Ngữ văn 9) chân dung của y hiện lên thật nực cười:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao”
Câu thơ miêu tả khách quan mà vẫn không che giấu được cái ý ngầm mỉa mai bên trong. Cách phục sức dụng công cố ý làm ra vẻ phong lưu, lịch sự của tay con buôn đó phảng phất tính giả tạo và có phần trai lơ, đàng điếm. Miêu tả ngoại hình anh chàng họ Mã, tác giả chỉ chú trọng miêu tả phục sức bề ngoài: già mà cố tô cho thành trẻ, là con buôn nhưng lại muốn mượn vẻ phong lưu của một công tử đi hỏi vợ. Những từ “nhẵn nhụi”, “bảnh bao” vốn đã không hàm ý đẹp lại có ở một kẻ “trạc ngoại tứ tuần”, càng gợi một cái gì không lương thiện, có ý chế giễu, mỉa mai.
Trong “Kim Vân Kiều truyện”, Thanh Tâm Tài Nhân chỉ giới thiệu qua nhưng là một lời miêu tả khá ưu ái với Mã Giám Sinh: “Mụ Hàm nói xong đi ra, hồi lâu đưa mấy người đến, trong bọn họ có một người đẹp đẽ, bước tới chào và ngắm nghía Thúy Kiều mãi”.
Khi miêu tả Sở Khanh, một kẻ: “bạc tình nổi tiếng lầu xanh” Nguyễn Du chỉ viết hai câu mà bản chất trai lơ, đĩ thõa, giả dối của y đã bộc lộ ra rõ nét:
“Một chàng vừa trạc thanh xuân
Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng”
Tú Bà là kẻ chuyên “buôn thịt bán người”, sống trên sự nhơ nhớp, nhục nhã của người phụ nữ, một kẻ chuyên “ăn đêm” đã được nhà thơ miêu tả:
“Nhác trông nhờn nhợt màu da
Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao”
Chỉ với từ “nhờn nhợt”, Nguyễn Du đã tạo ra cho người đọc một cảm giác ghê tởm đối với Tú Bà …
Như vậy, có thể thấy chỉ bằng vài nét chấm phá, cụ Tiên Điền đã khắc họa khái quát chân dung của những loại người xấu xa trong xã hội: một Sở Khanh lừa tình bội bạc, một Tú Bà chủ chứa bất lương … Đằng sau những nét vẽ sắc sảo, mang đậm chất liệu hiện thực là thái độ khinh bỉ của nhà thơ đối với những loại người này …
2. Miêu tả nhân vật qua cử chỉ, hành động.
So với “Kim Vân Kiều truyện” hành động của các nhân vật trong truyện Kiều chỉ được kể lại vắn tắt nhưng sống động, bộc lộ rõ bản chất từng nhân vật. Trong quá trình sáng tác, Nguyễn Du đã lược bỏ những cử chỉ, hành động không phù hợp đồng thời ông cũng sáng tạo thêm nhiều chi tiết mới để làm nổi bật tính cách của nhân vật. Dưới đây, tôi chỉ lựa chọn những nhân vật tiêu biểu để minh họa.
Trong đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”, Mã Giám Sinh sau khi làm lễ “vấn danh”, được Mụ mối đưa vào “lầu trang”, lúc này bản chất hạ lưu trong con người hắn mới dần dần được bộc lộ:
“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Chỉ bằng cử chỉ “ngồi tót”, Nguyễn Du đã phơi bày chân tướng vô học, bản chất con buôn của Mã Giám Sinh. Đó là một cử chỉ vội vàng, khiếm nhã, không phù hợp với địa vị người đi hỏi vợ và không đúng với phẩm cách văn hóa của một giám sinh trường Quốc học.
Cũng cùng bọn người xấu xa, lừa lọc, Sở Khanh đã trở thành nỗi sợ hãi cho những bạn gái nào đang độ tuổi yêu đương… Chỉ bằng một hành động “lẻn” và cử chỉ “lẩm nhẩm gật đầu” Nguyễn Du đã lột trần bộ mặt đáng ghê sợ của Sở Khanh khi đánh lừa Kiều:
“Tường đông lay động bóng cành
Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào”
Rồi khi nghe Kiều ân cần kể lể, hắn:
“Lặng nghe lẩm nhẩm gật đầu
Ta đây nào phải ai đâu mà rằng”
Hành động “lẻn” và cử chỉ “lẩm nhẩm” của Sở Khanh có một cái gì đó rất ám muội, không được ngay thẳng nên nó không mang dáng vẻ của một con người tử tế.
Đó là cử chỉ của những loại người lưu manh, xảo trá. Còn Hồ Tôn Hiến, một viên quan đại thần thì sao? Hắn được sai đi dẹp loạn, không đấu với Từ Hải bằng tài năng mà lại dùng mưu mô thấp hèn để mua chuộc Thuý Kiều, lừa hại chết Từ Hải. Vô liêm sỉ hơn, sau khi Từ chết, hắn còn ép Kiều “hầu hạ dưới màn”, làm nhục Kiều:
“Nghe càng đắm, ngắm càng say
Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”
Đằng sau vẻ uy nghiêm của một viên “tổng đốc trọng thần” là một Hồ Tôn Hiến cũng phải “ngây vì tình”. trước vẻ đẹp của Thuý Kiều. Hành động “ngây” đã bộc lộ rõ một hình ảnh si mê, thấp hèn…
Không chỉ có các nhân vật phản diện, đối với các nhân vật chính diện, nhà thơ cũng lựa chọn những chi tiết tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất về hành động, cử chỉ để khắc hoạ tính cách. Điều đó được thể hiện rõ nét đối với hai nhân vật Thúy Kiều và Kim Trọng. Trong tiết thanh minh, sau khi:
“Người quốc sắc kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e”
Kim Trọng về tương tư, ôm ấp bóng hình người đẹp, chàng lân la, tìm mọi cách để gặp Kiều. Nhân dịp gia đình Vương Viên Ngoại về quê mừng thọ, chàng Kim đã không bỏ lỡ cơ hội tốt:
“Thời chân chân thức sẵn bày
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường”.
Còn Kiều, vì tình yêu, vì khao khát hạnh phúc, được tâm sự với người yêu nàng đã:
“Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.
Với cử chỉ “xăm xăm”, thoăn thoắt”, Kiều và Kim Trọng đã bộc lộ rõ họ là những con người dám sống cho tình yêu, họ đã vượt ra khỏi những quy định khắt khe của lễ giáo phòng kiến để hành động theo sự mách bảo của trái tim mình.
Tóm lại, dưới ngòi bút của thi hào, chữ nghĩa có một ma lực ghê gớm, tạo nên những nét vẽ sắc sảo. Những từ “tót”, “lẻn”, “cò kè”, “xăm xăm”, “thoăn thoắt”,… là những từ rất đắt chỉ có ở Nguyễn Du chứ không có trong “Kim Vân Kiều truyện”. Có lẽ vì thế mà nhân vật trong truyện Kiều hiện lên cụ thể, sinh động hơn nhiều so với nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân.
3. Miêu tả nội tâm nhân vật.
Miêu tả nội tâm nhân vật là một trong những thành tựu đặc sắc nhất của nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện Kiều. Ở đây tôi chú ý đến ba hình thức:
* Miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ kể chuyện của tác giả (lời kể trực tiếp)
Ở đoạn trích “Mã Giám Sinh mua Kiều”, trong cảnh mua bán, Thuý Kiều là hiện thân của con người lương thiện bị chà đạp, của sắc tài bị vùi dập thảm thương. Nguyễn Du càng căm ghét tên buôn người Mã Giám Sinh bao nhiêu thì càng cảm thương sâu sắc trước nỗi đau xót, nhục nhã, ê chề của cô gái tài hoa bấy nhiêu. Kiều là một trang “quốc sắc thiên hương” vậy mà bị đem ra mua bán như một món hàng ngoài chợ, Nguyễn Du kể mà như nhập vào nhân vật, cùng đau xót với nhân vật.
“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng
Ngại ngùng dín gió e sương
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dày”
Bốn câu thơ miêu tả nỗi uất ức, xót xa, tủi nhục của một trang tuyệt thế giai nhân trước sự mua bán trơ trẽn của bọn buôn người. Từ đầu đến cuối Kiều không nói một lời, chỉ có nỗi buồn hiện ra qua từng bước chân, nét mặt. Rõ ràng, sự câm lặng, những giọt nước mắt lặng lẽ của Thuý Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh tâm trạng với bi kịch và với tính cách của nàng.
Thế giới nội tâm nhân vật được hiện lên một cách cụ thể và sinh động dưới lời kể tưởng như rất khách quan của nhà thơ. Nhưng ẩn đằng sau những câu chữ có vẻ lạnh lùng ấy là những giọt nước mắt của một trái tim đa sầu, đa cảm. Trong đoạn trích “Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều” Nguyễn Du đã kể lại cuộc chia tay đầy lưu luyến của đôi vợ chồng trẻ. Đối với Thuý Kiều tuy Thúc Sinh không phải là mối tình đầu đầy lãng mạn nhưng cả hai đã có những tháng ngày bên nhau đầy hạnh phúc. Chàng Thúc Sinh đã đem lại cho Kiều một cuộc đời trong sạch, một cuộc sống ấm êm, hoà thuận, cả hai đã “đổi tình trăng gió cho ra đá vàng”. Họ đều không muốn rời nhau nhưng vẫn phải xa nhau. Lần này Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều để nói cho Hoạn Thư biết việc mình đã lấy Kiều làm lẽ. Kiều linh cảm cuộc chia tay này lành ít, dữ nhiều:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
………………………
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”
Qua lời kể của Nguyễn Du, ta thấy hiện lên một hình ảnh một nàng Kiều cô đơn, vò võ với nỗi buồn chia cách. Thiên nhiên quanh nàng cũng trở nên mênh mông, dàn trải, hiu hắt nhuốm đẫm màu quan san, màu của chia ly, cách biệt: một ngàn dâu vô tận, một vầng trăng đơn chiếc, không trọn vẹn. Nhà thơ không cho hai người nói một câu nào mà sao ta cảm thấy họ nói với nhau nhiều thế. Họ nói trong im lặng, qua ánh mắt, họ gửi tâm hồn cho nhau qua cảnh vật. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận được tâm trạng, nét mặt của nàng qua từng câu chữ. Phải có “con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới nghìn đời” và tài năng bậc thầy, Nguyễn Du mới viết được những câu thơ như thế.
Cũng nói về tâm trạng buồn khổ, đau đớn, đoạn thơ miêu tả tiếng đàn của Kiều sau khi bị Hồ Tôn Hiến làm nhục lúc chồng vừa chết nghe mới xót xa làm sao:
“Một cung gió thảm mưa sầu
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”
Tâm trạng đau đớn của Thuý Kiều đã được cụ thể hoá qua tiếng đàn bi thảm, qua những ngón tay bị “nhỏ máu”. Trong các lần gảy đàn của Kiều, không lần nào tiếng đàn bi thiết, đau thương như lần này. Tiếng đàn bật máu. tiếng đàn mang cái chết của Từ Hải và cái chết trong lòng Kiều. Một cõi lòng đã bị dập tắt mọi hạnh phúc, ước mơ. Ta thấy, dường như Nguyễn Du cũng đang tan nát cõi lòng, đang nhỏ máu tâm hồn cùng nàng Kiều tội nghiệp.
Có thể nói, bằng chữ tâm và chữ tài của người nghệ sĩ, Tố Như đã vẽ lên bức chân dung Thuý Kiều không chỉ tuyệt thế giai nhân mà còn có thế giới nội tâm phong phú với những rung động rất đời, rất thực: có nỗi buồn tủi, xót xa, đau đớn, có sự ê chề, hổ thẹn, có nỗi nhớ nhung, khắc khoải. Có lẽ vì thế mà Kiều trở nên gần gũi với đời thực hơn.
* Miêu tả nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại:
Trong đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” tác giả đã thể hiện rất rõ tâm trạng, tư tưởng, tình cảm của Thuý Kiều qua ngôn ngữ độc thoại nội tâm. Ở một mình nơi chiếc lầu chơ vơ giữa mênh mang trời nước ấy, người đầu tiên Kiều nghĩ đến đó là Kim Trọng. Nhớ chàng Kim, nàng nhớ tới lời thề dưới trăng đêm tình tự “dưới nguyệt chén đồng”, thương người yêu đau khổ “rày trông mai chờ”, “bơ vơ”, cô đơn sầu tủi. Những từ ngữ, hình ảnh chỉ không gian và các động từ, vị ngữ “tưởng”, “trông”, “chờ” đã liên kết thành một hệ thống ngôn ngữ độc thoại diễn tả một cách cảm động, sâu sắc tình cảm thương nhớ người yêu trong mối tình đầu, nay vì cảnh ngộ mà chia lìa đau đớn:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Từ nhớ chàng Kim, thương chàng Kim không biết Kiều đã không giữ trọn lời thề vẫn ngày đêm trông ngóng, Kiều lại thấy thương mình. Nàng thấm thía với tình cảnh bơ vơ, trơ trọi của mình nơi “bên trời, góc bể” và nuối tiếc cho mối tình đầu trong trắng. “Tấm son” đây là tấm lòng son sắt của Thuý Kiều đối với Kim Trọng. Bao giờ nàng có thể quên được chàng Kim? Hay đó cũng có thể hiểu là tấm lòng trong trắng của Thuý Kiều bị vùi dập, hoen ố, không biết khi nào mới có thể “gột rửa” được.
Trong dòng suy nghĩ miên man, Kiều hết nhớ người yêu lại xót thương cha mẹ:
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Nhà thơ đã dùng các từ ngữ chỉ thời gian xa cách, các thi liệu, điển cố của văn học Trung Hoa như “Sân Lai”, “gốc tử” và thành ngữ “quạt nồng, ấp lạnh”, đặc biệt hình ảnh mẹ già “tựa cửa hôm mai” đợi chờ, trông ngóng đứa con lưu lạc quê người đã cực tả nỗi nhớ thương cha mẹ, nỗi đau buồn của đứa con gái đầu lòng không thể, không được chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi song thân đã già yếu, khi “gốc tử đã vừa người ôm”. Giọng thơ rưng rưng lệ, nỗi đau của nàng Kiều như thấm vào cảnh vật, thời gian và lòng người bấy lâu nay.
Rõ ràng, chỉ một đoạn thơ ngắn gọn, cụ Tiên Điền đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm kết hợp hài hoà với phong cách cổ điển tạo nên những vần thơ biểu cảm thể hiện một tâm trạng, một cảnh ngộ đầy bi kịch của Thuý Kiều. Trong cảnh chia lìa “trâm gãy bình tan” nàng vẫn dành cho “người tình chung” bao tình thương nhớ và luôn nhớ thương, xót xa cho cha mẹ chốn quê nhà. Nàng quả là một người tình thuỷ chung, một người con hiếu thảo.
Trong suốt quãng đời mười lăm năm lưu lạc, Nguễn Du đã nhiều lần để Kiều độc thoại để từ đó bộc lộ chính mình.
Có lúc, nàng đau đớn, dằn vặt, xót xa và cảm thấy tủi nhục sau những đêm “bướm lả ong lơi” và “cuộc say đầy tháng”:
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa”
Có khi nàng băn khoăn, trăn trở, hãi hùng về cuộc sống, về tương lai, về thân phận của mình. Nỗi lo sợ đó luôn ám ảnh, làm nàng day dứt khôn nguôi:
“Một mình lưỡng lự canh chày
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”
Đặc biệt khi Kiều khuyên Từ Hải ra hàng, ngôn ngữ độc thoại nội tâm đã bộc lộ rõ nét tâm lí, những suy nghĩ rất thực của một cô gái nửa đời nếm trải đủ mùi cay đắng:
“Nghĩ mình mặt nước cánh bèo
Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân
Bằng nay chịu tiếng vương thần
Thênh thang đường cái thanh vân hẹp gì”
Q ua đoạn thơ, ta thấy tâm lí nàng Kiều hiện lên rất thực: nàng biết, khi Từ Hải ra hàng thì phải chịu nhiều thiệt thòi, phải mang tiếng “vương thần” song bên cạnh đó là cả một tương lai tươi sáng, rực rỡ với nhiều điều lợi. Dù sao, Kiều cũng chỉ là một nạn nhân mà nguyên vọng duy nhất của nàng là được sống yên ổn, lương thiện và trong sạch.
* Miêu tả nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại:
Để nhân vật của mình hiện lên đầy đủ, toàn diện, Nguyễn Du đã miêu tả họ với cái nhìn nhiều chiều, có khi là miêu tả ngoại hình, có khi miêu tả nội tâm, có khi lại thông qua những ngôn ngữ đối thoại của họ để thấy được tính cách sống động của mỗi nhân vật.
Ở đoạn trích “Thuý Kiều báo ân báo oán” ngôn ngữ đối thoại được thể hiện rõ ràng hơn cả. Có hai cuộc đối thoại, đối thoại giữa Kiều với Thúc Sinh và đối thoại giữa Kiều với Hoạn Thư.
Lúc này, sau bao nhiêu sóng gió, Kiều được Từ Hải, người anh hùng “đội trời đạp đất” cứu ra khỏi lầu xanh, giúp nàng báo ân, trả oán. Từ Hải đã đưa Kiều từ thân phận của một kỹ nữ chốn lầu xanh nhơ bẩn bước lên địa vị của một mệnh phụ phu nhân, một quan toà cầm cán cân công lí. Trước phiên toà ấy, nàng cho gọi những người đã từng có ân, có oán với mình đến.
Người đầu tiên được Kiều mời đến là Thúc Sinh. Trước cảnh oai nghiêm nơi công đường với những gươm lớn, giáo dài, chàng Thúc hoảng sợ đến mức mất cả thần sắc: “mặt như chàm đổ, người dường dẽ run”. Và có lẽ, chàng Thúc thật sự bất ngờ khi nghe những lời nói giàu ân tình của Thuý Kiều:
“Nàng rằng: Nghĩa nặng nghìn non
Lâm Tri người cũ chàng còn nhớ không
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?”
Rõ ràng, Kiều chưa hề quên tấm lòng Thúc Sinh ngày trước đã yêu thương nàng, cứu nàng ra khỏi lầu xanh và cho nàng những ngày tháng êm đềm hạnh phúc. Nàng trân trọng gọi đó là “nghĩa nặng nghìn non”, bày tỏ tấm lòng biết ơn chân thành. Tuy chẳng được làm vợ chồng với Thúc Sinh trọn vẹn lại còn phải chịu nỗi khổ nhục của kiếp tôi đòi, nhưng Thuý Kiều không hề trách Thúc Sinh. Nàng hoàn toàn thông cảm và hiểu lỗi không phải do chàng Thúc: “Tại ai, ai dám phụ lòng cố nhân”. Dù có “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” cũng chưa dễ xứng với ân nghĩa của Thúc Sinh dành cho mình.
Đối thoại với Thúc Sinh, Kiều nói bằng một ngôn ngữ rất trang trọng “nghĩa nặng nhìn non”, “chẳng vẹn chữ tòng”… hầu hết là những từ Hán – Việt, lại dùng cả điển cố “Sâm thương”. Cách nói đó phù hợp với chàng thư sinh họ Thúc đồng thời diễn tả được tấm lòng trân trọng biết ơn của Thuý Kiều.
Trong cuộc đối thoại với Thúc Sinh, Thuý Kiều không hề trách chàng nhưng nàng cũng không sao nguôi ngoai được sự oán giận và những khổ đau mà Hoạn Thư đã gây ra cho mình. Vì thế, ngay từ khi đang nói chuyện với Thúc Sinh, Kiều đã nhắc đến Hoạn Thư:
“Vợ chàng quỷ quái tinh ma
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau
Kiến bò miệng chén chưa lâu
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”
Cách nói đã hoàn toàn thay đổi. Nói về ân nghĩa của Thúc Sinh, Kiều nói bằng một ngôn ngữ trang trọng thì khi nhắc tới Hoạn Thư ngôn ngữ lại chuyển sang nôm na, bình dị như kiểu nói của người bình dân. Những thành ngữ quen thuộc “Kẻ cắp bà già”, “Kiến bò miệng chén” và câu nói dứt khoát: “Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa” hứa hẹn một cuộc báo oán theo quan điểm của nhân dân: cái ác phải bị trừng trị, “ác giả, ác báo”.
Như vậy, qua cuộc đối thoại với Thúc Sinh, tính cách của Kiều đã được bộc lộ khá rõ ràng. Nàng quả là con người sống có trước, có sau, có tình, có nghĩa.
Sau khi trả ơn Thúc Sinh, bà quản gia nhà họ Hoạn và sư Giác Duyên, Thuý Kiều mới bước vào cuộc báo thù:
“Dưới cờ gươm tuốt nắp ra
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư”
Thoắt trông thấy Hoạn Thư, Thuý Kiều đã cất tiếng chào với một thái độ mỉa mai:
“Thoắt trông nàng đã chào thưa:
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây”
Nàng vẫn dùng cách xưng hô như hồi còn làm Hoa nô cho nhà họ Hoạn, vẫn một điều “chào thưa”, hai điều “tiểu thư”. Cách xưng hô này trong hoàn cảnh giữa Kiều và Hoạn Thư đã có sự thay bậc đổi ngôi là một đòn mỉa mai quất mạnh vào “danh gia” họ Hoạn làm cho Hoạn thư càng xấu hổ và sợ hãi. Nói với Hoạn Thư, lời nói của Kiều có giọng đay nghiến, chất chứa bao căm giận:
“Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan
Dễ dàng là thói hồng nhan
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều”
Từ ngữ được lặp đi lặp lại, lời nói như dằn ra từng tiếng “dễ có, dễ dàng, mấy mặt, mấy gan, đời xưa, đời nay, càng…càng…, lắm, nhiều”. Đối với Hoạn Thư, một con người “Bề ngoài thơn thớt nói cười – Mà trong nham hiểm giết người không dao” thì cách nói của Kiều quả là phù hợp, quả là đích đáng.
Trước những lời nói mỉa mai, đay nghiến đó của Kiều, Hoạn Thư đã xử trí ra sao?
Giây phút đầu, Hoạn Thư có “hồn lạc phách xiêu” nhưng ngay sau đó, người đàn bà giảo hoạt và khôn ngoan ấy đã kịp định thần lại mà: “Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca”. Những “điều kêu ca” của Hoạn Thư thực chất là lí lẽ để gỡ tội:
“Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”
Cái lí lẽ đầu tiên mà Hoạn Thư đưa ra là tâm lí thường tình của người phụ nữ. Thật tài cho Hoạn Thư. Chỉ mấy chữ “chút phận đàn bà” đủ gợi sự cảm thông của đối phương, bởi hơn ai hết, Kiều chính là người đã nếm trải đủ cay đắng của “chút phận đàn bà” ấy. Mà đã là đàn bà với nhau, ai lại đi kết tội sự ghen tuông vì: “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai”. Lí lẽ này đã xoá đi sự đối lập giữa Kiều và Hoạn Thư, đưa Kiều từ vị thế quan tòa trở thành người đồng cảnh, cùng chung “chút phận đàn bà” còn Hoạn Thư – tội nhân bỗng trở thành người cùng cảnh ngộ: nạn nhân của chế độ đa thê.
Tiếp theo, Hoạn Thư gợi lại chút ân tình ngày xưa: một là, đã cho Kiều xuống Quan Âm các “giữ chùa chép kinh”, không bắt làm thị tì nữa; hai là: khi Kiều bỏ chốn mang theo chuông vàng, khánh bạc để làm lộ phí Hoạn Thư cũng đã bỏ qua, không cho người đuổi bắt. Cách nói rất khéo chỉ gợi sự thật và chuyện cũ ra, chỉ người trong cuộc mới biết. Ở đây Hoạn Thư mong Kiều nhớ lại cho, suy nghĩ lại cho:
“Nghĩ cho khi gác viết Kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”
Mặt khác Hoạn Thư bày tỏ tấm lòng riêng của mình với Thuý Kiều. Mặc dù sống trong cảnh “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai” nhưng tự trong sâu thẳm lòng mình, Hoạn Thư vẫn luôn “kính yêu” Kiều. Quả thật, trong thực tế, Kiều đúng là “tình địch” của Hoạn Thư. Nhưng Hoạn Thư đã vượt lên trên cái thường tình của người đàn bà để ca ngợi đối thủ trước mặt chồng mình:
“Liền tay trao lại Thúc Sinh
Rằng: tài nên trọng mà tình nên thương
Ví chăng có số giàu sang
Số này dẫu đúc nhà vàng cũng nên”
Bây giờ Hoạn Thư gợi lại chuyện đó: “Lòng riêng riêng nhưng kính yêu” làm sao mà Kiều không động lòng trắc ẩn.
Trong cuộc đối thoại với Thuý Kiều – cuối cùng Hoạn thư nhận tất cả tội lỗi về mình: “Trót lòng gây việc trông gai”. Nói “trót lòng” là Hoạn Thư muốn thanh minh việc mình làm chỉ là bất đắc dĩ. Giờ đây nàng chỉ còn biết xin Kiều rộng lòng tha thứ:
“Trót lòng gây việc chông gai
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”
Trong tình cảnh ấy mà còn có thể ăn nói đến mức như vậy, Hoạn Thư quả là con người “sâu sắc nước đời” đến “quỷ quái tinh ma”, đúng là đối thủ xứng tầm với phu nhân Từ Hải. Rõ ràng lời gỡ tội của Hoạn Thư thật có lí, có tình. Lời cầu xin đúng mực chân thành khiến Thuý Kiều cũng phải thừa nhận sự thông minh, giảo hoạt của Hoạn Thư và ban một lời khen:
“Khen cho: Thật đã nên rằng
Không ngoan đến mực, nói năng phải lời”
Không thể là người nhỏ nhen, Kiều đã tha tội cho Hoạn Thư:
“Truyền quân lệnh xuống, trướng tiền tha ngay”
Sự việc diễn ra quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Bởi vì, khi bắt đầu cuộc báo oán, Kiều bảo mọi người ngồi lại để: “xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù” nghĩa là Kiều kiên quyết trừng phạt. Nhưng giờ đây trước lý lẽ sắc sảo của Hoạn Thư, vả lại “đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh người chạy lại”. Hoạn Thư đã biết lỗi Kiều cũng độ lượng thứ tha. Hơn thế, Kiều vốn là người phụ nữ trung hậu, đã từng nếm trải bao cay đắng và ngang trái trong cuộc đời. Nàng cũng tự biết, mình đã xâm phạm đến hạnh phúc của người khác. Vì vậy, tha tội cho Hoạn Thư, Kiều tỏ ra vô cùng cao thượng. Hành động ấy bộc lộ tấm lòng vị tha, nhân hậu tuyệt vời cuả Thuý Kiều.
Màn báo ân báo oán là cuộc đối đầu giữa hai người đàn bà giỏi giang, độc đáo nhất trong “Truyện Kiều”. Qua màn báo ân báo oán, người đọc thấy được sự sáng tạo vượt bậc của ngòi bút thiên tài Nguyễn Du. Cảnh pháp trường trung cổ được miêu tả ước lệ mà không kém phần uy nghiêm. Lời thoại rất gọn mà sắc, đã làm nổi bật tâm lý, tính cách của các nhân vật: Thúc Sinh hiền lành mà nhát sợ, Hoạn Thư thì khôn ngoan, sắc sảo; Kiều rất cao thượng, nhân hậu, bao dung.