»» Nội dung bài viết:
Ôn tập văn bản học kỳ 2 – Ngữ văn 7.
Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh).
1. Bố cục (3 phần):
– Phần 1 (từ đầu đến “lũ bán nước và cướp nước”): Nêu vấn đề nghị luận – Nhận định chung về lòng yêu nước.
– Phần 2 (tiếp đó đến “lòng nồng nàn yêu nước”): Chứng minh lòng yêu nước của nhân dân ta.
– Phần 3 (còn lại): Nhiệm vụ của mọi người.
2. Nội dung:
Bằng những dẫn chứng cụ thể, phong phú, giàu sức thuyết phục trong lịch sử dân tộc và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài văn đã làm sáng tỏ một chân lí: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”
3. Nghệ thuật:
– Bố cục chặt chẽ, luận điểm ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc.
– Dẫn chứng được chọn lọc, trình bày hợp lí, giàu sức thuyết phục.
– Cách diễn đạt trong sáng, nhiều hình ảnh so sánh độc đáo.
Sự giàu đẹp của tiếng Việt (Đặng Thai Mai)
1. Bố cục (2 phần):
– Phần 1 (từ đầu đến “qua các thời kì lịch sử”): Nhận định chung về sự giàu đẹp của tiếng Việt.
– Phần 2 (còn lại): Chứng minh sự giàu đẹp của tiếng Việt.
2. Nội dung:
Bài văn đã chứng minh sự giàu có và đẹp đẽ của tiếng Việt trên nhiều phương diện: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Tiếng Việt, với những phẩm chất bền vững và giàu khả năng sáng tạo trong quá trình phát triển lâu dài của nó, là một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc.
3. Nghệ thuật:
– Kết hợp khéo léo giữa lập luận giải thích và lập luận chứng minh, bình luận.
– Lập luận chặt chẽ.
– Dẫn chứng phong phú, bao quát toàn diện.
– Câu văn mạch lạc, trong sáng, sử dụng nhiều biện pháp mở rộng câu.
Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng)
1. Bố cục gồm 2 phần:
– Phần 1 (Từ đầu … đến “trong sáng, thanh bạch, tuyệt đẹp”): Sự nhất quán giữa cuộc đời cách mạng và cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác.
– Phần 2 (Còn lại): Tác giả chứng minh sự giản dị của Bác trong sinh hoạt, lối sống, việc làm.
2. Nội dung
Tác phẩm đã nêu lên một trong những đức tính cao đẹp của Bác Hồ: sự giản dị. Đức tính giản dị là một phẩm chất cao quý của Bác. Bác giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong lời nói và bài viết. Ở Bác, sự giản dị hòa hợp với đời sống tinh thần phong phú, với tư tưởng và tình cảm cao đẹp.
3. Nghệ thuật
– Luận điểm ngắn gọn, rõ ràng.
– Hệ thống luận cứ đầy đủ, xác đáng, chặt chẽ.
– Dẫn chứng cụ thể, phong phú, chính xác, giàu sức thuyết phục.
– Bình luận sâu sắc, chưa đựng tình cảm của người viết.
Ý nghĩa văn chương (Hoài Thanh).
1. Bố cục gồm 3 phần:
– Phần 1 (từ đầu đến “muôn vật, muôn loài”): Nguồn gốc của văn chương.
– Phần 2 (tiếp đó đến “gợi lòng vị tha”): Nhiệm vụ của văn chương.
– Phần 3 (còn lại): Công dụng của văn chương.
2. Nội dung:
Với một lối văn vừa có lí lẽ, vừa có cảm xúc và hình ảnh, Hoài Thanh khẳng định: nguồn gốc cốt yếu của văn chương là tình cảm và lòng vị tha. Văn chương là hình ảnh của sự sống muôn hình vạn trạng và sáng tạo ra sự sống, gây những tình cảm không có, luyện những tình cảm sẵn có. Đời sống tinh thần của nhân loại nếu thiếu văn chương thì sẽ rất nghèo nàn.
3. Nghệ thuật:
– Lối văn nghị luận vừa có lí lẽ vừa có cảm xúc.
– Luận điểm rõ ràng,luận chứng minh bạch, đầy sức thuyết phục
– Diễn đạt bằng lời văn giản dị, giàu hình ảnh, cảm xúc.
Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn).
Bố cục (3 phần)
– Phần 1 (từ đầu đến “khúc đê này vỡ mất”): Tình hình vỡ đê vá sức chống đỡ
– Phần 2 (tiếp đó đến “Điếu, mày!”): Cảnh quan phụ mẫu đánh tổ tôm khi “đi hộ đê”
– Phần 3 (Phần còn lại): Cảnh đê vỡ nhân dân lâm vào tình trạng thảm sầu.
c. Tóm tắt
Sống chết mặc bay là câu chuyện về sự tắc trách của quan phụ mẫu làng X, thuộc phủ X dẫn đến cái chết của hàng bao nhiêu con người, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn. Bởi trong khi dân chúng khổ cực, vất vả giữ đê ngăn nước lũ từ sông Nhị Hà thì quan phụ mẫu vẫn say sưa với ván bài tổ tôm trong cái đình cao và vững chãi, mặc kệ dân chúng ngoài kia.
2. Giá trị nội dung và nghệ thuật
a. Nội dung
Sống chết mặc bay cho thấy sự đối lập hoàn toàn giữa cuộc sống cơ cực của người dân và cuộc sống sa hoa, sung sướng của bọn cầm quyền mà đứng đầu là tên quan phụ mẫu lòng lang dạ thú. Thể hiện niềm thương cảm của tác giả trước cuộc sống cơ cực của người dân do thiên tai và sự thờ ơ, vô trách nhiệm của bọn cầm quyền đưa đến mà đứng đầu là tên quan phủ độc ác.
b. Nghệ thuật
– Kết hợp nghệ thuật tương phản và tăng cấp khéo léo.
– Lời văn cụ thể, sinh động, giàu cảm xúc.
– Miêu tả nhân vật sắc nét.
– Lựa chọn ngôi kể khách quan.
– Ngôn ngữ kể, tả ngắn gọn khắc họa chân dung nhân vật sinh động.
Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (Nguyễn Ái Quốc).
1. Bố cục: 3 đoạn
– Đoạn 1 (Từ đầu … đến “Phan Bội Châu vẫn bị giam trong tù“): Lời hứa của Va-ren với Phan Bội Châu.
– Đoạn 2 (Tiếp theo … đến “không hiểu Phan Bội Châu“): Những trò lố của Va-ren với cụ Phan Bội Châu.
– Đoạn 3 (Còn lại): Thái độ của Phan Bội Châu.
2. Nội dung:
Tác phẩm khắc họa một cách rất sắc nét hai nhân vật với hai tính cách, đại diện cho hai lực lượng xã hội hoàn toàn đối lập nhau trên đất nước ta thời pháp thuộc: Va-ren là kẻ gian trá, lố bịch, đại diện cho thực dân Pháp phản động ở Đông Dương. Phan Bội Châu kiên cường, bất khuất, xứng đáng là bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập, tiêu biểu cho khí phách dân tộc Việt Nam.
3. Nghệ thuật:
-Sử dụng biện pháp tương phản nhằm khắc họa hai hình tượng nhân vật đối lập: người anh hùng Phan Bội Châu và kẻ phản bội hèn hạ Va-ren.
– Sáng tạo nên hình thức ngôn ngữ đối thoại đơn phương của Va-ren
– Có giọng điệu mỉa mai, châm biếm sâu cay. Giọng văn sắc sảo, hóm hỉnh
– Lựa chọn các chi tiết miêu tả độc đáo, giàu ý nghĩa tượng trưng.
– Giàu khả năng liên tưởng, hư cấu.
Ca Huế trên Sông Hương (Hà Ánh Minh)
1. Bố cục: 2 đoạn
– Đoạn 1 (Từ đầu … đến “lí hoài nam“): Giới thiệu sơ lược một số làn điệu dân ca Huế.
– Đoạn 2 (Còn lại): Đêm nghe ca Huế trên sông Hương.
2. Nội dung:
Qua buổi ca Huế trên sông Hương, tác giả thể hiện lòng yêu mến, niềm tự hào đối với di sản văn hóa độc đáo của Huế, cũng là một di sản văn hóa dân tộc cần được trân trọng, bảo tồn và phát triển.
3. Nghệ thuật:
– Viết theo thể bút kí.
– Sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu biểu cảm, thấm đẫm chất thơ.
– Miêu tả âm thanh, cảnh vật, con người sinh động.
– Thủ pháp liệt kê kết hợp với giải thích, bình luận.
– Miêu tả đặc sắc, gợi hình, gợi cảm, chân thực.